Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các địa phương tăng cường dạy học trực tuyến, truyền hình. Nhưng không phải trường nào cũng có đủ điều kiện để triển khai dạy học trực tuyến toàn phần thật sự hiệu quả.


Hệ thống giáo dục tư như Olympia có lợi thế vì trước đây đã có sự chuẩn bị, tổ chức hình thức học trực tuyến và có điều kiện cơ sở vật chất thuộc loại tốt nhất cả nước. Ảnh: The Olympia school.

Trường tư thuận lợi, trường công thiếu thốn

“Sáng nay mình vừa dạy xong bài Ca Huế, các em thích thú lắm!” – cô giáo Nguyễn Phạm Minh Thùy, giáo viên môn Văn trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý (Q.7, Tp.HCM) chia sẻ. Đinh Thiện Lý là một trong những trường tư triển khai dạy học trực tuyến một cách bài bản ngay từ đầu trong đợt dịch này. “Trường mình đang sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến Canvas.” Nếu sử dụng thành thạo nền tảng này, giáo viên có thể quản lý hiệu quả giờ giấc học tập của học sinh, "từ giờ đăng nhập vào lớp, ‘ra’ khỏi lớp cho đến thời gian mỗi học sinh thực hiện bài tập.” Nền tảng này còn hỗ trợ thiết kế bài giảng với những ứng dụng đa phương tiện, kèm theo đó là chức năng giao bài tập, chấm điểm và nhận xét trực tiếp trên bài làm của học sinh.

Không chỉ THCS-THPT Đinh Thiện Lý mà những trường như Trường Albert Einstein (Bình Chánh, Tp.HCM), Trường Olympia (Từ Liêm, Hà Nội) cũng triển khai dạy học trực tuyến một cách bài bản. Cô Trịnh Phương Thảo, trưởng phòng truyền thông của Trường Olympia chia sẻ: “Olympia chú trọng sử dụng công nghệ từ lâu rồi”, nên có thể “chuyển đổi sang mô hình online từ rất sớm trong thời gian dịch Covid-19.” Một em học sinh của trường chia sẻ: “Trước đây tụi em đã có sử dụng phần mềm School online của trường để theo dõi lịch học, kết quả đánh giá..., giờ chuyển sang học trực tuyến 100% ngay lập tức bằng Microsoft Teams thế này có hơi bỡ ngỡ, nhưng hiện tại thì cũng quen dần rồi ạ.”

Điểm chung của những trường kể trên, đó là đều là những trường tư liên cấp, họ có đủ nguồn lực về tài chính cũng như sự sẵn sàng và kiên quyết từ phía nhà trường. Trong khi đó, các trường công lập vẫn gặp nhiều khó khăn.

Một giáo viên dạy Toán ở Tp.HCM cho biết, do thiếu thốn trang thiết bị dạy học trực tuyến, trường chỉ mới dừng ở việc gửi bài ôn tập qua Mail hay Zalo, đồng thời nhắc nhở học sinh theo dõi lịch dạy học trên truyền hình để ít nhất không quên kiến thức cũ, chứ chưa thể tổ chức dạy học trực tuyến.

Còn về phía học sinh, việc học của học sinh còn bị chi phối bởi những yếu tố như khả năng công nghệ thông tin và điều kiện gia đình (thiết bị sử dụng, Internet…). H.Q, một giáo viên Văn tại Khánh Hòa chia sẻ: “Khi nhận được chỉ đạo dạy học trực tuyến từ Bộ, nhà trường đã tiến hành cho học sinh ôn tập bài cũ và làm bài tập trắc nghiệm trên hệ thống học trực tuyến do VNPT tài trợ. Nhưng không phải học sinh nào cũng có Internet để ôn bài trên hệ thống này, vì vậy phụ huynh của những em đó sẽ lên trường để nhận đề cương.” Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, có khả năng trường không thể tiếp tục giao bài trực tiếp được nữa.

Học sinh khó tự học

Khoảng cách kinh tế trong giáo dục đang bộc lộ rõ trong hoàn cảnh dịch bệnh mới chỉ là vấn đề đầu tiên. Ngay cả khi điều này được giải quyết, thì vấn đề còn lại ở chính người học và người dạy.

“Khả năng tự học của học sinh là yếu tố quyết định tính hiệu quả trong dạy học online” – cô Minh Thùy chia sẻ. Tuy nhiên đây lại là một vấn đề lớn mà hầu hết giáo viên phải đối mặt.

Những ngày qua, trên khắp các diễn đàn xôn xao sự việc nhiều học sinh kéo nhau xếp hạng các ứng dụng học trực tuyến như Zoom, SHub Classroom, Google Hangouts… 1 sao, đồng thời để lại những đánh giá như “đang nghỉ dịch mà vẫn phải làm bài tập”, “app chạy mượt nhưng vì app mà mình phải học, nên mình rate 1 sao nhé”, “đằng nào cũng phải học bù thì còn bắt học online làm gì”,… thậm chí các bạn còn lập sự kiện “Cùng nhau rate một sao các app học online” trên Facebook để rủ nhau “đánh sập” các ứng dụng học trực tuyến. Dĩ nhiên hành động này không nói lên được ý thức của toàn thể học sinh hiện nay, nhưng nó cũng là một dẫn chứng để phần nào thấy được ý thức tự học của học sinh vẫn chưa cao, đối với các em học hành vẫn là một sự ‘đày ải’ và mang tính ép buộc.

Khả năng tự học của học sinh là yếu tố quyết định tính hiệu quả trong dạy học online. Ảnh:VGP/Hiền Minh

Mặt khác, môi trường Internet vừa thuận lợi cho học tập, nhưng đồng thời cũng gây sao lãng – bởi có rất nhiều nguồn giải trí có thể tác động trực tiếp đến khả năng tập trung của các em học sinh. “Có một lần mình đang dạy thì nghe âm thanh bắn súng vang lên, hóa ra một em học sinh đang chơi game nhưng quên không tắt tiếng. Cuối cùng mình phải gọi thẳng vào số điện thoại của em học sinh đó thì tiết học mới có thể tiếp tục được” – Một cô giáo dạy Lý ở Tp.HCM kể. Nhưng hầu hết thầy cô giáo không thể biết được rằng học sinh đang làm gì ở phía sau màn hình.

Chính vì vậy, người học cần phải xác định được mục tiêu rõ ràng trong quá trình tiếp cận tri thức. Chương trình đổi mới đang hướng đến phát triển năng lực ở học sinh, mục tiêu bài học được xác định một cách rõ ràng, cụ thể, để học sinh có thể nắm bắt được rằng mình học điều này để làm gì, nó sẽ giúp ích được gì cho mình. Khi chuyển sang học online, câu hỏi “Vì sao phải học nội dung này?” sẽ càng hiện rõ hơn, vì giờ đây chẳng ai ép được các em phải tập trung nữa, tự các em sẽ là người xác định mục tiêu, và quyết định việc học của chính mình.

Thay đổi cốt lõi từ phía người thầy

Nhưng một khi giáo viên vẫn cố gắng níu lấy cách dạy truyền thống, sự thay đổi trong khả năng tự học của học sinh sẽ rất khó diễn ra. Nếu giáo viên vẫn xem việc học đơn thuần là giảng bài và ra bài tập cho học sinh, dạy học trực tuyến cũng chỉ là “dạy học được quay phim lại” mà thôi. Dạy học trực tuyến không chỉ là lớp học ảo, mà giá trị của nó là ở phương pháp định hướng của giáo viên, cách giáo viên hướng dẫn học sinh tự học và thảo luận, để từ đó học sinh có thể tự mình khám phá thế giới. Suy cho cùng, cốt lõi của mọi sự thay đổi nằm ở kỹ năng sư phạm của người thầy – điều mà dù là online hay offline cũng đều mang tính quyết tính.

Để người giáo viên không đơn độc trên con đường đổi mới, nhà trường cần phải tạo điều kiện thuận lợi, cũng như là đầu tàu triển khai, hướng dẫn giáo viên các phương pháp dạy học tích cực. Trường THCS & THPT Thái Bình (Tân Bình, Tp.HCM) trong năm vẫn thường xuyên mời thầy Phan Duy Khôi (giảng viên Tổ bộ môn Lý luận và Phương pháp giảng dạy Ngữ Văn, Trường Đại học Sư Phạm Tp.HCM) đến tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên môn tìm hiểu chương trình ngữ văn mới cho tổ Văn của trường. Trong suốt đợt dịch này, các thầy cô trong tổ cũng thường xuyên được tập huấn online cách sử dụng những phần mềm, ứng dụng hỗ trợ việc giảng dạy trực tuyến. Hướng triển khai bền vững này không chỉ giúp tạo ra một thế hệ giáo viên đáp ứng được nhu cầu phát triển của thời đại, mà còn hình thành nên môi trường giáo dục nơi học sinh được rèn luyện để sẵn sàng bước vào một thế giới không ngừng thay đổi.

Phản ứng kịp thời của trường Đinh Thiện Lý trước tình hình dịch bệnh, cũng như khả năng thích ứng nhanh nhạy của học sinh không tự nhiên mà có, việc học trực tuyến từ trước đến nay đã được trường triển khai dưới dạng blended learning. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã đầu tư mua nền tảng Canvas và tập huấn cho giáo viên cách sử dụng. Giáo viên đã quen với soạn bài giảng trực tuyến, giao nhiệm vụ về nhà, và học sinh đã quen với việc tự học. “Các thầy cô ở trường mình đang áp dụng chiến lược lớp học đảo ngược (flipped classroom).” – cô Minh Thùy cho biết. Đây là kiểu học tập kết hợp đảo ngược môi trường học tập truyền thống bằng cách cung cấp nội dung hướng dẫn học tập, thường là trực tuyến, cho học sinh học tập ngoài giờ học trên giảng đường.” Trong một lớp học đảo ngược, học sinh xem các bài giảng trực tuyến, hợp tác trong các cuộc thảo luận trực tuyến hoặc tiến hành nghiên cứu tại nhà, trong khi ở lớp người học đào sâu và vận dụng kiến thức với sự hướng dẫn của giáo viên. Đó là mục tiêu mà giáo dục hiện đại cần hướng đến.

Với trường Olympia, khi dịch bệnh vừa khởi phát, nhà trường đã lập tức mời các chuyên gia từ Microsoft đến đào tạo và hướng dẫn các thầy cô sử dụng phần mềm Microsoft Teams, nhằm giúp các thầy cô và học sinh có môi trường học tập online chuyên biệt, với các công cụ phục vụ tối ưu cho hoạt động học tập, giảng dạy online và làm việc theo nhóm. Điều này sẽ giúp các thầy cô vững vàng hơn, không bị bối rối trước tình huống phải thay đổi hình thức dạy học đột ngột hiện tại.

Thầy Võ Đức Anh (giáo viên dạy Toán trường Olympia) trong buổi hướng dẫn sử dụng Microsoft Teams. Ảnh: The Olympia School.

Nhưng với những giáo viên không có được điều kiện thuận lợi như vậy, họ phải tự mình mày mò để tìm kiếm một nền tảng phù hợp cho việc giảng dạy. Song song với đó, họ phải tự xoay sở để tìm cách thích ứng với phương thức dạy học mới mẻ này, trong lúc chờ đợi những giải đáp từ Bộ GD&ĐT, một trong số đó là việc kiểm tra đánh giá – điều mà Bộ chỉ vừa ‘gỡ rối’ phần nào vào ngày 26/3 vừa qua.

Cần hướng dẫn cụ thể

Để đảm bảo chất lượng dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường vì Covid-19, ngày 26/3, Bộ GD&ĐT đã ban hành Hướng dẫn dạy học với hai hình thức này. Theo quy định của Bộ, giáo viên có thể chủ động tổ chức thực hiện bài kiểm tra 15 phút, bài kiểm tra miệng hệ số 1 trực tuyến. Tuy vậy, nhiều thầy cô vẫn chưa biết sẽ kiểm tra như thế nào để đánh giá đúng năng lực của các em. Các em học sinh sẽ trao đổi với nhau, hoặc lên mạng tìm đáp án có sẵn để điền vào. Nhiều trường vẫn chưa tiến hành cho điểm học sinh.

Có một “lối thoát” là một số giáo viên đã tự ra đề theo hướng “mở”. Do đó, đã đến lúc không nên xem việc đánh giá “mở” là một giải pháp tình thế, mà đó sẽ là một trong những cánh cửa đê đổi mới giáo dục theo hướng “cá thể hóa”. Và thực chất, bức tranh toàn cảnh giáo dục hiện nay đều cho thấy phải đẩy mạnh tinh thần tự học của học sinh, mà điều kiện tiên quyết là thay đổi phương pháp giảng dạy và cách kiểm tra đánh giá. Nhưng những thay đổi này không thể chỉ đến từ một vài “đốm sáng” là các giáo viên, mà cần có sự hướng dẫn, điều chỉnh hệ thống từ Bộ.

Nếu thiếu đi hướng dẫn, thì sẽ “giống như cầm đèn dầu đi trong đêm vậy, chỉ có đủ ánh sáng để soi lờ mờ thấy đôi chân mình, chứ chẳng biết đang đi đâu và bước tiếp theo sẽ dẫm vào cái gì,” như một nhóm giáo viên thảo luận về khó khăn trong việc dạy học trực tuyến đã chia sẻ.
Do đó, Bộ GD&ĐT cần có những hướng dẫn cụ thể về việc triển khai hình thức dạy học từ xa trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Dịch bệnh đã trao cho chúng ta quãng thời gian để thúc đẩy giáo dục đi nhanh hơn, và khi dịch bệnh kết thúc, sẽ là lúc chúng ta cùng nhau đổi mới từ căn bản, để giáo dục có thể thực sự đi xa hơn.

Bộ GD&ĐT cần đầu tư phát triển một nền tảng chung cho việc dạy học trực tuyến, bởi những ứng dụng dạy học miễn phí hiện nay chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu giảng dạy của giáo viên, chúng bị giới hạn về tính năng – dẫn đến giáo viên muốn làm phong phú bài giảng thì phải tìm hiêu thêm những ứng dụng khác. Trong khi đó, một số ứng dụng không thật sự bảo đảm về an toàn bảo mật. Một trong những ứng dụng được dùng nhiều nhất hiện nay để dạy học trực tuyến là Zoom – đang bị nghi ngờ bán dữ liệu người dùng cho Facebook, thu hình ảnh từ camera người dùng…, dù điều khoản không hề nhắc đến việc này. Những khó khăn đó khiến giáo viên trường công ngày càng ngại dạy online, và GD&ĐT cần tháo dỡ những trở ngại tâm lý đó ngay lập tức, nếu không, người chịu thiệt chẳng ai khác ngoài chính giáo viên và học sinh.