Phát triển nhanh nhưng phải bền vững; khuyến khích mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, tham gia phát triển; phân bổ dựa trên lợi thế so sánh; và đặc biệt là sử dụng hiệu quả, tiết kiệm là những điểm mới trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030.
Tại Diễn đàn Năng lượng cấp cao Việt Nam 2020 tổ chức trực tuyến hôm 22/7, Trưởng ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, những năm qua, ngành điện lực và ngành năng lượng Việt Nam không những đáp ứng
được nhu cầu và đảm bảo an ninh năng lượng ở mức độ rất cao, hỗ trợ cho
tốc độ tăng trưởng của kinh tế mà
còn đảm báo tiến bộ và công bằng xã hội trong sử dụng năng lượng. Dù là nước đang phát triển và ở mức thu nhập trung bình thấp, nhưng
lưới điện của Việt Nam phủ toàn bộ 100% lãnh thổ; 99,98% số xã của Việt
Nam có điện; 98,86% hộ gia đình của Việt Nam được sử dụng điện...
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: “Đây là con số không phải nước nào cũng đạt được kể cả những nước có trình độ phát triển cao hơn ta. Điều đó thể hiện tính nhân văn của chế độ chính trị, thể hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là luôn luôn phải đảm bảo thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong mọi cơ chế chính sách, trong từng bước từng khâu của quá trình phát triển”.
Thời gian tới, Đảng và Nhà nước đặt nhiệm vụ xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ và đảm bảo mức giá thị trường để khuyến khích mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, tham gia phát triển năng lượng tại Việt Nam. Đây là tiền đề rất lớn để Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu về nguồn lực phát triển năng lượng. Chủ trương này được thể hiện rõ qua Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030.
Trưởng ban kinh tế Trung ương đánh giá: “Khi Nghị quyết 55 được ban hành, khí thế, động lực tham gia của khu vực tư nhân trong nước và quốc tế đối với phát triển năng lượng Việt Nam là rất lớn. Đây là vấn đề đổi mới, đột phá trong lĩnh vực này”.
Nghị quyết 55 cũng đặt ra yêu cầu phát triển nhanh nhưng phải bền vững. Việt Nam đã ký kết nhiều các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường và phải có trách nhiệm thực hiện. Do vậy, nghị quyết xác định phát triển năng lượng phải ưu tiên khai thác và sử dụng triệt để các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch, giảm dần năng lượng than, tích cực sử dụng năng lượng khí, năng lượng tái tạo.
Một điểm mới khác của Nghị quyết 55 là yêu cầu phân bổ năng lượng dựa trên lợi thế so sánh, vị trí, vai trò của từng địa phương, từng khu vực trong chiến lược phát triển chung của đất nước.
Để đáp ứng những yêu cầu này, việc ứng dụng khoa học và công nghệ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nếu như trước đây, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu công nghệ thì lần này, mục tiêu được đặt ra là từng bước tiến tới làm chủ công nghệ và sản xuất được các thiết bị trong lĩnh vực ngành năng lượng.
Kể cả khi đã có đủ nguồn lực và đủ công nghệ thì Nghị quyết 55 cũng xác định, tiết kiệm năng lượng đó là một quốc sách của quốc gia.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, tiết kiệm ở đây là có chế tài, giải pháp để tất cả doanh nghiệp Việt Nam, những người sử dụng điện được trang bị các công cụ, thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả của sản xuất.
Theo đánh giá sơ bộ, từ nay đến
năm 2030, Việt Nam cần khoảng 150 tỷ USD để đầu tư cho ngành năng
lượng, trong đó khoảng 80 tỷ USD cho ngành điện.