“Trong ba năm liên tiếp 2020-2022, Nghệ An đã có các startup đoạt giải nhất Techfest Việt Nam. Chúng tôi cũng có các startup gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, tiêu biểu là Công ty Gostream thu hút một triệu USD từ Quỹ VinaCapital, Công ty Chanh Thiên Nhẫn với hai triệu USD từ Tập đoàn Sao Thái Dương, và dự án muối Nanosalt của Công ty Abaca gọi vốn 5 tỷ đồng đã nhận được cam kết đầu tư từ Vườm ươm khởi nghiệp Sông Lam và Quỹ VSV”, ông Nguyễn Hữu Hòa ở Trung tâm Thông tin Khoa học Công nghệ và Tin học Nghệ An, giới thiệu trong hội thảo “Kết nối tìm hiểu nhu cầu và tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KH&CN về sở hữu trí tuệ” diễn ra vào đầu tháng 12 tại Nghệ An.
Là một trong những địa phương có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất cả nước với không ít tên tuổi nổi bật, từ quy mô lớn lâu năm cho đến những gương mặt trẻ như các startup nêu trên, song nếu nhìn vào hội thảo ở Nghệ An, người ta khó có thể thấy được điều này. Đại diện của dự án muối Nanosalt là một trong số ít doanh nghiệp có mặt trong hội thảo. Liệu có phải sở hữu trí tuệ (SHTT) quá xa lạ với doanh nghiệp? Thực tế, gần như mọi hoạt động của doanh nghiệp, từ hình thành ý tưởng về sản phẩm, phát triển công nghệ mới cho đến thương mại hóa trên thị trường đều có bóng dáng của SHTT. “Khi đưa sản phẩm ra thị trường hay muốn áp dụng công nghệ mới thì sẽ liên quan đến bảo hộ sáng chế, hoặc nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp… tất cả những thứ này đều nằm trong hệ thống SHTT”, TS. Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học SHTT, phân tích. “Do vậy, ngoài việc cung cấp những kiến thức về SHTT, hội nghị lần này cũng được tổ chức nhằm mục đích kết nối và tìm hiểu nhu cầu tư vấn về SHTT và các lĩnh vực liên quan của các doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học. Chúng tôi cũng mời thêm các đơn vị về định giá tài sản tuệ và quỹ thuộc Bộ KH&CN để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình ra quyết định mua bán, chuyển giao công nghệ và sáng chế”.
Thoạt nghe có vẻ trớ trêu, song sự vắng bóng của các doanh nghiệp trong những sự kiện về SHTT không phải là điều hiếm gặp. Không riêng Nghệ An, ngay cả những thành phố lớn như TP.HCM cũng phải đối mặt với tình trạng này. Khảo sát của Sở KH&CN TP.HCM vào năm 2019 với gần 4000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cho thấy, chỉ có 0,66% doanh nghiệp hạch toán các tài sản trí tuệ vào giá trị tài sản cố định vô hình trên bảng cân đối kế toán. Theo ông Võ Hưng Sơn, Trưởng phòng quản lý KH&CN cơ sở (Sở KH&CN TP.HCM), điều này chứng tỏ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện vẫn chưa quan tâm đến tài sản trí tuệ, chưa nhận thức đủ về vai trò của SHTT trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.
“Mỏ vàng” thông tin sở hữu công nghiệp
Trong bối cảnh đó, những sự kiện kết nối, tập huấn về SHTT như hội thảo ở Nghệ An lại càng thêm cần thiết. “Các lớp tập huấn và các hội thảo phổ biến về SHTT vẫn được triển khai thường xuyên cho các doanh nghiệp và địa phương. Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng tham gia được liên tục, nhất là khi nhân lực SHTT còn ít ỏi và hay biến động, năm nay người này (ở doanh nghiệp hoặc địa phương) phụ trách, nhưng năm sau có khi là người khác, họ phải làm quen lại từ đầu”, một cán bộ chuyên trách về SHTT tại một địa phương, chia sẻ với KH&PT trong một hội thảo vào năm 2022.
Tình trạng thiếu hụt nhân lực SHTT diễn ra ở cả doanh nghiệp tư nhân và các cơ quan nhà nước: hiện nay, chỉ có hai Sở KH&CN có bộ phận chuyên trách quản lý về SHCN (Phòng SHTT) là Hà Nội và TP.HCM, còn lại được ghép chung với các lĩnh vực khác. Số lượng nhân lực về SHTT ở các đơn vị này cũng tăng giảm thất thường: năm 2020, cả nước chỉ có 162 cán bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp tại các Sở KH&CN, trong đó có 44 cán bộ chuyên trách và 118 cán bộ kiêm nhiệm, đến năm 2021 giảm xuống còn 38 cán bộ chuyên trách và 104 cán bộ kiêm nhiệm, nhưng đến năm 2022 lại tăng lên 52 cán bộ chuyên trách và 121 cán bộ kiêm nhiệm. Tương tự, ở các doanh nghiệp, theo khảo sát của Sở KH&CN TP.HCM vào năm 2019, chỉ có 1,63% số doanh nghiệp có nhân sự được đào tạo, tập huấn hoặc chuyên trách về tài sản trí tuệ; và 2,25% doanh nghiệp có ban hành các quy định nội bộ, quy chế quản lý tài sản trí tuệ. Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ có quy mô vừa vừa nhỏ nên không cần bộ phận chuyên trách về SHTT, hoặc công việc đó thuộc về bộ phận văn phòng, hành chính hay pháp chế. Phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập, chủ yếu quan tâm đến đăng ký nhãn hiệu, tên hay logo doanh nghiệp, mà chưa biết cách nhận diện và quản trị các loại tài sản trí tuệ khác.
Nếu biết những giá trị mà SHTT có thể đem lại, chắc hẳn doanh nghiệp sẽ có một cách nhìn khác. Theo một khảo sát kéo dài 13 năm (từ 2007-2019) với hơn 127.000 công ty đến từ 28 nước thành viên EU, các doanh nghiệp có tài sản trí tuệ tạo ra doanh thu trung bình/người cao hơn 20% so với doanh nghiệp không sở hữu tài sản trí tuệ. Trong số các doanh nghiệp có tài sản trí tuệ, kết quả kinh doanh tăng 36% đối với sáng chế, tiếp theo là kiểu dáng công nghiệp (32%) và nhãn hiệu (21%). “Những con số này chắc còn rõ rệt hơn với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - vốn vận hành dựa trên công nghệ mới”, theo TS. Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học SHTT.
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng phải có một sản phẩm mới, đem đi đăng ký bảo hộ sáng chế thành công thì chúng ta mới được hưởng lợi từ SHTT. Thực chất, hệ thống SHTT có thể hỗ trợ doanh nghiệp ngay từ bước hình thành ý tưởng nghiên cứu hoặc sáng chế bằng cách khai thác thông tin sở hữu công nghiệp - những thông tin về tình trạng kỹ thuật, pháp lý và kinh doanh được ghi nhận trong quá trình xác lập, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp (gồm sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý). “Đây là một nguồn thông tin quan trọng đối với các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và nhà sáng chế”, ThS. Bùi Tiến Quyết, Trưởng phòng Đào tạo - Thông tin (Viện Khoa học SHTT) cho biết. “Việc khai thác các thông tin này có thể giúp chúng ta tìm kiếm ý tưởng đổi mới công nghệ, tránh nghiên cứu hoặc sáng chế trùng lặp; đánh giá được khả năng bảo hộ của các đối tượng sở hữu công nghiệp; xác định công nghệ để mua bán li xăng hoặc chuyển giao; tìm kiếm đối tác và thị trường thích hợp; theo dõi hoạt động của các đối thủ cạnh tranh hiện thời và tiềm năng trong tương lai…”
Không ít trường hợp đã phát hiện xâm phạm và bảo vệ tài sản trí tuệ kịp thời nhờ khai thác thông tin sở hữu công nghiệp. “Chẳng hạn như Công ty Busadco, hiện là công ty có nhiều tài sản trí tuệ nhất Việt Nam với hơn 400 bằng độc quyền liên quan đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu. Trong quá trình khai thác thông tin sở hữu công nghiệp, họ đã phát triển trên thị trường có một đơn vị sử dụng sản phẩm mương bê tông có đặc điểm tạo dáng giống với sản phẩm của họ. Sau đó, họ đã thực hiện các thủ tục yêu cầu giám định tại Viện Khoa học SHTT, sau khi nhận được kết luận là có yếu tố xâm phạm quyền, họ đã yêu cầu các cơ quan thực thi xử lý. Đây là một trường hợp khai thác thông tin để phục vụ cho việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp rất hiệu quả”, ThS. Bùi Tiến Quyết nhận xét. Một trường hợp khác là cà phê Buôn Ma Thuột, nếu không khai thác thông tin sở hữu công nghiệp, người ta cũng chẳng thể biết chỉ dẫn địa lý này đã bị “đánh cắp” tại Trung Quốc và tiến hành “đòi lại” cách đây hơn chục năm.
Định giá tài sản trí tuệ
Có thể thấy, rất nhiều cách khai thác tài sản trí tuệ đang nằm trong tầm tay chúng ta. Nhưng cách đầu tiên mà doanh nghiệp thường nghĩ đến - làm thế nào để bán, hoặc thế chấp tài sản trí tuệ để chuyển thành nguồn vốn - lại đang gặp nhiều vướng mắc nhất. “Tài sản trí tuệ dù được gọi là tài sản nhưng khó có thể chuyển đổi thành tiền”, một doanh nghiệp từng chia sẻ với KH&PT. “Chúng tôi rất mong có thể dùng các sáng chế để thế chấp vay vốn, nhưng gặp vướng mắc ở khâu định giá, nên vẫn phải dùng các tài sản hữu hình như nhà đất thì mới có thể vay vốn được”. Hơn nữa, định giá tài sản trí tuệ cũng là vấn đề cần bàn đến trong quá trình thương mại hóa công nghệ. “Khi có một tài sản trí tuệ, người ta sẽ nghĩ đến việc liệu có thể thương mại hóa được hay không, có ai mua không… Để giải quyết điều này, đầu tiên chúng ta phải đánh giá công nghệ đấy một cách định tính trước, sau đó là định lượng tài sản trí tuệ”, TS. Trần Hậu Ngọc, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Bộ KH&CN) giải thích.
Làm thế nào để xác định một mức giá phù hợp, cả bên bán và bên mua công nghệ đều có thể chấp nhận được? Đây là một bài toán nan giải đã tồn tại từ lâu. “Ở nước ta hiện nay hầu như vắng bóng tổ chức và chuyên gia về định giá công nghệ. Việc định giá thường do các cán bộ quản lý được mời làm tư vấn khi thương thảo hợp đồng mua bán công nghệ. Hiện tại, các tổ chức/cá nhân cung ứng dịch vụ định giá theo Luật Giá đều đăng ký định giá công nghệ, tuy nhiên trong thực tế, hầu hết các tổ chức này đều chưa thực hiện các dịch vụ định giá công nghệ một cách bài bản. Bên cạnh đó, mặc dù đã được quan tâm, có hành lang pháp lý và quản lý những thực tế hiện nay cho thấy, quy mô, chất lượng, uy tín của các tổ chức định giá công nghệ vẫn còn rất nhiều hạn chế. Hoạt động định giá công nghệ vẫn còn là một thách thức lớn cho doanh nghiệp trong việc khai thác sử dụng tài sản trí tuệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Rất nhiều trường hợp doanh nghiệp R&D sở hữu công nghệ cao, khả năng ứng dụng rất lớn nhưng không thể phát triển được sản phẩm do thiếu vốn và không thể thế chấp chính tài sản công nghệ mà mình đang sở hữu”, PGS.TS. Trần Văn Nam ở Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, phân tích trong một bài viết đăng trên tạp chí Pháp luật và Thực tiễn vào năm 2019.
Trong quá trình tìm kiếm giải pháp, chúng ta có thể tham khảo cách làm của một số quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, “nếu muốn dùng tài sản trí tuệ để vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp hoặc cá nhân chỉ cần mang đến KOTEC, một tổ chức định giá công nghệ, tài sản trí tuệ của Hàn Quốc, trong quá trình định giá, doanh nghiệp sẽ phải cung cấp thông tin cho họ. Sau khi có kết quả, nếu tài sản trí tuệ đấy có khả năng thương mại hóa, họ sẽ cấp một chứng thư cho ngân hàng, và doanh nghiệp sẽ được vay vốn. Tất cả chi phí trong quá trình định giá sẽ được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Chúng tôi cũng đang đề xuất xây dựng một mô hình tương tự cho Việt Nam”, TS. Trần Hậu Ngọc cho biết. “Còn hiện nay, nếu muốn định giá tài sản trí tuệ, doanh nghiệp có thể tìm đến Viện, chúng tôi hoàn toàn có thể hỗ trợ mọi người làm công việc này”.