Số lượng không đi kèm chất lượng
Trên cả nước hiện nay có gần 300 trường đại học và cao đẳng tham gia đào tạo về công nghệ thông tin, trong đó riêng Đại học Quốc gia TP HCM mỗi năm đào tạo được 2000 kỹ sư CNTT, theo ước tính của PGS-TS Vũ Hải Quân - Phó Hiệu trưởng trường Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM, kiêm trưởng phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo AILab, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM. Ông nhẩm tính sơ bộ trên cả nước trung bình hằng năm có khoảng 30.000 sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT.
Tuy nhiên, số lượng đào tạo nhiều như vậy chưa hẳn là điều đáng mừng, bởi điều mà các doanh nghiệp CNTT cần là những kỹ sư có khả năng cống hiến một cách hiệu quả và sáng tạo, chứ không cần thuê đông người làm. Một người lập trình giỏi có thể làm công việc không chỉ của hai, ba người, ông nói. Đánh giá về thực trạng nguồn nhân lực CNTT được đào tạo ở Việt Nam, PGS Quân nhận định ngắn gọn: “Thật tiếc, số lượng không đi kèm với chất lượng”.
Theo GS Hồ Tú Bảo - Viện trưởng Viện John von Neumann, chuyên gia đầu ngành về trí tuệ nhân tạo, nguồn nhân lực làm về CNTT và trí tuệ nhân tạo của ta tăng lên rất nhiều qua các năm, tuy nhiên vẫn thiếu những chuyên gia giỏi. “Tại các hội nghị, hội thảo lớn hàng đầu về trí tuệ nhân tạo hầu như rất ít khi có bài tham luận của người Việt ở trong nước, nếu có thì đó là của người Việt ở nước ngoài. Ít nhất về mặt nghiên cứu thì vẫn còn khoảng cách” – GS Hồ Tú Bảo nói.
Bạn sinh viên năm hai Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội thích thú tìm hiểu chú robot Omnilab được trình diễn tại techshow AI4Life. Ảnh: Loan Lê
Nguồn nhân lực CNTT được đào tạo chuyên sâu giảm liên tục trong những năm qua, thậm chí giảm rất nhiều lần trong vòng 5 năm nay, PGS Vũ Hải Quân chia sẻ về thực trạng đào tạo ở ĐH Quốc gia TPHCM. Nguyên nhân là do các em sinh viên có xu hướng ra ngoài tìm kiếm việc làm hơn là học chuyên sâu ở trường, thậm chí các thầy cô trong khoa CNTT cũng ra ngoài làm, PGS Quân chia sẻ. Điều này có thể dẫn tới rủi ro, vì khiến các trường “thiếu hụt một lực lượng giảng dạy có tâm, có tầm và có trình độ”.
Tình cảnh này cũng tương tự ở ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội. TS Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Trưởng khoa Toán cơ tin học, cho biết đơn vị của bà có rất nhiều đặt hàng từ doanh nghiệp về trí tuệ nhân tạo nhưng khó khăn chính là thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Không ít các em sinh viên không chuyên tâm học hành một cách bài bản, chỉ lo sớm kiếm được việc làm, “nhiều em năm thứ ba đã đi làm kiếm tiền và bị cuốn theo công việc, không có thời gian đầu tư cho việc học những chuyên đề, học phần tạo nền tảng tốt làm về AI”, TS Huyền chia sẻ.
TS Hùng của Got It! cũng từng nói, các sinh viên Việt Nam muốn làm về AI thì cần phải được “đào tạo thêm” sau khi ra trường, bởi vẫn còn khoảng cách giữa năng lực của họ với yêu cầu của doanh nghiệp.
Cần thay đổi gì trong cách đào tạo?
GS Hồ Tú Bảo kể: Năm 1991 lần đầu tiên tôi sang Mỹ và đến thành phố Seattle, nơi tập trung rất nhiều công ty công nghệ lớn như Microsoft, Boeing… với nhu cầu rất cao về nguồn nhân lực CNTT – khoảng 3.500 người hằng năm, trong khi đó các trường ĐH ở đây chỉ có thể đào tạo được khoảng 300 người. Như vậy, các doanh nghiệp buộc phải tìm nhân lực từ các nơi khác, như Microsoft phải mở chương trình liên kết với ĐH Thanh Hoa (Bắc Kinh) để đưa sinh viên Trung Quốc qua học. Tuy nhiên, trước thực trạng đó các đại học của Mỹ vẫn kiên quyết không mở rộng chỉ tiêu đào tạo ngành CNTT, “bởi cho rằng năng lực đào tạo của họ chỉ có thể đáp ứng được như thế”, GS Hồ Tú Bảo cho biết.
Đó là minh chứng cho quan điểm đào tạo nhân lực CNTT: 1) Doanh nghiệp phải gắn kết khăng khít với nhà trường; 2) Các trường phải luôn coi việc đảm bảo chất lượng đào tạo là yêu cầu hàng đầu, tuyệt đối không thể hi sinh chất lượng để chạy theo số lượng.
Vậy đâu là giải pháp cụ thể và phù hợp với điều kiện của Việt Nam để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành CNTT? Về đào tạo lý thuyết, theo GS Hồ Tú Bảo, sinh viên ngành CNTT của chúng ta cần học thêm toán, bởi yêu cầu xử lý dữ liệu sẽ ngày càng nhiều. “Có thể thấy Việt Nam có rất nhiều người giỏi toán nhưng nhìn vào chương trình dạy toán ở bậc phổ thông hay chương trình CNTT ở các cấp vẫn còn hơi ít toán”, GS Bảo nhận định.
Còn với đào tạo thực hành, PGS Vũ Hải Quân cho rằng cần tăng cường cơ hội thực hành cho các em ngay từ khi còn trên ghế phổ thông, điển hình như hai hướng tiếp cận của AILab. Các em đam mê về robotics có thể lập trình với thiết bị có sẵn ở AILab, sau khi học xong các em có thể sinh hoạt tại các câu lạc bộ và tiếp tục tạo ra những sản phẩm khác. Còn với các em thích lập trình, PGS Quân cùng các cộng sự biên dịch tài liệu của ĐH Harvard phát miễn phí để giúp các em bắt đầu làm quen với ngôn ngữ lập trình, sau đó mở khóa học online miễn phí cho các em dựa trên nền tảng EDS của ĐH Harvard do những cử nhân tài năng của trường dạy. Mỗi lớp học như vậy có hàng nghìn em tham gia, PGS Quân cho biết.
“Tất cả những gì chúng tôi làm là truyền lửa cho các em để các em có thể hình thành đam mê và duy trì được niềm đam mê đó” - PGS Vũ Hải Quân nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, để tăng cường sự kết nối giữa nhà khoa học, các viện, trường và các doanh nghiệp, Việt Nam cần có những trung tâm AI nhỏ ở các thành phố đồng thời thành lập nhóm hay hiệp hội về AI, thường xuyên tổ chức những hội thảo, diễn đàn kết nối nhu cầu, nơi doanh nghiệp trình bày ý tưởng và các nhóm nghiên cứu trình bày năng lực của mình “Làm được những điều này chúng ta mới có thể trả lời được câu hỏi liệu Việt Nam có thể trở thành một AI hub của khu vực hay không”, ông nói. |