Dù được bàn đến nhiều năm nhưng câu chuyện đầu tư cho khoa học và sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu dường như vẫn là vấn đề để tranh luận trên bàn nghị sự chứ chưa hoàn toàn được chấp nhận trên thực tế. Do đó, người ta kỳ vọng vào Văn bản số 690/TTg-KGVX mới ban hành của Thủ tướng sẽ góp phần giải quyết vấn đề này.

Phòng thí nghiệm Môi trường (ĐH Bách khoa TP.HCM). Nguồn: ĐH Bách khoa TP.HCM
Phòng thí nghiệm Môi trường (ĐH Bách khoa TP.HCM). Nguồn: ĐH Bách khoa TP.HCM

Trong hội nghị triển khai chương trình nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật năm 2023 của Quỹ NAFOSTED vào ngày 15/8, ý kiến của các nhà nghiên cứu chủ yếu đều xoay quanh chủ đề chính sách đầu tư cho khoa học trong bối cảnh hiện nay. Là những người làm nghề khoa học nhiều năm và ít nhiều đã định vị được vị trí trong lĩnh vực chuyên môn của mình ở Việt Nam, và thậm chí là quốc tế, họ hiểu hơn ai hết giá trị của các chính sách này đối với mình và đồng nghiệp. Việc ban hành một chính sách có thể đem lại những động lực mới thúc đẩy sự phát triển của một lĩnh vực, một cộng đồng nghiên cứu, nếu phản ánh đúng bản chất của lĩnh vực đó, nhưng cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, nếu như tồn tại những điểm bất cập. Câu chuyện này không chỉ đúng với khoa học Việt Nam mà còn với cả khoa học quốc tế.

Ở Việt Nam, từ nhiều năm nay, việc tài trợ và hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản của Quỹ NAFOSTED luôn được coi là một giao điểm đẹp của các nhà quản lý và nhà nghiên cứu. “Ngay từ khi Quỹ chưa thành lập nhưng Bộ KH&CN lúc đó đã dũng cảm đi đến một quyết định mà theo tôi là táo bạo là đưa chuẩn công bố quốc tế vào nghiệm thu các đề tài khoa học. Và điều đó đã làm thay đổi toàn bộ bộ mặt nghiên cứu khoa học ở Việt Nam những năm gần đây”, giáo sư Ngô Việt Trung, người tham gia Hội đồng khoa học ngành Toán học, nhận xét tại hội nghị. Tuy nhiên, chuẩn công bố quốc tế trong đánh giá khoa học mới chỉ là một trong số vô vàn chính sách về khoa học khác đang ảnh hưởng lên các hoạt động nghiên cứu (bản thân chuẩn công bố quốc tế này cũng đang cần được bổ sung bằng những quy định mới để phù hợp với bối cảnh hiện tại). Rõ ràng, việc hỗ trợ và thúc đẩy cả một chu trình nghiên cứu, từ cơ bản đến ứng dụng và hình thành công nghệ để có thể sẵn sàng chuyển giao cho doanh nghiệp là một chuỗi hoạt động cần đến rất nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau. Trong suốt chu trình này, các hoạt động tài trợ của Quỹ NAFOSTED mới chỉ là phản ánh một lát cắt trong giai đoạn đầu của nghiên cứu nhưng khi soi chiếu vào đó, chúng ta có thể nhận thấy một vấn đề cốt lõi: liệu các nhà quản lý có chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu hay không?

Đó là câu hỏi trở đi trở lại trong rất nhiều phiên họp của NAFOSTED cũng như rất nhiều hội thảo, hội nghị khoa học, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội và thậm chí xuất hiện cả ở nhiều kỳ hội nghị giám đốc Sở KH&CN địa phương. Ai cũng sẽ phải giật mình khi nhìn lại và nhận ra một vấn đề ở phía sau câu hỏi này: tại sao sau hàng chục năm nhà nước coi “KH&CN và giáo dục là quốc sách hàng đầu” và các nhà khoa học cũng được thụ hưởng rất nhiều chính sách – được thể hiện từ luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn đến các chương trình KH&CN các cấp... - thì vấn đề chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu vẫn còn chưa có lời giải?

Liệu đã hiểu đúng về rủi ro trong nghiên cứu?

Trong rất nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, đâu đâu người ta cũng nói đến mấy chữ “rủi ro trong khoa học”. Có cảm giác như ai cũng quen thuộc với khái niệm này đến mức không cần phải tranh luận về việc nó hàm nghĩa gì. Tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa 15, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đã tranh luận với Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt “Tôi báo cáo với Bộ trưởng là bây giờ làm cái gì chả rủi ro. [Nhưng] Đề tài cấp nhà nước mà chính phủ đã duyệt thì chúng ta phải triển khai thôi. Chúng ta dùng ngân sách và các quỹ để chúng ta triển khai còn nếu bây giờ cái gì chúng ta cũng đổ cho rủi ro thì chúng ta không thể làm được cái gì cả”. Ở đây, vấn đề mà đại biểu Nguyễn Văn Thân nêu đã đưa chúng ta đứng trước thực tại: ngoại trừ các đề tài của doanh nghiệp, tổ chức tư nhân, phần lớn các đề tài khoa học, đặc biệt là các đề tài cấp nhà nước, ở Việt Nam đều được triển khai với kinh phí từ ngân sách nhà nước. Giới khoa học cần có kế hoạch thực hiện tốt để không làm lãng phí nguồn lực của nhà nước.


Khoảng cách tồn tại giữa cách hiểu của xã hội và cách hiểu của giới khoa học về rủi ro trong nghiên cứu dẫn đến khó có sự cảm thông và chia sẻ giữa hai bên. Do đó, khi xã hội nói đến những khái niệm như “cất trong ngăn tủ” khi hàm ý đến sự vô dụng, lỗi thời của kết quả nghiên cứu, không ai nghĩ đến “độ trễ của chính sách”, “sự trói buộc của chính sách”…, những yếu tố các nhà khoa học vẫn thường đề cập, hàm ý đến những khó khăn ngoại cảnh mà họ phải đối mặt trong triển khai đề tài.


Thông điệp này không mới, dường như nó cũng trùng khớp với những điều kiện của Việt Nam: nguồn lực đầu tư chưa thật dồi dào, nguồn lực nào cũng quý nên phải “liệu cơm gắp mắm” mới có thể phân phối các nguồn lực cho các bộ, ngành, địa phương, các lĩnh vực cần phát triển… Nó vẽ ra một con đường thẳng tuyến tính từ dòng kinh phí của nhà nước, được rót vào các phòng thí nghiệm cho các nhà nghiên cứu hoặc các nhóm nghiên cứu để tiến hành một đề tài nghiên cứu, có thể do họ tự đề xuất hoặc do nhà nước “đặt hàng”; sau đó từ cánh cửa phòng thí nghiệm trả cho nhà nước và xã hội các kết quả nghiên cứu dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể là bài báo, công nghệ, sản phẩm ở dạng mẫu thử, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích… Trong các thuyết minh đề tài và hồ sơ đề xuất trình các hội đồng và các nhà quản lý phê duyệt, các nhà nghiên cứu và nhóm nghiên cứu đều đã nêu những dạng sản phẩm dự kiến của mình.

Tuy nhiên vấn đề là trên con đường này, không phải bao giờ mọi chuyện cũng diễn ra như người ta dự tính. Điều xảy ra đó thường được giới khoa học gọi là rủi ro nhưng ở đây, khái niệm rủi ro của họ và của xã hội dường như có điểm khác biệt. Với xã hội, rủi ro nghĩa là thất bại, ‘xôi hỏng bỏng không’, tay trắng, hay nói cách khác là làm tiêu tán nguồn lực đầu tư. Cách hiểu này dường như chưa thật sự trùng khớp với quan điểm của giới khoa học, ví dụ trong cuộc trao đổi mới đây với báo Đại biểu Nhân dân, giáo sư Nguyễn Quang Liêm (Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho rằng “rủi ro thường được hiểu là ‘không thành công’, thực chất chỉ là không đạt được sản phẩm nghiên cứu như dự kiến”. Trên thực tế, nhà khoa học thu được rất nhiều từ những nghiên cứu rủi ro như thế này, ví dụ như việc định hướng đến một hướng nghiên cứu mới, phát hiện ra một kết quả mới ngoài dự kiến hoặc đơn giản là loại bỏ đi một giả thuyết trên con đường của mình…

Vậy là có tồn tại khoảng trống trong quan niệm của giới khoa học và xã hội về rủi ro trong nghiên cứu, điều mà từ những năm 1920, nhà kinh tế học Frank Knight (ĐH Chicago) từng miêu tả như một sự bất định do sự giới hạn về kiến thức và tính không thể đoán được của các sự kiện trong tương lai. Trong một công bố trên tạp chí Journal of Informetrics, các nhà khoa học ở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, ĐH Lund Thụy Điển và ĐH Tokyo, Nhật Bản, cho rằng về bản chất, khoa học là một công việc đầy rủi ro. Các nhà khoa học làm việc trong không gian tri thức chưa được khám phá thông qua quá trình thử và sai, trong đó những ý tưởng và mục tiêu ban đầu thường bị loại do nhiều nguyên nhân. Xu hướng rủi ro và bất định thường đặc biệt cao khi các nhà khoa học đặt mục tiêu vào những khám phá có tiềm năng tạo ra đột phá, hoặc tạo ra bước ngoặt.

Khi đề cập đến sự rủi ro và bất định này, giáo sư Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Lọc hóa dầu Quốc gia nhấn mạnh vào sự khác biệt tinh tế của nghiên cứu khoa học cơ bản với phát triển công nghệ “Trong nghiên cứu tạo ra công nghệ rủi ro chỉ chiếm 30% nhưng khi 30% đó nhân lên về quy mô thì lại là con số [kinh phí] rất lớn, còn rủi ro trong nghiên cứu cơ bản cao tới 90% nhưng ở quy mô ‘bình cầu’ nên nếu có rủi ro thì con số [kinh phí] nhỏ hơn rất nhiều”. Sản phẩm phụ gia đa năng tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải ô nhiễm FNT6VN, một trong những sản phẩm thành công của chị và cộng sự, gắn liền với sáu bằng độc quyền sáng chế (hai bằng do Cục Thương hiệu và Bản quyền sáng chế Hoa Kỳ cấp; một bằng do Cơ quan Sáng chế châu Âu cấp, một bằng do Cơ quan Sở hữu trí tuệ Brazil cấp và hai Bằng do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp) là kết quả của hơn 10 năm kiên trì mày mò, chấp nhận thử và sai. Để có được nó, chị và cộng sự thường xuyên phải đối mặt với việc “làm hàng trăm thí nghiệm mới có một thí nghiệm thành công. Không thể duy ý chí, cứ nghĩ làm là thành công”. Ở khía cạnh ứng dụng công nghệ, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nafoods Group, cũng chia sẻ quan điểm này của giáo sư Vũ Thị Thu Hà một cách hình ảnh “Tôi thất bại nhiều chứ. Nếu làm gì mà cũng thành công thì tiền để đâu cho hết”.

Nhưng tại sao khi đề xuất hồ sơ nghiên cứu, các nhà khoa học lại không thể lường trước rủi ro? Thật ra, không ai muốn rủi ro ngáng đường mình đi. Rủi ro trong nghiên cứu do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, một nguyên nhân quan trọng là do tính không đầy đủ của các tri thức khoa học hiện có. Mặt tiền khoa học đầy rẫy những điều chưa biết, và thật khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Rất nhiều phát hiện quan trọng mà giờ chúng ta được thụ hưởng ra đời từ sự tình cờ, ví dụ như thuốc kháng sinh penicillin, tia X… Một nguyên nhân rủi ro khác nằm trong chính bản chất của khoa học, đặc biệt là thực nghiệm. Một số hiện tượng xuất hiện một cách ngẫu nhiên, ví dụ với vật lý thiên văn là quan sát hạt neutrino, khám phá pulsar, và việc khám phá ra chúng còn phụ thuộc vào các công nghệ hiện hành, ví dụ với lĩnh vực vi sinh học là kính hiển vi hay máy giải trình tự gene… Trong trường hợp công nghệ hỗ trợ không hoàn hảo hoặc mới ở giai đoạn sơ khai thì không thể hỗ trợ nhà khoa học...

Vậy trong bối cảnh đó, các nhà nghiên cứu còn gặp phải những rủi ro gì?

Thực hiện nghiên cứu, lai tạo giống mới bằng phương pháp nuôi cấy mô tại đơn vị thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Thực hiện nghiên cứu, lai tạo giống mới bằng phương pháp nuôi cấy mô tại đơn vị thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Từ rủi ro nghiên cứu đến rủi ro chính sách

Khoảng cách tồn tại giữa cách hiểu của xã hội và cách hiểu của giới khoa học về rủi ro trong nghiên cứu dẫn đến một điểm là khó có sự cảm thông và chia sẻ giữa hai bên. Do đó, khi xã hội thường nói đến “độ trễ của đề tài nghiên cứu”, đi kèm với những khái niệm như “cất trong ngăn tủ” khi hàm ý đến sự vô dụng, lỗi thời của kết quả nghiên cứu, không ai nghĩ đến “độ trễ của chính sách”, “sự trói buộc của chính sách”…, những yếu tố các nhà khoa học vẫn thường đề cập, hàm ý đến những khó khăn ngoại cảnh mà họ phải đối mặt trong triển khai đề tài.

Việc chưa hoàn toàn chấp nhận sự rủi ro trong nghiên cứu đã dẫn đến sự ra đời của các chính sách hướng dẫn và điều chỉnh các hoạt động tài chính, thủ tục giấy tờ… không thực sự hỗ trợ hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học. Các nhà quản lý thường yêu cầu các nhà khoa học chấp hành theo đúng các chi tiết cụ thể nêu trong đề xuất mà quên đi thực tại là một nhiệm vụ khoa học khác biệt với một nhiệm vụ thông thường như xây dựng nhà cửa, cầu cống… - những công việc được ấn định một cách chắc chắn. Vào ngày 7/6, trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cũng đề nghị “Không nên coi nhiệm vụ KH&CN như những nhiệm vụ ở các lĩnh vực khác. Rất khó để xây dựng định mức hoặc tính toán hiệu quả, lợi nhuận do KH&CN mang lại bởi ngay khi nghiệm thu cũng khó xác định được, nó phải là vấn đề của tương lai”.

Do đó, từ quan điểm của tài chính, các nhà quản lý thường không chấp nhận những thay đổi có thể đến trong quá trình nghiên cứu, vốn gắn liền với thử và sai. Tại phiên họp của NAFOSTED, giáo sư Nguyễn Văn Tuyến (Hội đồng ngành Hóa học) nêu khó khăn của những người làm thực nghiệm luôn phải đối mặt với rủi ro “Ví dụ chúng tôi làm một phản ứng hóa học mà dự toán kinh phí có thể là từ bốn năm trước để mua các loại hóa chất cụ thể nhưng trong quá trình làm nó không chạy, các nhà nghiên cứu phải mua hóa chất khác. Thế thì rất là khó khăn. Không mua hóa chất trong danh mục thì không được, không thực hiện được nhiệm vụ của mình, thế mà mua ngoài danh mục thì lại sai quy định”.

Những quy định như vậy cứ tồn tại từ năm này sang năm khác khiến các nhà khoa học phải chật vật trong quá trình thực hiện đề tài để có được kết quả. Giáo sư Phan Tuấn Nghĩa (trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), người tham gia vào rất nhiều hội đồng của Quỹ NAFOSTED như Hội đồng sinh học nông nghiệp, Hội đồng hỗn hợp Việt – Bỉ…, nhấn mạnh vào vấn đề này “Chúng ta kiểm soát tài chính theo cách là mua bán hóa chất theo danh sách có sẵn. Tôi nói là trên thế giới, không nền khoa học nào làm theo cách đó cả. Trong khoa học có những lúc làm theo phương pháp này không được thì phải đổi sang phương pháp khác. Phương pháp thì kèm theo hóa chất nên khi thay đổi nó phải đi kèm với thay đổi hóa chất. Thêm một đặc điểm nữa là trong các loại hóa chất thì cũng có thứ có thời hạn sử dụng, đặc biệt trong khoa học sự sống thì thời hạn ngắn nên nếu mua theo một danh sách cố định thì không được”.

Mới đây, trong phóng sự ngắn “Cơ chế quản lý bó buộc nhà khoa học” của VTV1, Đài truyền hình Việt Nam, các nhà khoa học Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho biết, cũng như các đồng nghiệp khác, họ thường phải lên dự toán trong hồ sơ đề xuất xem cần mua những thiết bị, vật tư gì, trọng lượng bao nhiêu và nếu đề tài được phê duyệt, họ sẽ còn phải chờ thủ tục đấu thầu để mua sắm phục vụ nghiên cứu. Nhiều khi, phải đến hai năm sau, họ mới có thể bắt tay vào nghiên cứu được. Tương tự là câu chuyện của Viện Khoa học vật liệu, phó giáo sư Đoàn Đình Phương, Viện trưởng, cho biết “Khi phân bổ vật tư nghiên cứu, chúng tôi chỉ được mua cùng một lần, không được xé nhỏ đấu thầu, không như ở nước ngoài, hôm nay cần hóa chất gì có thể nói với viện để mua, sau đó người ta thấy vật tư không phù hợp nữa thì có thể chuyển sang vật tư khác và mua theo từng đợt”.

Mặt khác, việc không chấp nhận sự rủi ro trong nghiên cứu về mặt tài chính khiến nhiều nhà quản lý e ngại đến việc đánh giá hiệu quả hoạt động KH&CN bởi với những ngành khoa học cơ bản, tỉ lệ rủi ro cao sẽ đi kèm với tỉ lệ nghiệm thu không đạt cao. Trong phiên họp của Quỹ NAFOSTED, phó giáo sư Ngô Đức Thành (Hội đồng KH trái đất và KH biển) băn khoăn “Tôi nghe thứ trưởng nói tỉ lệ nghiệm thu thấp và cần thúc đẩy để tăng tỉ lệ nghiệm thu lên. Nhưng trên thực tế, trong quá trình phê duyệt đề tài, chúng ta nhận thấy là ở lĩnh vực khoa học biển thì chi phí cho đề tài cao hơn, khả năng rủi ro không được nghiệm thu đề tài cũng cao hơn so với một số lĩnh vực khác rất dễ công bố, tỉ lệ nghiệm thu cao hơn”.

Nỗi băn khoăn ấy của các nhà nghiên cứu thật khó giải tỏa, dẫu thời gian gần đây, một số nhà quản lý bắt đầu nhận thấy bản chất thực sự của rủi ro trong khoa học. Tại buổi họp báo quý 2/2023, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Vụ phó Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ KH&CN) đã trả lời báo chí “Không nên hiểu đơn thuần rủi ro trong nghiên cứu là thất bại, bởi lẽ sự không thành công trong quá trình nghiên cứu cũng có giá trị tham khảo lớn. Độ trễ và rủi ro là bản chất của nghiên cứu khoa học và cần được chấp nhận”.

Mơ ước của các nhà khoa học là “đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tinh gọn và chấp nhận rủi ro mang tính đặc thù của hoạt động nghiên cứu khoa học” như lời chia sẻ của giáo sư Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa TP.HCM tại hội nghị “Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KHCN và Phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KHCN trình độ cao ở các trường ĐH” ngày 15/4/2023. Vậy có cách nào để các nhà quản lý hiểu đúng và chấp nhận sự tồn tại của rủi ro trong khoa học, qua đó có cách tháo gỡ chính sách?
(Còn tiếp).