Nghị định 43 quy định, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hàng hóa phải ghi nhãn cho hàng hóa, trừ một số hàng hóa như: Bất động sản; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh, tài sản di chuyển; hàng hóa là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người dùng; hàng hóa đã qua sử dụng; hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ nội địa; hàng hóa là nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu xây dựng, phế liệu không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng...
Nhãn hàng hóa phải thể hiện các nội dung: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa và các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa.
Với nhóm lương thực, nhãn hàng hóa bắt buộc phải có định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thông tin cảnh báo (nếu có); với rượu, phải có định lượng, hàm lượng etanol, hạn sử dụng (nếu có), hướng dẫn bảo quản (đối với rượu vang), thông tin cảnh báo (nếu có), mã nhận diện lô (nếu có); đối với thuốc lá, thông tin bắt buộc trên nhãn bao gồm định lượng, ngày sản xuất, thông tin cảnh báo, hạn sử dụng và mã số, mã vạch...
Với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nhãn phụ cũng được sử dụng với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường; đồng thời, phải có dòng chữ in đậm “Được sản xuất tại Việt Nam”.
Riêng với nhãn hàng hóa, bao bì thương phẩm gắn nhãn hàng hóa được sản xuất, in ấn trước ngày 1/6/2017 vẫn được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 1/6/2019.