Các tòa nhà ở Việt Nam có tiềm năng giảm hơn một nửa năng lượng tiêu thụ. Nhưng điều này sẽ không xảy ra nếu không có sự thúc ép của các tiêu chuẩn và quan trọng hơn là của người sử dụng.

Tiềm năng giảm hơn một nửa năng lượng tiêu thụ

Ngành xây dựng và các tòa nhà ở Việt Nam chiếm đến 35-40% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc và thải ra khoảng 12% khí nhà kính - mức cao nhất so với các nước trên thế giới và nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong ngành này được dự báo còn tăng trong ít nhất một thập kỷ tới.

“Với số lượng lớn các hoạt động xây dựng như vậy, Việt Nam có tiềm năng thúc đẩy các tòa nhà bền vững để sử dụng năng lượng hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu”, theo nghiên cứu viên cao cấp của EU về lĩnh vực năng lượng TS. Michael A. Waibel thuộc Trường Đại học Hamburg (Đức) trong Hội thảo Chuyên đề tại Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020 ngày 22/7 vừa qua.

Ông chia sẻ rằng, ở Đức, dân cư và người sử dụng tòa nhà phải chi ra 73 tỷ Euro cho những hoạt động sưởi ấm, đun nấu, chiếu sáng và điều hòa. Bằng việc biến các tòa nhà trở nên tiết kiệm năng lượng và trung hòa carbon hơn, nước Đức đã tiết kiệm được một khoản chi phí khổng lồ lên tới hàng tỷ Euro. Xây dựng hiện đang là lĩnh vực chính sách thành công nhất của chương trình nghị sự quốc gia Đức để thúc đẩy phát triển bền vững, TS. Waibel nhấn mạnh.

Tính đến nay, Nhà Máy May Mặc Đức DBW ở Long An được xem là một nhà máy “xanh nhất” tại Việt Nam. Công trình đạt cả chứng nhận của LOTUS (Hội đồng công trình xanh Việt Nam) và LEED (Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ).
Tính đến nay, Nhà Máy May Mặc Đức DBW ở Long An được xem là một nhà máy “xanh nhất” tại Việt Nam. Công trình đạt cả chứng nhận của LOTUS (Hội đồng công trình xanh Việt Nam) và LEED (Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ).

Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng làm được điều tương tự. Khảo sát gần đây của UNDP với gần 15 tòa nhà tại Việt Nam chỉ ra rằng, chỉ bằng những biện pháp đơn giản như thay đổi hệ thống chiếu sáng hoặc cải thiện điều hòa, các tòa nhà cũ sẽ tiết kiệm 50% năng lượng tiêu thụ; trong khi với những tòa nhà xây dựng mới, các biện pháp triển khai tích hợp từ khâu thiết kế, vật liệu đến lắp đặt có thể giúp giảm từ 25-67% năng lượng tiêu thụ.

Kinh nghiệm của nước Đức

Vậy làm sao để Việt Nam có thể cải thiện được hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà nói trên? Kinh nghiệm của Đức cho thấy cần bắt đầu với một lộ trình và sự tham gia của nhiều bên.

Từ 2010, Liên minh Châu Âu đã sớm ban hành chỉ thị hiệu suất năng lượng cho các tòa nhà (EPBD) làm khung chính sách cho việc xây dựng và sửa chữa văn phòng, tòa nhà. Dựa trên đó, Đức đã tích hợp các chính sách tòa nhà vào lộ trình bền vững của mình, xây dựng các quy định quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả, đặt mục tiêu đến năm 2050 tất cả các tòa nhà hiện có trên lãnh thổ của mình phải đạt trung hòa carbon và giảm 50% tiêu thụ năng lượng cơ bản so với năm 1990.

Đức sử dụng nhiều cách tiếp cận, trong đó có 2 cơ quan quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các tòa nhà bền vững, đó là ngân hàng phát triển KfW và cơ quan chuyển giao ứng dụng năng lượng DENA.

Trong khi KfW cung cấp các ưu đãi kinh tế (vốn vay cho việc xây dựng, sửa chữa tòa nhà dựa trên hiệu suất năng lượng; thiết lập tiêu chuẩn thị trường tòa nhà bền vững; cung cấp công cụ đánh giá; kiểm toán năng lượng…) thì DENA đóng vai trò trung gian vận động giữa khu vực chính trị và công nghiệp, cung cấp thông tin, tư vấn, nâng cao nhận thức và cấp chứng chỉ năng lượng bắt buộc cho tòa nhà.

Kết quả, hơn 5 triệu tòa nhà ở Đức trở nên tiết kiệm năng lượng hơn và đóng góp được 17% trong tiến trình đạt mục tiêu hiệu quả năng lượng quốc gia.

Dùng thị trường thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả năng lượng tòa nhà

So với Đức, Việt Nam không bắt đầu từ con số 0. Một số nền tảng nhất định đã được thiết lập từ nhiều năm qua. Về khuôn khổ pháp lý cho các tòa nhà, trách nhiệm đã được san sẻ giữa Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài nguyên & Môi trường. Chẳng hạn, các cao ốc xây mới phải sử dụng tỷ lệ gạch không nung hoặc vật liệu cách nhiệt nhất định và đáp ứng các tiêu chuẩn về ánh sáng tự nhiên. Nhiều tổ chức phát triển quốc tế như UNDP, USAid, IFC… cũng đã hỗ trợ kỹ thuật hoặc tài trợ cho các dự án thí điểm ở Việt Nam. Thậm chí Việt Nam đã có những chứng nhận công trình xanh như LOTUS, LEED và EDGE áp dụng cho hơn 87 công trình, tuy nhiên việc tham gia đánh giá mới chỉ là tự nguyện và số lượng công trình xanh còn rất ít sau gần một thập kỷ triển khai.

TS. Waibel nhận xét, những công nghệ và kỹ thuật để Việt Nam tiết kiệm năng lượng không phải là khó và đã có sẵn, tuy nhiên thực tế việc chuyển đổi năng lượng cho các tòa nhà liên quan nhiều đến chính sách và nhận thức của con người nhiều hơn. Do vậy, các nền tảng đã có của Việt Nam phải được liên kết, mở rộng, thực thi hiệu quả hơn hoặc trở thành bắt buộc.

Tòa nhà trụ sở Liên Hợp Quốc tại Hà Nội là một trong những công trình đạt chứng nhận xanh LOTUS Bạch Kim của Hội đồng công trình xanh Việt Nam.
Tòa nhà trụ sở Liên Hợp Quốc tại Hà Nội là một trong những công trình đạt chứng nhận xanh LOTUS Bạch Kim của Hội đồng công trình xanh Việt Nam.

Kinh nghiệm của nước Đức chỉ ra rằng sẽ cần sử dụng cả công cụ thị trườngthông tin để thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả năng lượng tòa nhà. Hiện người tiêu dùng Việt Nam còn rất “dễ dãi” trong việc chấp nhận mua hoặc sử dụng tòa nhà mà không cần biết mức tiêu thụ năng lượng của nó. Do chưa có đòi hỏi từ thị trường, phần lớn chủ đầu tư cũng chưa chú trọng những giải pháp tích hợp, công nghệ, thực hành năng lượng bền vững ngay từ khâu thiết kế. Các công ty tiện ích (điện, nước, dịch vụ công…) hoặc công ty độc lập cũng hiếm khi phải thực hiện kiểm toán năng lượng để đưa ra bằng chứng cho người sử dụng.

Nhưng một khi nhận thức của cộng đồng tăng lên, Việt Nam sẽ phát sinh những đòi hỏi mới, chẳng hạn như ban quản lý tòa nhà phải công bố mức tiêu thụ năng lượng tiềm năng để cư dân biết họ sẽ tiêu tốn bao nhiêu tiền điện mỗi tháng, hoặc người mua nhà sẽ yêu cầu so sánh giữa các chứng chỉ bền vững của dự án để ra quyết định mua bán. Những đòi hỏi về thông tin về năng lượng như vậy sẽ dần tạo áp lực lên thị trường nhà ở, buộc các tòa nhà phải chuyển đổi để người tiêu dùng có thêm lựa chọn.

TS. Waibel chia sẻ một tòa nhà ở quận 9, TP. HCM mà ông biết vừa mới chi thêm 1% chi phí để cải thiện tiêu thụ năng lượng cho tòa nhà (lắp pin mặt trời, điều khiển thông minh…). Khảo sát dự đoán cho thấy người dân sẵn sàng trả thêm 5% để sở hữu căn hộ như vậy.