Sự thiếu hiệu quả của Nghị định 115 trong bối cảnh các tổ chức KH&CN công lập nằm dưới sự quản lý chồng chéo của các khung khổ pháp luật đã thúc đẩy việc ra đời tiếp theo của các nghị định về tự chủ.

Nhưng sự ra đời của các văn bản pháp luật đó có giúp các tổ chức KH&CN công lập vượt qua các rào cản trên con đường tự chủ hay lại có xu hướng dựng thêm rào cản?

Trong cuộc họp trực tuyến về quy hoạch mạng lưới các tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra vào tháng 5/2021, PGS.TS Lâm Quang Vinh, Trưởng ban Ban KH&CN (ĐHQG TP.HCM) bày tỏ băn khoăn về khả năng tự chủ của các viện, tổ chức nghiên cứu khoa học cơ bản, đặc biệt là ngành KHXH và nhân văn, của ĐHQG TP.HCM. Rõ ràng, với các tổ chức nghiên cứu về khoa học cơ bản, thật khó để họ có thể làm ra được công nghệ và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu cho doanh nghiệp. Vậy nếu yêu cầu các tổ chức này phải có lộ trình tự chủ về tài chính và tự tạo nguồn thu theo quy định của Nghị định 54/2016/NĐ-CP về quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập thì đó là một thách thức quá lớn.

Băn khoăn này của PGS.TS Lâm Quang Vinh nêu ra một thực trạng của việc thực hiện Nghị định 54 - một nghị định ra đời năm 2016, sau khi các cấp quản lý nhận thấy cần có một văn bản mới để thay thế Nghị định 115. Băn khoăn đó cũng cũng tương đồng với nhận xét của GS. Phùng Hồ Hải (Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) trong tọa đàm về tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập do Báo KH&PT tổ chức năm 2020 “Khi các giáo sư Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy thành lập Viện Toán học, không ai bảo các giáo sư phải tự chủ cả”.

Hoạt động khoa học công nghệ (Ảnh minh họa)
Hoạt động khoa học công nghệ (Ảnh minh họa)

Không chỉ đối với các tổ chức nghiên cứu khoa học cơ bản mới cảm thấy trở ngại trong quá trình hướng đến tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 54, ngay cả một đơn vị được hưởng thành quả do Nghị định 115 mang lại như Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ (VINAGAMMA) cũng phải đối diện với điều trớ trêu “Khi Nghị định 115 đã trở thành cái áo quá chật thì Nghị định 54 lại có những giới hạn về lương bổng khiến VINAGAMMA còn ‘lấn cấn’ nhiều điều, ví dụ như cán bộ không được hưởng phụ cấp nghề nghiệp như trước. Bởi theo quy định mới, chỉ có những người được hưởng lương từ ngân sách mới được nhận phụ cấp nghề nghiệp. VINAGAMMA là đơn vị tự chủ tự chịu trách nhiệm nhưng vẫn là đơn vị của nhà nước, thực hiện nhiệm vụ của nhà nước giao thì tại sao anh em không được hưởng chế độ này?”, một lãnh đạo đơn vị phản ánh.

Tại sao một văn bản được chờ đợi giúp gỡ các nút thắt của một văn bản cũ trong vận hành của các tổ chức KH&CN công lập lại tạo ra những nút thắt mới? Vấn đề nằm ở đâu?

Tự chủ khoa học là tự chủ về tài chính?


Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta cần ngược thời gian trở lại thời điểm 1/8/2016, khi Nghị định 54 chính thức có hiệu lực. Lúc ấy, một số nhà nghiên cứu, sau khi kinh qua những điều chỉnh bất thành của Nghị định 115 đã tỏ ra hoài nghi về khả năng ‘cởi trói’ của nghị định mới, cho dù Nghị định 54 có những nội dung tưởng chừng tiến bộ hơn như có những quy định khá rõ về quyền tự chủ, các loại nhiệm vụ, chính sách ưu đãi, giao dịch tài chính, nghĩa vụ tài chính và quy chế chi tiêu nội bộ của tổ chức KH&CN công lập cũng như những nội dung khá chặt chẽ về các vấn đề sát sườn như tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về nhân sự, tự chủ về quản lý, sử dụng tài sản và chuyển đổi tổ chức KH&CN công lập thành công ty cổ phần. Về khía cạnh nào đó thì Nghị định 54 cũng có những điểm trùng khớp với Nghị định 115 ra đời vào mười năm trước, đó là vẫn không có quy định hướng dẫn cụ thể và khả thi để thực hiện các quyền tự chủ này.

Tuy nhiên, điểm khác biệt cơ bản giữa hai văn bản này chính là nguyên tắc nền tảng của nó.

Nghị định 115 được xây dựng trên bốn nguyên tắc cơ bản, trong đó hai nguyên tắc chủ chốt là thực hiện quyền tự chủ phải đi đôi với việc tự chịu trách nhiệm; quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực được Nhà nước giao và các nguồn lực khác của tổ chức KH&CN. TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, đã diễn giải, Nghị định 115 giao quyền tự chủ cho các tổ chức KH&CN tức là giao toàn diện, thể hiện qua ba nội hàm quan trọng: một là tự chủ xác định nhiệm vụ; hai là được quyền quyết định tổ chức và nhân sự; ba là tự chủ về tài chính.


Kết quả nghiên cứu do nhà nước bỏ tiền đầu tư sau nghiệm thu thuộc quyền sở hữu của nhà nước, nhà khoa học không thể tự ý chuyển giao cho doanh nghiệp, cũng không thể góp vốn cổ phần được và lại càng không thể sử dụng làm nguồn vốn thành lập doanh nghiệp được. Cả ba con đường đi ra thị trường của các nhà khoa học hầu như đều bị đóng kín. Chính vì thế người ta rất sợ tự chủ bởi tự chủ thì tự nhiên nhà nước không còn cấp tiền, đi kiếm tiền lại quá khó khăn và rủi ro.
TS. Nguyễn Quân


Trong khi đó, Nghị định 54 lại dựa trên luận điểm cơ bản là tổ chức KH&CN công lập được phân loại theo mức độ tự bảo đảm về chi thường xuyên và chi đầu tư, với bốn mức: một là tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; hai là tự bảo đảm chi thường xuyên; ba là tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; bốn là do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Vì vậy trong chương hai của Nghị định có nêu rõ quyền tự chủ của tổ chức KH&CN công lập theo dựa trên quan điểm này với các mức tự chủ như nguồn tài chính; sử dụng nguồn tài chính; phân phối kết quả tài chính… Do mức độ tự chủ tài chính cao hơn nên các nơi tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư cũng như nơi tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ được phép nghĩ đến cơ hội được vay vốn, huy động vốn để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất và quan trọng hơn nữa là điều kiện, nội dung và thủ tục vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp.

Có phải đây là một lộ trình để một tổ chức KH&CN công lập khi đã tự bảo đảm được chi thường xuyên và chi đầu tư, thậm chí chỉ là tự bảo đảm chi thường xuyên có cơ hội và đà tiến để chuyển sang trở thành doanh nghiệp KH&CN toàn phần? Nhà nước từ đây sẽ không phải đau đầu nghĩ về một gánh nặng chi phí đầu tư cho “những cái thùng không đáy” là các tổ chức KH&CN công lập; thị trường KH&CN thực sự trở thành nơi giao dịch thứ hàng hóa đặc biệt là các công nghệ mới, công nghệ nội địa nhưng chất lượng quốc tế; nhà khoa học có thu nhập ổn định, sống đàng hoàng bằng nghề; doanh nghiệp nội có sản phẩm cạnh tranh, có cơ hội gia tăng doanh thu và đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước qua thuế thu nhập doanh nghiệp; còn xã hội có sản phẩm mới, giá thành rẻ hơn so sản phẩm phẩm cùng loại của nước ngoài? Đó thực sự là một viễn cảnh tươi đẹp mà những người yêu khoa học có thể nghĩ tới.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhà khoa học đã tỏ rõ hoài nghi ngay sau khi nghiền ngẫm nội dung văn bản. “Bản chất của Nghị định 16 (2015) và Nghị định 54 (2016) là ‘Anh càng tự chủ được về tài chính bao nhiêu, tôi càng cho anh được quyền tự chủ bấy nhiêu’”, giáo sư Vũ Cao Đàm (ĐHQGHN) chia sẻ trên Tia Sáng vào tháng 6/2016, nghĩa là không lâu sau khi Nghị định này ra đời. Từ đó, ông phân tích “Căn cứ vào mức độ đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư theo các loại trên đây, nhà nước sẽ trao quyền tự chủ cho tổ chức KH&CN. Theo triết lý này, các viện loại một được trao quyền tự chủ lớn nhất, ngược lại các viện thuộc loại bốn được tự chủ kém nhất, nghĩa là các viện được nhà nước xếp vào loại nghiên cứu cơ bản, là những viện được nhà nước đảm bảo chi thường xuyên, thì hoàn toàn không được tự chủ (!)”.


Về bổ nhiệm cán bộ cũng không tự chủ được. Tất cả đều phải theo quy trình thủ tục năm bước như phải qua quy hoạch, phải qua các lớp bồi dưỡng, phải có chứng chỉ theo quy định, lấy phiếu tín nhiệm… Đấy là chưa kể, lúc bổ nhiệm thì viện trưởng không được phép bổ nhiệm, phải phụ thuộc vào quyết định của cấp trên. TS. Nguyễn Quân


Điều đó có nghĩa là, mọi người vẫn hiểu câu chuyện tự chủ của các tổ chức KH&CN thuần túy là tự chủ về tài chính. “Điều này có thể đúng với nhiều tổ chức sự nghiệp công lập, trong đó có tổ chức KH&CN, nhưng mới chỉ là tự chủ về tài chính”, giáo sư Vũ Cao Đàm nhận xét.

Với cách hiểu đó, điều quan trọng sống còn ở các tổ chức KH&CN khi bị buộc chuyển sang cơ chế tự chủ là phải tự chủ bằng được về tài chính để tồn tại, chứ không phải để làm khoa học hay phát triển công nghệ hiệu quả hơn, và thông qua đó đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, theo đúng nghĩa tồn tại của mình. Vậy cách hiểu này sẽ dẫn các tổ chức KH&CN công lập đến những ngả đường nào?

Hệ quả của một số nghị định


Những thành viên của các tổ chức KH&CN công lập – người trong cuộc và là người chịu sự điều chỉnh của Nghị định 54 là cảm nhận được giá trị ảnh hưởng của các nghị định này nhất.

Ở góc độ của người nhiều năm gắn bó với ngành KH&CN, một nhà quản lý nói thẳng “Ưu điểm của Nghị định 54 là đề cập trực tiếp đến quyền tự chủ nhưng thực chất, khi soi vào đấy thì không thấy gì tự chủ cả”.

Việc nhìn nhận tự chủ nghĩa là tự chủ tài chính khiến hoạt động của một viện nghiên cứu không được phát huy theo đúng bản chất của khoa học. Điều này càng thể hiện một cách rõ ràng ở các viện nghiên cứu cơ bản, nơi sản phẩm làm mới là tri thức mới thông qua các công bố quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực thông qua các nghiên cứu. “Viện của tôi là Viện Hóa học, trước đây lẫy lừng lắm, các giáo sư toàn là được đào tạo ở nước ngoài, nhưng hiện nay đội ngũ làm nghiên cứu thì tôi cho là yếu”, giáo sư Nguyễn Văn Tuyến (Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KHC&N Việt Nam) cho biết trong một phiên họp vào tháng 8/2023 của Quỹ NAFOSTED. Viện Hóa học chật vật tính toán thu nhập và cân đối nhân sự để có thể mời gọi và giữ chân các nhà nghiên cứu trẻ mới ra trường, những người mà theo lời ông, “nhiều bạn trẻ ra trường làm ở các doanh nghiệp lương 20 triệu đồng/tháng còn làm khoa học thì lương và thu nhập rất thấp”.

Được xếp vào hàng chót bảng của bốn mức tự chủ theo Nghị định 54, Viện Hóa học hay những viện nghiên cứu cơ bản khác của khoa học Việt Nam còn phải chịu thêm cảnh không được tự chủ về biên chế. “Thu nhập thấp thế nhưng lại kèm theo việc chúng tôi phải tinh giản biên chế nữa. Hiện nay, KH&CN cũng giống như những ngành nghề khác, cứ phải tinh giảm biên chế 10% sau năm năm như các cơ quan hành chính sự nghiệp khác, thậm chí có những đơn vị có quân số lớn thì phải giảm hơn một ít. Tinh giản biên chế khiến sau 10 năm, cán bộ khoa học của chúng tôi giảm 20%, thậm chí mình có được những cán bộ tốt, đưa đi đào tạo bài bản nhưng muốn hút về cũng khó”, giáo sư Nguyễn Văn Tuyến chia sẻ khó khăn.


Tổng kinh phí chi thường xuyên do nhà nước cấp là theo đầu biên chế và số lượng biên chế lại do nhà nước quy định, mức lương lại phải tuân thủ thang bảng lương của nhà nước quy định. Định mức chi hoạt động bộ máy cũng phải theo quy định của nhà nước. Thế thì quyền tự chủ của người ta ở đâu?
TS. Nguyễn Quân


Trường hợp mà Viện Hóa học hay rất nhiều tổ chức KH&CN công lập mắc phải về biên chế dưới con mắt của TS. Nguyễn Quân là một điều trái ngược với tinh thần tự chủ. “Tiếng là được tự chủ toàn diện nhưng lại bị giảm biên chế một cách cơ học mỗi năm 10% theo chủ trương chung về tinh giản biên chế. Trong khi đó, kinh phí chi thường xuyên của các đơn vị nghiên cứu cơ bản được nhà nước cấp là theo đầu biên chế, tức là tổng tiền lương, tiền hoạt động bộ máy chỉ tương ứng với số lượng biên chế ngày càng giảm đó”, TS Nguyễn Quân phân tích. “Tổng kinh phí chi thường xuyên do nhà nước cấp là theo đầu biên chế và số lượng biên chế lại do nhà nước quy định, mức lương lại phải tuân thủ thang bảng lương của nhà nước quy định. Định mức chi hoạt động bộ máy cũng phải theo quy định của nhà nước. Thế thì quyền tự chủ của người ta ở đâu?”.

Câu chuyện tưởng chừng chỉ gây bế tắc cho các tổ chức KH&CN chuyên về nghiên cứu cơ bản, khó có nguồn thu ngoài ngân sách nhưng hóa ra cũng tạo ra nhiều khúc mắc ở những tổ chức KH&CN có khả năng tự chủ chi thường xuyên.

Chia sẻ trên báo Công thương vào tháng 7/2019, đại diện Vụ KH&CN (Bộ Công thương) đề cập đến vướng mắc của các tổ chức KH&CN của ngành trong quá trình triển khai cơ chế tự chủ: tổ chức KH&CN công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, hằng năm không sử dụng ngân sách nhà nước để chi tiền lương nhưng lại bị hạn chế việc trích lập Quỹ thu nhập tăng thêm (không quá ba lần Quỹ tiền lương ngạch, bậc). Vì thế, các tổ chức này gặp khó khăn trong việc thu hút, giữ chân đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Trước đó, vào tháng 5/2019, tại hội thảo “Cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm của các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công thương trong quá trình chuyển đổi và thực hiện cơ chế tự chủ”, ông Hoàng Tiến Dũng, Viện trưởng Viện Năng lượng, nêu việc qui định “ba lần tiền lương” này thực sự không thể giúp giữ được người tài do mức thu nhập quá thấp.

Câu chuyện ở ngành Công thương hóa ra cũng là cảnh ngộ của VINAGAMMA. “Tôi đã nhiều lần kiến nghị lên lãnh đạo Bộ: các anh không cần mất thêm kinh phí từ ngân sách mà chỉ cần cho phép cho anh em được hưởng phụ cấp nghề nghiệp, còn tôi lấy tiền từ dịch vụ cho anh em hưởng chứ có lấy tiền ngân sách đâu. Tuy nhiên cho đến giờ này thì vẫn chưa được…”, ThS. Trần Khắc Ân, nguyên Giám đốc VINAGAMMA nói.

Hàng loạt vướng mắc khác cũng tiếp tục nảy sinh trong quá trình tự chủ, tương tự như với việc áp dụng Nghị định 115. Ví dụ, nếu chuyển đổi một tổ chức KH&CN công lập sang doanh nghiệp KH&CN theo hướng cổ phần hóa thì áp dụng cơ chế gì cho phù hợp? Trong hội thảo tháng 5/2019 của Bộ Công thương, các tổ chức của Bộ cho là không nên tính khấu hao phòng thí nghiệm vào giá trị doanh nghiệp. Ông Đặng Văn Sơn – Viện trưởng Viện Công nghiệp giấy và xenlulose, cho rằng, phòng thí nghiệm chiếm đến 40-50% giá trị tài sản nhưng chủ yếu dùng để nghiên cứu nên rất khó tạo ra doanh thu và lợi nhuận. Do đó, khi cổ phần hóa đưa vào khấu hao như các doanh nghiệp bình thường khác thì không đơn vị nào chịu nổi nên cứ đưa vào là lỗ, và tạo gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp. Trong khi các tổ chức KH&CN có hoạt động sản xuất kinh doanh muốn sử dụng một số tài sản cố định thì lại không được cấp có thẩm quyền giao tài sản cho mục đích sản xuất kinh doanh hoặc liên doanh liên kết. Thậm chí, nếu muốn vay vốn từ các tổ chức tín dụng để sản xuất thì không có tài sản thế chấp, bởi không ai định giá được thứ tài sản lớn nhất của nhà khoa học là tài sản trí tuệ và việc giao quyền sở hữu tài sản trí tuệ có nguồn gốc ngân sách nhà nước để có thể lập doanh nghiệp hoặc góp vốn vào doanh nghiệp. Ngoài những vướng mắc tài chính rõ rồi, trên lộ trình tự chủ, các tổ chức còn gặp phải vướng mắc về tổ chức. “Thực tế là có viện nào được quyền tự lập doanh nghiệp của mình đâu, họ phải trình bộ chủ quản. Ví dụ Viện Lúa ĐBSCL muốn thành lập một trung tâm nào đó có tư cách pháp nhân để chuyển giao công nghệ thì phải báo cáo với Bộ NN&PTNT và được sự đồng ý của Bộ thì mới thành lập được”, TS. Nguyễn Quân nói.

Nếu soi vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm dưới nhiều góc độ khác nhau thì có thể thấy Nghị định 54 vẫn chỉ tiếp cận được vấn đề này ở mặt hình thức. “Về bổ nhiệm cán bộ cũng không tự chủ được. Tất cả đều phải theo quy trình thủ tục năm bước như phải qua quy hoạch, phải qua các lớp bồi dưỡng, phải có chứng chỉ theo quy định, lấy phiếu tín nhiệm… Đấy là chưa kể, lúc bổ nhiệm thì viện trưởng không được phép bổ nhiệm, phải phụ thuộc vào quyết định của cấp trên”, TS. Nguyễn Quân nói. Do đó, người đứng đầu một tổ chức KH&CN công lập muốn có người có năng lực phù hợp giúp việc mình thì lại không được, nhiều khi buộc phải bổ nhiệm người không phù hợp mà hệ quả có thể gói gọn một cách là “không làm được việc” song không được phép miễn nhiệm và nếu miễn nhiệm hay sa thải thì thủ tục vô cùng nhiêu khê.

Câu chuyện sử dụng nguồn vốn con người, ở các tổ chức này, còn hạn chế ở chỗ nhà khoa học sẽ khó hợp tác với doanh nghiệp bởi luôn luôn có một cách hiểu đơn giản: người ở viện nghiên cứu ăn lương nhà nước thì chỉ làm nghiên cứu theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định. “Cán bộ muốn lập doanh nghiệp hoặc làm thuê cho doanh nghiệp ở các vị trí phù hợp với năng lực của mình như giám đốc kỹ thuật, giám đốc điều hành chẳng hạn nhưng theo Luật Viên chức thì không được. Còn ai chuyển sang làm việc cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước thì khó có đường quay trở vể tổ chức KH&CN công lập và mất hết quyền lợi của viên chức”, TS. Nguyễn Quân phân tích. “Kết quả nghiên cứu do nhà nước bỏ tiền đầu tư sau nghiệm thu thuộc quyền sở hữu của nhà nước, nhà khoa học không thể tự ý chuyển giao cho doanh nghiệp, cũng không thể góp vốn cổ phần được và lại càng không thể sử dụng làm nguồn vốn thành lập doanh nghiệp được. Cả ba con đường đi ra thị trường của các nhà khoa học hầu như đều bị đóng kín. Chính vì thế người ta rất sợ tự chủ bởi tự chủ thì tự nhiên nhà nước không còn cấp tiền, đi kiếm tiền lại quá khó khăn và rủi ro”.

Vậy là tất cả các quyền tự chủ được nêu đều chỉ là hình thức và không đi vào thực chất. Do đó, ngay cả những nơi ‘ăn nên làm ra” vẫn còn đau đáu nỗi niềm như ThS. Trần Khắc Ân (VINAGAMMA) “mình chỉ tốt với nhà nước [thông qua việc chấp hành quy định] nhưng xét cho cùng vẫn có lỗi với anh em”. Vậy có cách nào để tháo gỡ và đưa tự chủ thực sự là tự chủ?
(Còn tiếp)