Có nên chấp nhận rủi ro trong KH? Bao năm xã hội cứ loanh quanh với câu hỏi này nhiều đến mức khó nhà KH nào có thể “phá được vòng vây” để thuyết phục các nhà quản lý rằng, việc chấp nhận rủi ro như một thuộc tính vốn có của KH sẽ góp phần mở đường đến những khám phá lớn hơn, và cả những đền đáp có tác động lâu dài hơn cho xã hội và nền kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại phòng thí nghiệm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại phòng thí nghiệm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Mặc dù vấn đề có nên chấp nhận hay không chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học chỉ là một trong muôn vàn câu hỏi quanh chủ đề khoa học nhưng lại là một trong những câu hỏi căn cốt của quản lý khoa học. Một khi vấn đề mang tính bản chất của khoa học còn chưa được hiểu một cách thấu đáo thì các nhà quản lý lẫn xã hội vẫn sẽ còn tiếp tục băn khoăn dài dài về việc phân bổ ngân sách tài trợ cho khoa học như vậy thực chất có quá nhiều không, có thực sự hiệu quả không, có gây lãng phí không, nhất là trong bối cảnh đất nước chúng ta còn nghèo, nguồn lực đầu tư chung của đất nước còn hạn hep.

Rõ ràng, việc hiểu đúng bản chất của khoa học sẽ đem lại những chính sách đúng đắn trong vận hành nền khoa học. Bởi nói như giáo sư Hoàng Tụy “Khi cơ chế thuận thì một sự thông minh sẽ biến thành mười sự thông minh. Cơ chế chưa thuận thì một sai lầm có thể kéo theo hàng nghìn sai lầm khác. Quy luật phi tuyến nghiệt ngã ấy sẽ nhấn chìm mọi cộng đồng yếu kém, đồng thời cũng mở ra cơ hội và khả năng nhảy vọt thần kỳ cho những cộng đồng thông minh biết coi trọng bản thân ở thời nay”.

Nhưng việc không chấp nhận rủi ro trong khoa học có phải sẽ giúp việc chi tiêu cho khoa học thêm hiệu quả?

Rủi ro và hiệu quả đầu tư

Tại các phiên trả lời chất vấn Quốc hội cũng như các buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN với các bộ, ngành, địa phương, hầu hết các vấn đề bàn tới đều xoay quanh vấn đề: KH&CN đã sử dụng đồng tiền ngân sách như thế nào? Các con số về tống số ngân sách chi cho đề tài KH&CN các cấp, tỷ lệ đề tài đã được ứng dụng trên thực tế, số lượng đề tài được chuyển giao cho doanh nghiệp, số lượng đề tài dừng triển khai… thường được liệt kê như một cách thức quan trọng, nếu không muốn nói là duy nhất, để tính đến hiệu quả đầu tư cho khoa học theo góc nhìn của các nhà quản lý.

Khi đánh giá hiệu quả đầu tư cho khoa học dưới góc độ sát sườn này, người ta đã quên đi một điều là không hẳn đề tài nghiên cứu khoa học nào cũng có thể ứng dụng ngay hoặc chuyển giao ngay cho doanh nghiệp. Cần thời gian để công nghệ trở nên chín muồi. Câu chuyện tương tự đã từng xảy ra trong lịch sử khoa học. Vào năm 1963, nhà hóa học Paul Lauterbur tới trường Đại học Stony Brook, Mỹ, để nghiên cứu về việc liệu thông tin từ các tín hiệu cộng hưởng từ hạt nhân có thể được chuyển đổi sang một hình thức khác là các bức ảnh được không. Nghiên cứu của ông cuối cùng dẫn đến sự phát triển của thiết bị cộng hưởng từ MRI mà ngày nay các bác sĩ trên toàn cầu vẫn sử dụng để giúp chẩn đoán hàng trăm loại bệnh và các chứng rối loạn khác nhau. Vào năm 2003, Lauterbur và một đồng nghiệp khác là Peter Mansfield, ĐH Nottingham, Anh, được trao giải Nobel Y sinh. Mặc dù nguyên lý của chụp cộng hưởng từ đã có sẵn nhưng phải đến công trình của Lauterbur và Mansfield thì từ chỗ chỉ được sử dụng trong phạm vi phòng thí nghiệm để nghiên cứu cấu trúc hóa học của vật liệu, phương pháp này mới được áp dụng để chụp ảnh cơ thể con người. Tuy nhiên để làm được điều này, riêng phần Lauterbur đã được Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ (NIH) tài trợ 88 đề tài trong vòng 20 năm mà không ai hỏi ông liệu có làm ra được ứng dụng nào không? và nếu điều đó thực sự xảy ra thì ngần ấy tiền đầu tư có phải là ném tiền qua cửa số không? Như chúng ta đã thấy, nghiên cứu là đi tìm cái mới, mở rộng biên giới hiểu biết, do đó không thể lường trước được rủi ro. Trong trường hợp của Lauterbur, việc chấp nhận rủi ro đã nhận được tưởng thưởng, kể cả nhà đầu tư lẫn nhà khoa học.

Không riêng ở Việt Nam, ở những nền khoa học lớn, việc băn khoăn giữa chấp nhận rủi ro và tính hiệu quả trong đầu tư cho nghiên cứu cũng là chủ đề quan trọng được bàn bạc tới trong nhiều năm. Tại châu Âu, Hội đồng Nghiên cứu châu Âu (ERC), nơi cấp nguồn tài trợ hào phóng, kéo dài nhiều năm cho các hồ sơ đề xuất táo bạo, đã đánh giá lại hiệu quả đầu tư của mình trong giai đoạn 2007-2017, dựa trên yếu tố tác động của các đề tài nghiên cứu vào sự phát triển của khoa học và xã hội, thay vì chỉ tính đến hệ số trích dẫn. Kết quả cho thấy, trong 223 dự án do ERC tài trợ đã hoàn thành, có tới 79% nghiên cứu đã tạo ra tiến bộ khoa học đáng kể, 19% nghiên cứu đã có những đột phá cơ bản, và hơn 59% đề tài đã tạo ra tác động về kinh tế và xã hội. Đặc biệt, với các khoản tài trợ dành cho các nhà khoa học có kinh nghiệm (ERC Advanced Grants), tỷ lệ nghiên cứu có đột phá tăng lên 27%.


Chúng ta nên tạo cơ chế càng ngày càng gia tăng niềm tin vào các nhà khoa học trên cơ sở cần phải có sự xét duyệt chặt chẽ đầu ra, đầu vào. Chúng ta cần dành cho nhà khoa học cái quyền cao hơn, chúng ta không nên kiểm soát tài chính theo cách là mua bán hóa chất theo danh sách có sẵn. Trên thế giới, không có nền khoa học nào làm theo cách đó cả.

GS. Phan Tuấn Nghĩa


Ngoài ra, khi đánh giá hiệu quả nghiên cứu, một ủy ban gồm các nhà khoa học có uy tín do ERC lập đã tìm thấy là hầu hết các dự án có tính đột phá đều ẩn chứa nguy cơ rủi ro cao, chỉ có 10% trong số này được cho là ít rủi ro. Điều đó cho thấy, nếu xã hội chấp nhận sự rủi ro như một bản chất của khoa học và sẵn lòng hỗ trợ các ý tưởng táo bạo thành hình, sẽ đến lúc, khoa học có thể đền đáp cho xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau: nguồn nhân lực chất lượng cao, các sáng chế, công nghệ, các sản phẩm mới, các nguồn thu mới… Và ở đây, người được thụ hưởng chính là xã hội. Với các cỗ máy cộng hưởng từ của Lauterbur và Mansfield, không chỉ là ý nghĩa nhân văn lớn lao trong việc giúp những người bệnh có cơ hội được điều trị, được cứu mạng sống mà còn là việc giúp tiết kiệm thời gian nằm viện, viện phí của bệnh nhân, giúp nâng cao tay nghề của đội ngũ y bác sĩ cũng như các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, thiết bị có liên quan…

Như vậy, việc chấp nhận rủi ro lại là cách tốt nhất để các nhà đầu tư có cơ may được đền đáp. Nếu ERC, NIH hay các cơ quan tài trợ cho khoa học khác e ngại về khả năng “thu hồi vốn” của những đồng tiền đầu tư cho khoa học, ắt hẳn họ sẽ không tung những khoản tài trợ hào phóng cho những đề xuất nghiên cứu từ dưới lên của các nhà khoa học. Bởi như các nhà khoa học vẫn thường nói, tài trợ cho nghiên cứu thường là con đường một chiều, càng trông đợi các đề tài “trả nợ” thì càng mất hút. Việc đền đáp của khoa học, như thường lệ, sẽ đến vào lúc bất ngờ nhất, có thể là 20 năm, 50 năm sau, thậm chí lâu hơn thế nhiều.

Khi chấp nhận rủi ro thì một câu hỏi khác đã tiếp nối: vậy chúng ta có thể sẵn lòng đầu tư cho mọi đề xuất nghiên cứu, kể cả những đề xuất mơ hồ nhất? có cơ chế nào giúp chúng ta giảm thiểu được rủi ro không?

Ứng xử thế nào với rủi ro?

Trên thực tế, việc chấp nhận rủi ro trong khoa học và đầu tư khoa học không có nghĩa là lãng phí tiền bạc không giới hạn. Cách để hạn chế rủi ro ở một mức độ nhất định phụ thuộc vào chính những người nhận xét và phê duyệt các hồ sơ đề xuất khoa học, hay nói cách khác là các hội đồng khoa học. Đây cũng là giải pháp mà trong các phiên họp của Quỹ NAFOSTED, các nhà khoa học đã nêu rất nhiều. Ở đây, các hội đồng khoa học, với uy tín và trách nhiệm của mình, sẽ là lưới lọc hiệu quả nhất những rủi ro có thể có, ví dụ như đề xuất còn thiếu cơ sở khoa học, người đề xuất chưa đáp ứng đủ tiêu chí của một chủ nhiệm đề tài (không phải là nhà khoa học là tác giả chính trong các công bố quốc tế ở khoảng thời gian năm năm gần nhất, từng là chủ trì đề tài không thể nghiệm thu…), kinh phí quá lớn so với vấn đề đề xuất… Và một khi hội đồng khoa học đã nhất trí thông qua một hồ sơ, các nhà quản lý có thể đặt niềm tin vào các nhà khoa học và trao toàn quyền sử dụng kinh phí được phê duyệt cho nhà khoa học để anh ta có thể tự thay đổi hạng mục vật tư hóa chất mình cần, miễn là phù hợp với phương pháp anh ta sử dụng, chi cho việc đi dự hội thảo, hội nghị quốc tế… mà không phải kê khai chi tiết để báo cáo các nhà quản lý. “Vấn đề ở đây là chúng ta không có niềm tin. Khi các nhà quản lý không còn tin các nhà khoa học nữa, hoặc niềm tin chỉ còn rất ít, thì chúng ta thấy là có vấn đề”, giáo sư Phan Tuấn Nghĩa, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGN), phân tích nguyên nhân trong phiên họp ra mắt Các hội đồng KHTN và kỹ thuật của Quỹ NAFOSTED nhiệm kỳ mới.

Nghiên cứu về tự động hóa.
Nghiên cứu về tự động hóa.

Do đó, ông cho rằng, “Theo tôi, chúng ta nên tạo cơ chế càng ngày càng gia tăng niềm tin vào các nhà khoa học, tất nhiên chúng ta không thể tin một cách không có cơ sở được, cần phải có sự xét duyệt chặt chẽ đầu ra, đầu vào. Chúng ta cần dành cho nhà khoa học cái quyền cao hơn, chúng ta không nên kiểm soát tài chính theo cách là mua bán hóa chất theo danh sách có sẵn. Chúng ta thấy là trên thế giới, không có nền khoa học nào làm theo cách đó cả”. Ở đây, ông hy vọng đến một ngày, Việt Nam sẽ có những cơ chế mới trong khoa học, trong đó “cơ chế hậu kiểm là cách gia tăng niềm tin với khoa học. Nó sẽ còn là cơ chế quan trọng để sau này chúng ta có thể tiếp tục thu hút được nhà khoa học trẻ, thậm chí cả nhà khoa học nước ngoài tới Việt Nam làm việc”.

Mong mỏi của giáo sư Phan Tuấn Nghĩa cũng là mong mỏi của các nhà khoa học: không chỉ được các nhà quản lý chấp nhận sự rủi ro trong nghiên cứu mà còn được trao niềm tin để có thể tự do thực hiện các bước trong lộ trình nghiên cứu và có quyền thay đổi một số bước, thay đổi một số chi tiết để tạo ra những sản phẩm đúng cam kết, thậm chí còn vượt trội hơn cả cam kết. Nếu không được trao một không gian sáng tạo rộng mở do các cơ chế quản lý thiết lập lên, hẳn họ sẽ chật vật xoay xở và khi kết thúc công việc, có thể chỉ đủ tạo ra những sản phẩm chất lượng tầm tầm, đủ để nghiệm thu, thậm chí có thể dẫn đến tiêu cực. Việc cho ra đời những sản phẩm như vậy sẽ phương hại đến chính năng lực của nhà khoa học, và hơn nữa, làm mất hiệu quả của nguồn lực nhà nước đầu tư cho nghiên cứu, dù trên giấy tờ vẫn ở mức đạt yêu cầu. Đây mới thực sự là sự lãng phí nguồn lực.

Trong nhiều cuộc họp gần đây của lãnh đạo chính phủ với Bộ KH&CN cũng như các bộ, ngành liên quan, vấn đề chấp nhận rủi ro trong khoa học đã được nhắc đến với những thay đổi về quan điểm. Dường như những thay đổi này đang ở phía trước, với sự thúc đẩy của các nhà quản lý. Một trong những thông tin quan trọng là trong Văn bản số 690/TTg-KGVX của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện có và căn cứ vào thực tiễn KH&CN để có thể tham mưu và đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá cũng các giải pháp toàn diện để thúc đẩy phát triển KH&CN và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Trong văn bản quan trọng với sự phát triển của khoa học này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mở đường cho việc ban hành cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro, thất bại trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ và tập trung gỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý hoạt động KH&CN. Song song với đó là việc yêu cầu các bộ, ban ngành đề xuất và triển khai các chế độ, chính sách đãi ngộ vượt trội cho đội ngũ nghiên cứu KH&CN; khẩn trương sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đơn giản hóa tối đa thủ tục thanh, quyết toán cho các nhà khoa học, cơ quan quản lý khoa học khi thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực.