Tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) 2024 diễn ra ở Vương quốc Anh vào tháng Bảy vừa qua, đội tuyển Việt Nam xếp thứ 33/108 quốc gia và vùng lãnh thổ, thấp nhất từ trước đến nay. Cần nhìn nhận kết quả này ra sao, và liệu nguyên nhân có phải đến từ quá trình tuyển chọn và đào tạo đội tuyển?

Nhìn ra ngoài điểm số

Kết quả của Việt Nam tại IMO năm nay khiến không ít người tỏ ra thất vọng và lo lắng về sự “xuống dốc” của đội tuyển. Xét về giá trị tuyệt đối, 33 đúng là thứ hạng thấp nhất của Việt Nam trong tất cả các lần tham dự IMO suốt 50 năm qua. Thứ hạng này được tính dựa trên tổng điểm bài thi của cả sáu thí sinh thuộc đội tuyển. Chúng tôi thống kê được trước đây, đội tuyển của chúng ta chỉ có đúng hai lần không nằm trong top 20 là vào năm 1990 (thứ hạng 23) và năm 2011 (thứ hạng 31).

Tuy nhiên, có một thống kê khác có thể phản ánh sát thành tích của đội tuyển hơn, đó là thứ hạng phần trăm (bách phân vị). Cụ thể, theo thống kê của chúng tôi, năm 2024, Việt Nam có kết quả tốt hơn 70,09% các đội tuyển khác cùng tham dự. Xét theo bách phân vị, thành tích năm nay của đội tuyển Việt Nam cao hơn một chút so với năm 2011 (70,00%), mặc dù thứ hạng của năm 2011 lại tốt hơn (31). Chúng tôi tạm chia 48 lần Việt Nam tham dự IMO (Việt Nam không dự thi vào các năm 1977, 1980 và 1981) thành bốn giai đoạn 12 năm, thì thấy điểm bách phân vị trung bình của đội tuyển Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt so với giai đoạn đầu và vẫn đang tăng nhẹ. Trong giai đoạn từ năm 2013 - 2024, con số này đã lên tới 90,05%.
Điểm bách phân vị của đội tuyển IMO việt nam (1974 - 2024). Thống kê và đồ họa: Trà My.
Thống kê và đồ họa: Trà My

Xét về số lượng huy chương, năm 2024 tuy Việt Nam không giành huy chương vàng nào nhưng vẫn có hai huy chương bạc, ba huy chương đồng và một bằng khen; trong khi năm 2011, đội tuyển chỉ đem về sáu huy chương đồng. Nhìn lại xa hơn, trong tám năm 2005, 1991, 1990, 1987, 1983, 1978, 1976 và 1975, đội tuyển Việt Nam cũng không giành huy chương vàng nào – vẫn theo thống kê của chúng tôi.

Như vậy, có thể kết luận, thành tích tại IMO 2024 không phải là thành tích kém nhất từ trước đến nay của đội tuyển như nhiều người nghĩ.

Hơn nữa, không thể dùng kết quả của một năm để kết luận xu hướng thành tích của cả một giai đoạn. Dù cho kết quả tại IMO 2024 có thể chưa được như kỳ vọng của xã hội, song theo báo cáo của GS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và trưởng đoàn IMO Việt Nam từ năm 2016 - 2023, kể từ khi tham gia cuộc thi này lần đầu tiên vào năm 1974, đoàn Việt Nam đã giành tổng cộng 271 huy chương - bao gồm 69 huy chương vàng, 117 huy chương bạc và 85 huy chương đồng; tỉ lệ học sinh giành huy chương đạt 94%. Tính theo tổng số huy chương vàng, Việt Nam xếp thứ tám trong số các đội tuyển tham dự IMO với trung bình 1,44 huy chương vàng/năm trong giai đoạn 50 năm và xếp thứ năm với trung bình 1,92 huy chương vàng/năm trong giai đoạn 2013 - 2024, vượt trội so với nhiều nước có tiềm lực kinh tế và hệ thống giáo dục được cho là tốt hơn như Đức, Vương quốc Anh, Nhật Bản hay Úc. Báo cáo được trình bày tại “Hội thảo đánh giá công tác bồi dưỡng và kết quả thi học sinh giỏi môn toán quốc gia, quốc tế giai đoạn 2015 - 2024” trong khuôn khổ Chương trình Kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) diễn ra vào ngày 10/8 vừa qua.

PGS.TS. Nguyễn Vũ Lương, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, thì nhận xét một cách ngắn gọn, kết quả thi IMO trong 50 năm qua của Việt Nam “thực sự xuất sắc”.

Ông đánh giá, học sinh của chúng ta ngày càng giỏi hơn, dù “kiến thức của các kỳ thi quốc tế cực kỳ nhiều, đề thi cực kỳ khó”. Tại hội thảo nói trên, PGS.TS. Nguyễn Vũ Lương kể rằng có những bài toán thầy cô hướng dẫn đội tuyển mất nhiều ngày chưa giải được, nhưng một số em học sinh chỉ mất 15 phút để giải. Điều này nói lên chất lượng của học sinh đội tuyển không hề giảm mà đang tiếp tục được cải thiện, vì vậy không nên coi thành tích chưa được như mong đợi của đội tuyển trong năm như một chỉ dấu cho thấy đội tuyển đang “xuống dốc”.

Những cải thiện về công tác tuyển chọn và đào tạo


Theo GS. Lê Anh Vinh, mấu chốt để đội tuyển tiếp tục duy trì vị trí trong top 5 - 10, hay thậm chí cạnh tranh top 1 - 4, nằm ở công tác đào tạo và tuyển chọn học sinh. (Trong 12 năm trở lại đây, chúng tôi thống kê được Việt Nam có ba lần đứng trong top 5 chung cuộc - vào các năm 2015, 2017 và 2022).

Ông đánh giá thành công của Việt Nam tại các kỳ IMO thời gian vừa qua phần lớn dựa vào mạng lưới trường chuyên trên khắp cả nước, với khả năng phát hiện và bồi dưỡng tài năng ngay từ bậc phổ thông và giúp các em chuẩn bị tốt cho các kỳ thi học sinh giỏi và chọn đội tuyển.

GS. Vinh cho rằng quy trình tuyển chọn hiện tại đã rất bài bản với ba vòng thi chính: chọn đội tuyển địa phương (tháng Tám đến tháng 11), chọn học sinh giỏi cấp quốc gia (tháng 12 năm trước đến tháng Một năm sau), và chọn đội tuyển dự thi quốc tế (tháng Ba). Cách tổ chức này cho phép các em học sinh xuất sắc từ tất cả các địa phương đều có cơ hội thể hiện năng lực. Xen giữa là các kỳ thi ở nhiều cấp khác nhau và các lần thi thử, tạo điều kiện cho học sinh cọ xát và rèn luyện bản lĩnh thi cử.

TS. Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhìn nhận, học sinh phải trải qua nhiều kỳ thi khác nhau với độ khó và mức độ cạnh tranh rất lớn để đến được vòng chọn đội tuyển thi quốc tế, do đó khả năng bỏ sót nhân tài là rất nhỏ.

Về công tác đào tạo, đội tuyển nhìn chung được quan tâm và tạo những điều kiện tốt nhất. Theo TS. Trần Nam Dũng, đội tuyển Olympic có sáu thí sinh, được huấn luyện tập trung bởi đội ngũ 15 - 20 giáo viên, đều là những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm và chuyên môn cao [1]. Bản thân nhiều người trong số các thầy cô huấn luyện cũng từng là những cựu thí sinh IMO xuất sắc.

TS. Hà Duy Hưng, quan sát viên kỳ thi IMO 2024, chủ nhiệm đội tuyển học sinh dự thi Olympic Toán quốc tế của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khẳng định cách thức đào tạo đội tuyển đã có những thay đổi, không theo hướng luyện các chủ đề, dạng bài hay “luyện gà chọi” như xưa mà chú trọng chuẩn bị “phông” Toán học cho thí sinh. “Khoảng ba năm trở lại đây, việc bồi dưỡng đội tuyển Toán quốc tế được giao cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và những nhà toán học hàng đầu. Ở đó, không chỉ bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện học sinh theo kiểu ‘gà chọi’ mà theo tinh thần của GS Ngô Bảo Châu - muốn hướng đến ngoài việc học Toán, các em còn biết được nền văn hóa Toán học”, TS. Hà Duy Hưng cho biết [2].

Ngoài ra, việc đào tạo đội tuyển Olympic Toán quốc tế còn được tính toán để đảm bảo “nguồn cung” học sinh trong dài hạn. Theo chia sẻ của PGS. TS. Nguyễn Vũ Lương, từ khoảng 10 năm trước, Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên đã đào tạo học sinh theo kiểu “gối đầu” ngay từ lớp 10, 11. “Chúng tôi tổ chức đội tuyển có bốn - năm em học lớp 12, với nhóm này đào tạo thật kỹ để đi thi, bốn em học lớp 11 để chuẩn bị cho năm sau và có một - hai em học sinh lớp 10 thật sự xuất sắc học chung với đội tuyển để làm vốn cho một - hai năm nữa. Rất mừng là trong những năm vừa qua có các em được giải IMO ngay từ lớp 11”, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương nói.

Như vậy, kết quả chưa như mong đợi của đội tuyển Olympic Toán quốc tế Việt Nam năm nay không phải một thất bại mang tính hệ thống, và một kỳ thi là chưa đủ để đánh giá chất lượng của đội tuyển cũng như công tác huấn luyện trong thời gian qua. Theo TS. Trần Nam Dũng, việc “phong độ” của đội tuyển có sự biến động, lên xuống cũng là bình thường. Thay vì tỏ ra quá lo lắng, thậm chí quay ra chỉ trích sự “tụt hạng” nhất thời này, chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá khách quan để tránh phủ nhận một cách oan uổng những nỗ lực không ngừng nghỉ của các học sinh và giáo viên.


---


[1] Việt Nam thi Olympic Toán Quốc tế không yếu, nhưng còn thiếu đôi điều. Znews. https://znews.vn/viet-nam-thi-olympic-toan-quoc-te-khong-yeu-nhung-con-thieu-doi-dieu-post1490765.html

[2] Thành viên đội Việt Nam lý giải kết quả thi Olympic Toán quốc tế không như kỳ vọng. Vietnamnet. https://vietnamnet.vn/doi-viet-nam-ly-giai-ket-qua-thi-olympic-toan-quoc-te-2024-chua-nhu-ky-vong-2304905.html