Trong tuần vừa qua, các cơ quan truyền thông đưa ra nhiều thông báo “hai tuần này có vai trò quyết định trong công tác chống dịch”. Đối với ngành dịch tễ học, thì điều đó có liên quan tới việc xác định “đỉnh dịch COVID-19 ở Việt Nam” rơi vào thời điểm nào: Đang xẩy ra? Hai tuần tới? Một, hai, hay ba tháng nữa? Hay có thể đã “qua rồi”?
Bài viết này phân tích về vai trò của công tác dự báo đỉnh dịch và làm cách nào để dự báo.
Việc dự báo về thời gian xảy ra đỉnh dịch có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác chống dịch ở Việt Nam. Bởi vì, chỉ khi xác định đúng thì mới có động thái huy động nguồn lực tốt nhất và quyết định “giãn cách xã hội” hay “cách ly” triệt để, trong thời hạn bao lâu. Tuy nhiên, muốn dự báo được chính xác “đỉnh dịch” rơi vào thời gian nào, thì cần có những số liệu dịch tễ học phản ánh thực tế thật khách quan, khoa học, về diễn biến lây truyền trong cộng đồng cùng các yếu tố nguy cơ tồn tại từ hoạt động của hệ thống phòng chống dịch cũng như từ phía người dân.
Lực lượng hóa học pha hóa chất để tiến hành phun tiêu tẩy khu vực phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)
Vai trò của mô tả đúng thực trạng lây lan và dự báo đỉnh dịch
Về mặt y tế, đỉnh của một dịch bệnh truyền nhiễm như COVID-19 được hiểu là quãng thời gian mà dịch bùng phát mạnh nhất, lây nhiễm trong cộng đồng nhiều nhất. Số lượng người nhiễm lên cao nhất, kéo theo số người có biểu hiện lâm sàng cao nhất, và số phải cần hỗ trợ y tế cũng cao nhất. Tóm lại, là lúc “người bệnh” đổ đến các cơ sở y tế nhiều nhất, và ngành y tế phải “tổng động viên nguồn lực” ở mức cao nhất có thể.
Không dự báo được để có kế hoạch đối phó, thì có thể sẽ xảy ra tình trạng “khủng hoảng” nhân lực, trang thiết bị, sinh phẩm, như đã thấy trong đợt chống dịch COVID-19 ở cả một số nước có tiềm lực y tế thuộc vào top đầu thế giới. Khi chất lượng chăm sóc y tế đi xuống, tỷ lệ “chữa bệnh thêm họa” phát sinh, gây tăng lây nhiễm, dịch bệnh thêm kéo dài, tăng tỷ lệ tử vong, tăng chi phí chăm sóc y tế….
Về mặt kinh tế - chính trị - xã hội, dự báo được “đỉnh dịch” giúp điều chỉnh chọn lựa chiến lược phòng chống chủ động cho phù hợp nhất với thực tế và chủ động định lại kế hoạch “ổn đinh xã hội” sớm nhất có thể. Tâm lý xã hội phụ thuộc nhiều vào thời gian dự báo “đỉnh dịch” xẩy ra, và tính chính xác của dự báo. Hay nói đơn giản và khái quát nhất, đỉnh dịch được thông báo “trong 2 tuần tới” sẽ đưa lại chính sách khác hoàn toàn với “2 tháng”, hay “3 tháng nữa”.
Đỉnh của một dịch bệnh truyền nhiễm như COVID-19 được hiểu là quãng thời gian mà dịch bùng phát mạnh nhất, lây nhiễm trong cộng đồng nhiều nhất. Đây là lúc “người bệnh” đổ đến các cơ sở y tế nhiều nhất, và ngành y tế phải “tổng động viên nguồn lực” ở mức cao nhất có thể.
Dựa vào đâu để dự báo đỉnh dịch?
Câu trả lời là dựa vào các nghiên cứu dịch tễ học cộng đồng chuẩn mực, và chạy chương trình toán dự báo dịch tễ, vốn đã có sẵn.
Hiện nay giới khoa học đã đưa ra cả test kháng nguyên (phát hiện sự có mặt virus ở người nhiễm), và cả test kháng thể (đã nhiễm và đã vượt qua; không bị nhiễm lại). Vì thế, có thể sử dụng cả hai loại test này để tiến hành nghiên cứu dịch tễ học cộng đồng để chạy chương trình dự báo dịch tễ. Cụ thể:
(A) Dùng test phát hiện kháng nguyên để test trong cộng đồng, chỉ ra tỷ lệ trong cộng đồng đang có nhiễm virus, kết hợp với điều tra tính hệ số lây nhiễm Ro cùng các yếu tố nguy cơ khác đến từ hệ thống thực thi phòng chống dịch và hành vi của người dân tuân thủ làm đầu vào cho dự báo mức độ lây lan. Từ đó đưa ra các phương án tuân thủ khuyến cáo y tế khác nhau.
(B) Dùng test phát hiện kháng thể trong huyết thanh, chỉ ra tỷ lệ đã nhiễm và đã có miễn dịch. Kết hợp (B) với kết quả từ điều tra (A) làm đầu vào nhận định chính xác tình hình dịch hiện tại đang có trong cộng đồng, để từ đó thực hiện dự báo đỉnh dịch và đưa ra các phương án chống dịch, khuyến cáo người dân.
Nên làm các nghiên cứu dịch tễ học cộng đồng (A) và (B) với các mẫu độc lập, nhưng trên cùng một khu vực (tỉnh/thành phố), khu trú ở nhóm từ 15 tuổi trở lên, với thiết kế mẫu nhiều bậc, ngẫu nhiên phân tầng cân xứng (mutistage, stratified random sampling) cho phép nhận định đến từng nhóm tuổi (khoảng cách 10 năm tuổi), cỡ mẫu tối thiểu khoảng 2000 mẫu cho một nghiên cứu.
Nếu tiến hành thực hiện các nghiên cứu dịch tễ học cộng đồng, nhất là, nghiên cứu sử dụng test phát hiện kháng thể đặc hiệu với virus gây dịch, cho ra chính xác kết quả tỷ lệ dân chúng đã nhiễm virus, có kháng thể ở thời điểm hiện nay thì sẽ trả lời được câu hỏi quan trọng “đỉnh dịch đang ở phía trước hay phía sau?”
Sau đó, nếu muốn làm tốt nữa thì có thể tiến hành nhắc lại nghiên cứu đó thêm một vài tỉnh, thành, cho phép nhìn ra diễn biến dịch và dự báo nguy cơ đỉnh dịch thêm độ tin cậy cho toàn quốc.
Như vậy, nếu tiến hành thực hiện các nghiên cứu dịch tễ học cộng đồng, nhất là, nghiên cứu sử dụng test phát hiện kháng thể đặc hiệu với virus gây dịch, cho ra chính xác kết quả tỷ lệ dân chúng đã nhiễm virus, có kháng thể ở thời điểm hiện nay thì sẽ trả lời được câu hỏi quan trọng “đỉnh dịch đang ở phía trước hay phía sau?”
Nếu tỷ lệ có kháng thể lên tới 50% mẫu được nghiên cứu, thì chắc chắn đỉnh dịch đã ở phía sau. Khi đó chiến lược giãn cách bắt buộc kiểu “phong tỏa” tỉnh, thành phố, hay cả nước, cần được dỡ bỏ để giảm thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần của toàn xã hội.
Nhưng nếu tỷ lệ đó lại chỉ ở mức thấp, chẳng hạn dưới 10%, thì chắc chắn đỉnh dịch đang "còn ở phía trước".
Đối với Việt nam, nếu so sánh với một số mô hình diễn biến báo cáo số ca mắc, chết của các nước có từ 100 trường hợp nhiễm trở lên, thì phần lớn mọi người cho rằng đỉnh dịch đang ở phía trước. Tức chỉ "1%" dám "tin" đỉnh dịch "đã qua". Nếu đỉnh dịch đang ở phía trước thì tới đây cần tiến hành những nghiên cứu dịch tễ học nào?
Đối với Việt nam, nếu so sánh với một số mô hình diễn biến báo cáo số ca mắc, chết của các nước có từ 100 trường hợp nhiễm trở lên, thì phần lớn mọi người cho rằng đỉnh dịch đang ở phía trước. Tức chỉ "1%" dám "tin" đỉnh dịch "đã qua".
Đỉnh dịch đang ở phía trước: Cần xây dựng nghiên cứu dịch tễ học cộng đồng đi kèm nghiên cứu chống khủng hoảng xã hội
Hãy hình dung con đường trước mặt là “mờ mờ quả đồi” dịch bệnh đang chờ Nhưng biết đâu, tưởng đã tìm thấy đỉnh rồi, phía trước lại “mờ mờ” một ngọn đồi cao hơn. Điều này là có thể, bởi vì COVID-19 do loại virus mới gây ra, con người chưa từng tiếp xúc. Khối cảm nhiễm là 100% dân chúng. Sự can thiệp quyết liệt phòng chống dịch làm “thay đổi” diễn biến lan truyền tự nhiên của "phân bố cổ điển" loại hình dịch bệnh do virus đường hô hấp, khiến thực tế có thể là “vài đỉnh” , với thời gian hình thành và quy mô “cao thấp, rộng hẹp” hoàn toàn khác nhau, đỉnh sau cao to hơn đỉnh trước.
Bởi thế, nếu rơi vào tình huống đỉnh dịch đang ở phía trước càng đòi hỏi lãnh đạo nhà nước phải thiết lập ngay các nghiên cứu dịch tễ học cộng đồng chuẩn mực cho mục tiêu dự báo, tiên lượng. Đồng thời đi kèm với đó là các phương án chống khủng hoảng hệ thống dịch vụ y tế, hoặc lớn hơn, khủng hoảng kinh tế-xã hội toàn diện và sâu sắc.
Thêm vào đó, cẩn hiểu áp lực của “đỉnh dịch” trên cả 2 phương diện:
- (1) “Gánh nặng bệnh về mặt Y- sinh học”. Tức là, đỉnh dịch phản ánh cường độ lây nhiễm mạnh nhất, khi xẩy ra số người nhiễm cao nhất, kéo theo số người có biểu hiện bệnh cao nhất.
- (2) “Áp lực tổng thể đè lên hệ thống xã hội”, tức là từ cấp độ khủng hoảng hệ thống đơn lẻ trực tiếp đối đầu (như y tế, dịch vụ cung cấp nhu yếu phẩm), tới toàn bộ nền kinh tế -xã hội của đất nước.
Tính “hai mặt” trên có thể “đi liền nhau” hoặc tách khác nhau, phụ thuộc vào “tiềm lực và khả năng chịu đựng” của từng “ngành chịu trận”, hay từng địa phương "chịu trận", và khác nhau giữa các quốc gia "chịu trận". “Dịch bệnh sinh học” chưa đến độ có tỷ lệ người nhiễm, người bệnh cao nhất, nhưng “khủng hoảng” đã có thể xẩy ra với ngành y tế, hay dịch vụ, kinh tế xã hội. Chưa đến 10% dân số trưởng thành bị nhiễm, và chỉ 1% số đó cần cấp cứu y tế, cũng đủ “đánh quỵ” hệ thống hồi sức cấp cứu bệnh viện của những nước có nền y tế yếu kém, hoặc đã đủ xẩy ra “nạn đói, khủng hoảng nhân đạo" với các nước nghèo.
Là một bệnh dịch hoàn toàn mới, COVID-19 đang thử thách năng lực nghiên cứu hệ thống và dự báo dịch của mỗi nước. Không theo dõi một cách hệ thống và khoa học, với các nghiên cứu dịch tễ học cộng đồng sử dung cả test kháng nguyên và/hoặc kháng thể; hoặc thực hiện nghiên cứu nhưng thiết kế, tổ chức không kiểm soát được sai số; con số không chính xác thì rất khó "chẩn đoán, tiên lượng" một cách khách quan, hợp lý về đỉnh dịch xảy ra để đưa ra các kịch bản ứng phó tương ứng.
------------
Tài liệu tham khảo
1. Financial Times: Coronavirus tracked: the latest figures as the pandemic spreads. https://www.ft.com/coronavirus-latest
2.Bài báo khoa học về hiện tượng tồn tại kháng thể đơn dòng gây miễn dịch chéo giữa virus SARS-CoV và SARS-CoV-2.https://www.biorxiv.org/…/10.1…/2020.03.11.987958v1.full.pdf