Tổ chức nghiên cứu và hợp tác châu Âu (OECD) và chính phủ Pháp, cùng Canada đang thúc đẩy các cuộc đàm phán về “Quan hệ Đối tác Toàn cầu” liên quan đến chính sách cho trí tuệ nhân tạo.
Con người sẽ quản lý sự phát triển của hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) như thế nào? Để trả lời cho câu hỏi này, các quan chức Pháp và Canada đang phác thảo một bản kế hoạch chi tiết cho việc thành lập một hội đồng chuyên gia mà họ hy vọng có thể là mô hình tiên phong cho sự hợp tác toàn cầu về chính sách AI.
Quan hệ Đối tác Toàn cầu về AI (GPAI), được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Justin Trudeau thúc đẩy trong suốt năm qua đã bắt đầu hình thành nhờ một loạt các cuộc đàm phán xuyên Đại Tây Dương trong vài tháng qua. Ý tưởng của họ là tạo ra một diễn đàn thường trực – có sự tham gia của chính phủ, ngành công nghiệp và giới học thuật – để theo dõi và tranh luận về chính sách AI trên toàn cầu. Các quốc gia khác sẽ được mời tham gia trong quá trình hai thành viên “cốt lõi” là Pháp và Canada phát triển kế hoạch này.
Trong khi ngành công nghiệp đang đổ xô đầu tư vào lĩnh vực này với khoản chi tiêu ước tính 37,5 tỷ đô la trong năm nay, theo công ty nghiên cứu thị trường IDC, thì một số chuyên gia đã cảnh báo, AI có thể sẽ là con dao hai lưỡi đối với nhân loại, nên trong vài năm qua, hơn 90 tổ chức trên khắp thế giới đã đề xuất các nguyên tắc đạo đức cho AI. Và các nhà lãnh đạo của những nền kinh tế lớn nhất thế giới – trong các tổ chức G7 và G20 – đã ký kết một bộ hướng dẫn đạo đức cực kỳ mơ hồ vào đầu năm nay.
Nhiều quan điểm khác biệt
Lyse Langlois, giám đốc một trung tâm AI ở Quebec, người tham gia vào xây dựng kế hoạch của Canada, nói rằng cuộc thảo luận mang tính toàn cầu này rất phức tạp. “Chúng tôi có nhiều quan điểm khác nhau.” Ngay lúc này, “chúng tôi cần một kết cấu chung để liên kết những quan điểm này lại”. Vì vậy, những cuộc đàm phán GPAI cho đến nay chủ yếu vẫn chỉ có sự tham gia của các quan chức Pháp và Canada. Ngay Nhật Bản – đất nước có vai trò quan trọng giúp kế hoạch này được diễn ra, với tư cách là chủ tịch của G20 năm nay, thì trong một cuộc phỏng vấn, Koichi Akaishi, Thứ trưởng phụ trách vấn đề chính sách đổi mới của Nhật Bản, cho biết chính phủ của ông không tham gia vào các cuộc đàm phán GPAI vào thời điểm này. “Chúng tôi vẫn chưa quyết định bởi ý tưởng [của GPAI] vào lúc này vẫn còn quá mơ hồ đối với chúng tôi. Nhưng khi ý tưởng trở nên rõ ràng hơn, có lẽ chúng tôi sẽ tham gia.”
Nhiều chính phủ cũng đều thấy được rằng cần phải chủ động làm gì đó với AI. Washington đầu năm nay đã đưa ra một bản kế hoạch AI; và trong tháng này, hội đồng an ninh quốc gia đã khuyên Quốc hội và Nhà Trắng “thành lập một mạng lưới các quốc gia có cùng một mục tiêu hướng đến, để cùng nhau xây dựng một hội đồng chuyên môn có năng lực về AI”. Trung Quốc đã công bố chính sách AI của riêng mình vào đầu năm nay...
Cơ sở dữ liệu OECD
Là tổ chức điều hành việc xây dựng chính sách AI từ khi nó vừa bắt đầu, OECD cũng là tổ chức phụ trách việc hình thành các nguyên tắc đạo đức cốt lõi liên quan đến lĩnh vực AI, đã được các nhà lãnh đạo G20 phê chuẩn trong năm nay.
Andrew Wyckoff, giám đốc bộ phận khoa học, công nghệ và đổi mới của OECD, cho biết mục tiêu của họ là đưa ra một định nghĩa quốc tế có tính thống nhất về khái niệm căn bản của AI. Trong suốt thập kỷ qua, một dòng ý tưởng mới và sức mạnh của khoa học máy tính đã biến AI từ thú vị sang đột phá, ở cả hai khía cạnh tốt và xấu. Điều đó có nghĩa là các công cụ chính sách và kinh tế đã không theo kịp sự phát triển của lĩnh vực này. “Chúng tôi đang cố gắng thực hiện các bước cơ bản trong việc hình thành nên cộng đồng nghiên cứu trên toàn cầu,” Wyckoff cho biết
Mục tiêu xa hơn, ông nói, là có thể theo dõi cách từng quốc gia riêng lẻ áp dụng AI, và cuối cùng, chúng sẽ được biến đổi để phù hợp với các hướng dẫn quốc tế – mà một ngày nào đó sẽ được thông qua.
Bài toán chính sách
Đối với trường hợp của AI, Wyckoff cho biết, khó khăn chính là việc lúc nào sẽ là thời điểm để đưa ra điều chỉnh. Nếu làm quá sớm, các chính phủ sẽ kìm hãm sự đổi mới và những lợi ích tiềm năng. Nhưng nếu làm quá muộn, công nghệ có thể đã có một bước ngoặt quá to lớn về mặt xã hội hoặc đã ăn sâu vào gốc rễ đến mức các chính phủ không thể làm gì được để thay đổi nó.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Macron cho biết, Viện Khoa học Máy tính quốc gia Pháp (INRIA) sẽ “đứng đầu trong việc điều phối các đối tác của Pháp”. Chính phủ đã công bố một kế hoạch đầu tư vào AI trị giá 1,5 tỷ euro trong 5 năm của quốc gia này. Nó bao gồm bốn trung tâm nghiên cứu AI quốc tế, tại Toulouse, Sophia Antipolis, Grenoble và Paris, cũng như kế hoạch tài trợ cho 200 vị trí nghiên cứu AI mới. Họ sẽ tập trung vào y tế, an ninh mạng, vận tải, kho vận, nông nghiệp và các lĩnh vực khác của AI.
Trong việc điều chỉnh chính sách về AI, nếu đưa ra quá sớm, các chính phủ sẽ kìm hãm sự đổi mới và những lợi ích tiềm năng. Nhưng nếu làm quá muộn, công nghệ có thể đã có một bước ngoặt quá to lớn về mặt xã hội hoặc đã ăn sâu vào gốc rễ đến mức các chính phủ không thể làm gì được để thay đổi nó, theo Andrew Wyckoff.
Chính phủ Canada đã tuyên bố sẽ đầu tư 15 triệu đô la (CAD) (khoảng 10,3 triệu euro) để trung tâm AI của Montreal phát triển và hoạt động. Quebec đi đầu trong chính sách AI quốc tế khi tài trợ cho Trạm Quan sát Quốc tế do Langlois thuộc Đại học Laval điều hành. Cùng với đó, tại Montreal, Toronto, Edmonton và các trung tâm công nghệ khác thuộc Canada, đã có hơn 800 công ty khởi nghiệp AI – ngoài ra, Đại học Montreal cũng đứng đầu nỗ lực quốc tế lớn đầu tiên trong việc soạn thảo các hướng dẫn đạo đức cho AI. Chính phủ Canada, đang đặt cược rằng những bước đi tiên phong của nước này đối với chính sách và phát triển AI sẽ được đền đáp xứng đáng trong thương mại và việc làm vào những năm tới.
Bốn nhóm chuyên gia
Tại GPAI, các trung tâm ở Paris và Montreal có nhiệm vụ hỗ trợ công việc cho một loạt các nhóm chuyên gia quốc tế. Cho đến nay, bốn nhóm đã dần được hình thành, liên quan đến lĩnh vực “đổi mới và thương mại hóa”, “AI có trách nhiệm”, “quản trị dữ liệu”, và “tương lai của việc làm” – Malik Ghallab, một trong những người tham gia vào quá trình hỗ trợ,... cho biết danh sách này có thể mở rộng hoặc thay đổi khi các quốc gia khác tham gia. Công việc của bốn nhóm này phản ánh các vấn đề chính trị cấp thiết nhất hiện nay: Sự tác động của AI đến nền kinh tế và việc làm, đến quyền riêng tư và bảo mật.
Mặt khác, các nhóm này sẽ chịu sự giám sát bởi một loạt ba ủy ban: một hội đồng đứng đầu bao gồm các bộ trưởng chính phủ, một ban chỉ đạo và một “chuyên gia điều phối các bên liên quan của cả bốn nhóm”, bao gồm các chuyên gia công và tư. Toàn thể tổ chức sẽ họp định kỳ hằng năm – và Canada đã đề nghị tổ chức một hội nghị quốc tế vào cuối năm tới.
Để GPAI được xúc tiến, Langlois nói, “họ có thời gian để hành động. Họ có ý chí để thực hiện. Tổ chức này hãy còn non trẻ. Đây là bước đi đầu tiên, nhưng vẫn còn nhiều bước đi cần được công khai minh bạch.”