Hiện Việt Nam có rất nhiều sản phẩm gạo là đặc sản địa phương, vùng miền và chúng đáp ứng yêu cầu thị trường, Nhà nước cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia xây dựng thương hiệu ngay từ đầu.

Chính họ sẽ có quyền lợi và nghĩa vụ xây dựng thương hiệu gạo đặc sản để mang ra thị trường cả trong nước và thế giới.

>> Chuyên đề: Chọn nảy mầm giống lúa quý từ ngân hàng giống lúa Việt Nam

 TS Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Thực tế, việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung rất cao độ, từ việc xây dựng logo đến các nội dung có liên quan. Song hơn 80% số nông sản hiện nay chưa xây dựng được thương hiệu, phải bán ra thị trường thế giới dưới nhãn hiệu của nước ngoài; việc xây dựng thương hiệu vẫn chưa được đầu tư đúng mức.

Đây là một nghịch lý khi Việt Nam được thiên nhiên “phú” cho nhiều loại nông sản có sản lượng hàng đầu thế giới, có những đặc sản gắn với địa phương cụ thể song vẫn chưa khai phá hết tiềm năng do thiếu thương hiệu. Điều này ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của nông sản Việt, khiến chúng ta thua ngay trên “sân nhà”.


Xây dựng thương hiệu là yêu cầu cấp bách, nhưng hiện Nhà nước vẫn chưa gắn việc xây dựng thương hiệu với doanh nghiệp. Do vậy, khi hết kinh phí để xây dựng thương hiệu, logo thương hiệu thì thương hiệu đó dần mất đi. Chúng ta đã có nhiều bài học nhãn tiền về vấn đề này. Bản thân doanh nghiệp chọn hướng đầu tư vào nông nghiệp đã gặp khó cả về thị trường, thời tiết, khí hậu, giờ nếu gặp khó trong thủ tục hành chính nữa thì càng nản lòng.

Sự khuyến khích, hỗ trợ sản xuất phải căn cứ vào thị trường. Với những đặc sản có thị trường, nên có chính sách khuyến khích hỗ trợ; nếu không sản phẩm rất khó có điều kiện để phát triển. Ví dụ như gạo Séng Cù, vừa rồi xảy ra thiên tai, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước thì không còn giống gốc, không biết tổ chức lại sản xuất như thế nào... Nhà nước cần hỗ trợ khẩn trương, khuyến khích doanh nghiệp vào cuộc.

Rõ ràng thị trường là rộng mở, nhưng để tiếp cận thì không ai khác ngoài doanh nghiệp phải thực hiện và phải có sự khuyến khích của Nhà nước. Không thể để Nhà nước cứ “ôm” việc làm thị trường vì như vậy chắc chắn thị trường không được mở rộng, doanh nghiệp không thể có một thị trường bền vững.