Ước tính, mô hình này nếu áp dụng rộng rãi sẽ tiết kiệm được từ 40-50% chi phí sản xuất, tương đương với ít nhất là 12,000 USD sáu tháng cho mỗi vùng nuôi. Đây là một ví dụ về “Nông nghiệp 4.0” được đề cập trong báo cáo “Việt Nam ngày nay” thực hiện bởi Data61 (một cơ quan trực thuộc CSIRO - tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối thịnh vượng chung của Chính phủ Úc).
Báo cáo này là kết quả đầu tiên của dự án gồm ba công bố sẽ được xuất bản từ nay đến năm 2019 về tương lai của nền kinh tế số của Việt Nam do sáng kiến Aus4Innovation và Bộ KH&CN Việt Nam tài trợ, nhằm đi sâu phân tích từng mức độ tác động khác nhau của quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra những kịch bản nào cho tương lai của nền kinh tế số của Việt Nam. Trong đó, nó cũng tập trung vào những khả năng mà công nghệ sẽ ảnh hưởng tới hai lĩnh vực chiếm chủ yếu các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam: sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.
Là báo cáo đầu tiên mang tính khái quát, “Việt Nam ngày nay” vẽ ra một bức tranh về tính khả thi của các công nghệ trong thực tế Việt Nam hai lĩnh vực này. Giống như trường hợp nói trên của tỉnh Đồng Tháp, công nghệ định vị GPS, mạng lưới cảm biến và điều khiển từ xa qua internet có thể cung cấp và tổng hợp thông tin theo thời gian thực về điều kiện khí hậu, cây trồng, vật nuôi, nhờ đó tối ưu hóa quy trình nuôi trồng, vừa tăng năng suất, dinh dưỡng nhưng tiết kiệm nguyên liệu đầu vào và giảm thiểu những thất thoát trong sản xuất.
Tuy nhiên, ngoài ra, công nghệ “thời thượng” hiện nay là blockchain cũng giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm ở Việt Nam, chủ yếu là cải thiện niềm tin giữa người mua và người bán, người trồng do nó ngăn chặn sự gian dối về nguồn gốc và quy trình chế biến của thực phẩm, đảm bảo thông tin từ nông trại đến bàn ăn là chính xác và minh bạch với khách hàng. Về lĩnh vực sản xuất, với sự trưởng thành của những công nghệ liên quan đến thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn, con người có thể đưa ra những quyết định tinh vi hơn về nhận định nhu cầu người dùng, nhu cầu bảo dưỡng của máy móc, kiểm soát chất lượng của từng sản phẩm.
Việc áp dụng nông nghiệp chính xác trên diện rộng có thể giúp tiết kiệm từ 40-50% chi phí sản xuất. Ảnh: Data 61
Báo cáo cho rằng Việt Nam có nhiều lý do để lạc quan về viễn cảnh trên vì chúng ta cũng có một số nền tảng nhất định về công nghệ thông tin (ICT) nhờ vào sự có mặt của các tập đoàn công nghệ nước ngoài và sự phát triển mạnh mẽ của khởi nghiệp công nghệ trong 10 năm trở lại đây.
Ngành công nghệ thông tin là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Việt Nam với tổng doanh thu tăng gấp gần 10 lần trong 6 năm (2010 - 2016) từ 7.6 tỉ USD lên 67.7 tỉ USD. Thiết bị ICT giờ đây là sản phẩm xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam, đặc biệt là điện thoại di động và các thiết bị phát sóng khác.
Nhờ vào các tập đoàn sản xuất tiếng tăm hàng đầu trên thế giới như Samsung, Intel, Dell, LG mở rộng sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam, các sản phẩm có độ phức tạp ngày càng cao đã được lắp ráp tại đây: một nửa số lượng điện thoại cao cấp S8 và S8 plus của Samsung và 80% bộ xử lý trung tâm máy tính (CPU) của Intel được sản xuất tại Việt Nam.
Báo cáo viện dẫn lời của tạp chí PC nhận định Việt Nam là Thung lũng Silicon của Đông Nam Á và chỉ ra rằng, những ngành công nghiệp mới nổi đều đã du nhập vào Việt Nam và được các công ty khởi nghiệp khai thác nhanh chóng như kinh tế chia sẻ (sharing economy), công nghệ tài chính (fintech), theo dõi sức khỏe từ xa (telehealth), nội dung số…
Có thể lấy ví dụ về kinh tế chia sẻ, Việt Nam là nước đầu tiên thu hút sự chú ý của Uber và cũng là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á (trừ Trung Quốc) của startup đình đám này. Việt Nam cũng là nước có số người dùng Grab lớn nhất thế giới. Đội ngũ kĩ sư phần mềm của Việt Nam trẻ, năng động, nhiều kinh nghiệm làm gia công phần mềm, với hơn 7000 doanh nghiệp phát triển phần mềm số phục vụ đa dạng các lĩnh vực từ tài chính, viễn thông cho đến nông nghiệp chính xác và chính phủ điện tử. Việt Nam có số lượng đơn đặt hàng gia công phần mềm từ Nhật Bản lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và vượt lên trên Ấn Độ.
Nhưng vẫn lo tình trạng lao động
Tuy nhiên, lực lượng công nghệ thông tin có kinh nghiệm nói trên cũng vẫn chưa đủ để dịch chuyển số hai ngành sản xuất và nông nghiệp, bởi nó đòi hỏi những nhân lực trong hai lĩnh vực này cũng phải thành thạo sử dụng công nghệ số nhưng trên thực tế, điều này ở Việt Nam hiện nay vẫn còn xa vời. Nó thể hiện rõ ở việc năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn xếp sau tất cả các nước trong ASEAN mặc dù tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.
Sự nổi trội trong giáo dục Việt Nam vẫn được thể hiện bằng tỉ lệ số người biết chữ rất cao (95%) nhưng điều đó chưa đủ để mang đến sự tự tin cho Việt Nam khi bước vào kỉ nguyên số, vì người lao động cần những kĩ năng sâu sắc hơn về chuyên môn và về công nghệ.
Hiện nay ở Việt Nam, chỉ khoảng 20% người lao động học trên lớp 9 (trong đó 8.9% là tốt nghiệp trường đào tạo nghề, 2.7% từ trường đại học và 9% từ cấp 3). Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt kỹ năng lao động khá nghiêm trọng. Lao động không cần kĩ năng vẫn chiếm gần 40% lực lượng lao động mặc dù nhu cầu tìm kiếm người có chuyên môn cao ngày càng tăng. Một khảo sát 633 doanh nghiệp liên doanh với Nhật Bản cho thấy, 42,5% lãnh đạo công ty cho rằng, chất lượng lao động của Việt Nam thấp khiến việc quản lý công ty khó khăn.
Trình độ và kĩ năng của người lao động là rủi ro chính trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Báo cáo gần đây của tổ chức Lao động thế giới chỉ ra rằng, tới 70% công việc của Việt Nam hiện nay có nguy cơ cao bị thay thế bởi tự động hóa trong 20 năm tới trong đó là 86% nhân công trong lĩnh vực dệt may và giày dép, vốn là hai ngành chủ lực của Việt Nam.Trong năm quốc gia Philippines, Thái Lan, Indonesia và Campuchia, Việt Nam là quốc gia được xác định là gặp nhiều nguy cơ nhất trong cuộc cách mạng công nghệ ở tương lai.