Dù đã rời khỏi Afghanistan và bắt đầu cuộc sống mới tại nơi đất khách, các nhà khoa học tị nạn vẫn đang phải đối diện với nỗi sợ bị kì thị, mất việc và luôn canh cánh nỗi lo về tình hình của những người thân vẫn còn bị mắc kẹt tại quê nhà.

Taliban đã cấm phụ nữ Afghanistan đi học đại học. Bức ảnh này được chụp vào năm 2013 tại Đại học Kardan ở Kabul. Ảnh: Ahmad Jamshid/AP
Taliban đã cấm phụ nữ Afghanistan đi học đại học. Bức ảnh này được chụp vào năm 2013 tại Đại học Kardan ở Kabul. Ảnh: Ahmad Jamshid/AP

Ba năm trôi qua kể từ khi Taliban giành lấy chính quyền, năm triệu người đã rời khỏi Afghanistan, trong số đó có rất nhiều nhà khoa học. Tạp chí Nature đã liên hệ và trò chuyện với một số nhà nghiên cứu đang tị nạn tại nước ngoài.

Những trải nghiệm của họ giúp ta hiểu tại sao nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt là phụ nữ, đã chọn cách rời khỏi đất nước.

Bác sĩ lâm sàng Shekiba Madadi đã được đào tạo hơn một năm tại một trung tâm nghiên cứu ở Kabul, trước khi Taliban giành quyền kiểm soát vào ngày 15/8/2021.

BS. Madadi tập trung nghiên cứu vào tác động của những bài thuốc thảo dược từ cây dâm bụt trong việc giảm các triệu chứng cai nghiện morphin ở chuột, song công trình đó đã bị chấm dứt hoàn toàn. “Taliban nói rằng con gái không nên đến trung tâm nghiên cứu”, BS. Madadi kể. “Tôi đã rơi vào tình trạng trầm cảm khi sự việc diễn ra.”

Cô nhớ về nỗi sợ trong những tháng đầu tiên dưới chế độ mới. Ai cũng sợ hãi và không dám ra khỏi nhà. Cuối cùng, BS. Madadi bắt đầu quay lại làm việc tại một bệnh viện tư nhân, cô đã chăm sóc các bệnh nhân nữ dưới sự giám sát của các bác sĩ khác. Cô luôn luôn phải che kín cơ thể ngoại trừ đôi mắt, vì sợ Taliban. Công việc nghiên cứu tại trường đại học đi xuống, ngay cả đối với nam giới, do thiếu kinh phí. Đã có nhiều nhà nghiên cứu rời khỏi phòng thí nghiệm để làm việc trong các nghiên cứu khảo sát y tế công cộng, nhưng Taliban đã cảnh báo không được xuất bản bất cứ thông tin nào tiêu cực về chính quyền.

Theo Orzala Nemat, nhà nghiên cứu về dân tộc học chính trị tại tổ chức Nghiên cứu phát triển quốc tế ODI ở London, một số dự án vẫn đang được tiến hành, song các nhà nghiên cứu cảm thấy không an toàn khi xuất bản và chia sẻ phân tích của mình vì sợ bị truy tố.

Tháng 3/2023, BS. Madadi đã vượt biên sang Pakistan và chuẩn bị giấy tờ để đi Mỹ. Cô đến Mỹ vào tháng 7/2023 dưới sự hỗ trợ của một chương trình Mỹ. Hiện tại, BS. Madadi đang học thêm để đáp ứng đủ điều kiện hành nghề bác sĩ tại một trung tâm điều trị tim mạch tư nhân. Chia sẻ với phóng viên, cô tự coi mình là một người may mắn. Một số bạn bè Afghanistan của cô đã rời đi nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc kiếm tiền để hỗ trợ bản thân và gia đình ở quê nhà.

Sự cô lập quốc tế đối với Afghanistan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc đời một nhà khoa học khác - nhà nghiên cứu A - cô yêu cầu giấu tên để bảo vệ gia đình mình. Sự kiện Taliban lên nắm quyền không chỉ thay đổi cuộc đời mà còn cướp đi của cô tương lai nhiều hy vọng, khi đó, cô đang học năm cuối tại trường y ở Iran và không thể trở về nhà.

Sau khi tốt nghiệp, nghiên cứu viên A giành được một vị trí nghiên cứu về sinh sản tại Mỹ, song cô gặp khó khăn khi di chuyển. Với quyển hộ chiếu Afghanistan trên tay, cô có cảm giác giống như bị cầm tù. “Tôi không thể đi đâu cả. Thêm vào đó, tôi luôn cảm thấy mọi người có cái nhìn tiêu cực về quốc tịch của mình”. Đây cũng là điều mà các nhà nghiên cứu khác khi trò chuyện với tạp chí Nature chia sẻ.

Dù gặp khó khăn, A vẫn tiếp tục hỗ trợ các nữ sinh viên y khoa trẻ ở Afghanistan, những người đã bị cấm thi vào các trường đại học. Cô tổ chức những khóa đào tạo trực tuyến để truyền đạt kiến thức - từ viết đề xuất nghiên cứu đến chuẩn bị bảng câu hỏi cho các cuộc khảo sát về sức khỏe sinh sản. Các học viên của cô đã thu thập câu trả lời từ khoảng 600 phụ nữ tại các bệnh viện trên khắp Afghanistan. Bản thảo nghiên cứu của họ hiện đang được bình duyệt ở một tạp chí nghiên cứu.

Tuy nhiên, việc không kiếm được việc làm khiến cho một số nữ sinh viên nản lòng, theo nghiên cứu viên A. Em gái của cô hiện vẫn ở Afghanistan, một người đã theo học nhiều khóa đào tạo trực tuyến vẫn thường hỏi cô: “Tất cả những lớp học này rốt cục sẽ giúp ích được gì cho em?”
Theo A, ngay cả khi Taliban rời khỏi Afghanistan, “sẽ mất rất, rất lâu để đất nước này bắt đầu lại. Taliban đang phá vỡ nền tảng của học thuật và nghiên cứu. Nếu bạn muốn hủy hoại một quốc gia, hãy đóng cửa các trường học.”

Các trường học và đại học vẫn mở cửa cho nam sinh, và Taliban đang khuyến khích một số lĩnh vực nghiên cứu miễn là nó không đụng chạm các chính sách của họ. Nghiên cứu viên B đã làm giảng viên hai năm dưới thời chính quyền Taliban, hiện anh đang làm nghiên cứu sinh tại một đại học ở Mỹ. Theo anh, các nghiên cứu liên quan đến cộng đồng, chẳng hạn như các nghiên cứu giáo dục vẫn được cho phép ở Afghanistan.

Nếu lên tiếng phản đối Taliban, các nhà khoa học sẽ phải đối diện với hậu quả nghiêm trọng. Vào tháng 1/2022, B đã bị giam giữ ba ngày sau khi phản đối một số thay đổi về quy định trong giới học thuật và cách đối xử với phụ nữ của Taliban. “Nếu bạn phản đối chính sách của họ, bạn sẽ gặp nguy hiểm”, anh nói.

Hầu hết các nhà nghiên cứu được Nature phỏng vấn đang có cuộc sống rất bấp bênh, dù họ cảm thấy nhẹ nhõm khi rời khỏi Afghanistan. Nghiên cứu viên C - một người Hazara (cộng đồng thiểu số ở Afghanistan) - đang theo học thạc sĩ về kinh tế và chính sách công tại Nhật Bản, cho biết anh sẽ phải rời khỏi nước này vào năm sau khi chương trình học kết thúc. “Tôi vẫn đang trăn trở về tương lai của mình”, anh chia sẻ.

Musa Joya là một nhà vật lý y khoa, người sẽ hoàn tất nghiên cứu hậu tiến sĩ năm nay tại Đại học Surrey ở Guildford, Anh. Joya sẽ phải tìm một công việc giảng dạy vì anh không có nhiều cơ hội nghiên cứu. Joya vốn là phó giáo sư tại Đại học Kabul. “Ước mơ của tôi là trở thành một nhà nghiên cứu giỏi, một giáo sư giỏi, để phục vụ người dân của mình thông qua giảng dạy, nghiên cứu và điều trị lâm sàng. Thật đáng tiếc, đó chỉ là một giấc mơ”.

Kể từ năm 2021, đã có hơn 200 học giả nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình quốc tế để họ có thể tìm được công việc nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài. Mohammad Hadi là một nhà hóa học phân tích, người đã nhận hỗ trợ từ Council for At-Risk Academics, một tổ chức có trụ sở tại London giúp các trường đại học tuyển dụng các học giả tị nạn. Trước kia, Hadi đã giảng dạy tại Đại học Balkh ở Mazar-i-Sharif, Afghanistan và là cố vấn cho các công ty hóa học, khai thác mỏ và thực phẩm.

Khi Mazar-i-Sharif thất thủ, anh bay tới Kabul và trốn trong một căn phòng nhỏ với gia đình. Với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp cũ ở Vương quốc Anh, anh đã nhận được một vị trí nghiên cứu kéo dài hai năm tại Đại học Exeter, Vương quốc Anh, và gần đây là công việc quản lý phòng thí nghiệm thiết bị phân tích vẫn ở đại học này.

Mohammadi đi cùng vợ, Maryam Sarwari, và ba đứa đón con. Họ luôn đau đáu về sức khỏe tinh thần của các thành viên nữ trong gia đình ở Afghanistan. Sarwari, trước đây là giảng viên về hộ sinh tại Đại học Aria ở Mazar-i-Sharif, đã bị chấn thương tâm lý do ký ức về quãng thời gian bốn tháng sống dưới chính quyền Taliban.

Nhưng Mohammadi vẫn hy vọng về một ngày trở về. “Niềm hy vọng là ánh sáng duy nhất soi tỏ, dẫn lối cho chúng tôi”, anh chia sẻ.

Theo Nature