Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa cho phép doanh nghiệp không ghi nhãn phụ tiếng Việt đối với hàng hóa là linh kiện nhập khẩu để dùng trong dịch vụ bảo hành, hay nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, linh kiện nhập khẩu về để sản xuất.

Giảm chi phí tem, nhãn

Thông thường, một doanh nghiệp sản xuất ôtô phải nhập khẩu rất nhiều linh kiện lớn - nhỏ khác nhau để lắp ráp. Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TC-ĐL-CL), Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết, trước đây, bất kỳ linh kiện nào được nhập về cũng phải dán đầy đủ tem nhãn tiếng Anh và nhãn phụ tiếng Việt; nhưng kể từ khi Nghị định 43 có hiệu lực (tháng 6/2017), vẫn là những linh kiện đó nhưng doanh nghiệp không phải ghi nhãn phụ. “Điều này giúp giảm đáng kể thời gian, chi phí in ấn và thiết kế tem nhãn cho doanh nghiệp” - ông Tuấn nói.

Kiểm tra, phát hiện hành vi gian lận thương mại, vi phạm về nhãn mác hàng hóa tại Công ty TNHH Romal Việt Nam (Hà Nội) tháng 12/2015. Ảnh: Trần Việt
Kiểm tra, phát hiện hành vi gian lận thương mại, vi phạm về nhãn mác hàng hóa tại Công ty TNHH Romal Việt Nam (Hà Nội) tháng 12/2015. Ảnh: Trần Việt

Với các doanh nghiệp có nhiều nhà máy sản xuất ở nhiều nơi, trên tem nhãn chỉ cần ghi địa chỉ trụ sở chính. Ông Tuấn giải thích: “Chẳng hạn với một doanh nghiệp sản xuất bia có nhiều nhà máy ở các tỉnh khác nhau, trên tem nhãn chỉ cần ghi một địa chỉ chính. Đương nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp phải cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm hàng hóa trước người tiêu dùng và cơ quan quản lý khi có bất cứ thắc mắc gì”. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng hàng hóa nhấn mạnh, thủ tục giảm nhưng trách nhiệm của doanh nghiệp phải cao hơn để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Quy định miễn ghi nhãn phụ đối với linh kiện nhập khẩu trong dịch vụ sửa chữa, bảo hành hay nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất không nhằm mục đích mua bán là một điểm mới của Nghị định số 43 (sửa đổi, bổ sung thay thế Nghị định 89/2006/NĐ-CP) góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi, giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.


Nhiều thông tin hơn cho người tiêu dùng

Trước băn khoăn về quyền lợi người tiêu dùng khi giảm thủ tục cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TC-ĐL-CL - cho biết, Nghị định 43 cũng có những quy định mới nhằm bảo vệ người tiêu dùng, trong đó có yêu cầu bắt buộc công khai thông tin đối với hàng hóa là thực phẩm, hóa chất gia dụng dạng rời, đóng gói đơn giản không có bao bì thương phẩm và bán trực tiếp cho người tiêu dùng.

“Đối với hàng hóa sang chia, sang chiết, phải ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng để tránh gian lận về thời hạn sử dụng của hàng hóa” - ông Hải nói. Việc công khai các thông tin này cũng là bắt buộc với hàng hóa là hóa chất, phụ gia thực phẩm có khả năng gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, hàng hoá có bao bì đóng gói đơn giản, hàng hóa dạng rời không có bao bì thương phẩm.

Ông Hải cũng cho biết, hằng năm, Tổng cục TC-ĐL-CL đều phối hợp với các lực lượng chức năng khác kiểm tra, thanh tra hàng hóa trên thị trường và nhận thấy tình trạng vi phạm về tem, nhãn vẫn rất phổ biến.