Thị trường lao động trong cách mạng 4.0 cần được nhìn nhận thực tế thông qua mức độ ứng dụng công nghệ mà tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. v.v. thâm dụng lao động.



Tại Việt Nam, nói đến robot hiện giờ là quá xa vời. Thị trường lao động trong cách mạng 4.0 cần được nhìn nhận thực tế thông qua mức độ ứng dụng công nghệ mà tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. v.v. thâm dụng lao động. Ngoài tỉ lệ sử dụng internet vào mức thấp, các ông chủ tại Việt Nam vẫn e dè khi sử dụng các ứng dụng và nền tảng thông minh để tăng hiệu suất và năng lực làm việc của cá nhân tập thể.

Nhiều doanh nghiệp, thậm chí rất lớn và lớn, vẫn sử dụng cơ chế nặng về hành chính văn bản và các hàm excel đơn giản để quản lý đến hàng trăm hàng ngàn người...ở các nơi làm việc cấp tiến hơn, các hệ thống hiện đại được trang bị để quản trị nhân lực nhưng dễ dàng bị chi phối và lạm dụng bởi các quyền hạn và mối quan hệ không được quản trị minh bạch. Chi phí cho những vẫn đề này nhìn ở góc độ tranh chấp về lợi ích giữa các cá nhân đến tập thể (từ vị trí quản lý cao nhất đến thấp nhất) có thể tính đến hàng trăm nghìn đến hàng triệu đô la cho những dự án thất bại, những vụ kiện tụng, đình công hoặc hiệu quả làm việc tụt đáy mà phần nhiều các doanh nghiệp không tính toán được.

Một lý do nữa là giá nhân công tại Việt Nam vẫn còn rẻ để các nhà đầu tư tiếp tục sử dụng máy móc "vốn đã bị thải loại từ các nền kinh tế tiên tiến" và "năng suất lao động có theo kịp máy móc hiện đại đâu mà đầu tư mới làm gì?" Cuối cùng các ông chủ lớn nhỏ tại Việt Nam hay được nhân viên hài hước nhận định về khả năng ra quyết định, đặc biệt các quyết định đầu tư vào những vấn đề phức tạp như quản trị hệ thống hay công nghệ, "...Họ thay đổi như chong chóng ... có hay không có căn cứ dự báo tính toán...họ đều đổi ý...có khi đến robot Sophia nổi tiếng cũng phải bể sọ vì tốc độ thay đổi của họ...".

Nói gì thì nói, công nghệ chỉ có thể tác động đáng kể vào đời sống việc làm khi nó trở thành công cụ dễ dàng cho người ứng dụng. Nếu Uber, Grab, Upwork không đơn giản và dễ dùng, họ sẽ không có nhiều người dùng đến thế. Tương tự với người sử dụng lao động, nếu công nghệ không thể làm đơn giản hóa quy trình sản xuất, đảm bảo năng suất chất lượng, dễ tiếp cận với những người lao động trình độ thấp, v.v. từ đó giảm chi phí, tăng lợi nhuận, tránh rủi ro, v.v. thì họ cũng sẽ không sử dụng công nghệ. Chưa kể đặc trưng của 4.0 trong ngành sản xuất là quản lý phân quyền và tổ chức việc làm linh hoạt cần sự thay máu toàn diện, đặc biệt là năng lực công nghệ của lãnh đạo.

Hiện nay đã có nhiều start-up Việt Nam hướng đến công nghệ phức tạp để nâng cao hiệu suất như nền tảng Wework tăng cường hiệu quả quản lý dự án, Upupapp dùng thuật toán trò chơi để tính lương thưởng trong doanh nghiệp, We@work theo dõi phân loại rủi ro và mâu thuẫn để đánh giá hiệu quả hợp tác tại nơi làm việc, v.v. Việc các doanh nghiệp Việt có sử dụng các công nghệ này hay không cũng còn phụ thuộc vào những yếu tố như đã nói ở trên. Nhưng chắc chắn công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp dự báo, tính toán và đo lường cụ thể các vấn đề quản trị để từ đó lãnh đạo ra quyết định đúng đắn nhất cho doanh nghiêp của họ.

Trước tự động hóa và robot, thế giới đã thúc đẩy công nghệ Quản lý thông minh (Business Intelligence) để giải quyết các vấn đề tồn đọng trong quản lý truyền thống trước khi trí tuệ nhân tạo vào cuộc. Có BI thì Walmart, người khổng lồ về thâm dụng lao động, gần đây mới quyết định theo chân Amazon dựa nhiều hơn vào nền kinh tế GIG và tự động hóa. Vì với BI họ tính toán rằng dù doanh thu hàng năm của họ lên tới 500 tỉ đô la, mỗi người lao động của họ chỉ kiếm về cho họ 217000 đôla một năm, so với 315000 đô la của nhân viên Amazon, dù công ty này nhỏ hơn rất nhiều và số lượng lao động chỉ bằng 1/4 Walmart. Walmart hi vọng tự động hóa và GIG sẽ cải thiện hiệu suất làm việc trên toàn cầu, số lượng nhân viên sẽ giảm đi, vì thế thu nhập của họ sẽ tăng lên và tiếng xấu "chạy đua xuống đáy" về trả lương cho người lao động của Walmart bao năm qua có thể sẽ không còn.

Như vậy tại Việt Nam, chỉ cần áp dụng các nền tảng quản trị doanh nghiệp thông minh (BI) phổ biến và đã được chứng minh của thế giới để nâng tầm hiệu suất làm việc, thúc đẩy các mối quan hệ việc làm lành mạnh đã là một cuộc "cách mạng" đáng kể tại Việt Nam, chứ chưa nói gì đến trí tuệ nhân tạo (AI) và robot./.