Ngày 22/9, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công
nghệ (KH&CN) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)
phối hợp cùng tổ chức hội thảo Xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt
Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt
Thanh nhận định, Thương hiệu quốc gia là vấn đề không mới nhưng gạo
Việt Nam lại là sản phẩm nông sản đầu tiên tiếp cận theo hướng này, đây
là một chính sách quan trọng và phù hợp bởi ba lý do cơ bản.
Thứ nhất, trong thời gian qua, chúng ta tập trung vào việc xây dựng
và phát triển tài sản trí tuệ dựa trên lợi thế của sản phẩm đặc sản địa
phương, vùng miền, phát huy lợi thế và thế mạnh của nông nghiệp Việt
Nam. Tuy nhiên, tiếp cận với những sản phẩm có quy mô sản xuất hàng hóa
lớn như lúa gạo thì xây dựng thương hiệu quốc gia là cần thiết để tạo
dựng hình ảnh, vị trí và thúc đẩy thương mại sản phẩm trên thị trường
quốc tế.
Thứ hai, thương hiệu quốc gia có thể trở thành điểm đến, sự hội tụ về
chính sách của nhà nước với cách tiếp cận tổng thể từ sản xuất, chế
biến và thương mại, thúc đẩy quá trình áp dụng khoa học – công nghệ toàn
diện, là cơ sở cho sự phát triển và sự bền vững cho ngành hàng để chiếm
lĩnh và mở rộng thị trường.
Thứ ba, quá trình hội nhập không chỉ là sự cạnh tranh về chất lượng,
giá thành của hàng hóa, mà còn cạnh tranh trên nhiều khía cạnh, trong đó
có sở hữu trí tuệ. Rất nhiều các cam kết, hiệp định thương mại mà Việt
Nam đang là thành viên hoặc chuẩn bị ký kết như: FTA Việt Nam – EU,
TPP… vấn đề sở hữu trí tuệ luôn là một nội dung thể hiện sự quan trọng,
khó khăn trong quá trình đàm phán. Điều đó thể hiện sự cần thiết không
chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều nước trên thế giới.
Thời gian qua, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH&CN đã thực
hiện nhiều chính sách, giải pháp thiết thực, hiệu quả để tập trung vào
phát triển khoa học công nghệ, triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung
ương 6 khóa XI về phát triển khoa khọc và công nghệ. Cụ thể hơn, Bộ đã
chủ trì triển khai chương trình quốc gia về hỗ trợ và phát triển tài sản
trí tuệ cho doanh nghiệp và địa phương phát triển, Chương trình sản
phẩm quốc gia… tập trung vào hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và địa
phương phát triển tài sản sở hữu trí tuệ, trong đó có các sản phẩm nông
sản, trong đó có sản phẩm gạo.
Việt Nam hiện là đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo chỉ sau Ấn
Độ và Thái Lan. Với 4,1 triệu ha đất trồng lúa, trong đó vùng Đồng bằng
sông Cửu Long chiếm 53% diện tích, năm 2014, tổng sản lượng lúa đạt 45
triệu tấn, xuất khẩu hơn 6,3 triệu tấn gạo, đạt 2,93 tỷ USD.