Quốc hội Mỹ vừa thông qua ngân sách trị giá 1,5 nghìn tỷ USD dành cho nghiên cứu khoa học (tăng 5% so ngân sách khoa học năm 2021). Trong đó, nghiên cứu về quốc phòng được tăng thêm 5,6%, còn các chương trình dân sự chỉ tăng thêm 6,7%, giảm hơn một nửa so với đề xuất tăng đầu tư cho khối dân sự của Tổng thống Biden.

Các đề xuất bị phản bác

Với mong muốn tăng cường hơn nữa sức mạnh của quân đội Hoa Kỳ, ngân sách chính phủ dành cho khoa học năm 2022 mới được thông qua đã giúp nghiên cứu về quốc phòng nhận thêm 5,6% và các chương trình dân sự chỉ nhận thêm 6,7%, giảm hơn một nửa so với kế hoạch. Dù vậy, khoản ngân sách này vẫn giúp chấm dứt tình trạng đóng băng chi tiêu kéo dài suốt 5 tháng qua của chính phủ, khiến các nhà khoa học cuối cùng cũng có thể triển khai những sáng kiến mới.

Tổng thống Mỹ Biden trao đổi với nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Vaccine NIH vào năm ngoái. Ảnh: NIH / Chiachi Chang

Đối với Viện Y tế Quốc gia (NIH), quỹ tài trợ lớn nhất của chính phủ cho nghiên cứu học thuật, trước đó Biden đề xuất tăng chi tiêu lên 21%, chủ yếu để xây dựng Cơ quan Dự án Nghiên cứu Nâng cao về Y tế (ARPA-H) nhằm phát triển điều trị y tế tiên tiến. Tuy nhiên, sự thay đổi trong ưu tiên ngân sách đã khiến NIH chỉ nhận về tổng cộng 45 tỷ USD, đồng nghĩa với việc ARPA-H sẽ chỉ vận hành với khoản tiền 1 tỷ USD thay vì 6,5 tỷ USD như kế hoạch ban đầu.

ARPA-H sẽ phải sử dụng dè sẻn 1 tỷ USD ban đầu này trong vòng ba năm. “Hy vọng rằng đây là bước khởi đầu của một chặng đường dẫn đến nguồn tài trợ lớn hơn”, Quyền cố vấn khoa học của Nhà Trắng Francis Collins, người đã từ chức giám đốc NIH vào tháng 12 năm ngoái, chia sẻ. Theo ông, hiện tại cơ quan cần tìm một giám đốc tạm thời, người có thể vạch ra các quy trình tuyển dụng, hợp đồng và thiết kế văn phòng. Dù vậy, Collins cho rằng có thể chỉ cần vài tháng để tìm ra người ngồi vào vị trí này, bởi đây là vị trí không cần sự xác nhận từ Thượng viện, và NIH cũng đã xác định được một vài gương mặt tiềm năng.

Tổ chức Khoa học Quốc gia (NSF) cũng rơi vào trạng thái hụt hẫng không kém gì NIH. Trước đó, bên cạnh yêu cầu tăng 20% lên thành 10,2 tỷ USD, Tổng thống Biden còn dự kiến sẽ cấp thêm cho tổ chức này vài tỷ USD nhằm thành lập một ban điều hành giúp tăng tốc nghiên cứu các công nghệ mới nổi. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Joe Manchin đã kịch liệt phản đối các đề xuất trên. NSF cuối cùng nhận được 8,84 tỷ USD, chỉ tăng 4% - và thậm chí không được cấp thêm khoản tiền nào để khởi động ban điều hành công nghệ mới nổi như kế hoạch ban đầu.

Văn phòng Khoa học thuộc Bộ Năng lượng (DOE) cũng bị tước đi vài tỷ USD cho việc xây dựng và nâng cấp các cơ sở sử dụng tại 10 phòng thí nghiệm quốc gia của họ. Mặc dù vậy, Quốc hội đã cấp thêm cho họ 6,4% ngân sách, lên thành 7,48 tỷ USD.

Thận trọng trong bối cảnh căng thẳng quân sự

Tuy nhiên, bản kế hoạch chi tiêu không phải chỉ toàn tin xấu. Các chương trình năng lượng ứng dụng nhằm chống biến đổi khí hậu được cấp thêm 12% ngân sách, lên thành 3,2 tỷ USD. Các chương trình khoa học của NASA được tăng 4% ngân sách, lên thành 7,61 tỷ USD, cho thấy niềm tin của lưỡng đảng đối với sứ mệnh chinh phục vũ trụ. Một số cơ quan khoa học nhỏ cũng nhận được một khoản tiền khả quan, bao gồm mức tăng gần 8% cho nghiên cứu nội bộ tại Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST) và mức tăng 6% cho Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ.

Riêng Chương trình nghiên cứu cơ bản thuộc Bộ Quốc phòng sẽ phụ thuộc vào nguồn tiền của quân đội. Ngân sách cho các chương trình này sẽ tăng 4% - lên thành 2,7 tỷ USD, đi ngược với kế hoạch cắt giảm 13% của Tổng thống Biden.

Đối với các thành viên thuộc Đảng Cộng Hòa, đây là một chiến thắng đáng ăn mừng bởi họ đã điều chỉnh thành công cái mà họ gọi là sai lầm trong chiến lược chi tiêu, nhất là trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa Nga và Ukraine liên tục leo thang trong thời gian vừa qua. “Đây là lúc cần cân bằng giữa ưu tiên cho quốc phòng với các lĩnh vực khác”, Thượng nghị sĩ bang Alabama Richard Shelby, thành viên Đảng Cộng hòa, một trong những người đứng đầu hội đồng phân bổ chi tiêu của Thượng viện, nhấn mạnh. Ông tin rằng phiên bản chi tiêu cuối cùng đã cắt giảm “hàng tỷ USD chi tiêu lãng phí mà Tổng thống đề xuất”.

Hầu hết các thành viên Đảng Dân Chủ đồng tình với việc điều chỉnh, mặc dù Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, người chủ trì hội đồng phân bổ chi tiêu, phản đối quan điểm của Shelby cho rằng Biden đã đưa ra những yêu cầu quá đáng. Tuy nhiên, Leahy cho rằng không thể chối bỏ được việc dự luật cuối cùng đã có những bước “đầu tư táo bạo vào các lĩnh vực quan trọng mà chính quyền trước đó đã bỏ quên hoặc gạt phăng đi, bao gồm giáo dục, chăm sóc trẻ em, chăm sóc sức khỏe, môi trường, khoa học và nghiên cứu”.

Một trong những bước đi mới trong kế hoạch chi tiêu dài 2741 trang giấy năm nay, đó là 4000 dự án do các nhà lập pháp tự đề xuất. Năm nay, Shelby đã giành được 50 triệu USD cho Đại học Alabama (UA) nhằm hình thành “nguồn tài trợ vĩnh viễn hỗ trợ việc tuyển dụng và duy trì đội ngũ giảng viên xuất sắc trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật”. Số tiền này sẽ cho phép UA cung cấp các gói khởi nghiệp cạnh tranh hơn cho các nhà khoa học hàng đầu. Tương tự, Thượng nghị sĩ Roy Blunt đã trao cho Đại học Missouri và Đại học Bang Missouri mỗi trường 3 triệu USD để hỗ trợ các nhà nghiên cứu khoa học đời sống và sức khỏe, một số đang làm việc tại một cơ sở nghiên cứu mang tên ông.

Đây là một vấn đề nhạy cảm đối với cộng đồng nghiên cứu Hoa Kỳ. Nhiều người cho rằng các nhà lập pháp có thể sử dụng mối quan hệ cá nhân thay vì dựa vào thành tích để lựa chọn dự án, trong khi những người ủng hộ cho rằng đây là hướng đi mới để các tổ chức giải quyết những nhu cầu cấp thiết. Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các nhà lập pháp có quyền tự đề xuất dự án, nhưng Quốc hội đã ra lệnh cấm vào năm 2010 vì e ngại sẽ có sự thiên vị. Năm 2021, Quốc hội đã khôi phục lại hình thức đề xuất này kèm với những điều chỉnh mới. Hiện tại, Shelby và Blunt đã tiên phong mở rộng các phương án tài trợ. “Đây là lần đầu tiên hình thức đề xuất tài trợ được sử dụng cho các dự án trong trường đại học”, một nhà vận động hành lang giáo dục đại học cho biết.

Tháng tới, Biden dự kiến sẽ đệ trình đề xuất ngân sách năm 2023 lên Quốc hội. Những người ủng hộ khoa học hy vọng các nhà lập pháp sẽ điều chỉnh mức chi tiêu để những cơ quan nghiên cứu như NSF, DOE và NIST có thể nhận được khoản tài trợ như mong muốn.