Ở Việt Nam, người ta thường nói nhiều về Cách mạng 4.0, nhưng có lẽ chính kinh tế số mới là nền tảng để chúng ta vươn lên và bắt kịp các nước tiên tiến.

Việt Nam được đánh giá là một quốc gia sở hữu tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế số nhờ ưu thế dân số trẻ, tỷ lệ người sử dụng internet và tham gia mua sắm trực tuyến ngày một cao, bên cạnh cơ sở hạ tầng đang từng bước hoàn thiện.

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của cả ba thành tố dẫn dắt kinh tế số, bao gồm: Công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT & TT), Thương mại điện tử (TMĐT) và các phương thức kinh doanh phi truyền thống (như Grab hay Fintech), cùng với đó mở ra thêm rất nhiều cơ hội cho khởi nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, kinh tế số đồng thời cũng tạo ra những nguy cơ về an toàn, bảo mật, thách thức cạnh tranh hay về khả năng thích ứng. Ngoài ra, tỷ trọng của TMĐT và các lĩnh vực số hóa hiện mới chỉ chiếm 3,6% tổng doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam – khá khiêm tốn so với mức 14,5% của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Vì lý do đo, các đại biểu, bao gồm lãnh đạo, chuyên gia và nhà khoa học đã tới tham dự, chia sẻ để cùng tìm ra giải pháp tại Diễn đàn “Phát triển Doanh nghiệp trong nền kinh tế số” và Lễ “Công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2017-2018” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào hôm 17/05/2018.

Ảnh: Viral Tech

Hoàn thiện các quy định pháp luật về TMĐT

Mặc dù Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật giao dịch TMĐT (tháng 11/2015) nhằm thiết lập hành lang pháp lý hỗ trợ sự phát triển của TMĐT trên cơ sở giao dịch minh bạch và cạnh tranh lành mạnh, nhưng để quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh TMĐT ở Việt Nam, đồng thời không làm khó các chủ thể và tạo cơ chế thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp, chúng ta cần bổ sung thêm một số quy định như: công nhận giá trị pháp lý của chứng cứ điện tử; đưa ra các phương án quản lý mạng xã hội và nền tảng di động kinh doanh TMĐT; cần có chế tài tương ứng đối với các hành vi vi phạm; xây dựng và thừa nhận tính pháp lý đối với hoạt động thu thập dữ liệu điện tử của các cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết tranh chấp.

Cải thiện quy trình cấp phép và các quy định về thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới

Nhìn chung, việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kinh tế số ở Việt Nam vẫn đang được triển khai tương đối chậm, so với những đòi hỏi và nhịp độ phát triển quá mau lẹ. Nhiều quy định về thử nghiệm các dịch vụ, sản phẩm công nghệ số như Grab Taxi hay Fintech cũng không rõ ràng và nhất quán, dẫn đến tình trạng “thử nghiệm” quá lâu, hoặc hạn chế quy mô của thử nghiệm, cũng như không có đủ chế tài để điều chỉnh, xử phạt … dẫn tới làm mất đi cơ hội của các doanh nghiệp trong nước và hạn chế khả năng cạnh tranh của họ trước các ông lớn nước ngoài.

Rút kinh nghiệm từ bài học chậm cấp phép 4G trước đây, chính phủ cùng các doanh nghiệp cần nghĩ ngay tới các phương án triển khai 5G để theo kịp xu thế, tạo điều kiện kết nối IoT (internet vạn vật) và mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp. Hay cần có chính sách tương tự trong lĩnh vực Fintech. Ngoài ra, một nguyên tắc quan trọng cũng nên lưu ý khi xây dựng quy định để quản lý mô hình kinh doanh phi truyền thống (như Grab hay Fintech), là cần phải cởi mở để tạo điều kiện cho đổi mới, sáng tạo, và thường xuyên phải đánh giá, tổng kết tác động của chính sách để có sự điều chỉnh kịp thời.

Gấp rút xây dựng nền tảng và cổng thanh toán điện tử trực tuyến

Hiện nay, một trong những thách thức lớn nhất đối với mô hình kinh doanh C2C (khách hàng - khách hàng) tại Việt Nam là ở khâu thanh toán trực tuyến. Chúng ta vẫn chưa có nền tảng thanh toán điện tử hoàn thiện, do chưa thiết lập được cổng thanh toán trực tuyến để kết nối các ngân hàng và với các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế. Vì vậy, nhiệm vụ xây dựng cổng thanh toán điện tử nên được đặt làm ưu tiên hàng đầu trong các chính sách phát triển mô hình đấu giá trực tuyến nhà nước. Bên cạnh đó, cần không ngừng nâng cấp và hoàn thiện các dịch vụ phân phối, chuyển phát, … để thúc đẩy sự thay đổi diện mạo của mô hình C2C ở Việt Nam.

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đồng bộ

Tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế số Việt Nam. Theo báo cáo của Diễn đàn tuyển dụng Vietnamworks, ngành CNTT của Việt Nam có khả năng sẽ thiếu hụt khoảng 70.000 nhân sự vào năm 2018, hay thậm chí 500.000 vào năm 2020. Ngoài ra, nền kinh tế số cũng đòi hỏi người lao động không chỉ có kỹ năng, chuyên môn trong lĩnh vực của mình, mà còn cần nắm bắt được những nguyên lý vận hành của các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng kỹ thuật số. Tuy nhiên, hệ thống đào tạo hiện nay của Việt Nam vẫn chưa theo kịp được yêu cầu này và đó thực sự là một nguy cơ không dễ vượt qua.

Khuyến khích cạnh tranh bình đẳng

Phần lớn các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ của Việt Nam là ở mô hình vừa và nhỏ, song chính sách quản lý lại tồn tại rất nhiều bất cấp. Chẳng hạn, các công ty trong nước có vẻ đang bị quản lý quá chặt, còn những doanh nghiệp nước ngoài như Google, Facebook, … thì lại không gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh xuyên biên giới vào Việt Nam. Chính điều đó đã tạo nên một cuộc cạnh tranh bất bình đẳng mà phần thua thiệt thuộc về chúng ta. Cần sớm có chính sách để điều chỉnh và khắc phục tình trạng này.

***

Những thảo luận và đề xuất trên đây cho thấy trong từng lĩnh vực cụ thể của kinh tế số, Việt Nam đều có thể xem xét tiếp cận, nghiên cứu và áp dụng một số mô hình lẫn kinh nghiệm sẵn có. Tuy nhiên, trước mắt có lẽ chúng ta nên có sự đánh giá và nhận diện đúng đắn về thực trạng của mình để tìm ra đâu là những nhân tố phù hợp thúc đẩy phát triển. Về lâu dài, Việt Nam cần xây dựng cho được những chính sách hỗ trợ cùng hành lang pháp lý thông thoáng cần thiết để cải thiện, nuôi dưỡng và kích thích sự phát triển của môi trường kinh doanh trong nền kinh tế số. Trong đó, động lực không thể thiếu chính là sự năng động của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, cùng với nguồn nhân lực được đào tạo, bồi dưỡng đúng hướng và đồng bộ.