Từ chỗ bị xem là một dạng huyền thoại, ngụ ngôn, chứ không phải là bằng chứng khả tín, các kiến thức của thổ dân Úc giờ đây đã được chính phủ đề cao, trở thành một phần quan trọng để tích hợp vào các dự án khoa học và nghiên cứu của đất nước.

Nhà thiên văn học Karlie Noon (Đại học Newcastle) là một người thuộc bộ tộc Kamilaroi ở Úc. Cô đã tham gia tổ chức Giải thưởng STEM do Quỹ BHP Billiton tài trợ nhằm ghi nhận thành tích của các sinh viên và nhà khoa học là người thổ dân và người dân đảo Torres Strait. Ảnh: CSIRO
Nhà thiên văn học Karlie Noon (Đại học Newcastle) là một người thuộc bộ tộc Kamilaroi ở Úc. Cô đã tham gia tổ chức Giải thưởng STEM do Quỹ BHP Billiton tài trợ nhằm ghi nhận thành tích của các sinh viên và nhà khoa học là người thổ dân và người dân đảo Torres Strait. Ảnh: CSIRO

Mới đây, Chính phủ Úc đã công bố Tuyên bố khoa học quốc gia, trong đó cập nhật các ưu tiên trong nghiên cứu khoa học của đất nước.

Bản cập nhật này thay thế các ưu tiên hiện tại - mà chính phủ cho rằng “không còn phù hợp với mục tiêu của đất nước”. Những mục tiêu mới sẽ dẫn dắt chính phủ, các trường đại học và khu vực tư nhân chiến lược phát triển trong thập kỷ tới.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Khoa học Ed Husic đã công bố năm ưu tiên mới: (1) Chuyển đổi sang tương lai không phát thải; (2) Hỗ trợ cho cộng đồng khỏe mạnh và thịnh vượng; (3) Nâng cao hệ thống tri thức của thổ dân và người dân đảo Torres Strait; (4) Bảo vệ và phục hồi môi trường của Úc; (4) Xây dựng một quốc gia an toàn và kiên cường.

Chính phủ Úc cho biết các nghiên cứu ưu tiên sẽ giúp đất nước có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối mặt với các đại dịch trong tương lai, thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng phó với sự phát triển của AI và tự động hóa.

“Khoa học là trọng tâm của hầu hết mọi khía cạnh trong đời sống của chúng ta, và khoa học càng đặc biệt quan trọng trong quá trình chúng ta giải quyết những thách thức hiện nay”, TS. Cathy Foley, người phụ trách khoa học của Chính phủ Úc cho rằng các ưu tiên này là điểm khởi đầu tuyệt vời giúp các nhà khoa học trong những lĩnh vực khác nhau hợp tác liên ngành với nhau.

Trong đó, ở ưu tiên thứ ba, chính phủ sẽ ưu tiên kết hợp kiến thức bản địa của thổ dân Úc và người dân đảo Torres Strait vào các công nghệ mới nổi - đặc biệt là công nghệ số và dữ liệu - đồng thời bảo vệ tài sản văn hóa và trí tuệ của họ.

Để làm được điều đó, người dân sẽ trực tiếp tham gia hướng dẫn - với tư cách là những nhà lãnh đạo cộng đồng, người nắm giữ kiến ​​thức truyền thống hay nhà nghiên cứu - đối với các nghiên cứu ảnh hưởng liên quan đến họ.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Khoa học Ed Husic cho biết các ưu tiên về khoa học của Úc đã “ghi nhận hệ thống kiến ​​thức được người dân bản địa phát triển trong hơn 65.000 năm trên lục địa này, và tìm cách áp dụng kiến ​​thức chuyên môn đó để mang lại lợi ích kinh tế và xã hội cho đất nước”.

Tôn vinh kiến thức bản địa

Trong Tuyên bố khoa học quốc gia, các nhà hoạch định đã nhấn mạnh rằng thổ dân và người dân đảo Torres Strait đóng góp những giá trị cho STEM. Họ nắm giữ kiến ​​thức sâu sắc về lục địa Úc và các hệ thống tự nhiên, được xây dựng suốt hàng vạn năm không gián đoạn. Từ đây, họ khám phá ra những loại thuốc và liệu pháp mới, vật liệu mới và những cách mới để quản lý và bảo vệ môi trường độc đáo nhằm đảm bảo mức độ đa dạng sinh học phong phú cho các thế hệ tương lai.

Có nhiều ví dụ về việc kiến ​​thức bản địa có thể đóng góp vào quá trình xử lý những vấn đề nhức nhối hiện nay. Hoạt động đốt rừng truyền thống có kiểm soát của thổ dân có tính đến điều kiện thời tiết, thực vật, môi trường và động vật tại địa phương. Quá trình này hé lộ cách thực vật phản ứng với lửa, cách giảm thiểu nguy cơ xảy ra các vụ cháy lớn, cải thiện chất lượng đất, gia tăng chất dinh dưỡng trong đất và giúp vi khuẩn có lợi phát triển mạnh hơn. Bên cạnh đó, người bản địa nắm giữ những kiến thức thú vị trong quản lý nước bền vững, tái tạo môi trường sinh thái và văn hóa.


Khoa học Úc có thể thu được nhiều lợi ích bằng cách tiếp thu tri thức bản địa như một phần của khoa học. Điều này phải được thực hiện với sự tôn trọng và công bằng tuyệt đối.
Kylie Walker


Khoa học Úc sẽ được hưởng lợi từ việc học hỏi từ kiến ​​thức của người bản địa và tạo nên mức độ đa dạng lớn trong lực lượng lao động bằng cách cung cấp nhiều cơ hội hơn cho các nhà khoa học bản địa và người dân đảo Torres Strait.

Hiện nay, Chính phủ Úc đang cần một lực lượng lao động đa dạng, có trình độ STEM để đáp ứng sự phát triển của các ngành công nghiệp mới.

Chính phủ Úc cho rằng họ không thể chỉ dựa vào việc nhập khẩu nhân tài để lấp đầy khoảng trống về lao động có tay nghề cao. Thay vào đó, họ triển khai một giải pháp lâu dài, bằng cách triển khai các môn STEM từ hệ thống tiểu học đến các cấp học sau nhiều hơn và trao quyền cho nhiều cộng đồng đa dạng để họ có thể nhìn thấy tương lai của mình trong STEM.

Theo Đánh giá đa dạng trong STEM gần đây, năm 2021, chỉ có 0,5% người thổ dân và người dân đảo Torres Strait có bằng STEM, so với 4,9% dân số Úc . Điều này cần phải thay đổi nếu nước Úc muốn thúc đẩy các ưu tiên về khoa học và nghiên cứu của mình. Chính phủ cũng cần đầu tư dài hạn hơn vào cơ sở hạ tầng nghiên cứu cũng như giáo dục và đào tạo STEM.

“Kiến thức bản địa đóng vai trò quan trọng đối với Úc - đó là nền tảng xây dựng nên hệ thống kiến ​​thức của đất nước chúng tôi”, Misha Schubert, Tổng Giám đốc Điều hành của Science & Technology Australia - cơ quan đại diện cho hơn 90.000 nhà khoa học và chuyên gia công nghệ hàng đầu của Úc, cho biết. “Những kiến thức ấy là đặc điểm khiến Úc - và các nỗ lực nghiên cứu và khoa học của chúng tôi - trở nên độc đáo trên thế giới. Không nên xem kiến thức bản địa đơn thuần là yếu tố thúc đẩy các mục tiêu khác trong khoa học và nghiên cứu của Úc.”

Điều này đã được chứng thực gần đây thông qua dự án hợp tác giữa ông John Watson - một thổ dân Nyikina Mangala - và GS. Ron Quinn (Đại học New South Wales). Họ đã cùng nhau biến vỏ cây Mudjala thành phương pháp điều trị tự nhiên cho những cơn đau dữ dội .

Theo một nghiên cứu viên thuộc Đại học Quốc gia Úc, trong lịch sử, Chính phủ Úc đã chưa công nhận và tôn vinh đúng mức hệ thống kiến thức của người dân bản địa. Hiện tại, “Úc có thể thu về nhiều lợi ích bằng cách tiếp thu hoàn toàn tri thức bản địa như một phần của khoa học. Điều này phải được thực hiện với sự tôn trọng và công bằng tuyệt đối”.

PGS. Bradley Moggridge (Đại học Canberra), và cũng là một người thổ dân Kamilaroi, tin rằng việc loại trừ người bản địa khỏi chính sách và quá trình ra quyết định khoa học trước đây bắt nguồn từ thái độ coi thường giá trị kiến thức của người bản địa. “Kiến thức của chúng tôi vẫn bị coi là một dạng huyền thoại, truyền thuyết và ngụ ngôn, chứ không phải là bằng chứng, không phải là tri thức được rút ra sau hàng ngàn năm quan sát”, ông cho biết.

“Toàn bộ mô hình đang thay đổi: Người bản địa giờ đây không phải là đối tượng được nghiên cứu – họ trở thành nhà nghiên cứu”, ông nhận định.

Nguồn: The Conversation,
The Guardian

Đăng số 1306 (số 34/2024) KH&PT