“Phải nhờ khoa học công nghệ mới có thể “đổi đời” cho hạt gạo, nâng cao giá trị để người dân sống được trên mảnh ruộng của mình” .

Tiến sĩ, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sóc Trăng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng - đã chia sẻ như vậy khi giới thiệu giống lúa ST3 mới nhất trong bộ sưu tập hơn 20 giống lúa thơm ST do ông nghiên cứu.

TS Hồ Quang Cua đang giới thiệu loại gạo mới nhất tại Chợ Công Nghệ và Thiết bị quốc tế Việt Nam 2015. Ảnh: PN
TS Hồ Quang Cua đang giới thiệu loại gạo mới nhất tại Chợ Công Nghệ và Thiết bị quốc tế Việt Nam 2015. Ảnh: PN

Tin vào sức mạnh của khoa học

Là một trong số gương mặt được mời đến chia sẻ kinh nghiệm tại tọa đàm “Đi tìm giá trị gia tăng cho hạt gạo Việt Nam” diễn ra trong khuôn khổ Chợ Công nghệ và Thiết bị quốc tế Việt Nam 2015 - tổ chức hồi đầu tháng 10 tại Hà Nội, phần trình bày của TS Hồ Quang Cua thu hút nhiều sự quan tâm của giới truyền thông cũng như nông dân tham gia tọa đàm.

Theo đó, câu chuyện của vị anh hùng lao động chỉ xoay quanh những hạt gạo trên chính quê hương ông là tỉnh Sóc Trăng và cách ông nâng cao giá trị cho chúng.

“Tôi say mê với lúa thơm vì từng sống trong địa bàn trồng lúa mà người dân Sóc Trăng xưa vẫn hay gọi là gạo Bãi Xàu. Từ cả trăm năm trước, gạo này đã xuất khẩu và nổi tiếng quốc tế, là giống lúa mùa rất ngon. Vì vậy tôi đã suy nghĩ, tại sao không phục hồi gạo Bãi Xàu của năm xưa?” - ông Cua chia sẻ.

Mong muốn cùng với đam mê đó, đến nay đã qua chặng đường hơn 20 năm, ông Cua dành nhiều công sức để phục hồi và xây dựng thương hiệu gạo thơm ST.

Để chọn tạo giống lúa, TS Cua và nhóm nghiên cứu đã sử dụng đột biến bằng tia phóng xạ gamma cobalt, Theo đó, các dòng lúa đột biến, lúa thơm cải tiến và chọn lọc theo phương pháp phả hệ đã được tiến hành.

Cụ thể, vật liệu được chọn là 20 giống lúa thơm của Việt Nam, trong đó có nhóm lúa tám, lúa nếp, nàng thơm Chợ Đào...Cùng với đó là giống lúa thơm ST có hạt rất dài, thon, mùi thơm như mùi dứa (giống ST1, ST3). Các giống lúa được xử lý đột biến, sau đó lai tạo bằng phương pháp thủ công: Gieo giống bố mẹ và các thế hệ chọn lọc tại tỉnh Sóc Trăng, chuyển vụ liên tục. Sau đó, chọn cá thể theo phương pháp phả hệ, phân nhóm theo thời gian sinh trưởng và chọn liên tục cho đến khi thu được dòng chuẩn.

“Đến nay, chúng tôi đã chọn tạo thành công một số giống lúa thơm như đỏ 06, đỏ 11, đỏ 156 bằng đột biến và chọn lọc; các giống ST đỏ, ST tím, ST 16, ST 19 và ST 20 được chọn bằng phương pháp lai tích lũy nhiều bố mẹ có sự tham gia của lúa đột biến. Các giống lúa được chọn tạo đều không phản ứng ánh sáng ngày ngắn, hạt gạo rất dài thon, cơm mềm sau khi nấu rất thơm” - TS Hồ Quang Cua giới thiệu.

Không thể mình nhà khoa học một chợ

Dù đam mê khoa học và chính niềm tin đó đã giúp TS Hồ Quang Cua cũng như các đồng nghiệp của mình thành công khi ghi tên vào “bảng vàng” nhiều giống lúa thơm mang tên địa danh quê hương mình với hơn 20 giống lúa Sóc Trăng (ST), song vị tiến sĩ này vẫn khẳng định nếu chỉ mình nhà khoa học sẽ chỉ thành công một nửa.

Theo đó, ông quan niệm hạt gạo chỉ có giá trị thực sự khi liên kết thành chuỗi và từ nhà khoa học, quản lý đến doanh nghiệp và nông dân phải gắn kết với nhau. Vì vậy, ông đã tư vấn cho doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn.

Đến nay đã có hàng chục cánh đồng lớn sản xuất lúa ST, với diện tích lên đến hàng ngàn hécta đã có được hợp đồng tiêu thụ ổn định với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

TS Cua tâm sự: “Tất cả các bước đi đều phải ăn khớp nhịp nhàng, chứ một mình nhà khoa học thành công thì sản phẩm cũng không thể đứng vững trên thị trường và người dân không được hưởng lợi. Phải xác lập quan hệ sản xuất mới mang tính bền vững cho chuỗi giá trị và gạo thơm Sóc Trăng sẽ có ngày được nâng lên thành thương hiệu gạo Việt trên thương trường thế giới”.

Đồng tình với quan điểm này, bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp - cho rằng: Trên thực tế, gạo Việt đang thắng thế trên thị trường thế giới về số lượng, nhưng chất lượng thì ngày càng sa sút.

“Trước đây chúng ta thường xuất khẩu trung bình 450USD/tấn, còn nay là 436USD/tấn. Con số này đang bộc lộ tất cả các vấn đề. Vì vậy, hiện nay muốn xây dựng thương hiệu gạo thì phải đặt lại vấn đề chuỗi giá trị. Phải thay đổi mô hình không chạy theo số lượng mà phải hướng tới chất lượng. Tất cả đều trông chờ vào việc áp dụng các tiến bộ khoa học cùng với sự quyết tâm của tập thể, chứ chỉ riêng từng cá nhân thì không thể tạo thành sức mạnh” - bà Hạnh khẳng định.