Việc kinh doanh không thuận lợi, liên tục thua lỗ, Uber đã phải rút khỏi Đông Nam Á để làm vừa lòng các nhà đầu tư, nhưng điều này đã biến công ty trở thành mục tiêu điều tra của chính phủ các nước trong khu vực.
Một tài xế Uber chở khách tại Hà Nội. Ảnh: Shutterstock
Vào hồi tháng 3 năm nay, Uber đã chấm dứt mọi hoạt động của mình tại 8 quốc gia Đông Nam Á, đồng thời công bố sẽ "bán mình" cho đối thủ lớn nhất trên thị trường là Grab. Theo trang Gizmodo đưa tin từ New York Times, Uber sẽ không thể nào rút lui một cách êm đẹp, khi cả những tài xế từng gắn bó với công ty và các cơ quan chính phủ tại khu vực đều cho rằng hành động này không khác gì dội một gáo nước lạnh vào thẳng mặt họ.
Cụ thể, ông Dara Khosrowshahi, CEO mới của Uber đã phải chịu rất nhiều áp lực từ các nhà đầu tư, khi họ yêu cầu ông "cắt giảm mức thua lỗ của công ty xuống tối thiểu trước khi IPO". Tuy vậy, các nhà lập pháp tại một số quốc gia tin rằng hành động "bán mình" của Uber cho đối thủ trực tiếp là Grab đã "tiếp tay" cho công ty có trụ sở tại Singapore thiết lập thế độc quyền tại thị trường, còn các nhân viên và tài xế từng gắn bó với công ty cảm thấy họ đã bị Uber "chơi xỏ":
"Tuy nhiên, ở Đông Nam Á, công ty đã thực hiện một toan tính "máu lạnh" khiến giới lập pháp tại 8 quốc gia không thể nào ngăn cản hành động tháo chạy của công ty.
Uber đã thực hiện việc bán mình cho Grab, đối thủ chính của mình tại khu vực, một cách nhanh nhất có thể, để khi mọi người kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì "ván đã đóng thuyền". Ứng dụng của Uber ngừng hoạt động chỉ sau 2 tuần; khách hàng của công ty được mời tải ứng dụng của Grab, các tài xế cũng được khuyến khích chuyển sang công ty mới. Hơn 500 nhân viên của Uber tại khu vực đã bị cho thôi việc trong sự ngỡ ngàng, hoang mang không biết liệu Grab có mời họ về làm việc hay không. Uber cũng trả lời các cơ quan chính phủ rằng thương vụ này không thể bị hủy bỏ, ngay cả khi họ hiểu rõ vị thế thống trị của Grab trong thị trường dịch vụ gọi xe".
Bán mảng kinh doanh của mình tại Đông Nam Á và Nga đã giúp Uber ngay lập tức bỏ túi 2,9 tỷ USD, một số tiền rất quan trọng ở thời điểm này khi công ty chuẩn bị IPO và đang thua lỗ hàng tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, theo New York Times, Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Singapore khẳng định Uber đã đàm phán với một số quan chức về vụ sáp nhập (Uber phủ nhận điều này) và sau đó ngăn cản Grab thay đổi giá và hình thức thanh toán "khi Grab đang cân nhắc liệu có nên hủy bỏ hay thay đổi thương vụ". Tại Philippines, giám đốc Uber Brooks Entwistle, sau khi bị cơ quan chống độc quyền yêu cầu không được sáp nhập với Grab cho đến khi thương vụ được xem xét kỹ lưỡng đã trả lời rằng "nguồn vốn của chúng tôi đã hết" và "chúng tôi không có ý định quay lại những thị trường này".
Trang New York Times cũng nói thêm là Malaysia và Việt Nam cũng đang chuẩn bị tiến hành các cuộc điều tra chống độc quyền của riêng mình.
Khi trả lời phỏng vấn với New York Times, Barney Harford, giám đốc cấp cao của Uber có nói rằng công ty chỉ sở hữu 27,5% cổ phần của Grab, nên họ "không nắm quyền điều khiển, và đội ngũ quản lý của công ty nắm quyền mới là những người cần phải trả lời các câu hỏi về pháp lý". Nói cách khác, Uber phủi bỏ mọi trách nhiệm, và dù kết quả của các cuộc điều tra có như thế nào thì cũng "không liên quan đến họ".
Các quan chức chống độc quyền của Philippines cho biết họ xác định hành động tháo chạy của Uber đã khiến người tiêu dùng phải chịu sự độc quyền của Grab – với hơn 93% thị phần, khiến giá cả ngày càng tăng nhưng chất lượng dịch vụ lại đi xuống. Vì vậy, tuy Grab có thể đang tận hưởng niềm vui "một mình một cõi", hãng rất có thể sẽ phải đối mặt với những án phạt rất nặng sau khi các cơ quan hoàn thành quá trình điều tra.