Tài nguyên học thuật trực tuyến có thể phân thành những loại nào, đặc điểm của mỗi loại ra sao, và các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cần lưu ý những điều gì khi phát triển nguồn tài nguyên này?

Chuyển đổi số là một chủ trương lớn của toàn ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trong giai đoạn hiện nay, vừa được xem là mục tiêu đánh giá mức độ phát triển, lại vừa được xem là công cụ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, giúp đa dạng hóa hình thức học tập, mở rộng cơ hội học tập cho nhiều đối tượng người học khác nhau.

Trong các nội dung của chuyển đổi số trong GD&ĐT, phát triển các nguồn tài nguyên học thuật trực tuyến là một trong các cấu phần quan trọng nhất.

Từ năm 2017 đến nay, các cơ quan quản lý đã ban hành 16 văn bản quy phạm pháp luật - bao gồm quy định, thông tư, đề án, kế hoạch… - đối với các nội dung liên quan tới nguồn tài nguyên học thuật trực tuyến ở bậc GDĐH. Trong đó có sáu văn bản do Thủ tướng Chính phủ ban hành và 10 văn bản do Bộ GD&ĐT ban hành.

abc
Đầu tháng Hai năm nay, Thủ tướng đã ký Quyết định 142/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dữ liệu Quốc gia đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030, kho học liệu về giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập ngành giáo dục được số hóa, tích hợp với các nền tảng dạy và học trực tuyến đảm bảo hỗ trợ được cho 100% người học và nhà giáo tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục trực tuyến; đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông và tối thiểu 40% số ngành đào tạo các trình độ của giáo dục đại học. Ảnh minh họa: congnghevadoisong.vn

Trong giai đoạn 2016 trở về trước, trong các văn bản quy phạm pháp luật tương tự, hầu như tìm được rất ít các nội dung riêng biệt liên quan tới nguồn tài nguyên học thuật trực tuyến. Điều này không có nghĩa trong giai đoạn 2016 trở về trước, khái niệm này không tồn tại nhưng có vẻ như thời kỳ đó, trong góc nhìn của các nhà quản lý và làm chính sách nguồn tài nguyên học thuật trực tuyến có thể được xếp chung với nguồn tài nguyên phi trực tuyến (ở dạng cứng). Điều này cũng cho thấy vai trò ngày càng tăng, ngày càng quan trọng của nguồn tài nguyên học thuật trực tuyến trong GDĐH trong những năm gần đây và hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung về chuyển đổi số trong GDĐH.

Có nhiều cách phân loại nguồn tài nguyên học thuật trực tuyến. Các nguồn tài nguyên học thuật trực tuyến được hiểu bao gồm các loại sách, tạp chí, luận văn/luận án, dữ liệu, phần mềm, bài giảng và các loại khoa học/giáo dục khác phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, học tập của người dạy và người học.

Nhưng nếu tiếp cận theo nguồn tạo ra tài nguyên và khả năng truy cập thì nguồn tài nguyên học thuật trực tuyến được phân làm hai loại: (i) Nguồn tài nguyên nội sinh, bao gồm các nguồn tài nguyên do giảng viên, sinh viên của trường thực hiện; (ii) Nguồn tài nguyên ngoại sinh, bao gồm các nguồn tài nguyên do các giảng viên, sinh viên ở ngoài trường thực hiện hoặc do giảng viên, sinh viên của trường thực hiện nhưng xuất bản ở các nguồn (tạp chí, sách …) ngoài trường [1]. Đối với mỗi loại, lại có thể chia thành hai loại: nguồn tài nguyên đóng và mở.

Trước tiên, xin thống nhất mục tiêu của phát triển nguồn tài nguyên học thuật trực tuyến không phải là để các trường đại học có càng nhiều nguồn tài nguyên càng tốt. Số lượng là quan trọng nhưng việc số lượng đó được sử dụng như thế nào, hỗ trợ như thế nào đối với việc nghiên cứu, học tập của giảng viên, sinh viên mới là mục tiêu quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, từ góc độ quản lý, cũng cần xem xét yếu tố hiệu quả và chi phí hợp lý. Bởi việc duy trì và phát triển nguồn tài nguyên học thuật nói chung (bao gồm cả trực tuyến và phi trực tuyến) chưa bao giờ là khoản chi nhỏ đối các cơ sở GDĐH.

Hiện nay, trong quá trình vận hành cơ sở GDĐH, các nhà quản lý phải tuân thủ các quy định pháp lý về kiểm định và đảm bảo chất lượng theo nhiều quy định của Nhà nước, trong đó yêu cầu về nguồn tài nguyên học thuật trực tuyến đã được tách ra khỏi nguồn tài nguyên học thuật phi trực tuyến.

Dưới đây, chúng tôi lần lượt phân tích từng nguồn tài nguyên học thuật trực tuyến như đã phân loại theo các thuộc tính (nội/ngoại sinh và đóng/mở) để từ đó đưa ra các khuyến nghị, đề xuất cụ thể cho các cơ sở GDĐH tại Việt Nam.

Nguồn tài nguyên học thuật ngoại sinh đóng (closed): Ưu điểm của nguồn tài nguyên này là lớn, dồi dào, đa dạng, chất lượng cao, bản quyền rõ ràng, có sẵn các nhà cung cấp chuyên nghiệp phục vụ các loại nhu cầu khác nhau. Phần lớn các nhà xuất bản uy tín trên thế giới đang cung cấp các nguồn tài nguyên học thuật chất lượng cao thuộc nhóm này như Elsevier, Springer, Emerald, Sage, Statista, Oxford, ProQuest... Tương tự, một số đơn vị, nhà xuất bản trong nước hiện nay cũng đang bắt đầu nâng cấp hệ thống kỹ thuật và bản quyền các tài nguyên để cung cấp được tài nguyên điện tử trực tuyến.

Các cơ sở GDĐH tùy theo nhu cầu của mình có thể mua các gói cơ sở dữ liệu từ các nhà xuất bản kể trên. Nội dung các gói cơ sở dữ liệu cũng có thể bao gồm sách giáo trình, chuyên khảo điện tử, luận văn/luận án, tạp chí khoa học, thậm chí bao gồm cả bài giảng online hay dữ liệu phục vụ nghiên cứu… Tất nhiên với nguồn này, các cơ sở GDĐH cần đầu tư đầu tư chi phí để mua quyền truy cập theo bản quyền dành cho đơn vị, nhằm tối ưu hoá nguồn kinh phí dành cho bổ sung thay vì mua lẻ tài khoản cá nhân, và được các nhà xuất bản quốc tế hỗ trợ tốt nhất về kỹ thuật, cũng như các hoạt động hợp tác khác giúp nâng cao các kỹ năng giảng dạy, nghiên cứu hoặc công bố quốc tế của nhà trường. Hiện nay, có hai hình thức mua nguồn tài nguyên học thuật ngoại sinh đóng là mua vĩnh viễn (trả tiền một lần) hoặc trả phí hằng năm. Trong đó, các nguồn tài nguyên mua vĩnh viễn (trả tiền một lần) thường là các gói đầu sách chuyên khảo/giáo trình kinh điển, có thể sử dụng qua nhiều năm mà không sợ lỗi thời. Ngược lại, các nguồn tài nguyên trả phí hằng năm thường là các tạp chí, luận văn/luận án, bộ cơ sở dữ liệu… có tính cập nhật liên tục theo thời gian.

Dựa trên cơ sở dữ liệu do Bảng xếp hạng đại học Việt Nam VNUR [2] cung cấp, có thể thấy, phần lớn các cơ sở GDĐH vẫn chưa có cho mình các nguồn tài nguyên học thuật trực tuyến (ngoại sinh, đóng). Cụ thể trong số 202 cơ sở GDĐH Việt Nam được khảo sát, có đến 122 cơ sở GDĐH (58,7%) không có bất kỳ nguồn tài nguyên học thuật trực tuyến nào và 22 cơ sở GDĐH (10,9%) chỉ có duy nhất một nguồn tài nguyên học thuật - được hiểu là một gói cơ sở dữ liệu học thuật được cơ sở GDĐH mua từ các nhà xuất bản, đơn vị cung cấp tài nguyên học thuật quốc tế như Proquest, Sciencedirect, SAGE, Springer... Số cơ sở GDĐH có từ năm nguồn tài nguyên học thuật trở lên là 43 (21,3%) và có từ 10 nguồn tài nguyên học thuật trở lên là 8 (3,9%).

Phân bố số lượng nguồn tài nguyên học thuật trực tuyến sở hữu bởi các trường đại học ở Việt Nam. Đồ họa dựa trên nguồn dữ liệu của Bảng xếp hạng đại học Việt Nam VNUR.
Phân bố số lượng nguồn tài nguyên học thuật trực tuyến sở hữu bởi các trường đại học ở Việt Nam. Đồ họa dựa trên nguồn dữ liệu của VNUR.

Nguồn tài nguyên học thuật ngoại sinh mở (open): Như chúng ta có thể đã biết, phong trào giáo dục mở và khoa học mở đã phát triển rất mạnh mẽ trên thế giới trong khoảng hơn 10 năm vừa qua. Tư tưởng chính của phong trào này là thay vì để các trường hoặc người đọc phải bỏ phí ra mua tài nguyên học thuật (đóng) thì tác giả của tài nguyên hoặc đơn vị tài trợ cho tác giả sẽ trả phí một lần (với bài báo sẽ gọi là article processing charge APC - phí xử lý bài báo) tài liệu học thuật sau đó sẽ được mở (open) vĩnh viễn để bất kỳ ai cũng có thể truy cập và đọc được. Hiện nay, theo thống kê của Hiệp hội Các Nhà xuất bản Khoa học, Kỹ thuật, Y dược Quốc tế (TSM), đến năm 2023, có 48% các bài báo được xuất bản với các lựa chọn truy cập mở khác nhau, với 38% là truy cập mở vàng (Gold Open Access), 5% truy cập mở đồng (Bronze Open Access) và 5% truy cập mở xanh (Green Open Access) [3]. Đối với sách, một nghiên cứu được xuất bản vào năm 2023 đã ghi nhận khoảng 400.000 đầu sách truy cập mở trên các cơ sở dữ liệu sách mở trên toàn thế giới [4].

Một số tổ chức và quỹ tài trợ trên thế giới như cOAlition S, một liên minh gồm các tổ chức tài trợ có tầm ảnh hưởng trong giới khoa học bao gồm Tổ chức Wellcome và Quỹ Bill & Melinda Gates, đưa ra yêu cầu bắt buộc các nhà khoa học nhận tài trợ phải công bố bài trên tạp chí mở thay vì tạp chí đóng như trước kia [5].

Ưu điểm của việc khai thác nguồn tài nguyên ngoại sinh mở này là miễn phí. Nếu biết cách khai thác, các cơ sở GDĐH tại Việt Nam có thể tiết kiệm khá nhiều chi phí so với nguồn tài nguyên đóng. Nhưng nhược điểm của nguồn tài liệu này là các cơ sở GDĐH chỉ có thể sử dụng nguồn tài nguyên này mà không có bản quyền. Vì vậy, khi các cơ sở GDĐH làm kiểm định chất lượng - đảm bảo chất lượng theo quy định, nếu chỉ dựa vào nguồn tài nguyên mở thì sẽ có thể không đạt các yêu cầu cần thiết. Bên cạnh đó, vì phong trào khoa học và giáo dục mở cũng mới chỉ bắt đầu nên dù sao số lượng tài nguyên, mức độ đa dạng, phong phú, dồi dào chưa thể so được với nguồn tài nguyên học thuật ngoại sinh đóng, và việc kiểm soát hàm lượng khoa học, hay độ tin cậy với dữ liệu hay thông tin chính là thách thức thức lớn với cơ sở GDĐH. Một trong những giải pháp của các thư viện lớn trên thế giới hiện nay nhằm chọn lọc các nguồn tin mở chất lượng là sử dụng các CSDL như Scopus hay Web of Science,... Tuy nhiên, các cơ sở dữ liệu này đều cần phải trả phí truy cập. Vì vậy, trong xu thế truy cập mở, việc xác định những nguồn tin chất lượng là một yêu cầu cấp thiết cho thư viện và người dùng hiện nay.

Nguồn tài nguyên học thuật nội sinh (bao gồm cả mở và không mở): Hiện nay, qua quan sát của chúng tôi, có thể thấy, mức độ số hóa nguồn tài nguyên này ở các cơ sở GDĐH rất khác nhau. Nhiều cơ sở GDĐH hiện vẫn quản lý nguồn tài nguyên nội sinh này theo cách thức truyền thống, nghĩa là lưu giữ bản cứng các luận văn/luận án hoặc với các sách giáo trình/chuyên khảo do giảng viên của trường viết thì cũng chỉ phát hành và lưu trữ ở dạng bản in, không có bản online. Ngược lại, một số trường đã chú trọng hơn việc số hóa các nguồn tài nguyên này khi xây dựng các website/cơ sở dữ liệu online/thư viện số lưu trữ các nguồn tài nguyên học thuật nội sinh do giảng viên, sinh viên của mình thực hiện.

Tuy vậy, các cơ sở GDĐH cũng cần hướng tới việc tuân thủ chuẩn mực phổ quát về các nguồn tài nguyên học thuật nội sinh, ví dụ như chuẩn Dspace (phần mềm mã nguồn mở do HP và Học viện Công nghệ Massachusetts phát triển từ 2002 chuyên dành cho thư viện số) [6]. Bên cạnh đó, các cơ sở GDĐH cũng có thể cân nhắc về việc đưa ra chính sách mở (toàn phần hoặc một phần) đối với các tài nguyên học thuật nội sinh do giảng viên, sinh viên của mình thực hiện. Điều này góp phần thể hiện trách nhiệm cộng đồng của các cơ sở GDĐH khi các nguồn tài nguyên học thuật do giảng viên, sinh viên thực hiện được mở để toàn xã hội có thể truy cập và khai thác.

Qua các phân tích trên đây, có thể thấy, phát triển nguồn tài nguyên học thuật trực tuyến vừa là yêu cầu bắt buộc theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước, vừa là nhu cầu tự thân của các cơ sở GDĐH, nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, học tập của giảng viên, sinh viên. Mặc dù vậy, hoạt động này vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong các cơ sở GDĐH tại Việt Nam hiện nay.


Một số quy định và khuôn khổ pháp lý hiện hành đối với các nội dung liên quan tới nguồn tài nguyên học thuật trực tuyến ở bậc GDĐH tại Việt Nam

Cấp ban hành: Thủ tướng Chính phủ

Quyết định 142/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược Dữ liệu Quốc gia đến năm 2030 (ban hành năm 2024)

Quyết định 1117/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình Xây dựng Mô hình Nguồn Tài nguyên Giáo dục Mở trong Giáo dục Đại học (2023)

Quyết định 2222/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi Số trong Giáo dục Nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (2022)

Quyết định 1373/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “Xây dựng Xã hội Học tập Giai đoạn 2021 - 2030” (2021)

Quyết định 131/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030" (2020)

Cấp ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT Ban hành Chuẩn Cơ sở Giáo dục Đại học (2024)

Thông tư 30/2023/TT-BGDĐT Quy định về Ứng dụng Công nghệ Thông tin trong Đào tạo Trực tuyến đối với Giáo dục Đại học (2023)

Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT Ban hành Quy chế Đào tạo Từ xa Trình độ Đại học (2023)

Thông tư 02/22/TT-BGDĐT (2022)

Quyết định 4740/QĐ-BGDĐT Ban hành Bộ chỉ số, Tiêu chí Đánh giá Chuyển đổi Số Cơ sở Giáo dục Đại học (2022)

Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT Ban hành Quy chế Tuyển sinh và Đào tạo Trình độ Tiến sĩ (2021)

Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT Ban hành Quy chế Đào tạo Trình độ Đại học (2021)

Quyết định 2646/QĐ-BGDĐT Ban hành Kế hoạch Thực hiện Đề án “Xây dựng Xã hội Học tập Giai đoạn 2021-2030” (2021)

Thông tư 39/2020/TT-BGDĐT Quy định về Tiêu chuẩn Đánh giá Chất lượng Chương trình Đào tạo Từ xa Trình độ Đại học (2020)


Chú thích:

[1] Xem thêm: Nguyễn Hoàng Vĩnh Vương (n.d.) Số hoá tài liệu nội sinh góp phần giảm khoảng cách số trong giáo dục và đào tạo cao đẳng - đại học. Thư viện Quốc gia Việt Nam. https://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/so-hoa-tai-lieu-noi-sinh-gop-phan-giam-khoang-cach-so-trong-giao-duc-va-dao-tao-cao-dang-dai-hoc.html

[2] Xem thêm tại: https://vnur.vn/

[3] TSM. (2024).OA Dashboard 2024. https://www.stm-assoc.org/oa-dashboard-2024/

[4] Laakso, M. (2023), "Open access books through open data sources: assessing prevalence, providers, and preservation", Journal of Documentation, Vol. 79 No. 7, pp. 157-177. https://doi.org/10.1108/JD-02-2023-0016

[5] Để hiểu sâu hơn về phong trào khoa học và giáo dục mở, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm cuốn sách “Giáo dục và Khoa học mở: Cẩm nang dành cho giảng viên và nhà nghiên cứu” do chúng tôi là đồng tác giả.

[6] Xem thêm: Phan Ngọc Đông. (n.d). Ứng dụng phần mềm Dspace phiên bản 4.0 trong xây dựng thư viện số. Thư viện Quốc gia Việt Nam. https://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/ung-dung-phan-mem-dspace-phien-ban-4.0-trong-xay-dung-thu-vien-so.html