Hiện nay, quy định về khái niệm, nguyên tắc chung, quyền và nghĩa vụ của tổ chức đánh giá sự phù hợp giữa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa còn chưa thống nhất, gây ra nhiều bất cập cho hoạt động quản lý nhà nước cũng như hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp và doanh nghiệp.

Nhân viên đang thao tác vận hành thiết bị tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng 2. Ảnh: QUATEST 2
Nhân viên đang thao tác vận hành thiết bị tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng 2. Ảnh: QUATEST 2

“Đánh giá sự phù hợp” dường như là một thuật ngữ xa lạ với những người ngoài ngành, song thực tế, hoạt động này có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân và có liên quan mật thiết đến rất nhiều lĩnh vực bởi nó bao gồm hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn, giám định, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, công nhận năng lực của phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn, tổ chức chứng nhận sự phù hợp, tổ chức giám định. Hiểu một cách đơn giản, hoạt động này là việc xác định xem liệu một nguyên liệu, sản phẩm, dịch vụ, quy trình, hệ thống tại một nhà máy, doanh nghiệp hay một đơn vị nào đó có đáp ứng được các yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hay không.

“Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là văn bản nền tảng, cơ sở tiên quyết cho hoạt động đánh giá sự phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay, quy định về khái niệm, nguyên tắc chung, quyền và nghĩa vụ của tổ chức đánh giá sự phù hợp giữa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa thống nhất, gây bất cập, khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp và doanh nghiệp”, theo phân tích trong tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Vậy cụ thể những vướng mắc đó là gì và đâu là những giải pháp khả thi để khắc phục?

Còn chồng chéo

Theo Báo cáo kết quả rà soát Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hiện nay chỉ quy định ba nội dung đối với quyền của tổ chức chứng nhận sự phù hợp và sáu nội dung đối với nghĩa vụ của tổ chức chứng nhận sự phù hợp. Trong khi đó, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa lại quy định về quyền của tổ chức đánh giá sự phù hợp với bảy nội dung và quy định về nghĩa vụ của tổ chức với mười nội dung. Các quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng mở rộng hơn phạm vi về quyền và nghĩa vụ của tổ chức đánh giá sự phù hợp (bao gồm cả tổ chức chứng nhận sự phù hợp).

Cụ thể, một số quyền và nghĩa vụ của tổ chức đánh giá sự phù hợp đã được quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa nhưng chưa được quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật như: “Được thanh toán chi phí theo thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có nhu cầu đánh giá sự phù hợp hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”; “Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến kết quả thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho bên thứ ba, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu”,…

Theo cơ quan soạn thảo, các quy định chưa thống nhất giữa hai luật này đã làm ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp nói chung và các tổ chức chứng nhận nói riêng, một số quyền lợi của các tổ chức này chưa được đảm bảo, đồng thời, các nghĩa vụ chưa được các tổ chức này thực hiện đầy đủ.

Bên cạnh đó, hoạt động công nhận tại Việt Nam “dù đã đạt được những kết quả nhất định, song, hoạt động công nhận hiện nay tương đối độc lập, ưu tiên khía cạnh kinh tế, chưa thống nhất một chương trình đánh giá đồng bộ, sự phối hợp, thừa nhận kết quả của nhau rất hạn chế, gây tốn kém cho doanh nghiệp, chưa đảm bảo được sự thống nhất quản lý về mặt nhà nước”, theo phân tích trong tờ trình. Đáng chú ý, một số đối tượng hàng hóa, dịch vụ, môi trường đánh giá sự phù hợp có nguy cơ gây mất an toàn, an ninh cao nếu không được các tổ chức chứng nhận, thử nghiệm, giám định có năng lực, chất lượng tốt thực hiện, sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội, tài sản, tính mạng người dân. Ngoài ra, theo xu hướng thế giới, hiện nay hoạt động công nhận còn cần phải mở rộng phạm vi bao gồm cả công nhận cho tổ chức chứng nhận năng lực cá nhân, tổ chức sản xuất mẫu chuẩn, phòng xét nghiệm y tế, tổ chức có hoạt động xác nhận giá trị sử dụng, tổ chức có hoạt động kiểm tra xác nhận.

Thêm vào đó, theo tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung, trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như hiện nay, một số quy định trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã không còn phù hợp với thông lệ quốc tế, cụ thể là quy định hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (không cần sự hiện diện pháp nhân của các tổ chức chứng nhận nước ngoài tại Việt Nam).

Từ góc nhìn của đại diện các doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) còn chỉ ra bất cập nằm ở sự chồng chéo giữa dịch vụ đánh giá sự phù hợp và dịch vụ giám định thương mại. “Hiện nay, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm định, giám định hàng hóa (đặc biệt là hàng hoá xuất khẩu), họ đang phải cùng lúc xin hai giấy phép cho hoạt động này, một là giấy phép để cung cấp dịch vụ đánh giá sự phù hợp do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, và hai là giấy phép cung cấp dịch vụ giám định thương mại do Bộ Công thương quản lý theo Luật Thương mại”, VCCI cho biết trong văn bản góp ý. Về lý thuyết, hai thuật ngữ dịch vụ giám định thương mại và dịch vụ đánh giá sự phù hợp có nội hàm khác nhau, nhưng phạm vi trùng lặp rất lớn. “Trên thực tế thị trường, hầu như không có trường hợp nào khách hàng đi thuê hai đơn vị khác nhau để thực hiện các công việc này”, VCCI chỉ ra vấn đề.

Định hướng sửa đổi

Trước những vấn đề trên, dự án sửa luật đề xuất sửa đổi quy định tại Điều 52 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, tách thành 2 điều riêng quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức đánh giá sự phù hợp, đồng thời, mở rộng phạm vi quyền và nghĩa vụ của tổ chức đánh giá sự phù hợp để đảm bảo thống nhất với quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

VCCI cũng đề xuất cơ quan soạn thảo có thể phối hợp với Bộ Công thương để thống nhất quản lý nội dung liên quan đến dịch vụ đánh giá sự phù hợp nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ. “Trong trường hợp cần thiết có thể sửa đổi Luật Thương mại để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật”, VCCI đưa ra gợi ý.

Bên cạnh đó, theo VCCI, chủ trương xã hội hoá, tăng tính cạnh tranh trên thị trường dịch vụ đánh giá sự phù hợp trong thời gian qua đã mang lại nhiều tác động tích cực như thời gian phục vụ được rút ngắn, chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng tăng, chi phí giảm. Tuy nhiên, “do nhu cầu cạnh tranh để thu hút khách hàng, không ít trường hợp đơn vị cung cấp dịch vụ đã đáp ứng cả nhu cầu của khách hàng về việc có kết quả đánh giá không trung thực”, VCCI nêu vấn đề. Trong thời gian qua, theo phản ánh của một số doanh nghiệp với VCCI thì mức độ tin cậy của một số đơn vị đánh giá sự phù hợp của Việt Nam chưa cao. Tình trạng cố tình “du di” để có kết quả đánh giá tốt hơn theo yêu cầu của khách hàng vẫn còn diễn ra ở một số nơi. Điều này khiến cho các kết quả giám định, chứng nhận này bị người tiêu dùng trong nước và nước ngoài nghi ngờ, dẫn đến nhiều tác động tiêu cực như hàng hoá của Việt Nam khó xuất khẩu hơn, các doanh nghiệp trung thực không thể cạnh tranh được với các đối thủ gian dối.

Do đó, VCCI cho rằng, chính sách của nhà nước đối với dịch vụ này cần đáp ứng hai mục tiêu. “Một mặt, nhà nước nên tiếp tục mở rộng xã hội hóa, tăng cường cạnh tranh trên thị trường bằng cách loại bỏ hoặc hạ thấp các điều kiện gia nhập thị trường, chỉ định nhiều hơn các đơn vị có đủ năng lực cung cấp dịch vụ, không can thiệp vào giá dịch vụ. Mặt khác, nhà nước cũng cần kiểm soát kỹ tính trung thực, khách quan của các kết quả đánh giá để các kết quả này được xã hội tin tưởng. Nói cách khác, cần làm sao để các tổ chức đánh giá sự phù hợp tăng cường cạnh tranh với nhau về giá cả, chất lượng dịch vụ nhưng không được cạnh tranh bằng cách ‘du di’ kết quả đánh giá theo nhu cầu của khách hàng”, VCCI nhấn mạnh.

Do đó, cơ quan đại diện cho các doanh nghiệp này đề xuất, dự án Luật sửa đổi nên tiếp tục giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với dịch vụ này, như các yêu cầu về máy móc, thiết bị, số lượng, kinh nghiệm của nhân sự. Bên cạnh đó, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính để cung cấp dịch vụ theo hướng doanh nghiệp tự khai báo, tự chịu trách nhiệm khi cung cấp dịch vụ mới, tương tự như đã quy định trong lĩnh vực đo lường. Đồng thời, bổ sung thêm quy định cấm các cơ quan nhà nước từ chối chỉ định đơn vị đánh giá sự phù hợp đủ năng lực; quy định cấm về việc cố tình làm sai lệch kết quả đánh giá sự phù hợp. Một đề xuất khác là bổ sung thêm quy định về hậu kiểm các kết quả đánh giá sự phù hợp. “Ví dụ, cơ quan nhà nước sẽ lựa chọn ngẫu nhiên một số kết quả đánh giá sự phù hợp của các đơn vị cung cấp dịch vụ (có thể áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro để xác định tần suất) và tiến hành kiểm tra lại. Nếu kết quả cho thấy có sai sót quá mức cho phép thì tuỳ mức độ có chế tài phù hợp đối với đơn vị đó”, VCCI đề xuất.