‘Thị trường, con người, sản phẩm công nghệ’ là những vấn đề được thảo luận tại Hội thảo "Góp ý xây dựng tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia Đề án 844 từ chuyên gia, nhà đầu tư" diễn ra ngày 5/12 trong khuôn khổ Techfest Vietnam 2019 tại Quảng Ninh.
Đánh giá startup dựa trên các tiêu chí nào?
Trao đổi về những tiêu chí quan trọng nhất trong việc đánh giá doanh nghiệp khởi nghiệp, có nhiều quan điểm đã được đưa ra, song tất cả các diễn giả trong hội thảo đều nhất trí với ba yếu tố: Thị trường, con người và sản phẩm.
Bà Nguyễn Hoàng Anh, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Abivin – startup Việt, vừa giành chiến thắng tại cuộc thi khởi nghiệp thế giới Startup World Cup 2019, đã chia sẻ kinh nghiệm “chinh chiến” trên các đầu trường khởi nghiệp quốc tế: “Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, yếu tố đầu tiên cần chú trọng là xác định tiềm năng thị trường bởi thị trường đủ lớn thì doanh nghiệp mới có thể phát triển được. Thứ hai là yếu tố con người, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của đội ngũ nhà sáng lập (founding team) trong việc tạo ra chất xám, sản phẩm. Cuối cùng, bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần quan tâm đến yếu tố này, đó là sản phẩm, một sản phẩm cần đủ tốt và đủ mang lại giá trị cho khách hàng của mình.”
Bắt đầu từ thị trường nhỏ nhưng nuôi khát vọng về thị trường quốc tế
Yếu tố thị trường được nhắc đến đầu tiên và cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Theo đó, việc nghiên cứu thị trường sẽ cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin thiết yếu về quy mô và xu hướng thị trường, tốc độ tăng trưởng, nhân khẩu học của khách hàng,... từ đó xây dựng và lựa chọn được mô hình kinh doanh phù hợp.
Trả lời câu hỏi “Các nhà khởi nghiệp nên tư duy về thị trường trong nước hay quốc tế trước?”, ông Trần Anh Vương - Chủ tịch King Invest, Nhà đầu tư Shark Tank Việt Nam cho biết: “Về mong muốn, bất cứ dự án nào khi nghĩ đến thị trường rộng thì sẽ nghĩ đến thị trường quốc tế. Thực tế trong ngành nào cũng vậy, doanh nghiệp không chỉ phục vụ cho đất nước mà còn là giải quyết bài toán lớn hơn của thế giới. Đây cũng chính là yếu tố quyết định con mắt của nhà đầu tư khi nhìn về khát vọng của startup nói chung”.
Các khách mời cũng cho rằng yếu tố thiên thời (thời điểm tốt) và địa lợi (lợi thế của doanh nghiệp tại địa phương và quốc gia) cũng là một nhân tố để các nhà đầu tư đánh giá tiềm năng doanh nghiệp có thể tìm kiếm, lựa chọn và phát triển thị trường về sau. Mặc dù không mang ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của doanh nghiệp nhưng đây là những yếu tố hỗ trợ giúp gia tăng khả năng thành công và tạo thế chủ động trước các tình huống khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình khởi nghiệp.
Ông Trí Hoàng, người đã từng nhiều lần khởi nghiệp tại thung lũng Sillicon, Mỹ, và giờ đây đang điều hành Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp và thúc đẩy kinh doanh Ai20x tại đó, khuyên các startup khi có mục tiêu phát triển thị trường nên tính toán kỹ và thực hiện tốt nhất những cái dễ, cái khả thi trước khi làm những việc lớn phức tạp hơn. Ông Hoàng nhấn mạnh, thời điểm gặp khó khăn – và khó khăn là câu chuyện thường gặp với startup - nên tìm bước đi khôn ngoan để biển chúng thành cơ hội.
Nhà sáng lập tài năng và nhân lực công nghệ gắn bó
Yếu tố con người được coi là vấn đề trung tâm quyết định sự sống còn của một doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó vai trò của đội ngũ nhà sáng lập (founders) luôn được coi trọng trước hết. Mỗi đội ngũ sáng lập lại có một hình thức phân chia chức năng, nhiệm vụ cho mỗi thành viên trong nhóm khác nhau.
Ông Tài Nguyễn, người có kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp triển khai cuộc thi khởi nghiệp Việt toàn cầu Vietchallenge, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các nguyên tắc làm việc, đồng thời cho rằng nhà sáng lập đi du học quốc tế có khả năng thành công cao hơn, chẳng hạn như khi có cơ hội được du học ở nước ngoài, “các coder (lập trình viên) Việt Nam có thể làm được như ở quốc tế, sánh vai với các nước trên thế giới”.
Yếu tố khiến nhà sáng tập đi du học có khả năng thành công cao hơn nằm có lẽ nằm ở sự khác biệt về tầm nhìn. Khi đi du học, một người có thể được tiếp xúc với nhiều môi trường, nhiều người thuộc các nền văn hóa khác nhau, từ đó biết mình đang ở đâu. Tất nhiên, có nhiều bạn thành công dù chỉ học ở Việt Nam, nhưng nếu làm việc với nước ngoài nhiều thì sẽ phát triển tầm nhìn khác so với chỉ nhìn trong nước.
Bên cạnh đó, để một doanh nghiệp có thể vận hành hiệu quả, vấn đề nhân sự cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng. Nhận định về vấn đề này, ông Trí Hoàng cho hay: “Thị trường rất dễ thay đổi, trong tình huống đó, chỉ có con người có thể chèo lái con thuyền ra khỏi khó khăn”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hoàng Anh kể lại câu chuyện của Abivin - startup công nghệ tối ưu hóa đường đi lĩnh vực logistics : “Anh Nam Long (Tổng giám đốc Abivin) đã dành rất nhiều thời gian để phát triển thuật toán. Trải qua quá trình học tập ở các nôi công nghệ trên thế giới, anh Long trở về xây dựng đội ngũ công nghệ cho Abivin, sau đó thuyết phục được các công ty trên thế giới sử dụng sản phẩm của mình.”
Giờ đây, các nhà đầu tư quốc tế đã bắt đầu cho rằng kỹ sư Việt Nam có thể đưa ra sản phẩm sánh ngang với thế giới và hoàn toàn có thể có các công ty công nghệ với những kỹ sư giỏi. Tuy nhiên, tính ứng dụng của các kỹ sư phần mềm còn hạn chế, chính vì vậy cần nhiều yếu tố để hỗ trợ.
Liên quan đến vấn đề nhân lực công nghệ hiện nay, đại diện công ty Abivin nhận định rằng có một khó khăn là cứ 60 người thì có khoảng 50 người làm công nghệ nhưng sau hai năm đầu tiên thì chỉ còn lại một người. Việc tìm được người giỏi và gắn bó luôn là câu chuyện đau đầu của các startup cũng như mọi doanh nghiệp.
Hướng đến hỗ trợ tài chính trực tiếp cho startup từ Đề án 844 từ năm 2020
Song song với các thảo luận liên quan đến những yếu tố đầu vào và duy trì doanh nghiệp, hội thảo cũng cung cấp thông tin và lấy ý kiến hoàn thiện quy trình hỗ trợ tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong
Đề án 844 trong giai đoạn tới.
Trước đó, Đề án 844 được triển khai dưới mô hình "hỗ trợ gián tiếp" cho startup, thông qua việc hỗ trợ các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo như các tổ chức ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh, các trường đại học chuyên ngành, các tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất, truyền thông và đầu tư cho khởi nghiệp hay các cơ quan kết nối các chủ thể của hệ sinh thái. Qua đó, startup được hưởng lợi từ các hoạt động của các tổ chức chuyên nghiệp trong hệ sinh thái và thị trường có cơ chế tự do để phát triển.
Từ năm 2020, xác định vai trò lớn của chính phủ trong việc cung cấp “vốn mồi” cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tại thông tư 45/2019/TT-BTC về quản lý tài chính Đề án 844 mới có hiệu lực tháng 9/2019, Nhà nước đã cho phép "hỗ trợ trực tiếp" một phần kinh phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp được tuyển chọn từ cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia hàng năm.
Cụ thể, nhà nước hỗ trợ trả tiền công lao động trực tiếp cho doanh nghiệp; sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ; dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; sử dụng không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; và tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn tại một số tổ chức thúc đẩy kinh doanh uy tín ở nước ngoài.
Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý Đề án 844 sẽ thực hiện các cuộc khảo sát quy mô và phối hợp với các chuyên gia để hoàn thiện cơ chế hỗ trợ tài chính cho startup từ Đề án 844.
Có thể nói, sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia không chỉ cần sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp mà đặc biệt cần vai trò thúc đẩy, hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước cùng sự tham gia chủ động, mang tính xây dựng từ toàn bộ các thành tố trong hệ sinh thái./.