Khi nói đến công bằng trong tuyển sinh đại học, đa phần mọi người đồng nhất nó với công bằng trong thi cử. Tuy nhiên, còn một khía cạnh khác có thể khiến nhiều thí sinh đánh mất cơ hội học tập một cách oan uổng - đó chính là sự phân biệt đối xử trong các tiêu chí tuyển sinh mang tính loại trừ bất hợp lý.

TS. Nguyễn Linh Giang (trái) và TS. Nguyễn Thị Thanh Hải tại buổi trình bày kết quả nghiên cứu sơ bộ hôm 20/7. Ảnh: BTC
TS. Nguyễn Linh Giang (trái) và TS. Nguyễn Thị Thanh Hải tại buổi trình bày kết quả nghiên cứu sơ bộ hôm 20/7. Ảnh: BTC

Trong một nghiên cứu mới và hiếm hoi về khía cạnh này do Trung tâm Thúc đẩy Giáo dục và Nâng cao Năng lực Phụ nữ CEPEW thực hiện, các tiêu chí mang tính loại trừ phổ biến được liệt kê bao gồm: (1) Sức khỏe; (2) Ngoại hình, đặc điểm cá nhân (độ tuổi, hình thể, giọng nói, chiều cao cân nặng); (3) Chính trị (đảng viên/đoàn viên, lý lịch rõ ràng, không vi phạm pháp luật hình sự); (4) Đạo đức, hạnh kiểm; và (5) Giới tính.

Trong đó, hầu hết các trường đề ra tiêu chí về sức khỏe; 36% có tiêu chí về ngoại hình, đặc điểm cá nhân; 63,8% có tiêu chí về lý lịch; 43,1% có tiêu chuẩn về hạnh kiểm, đạo đức, v.v. Đặc biệt, các tiêu chí ngoại hình, đặc điểm cá nhân và tiêu chí chính trị đều phổ biến trong quy chế tuyển sinh của các trường thuộc khối lực lượng vũ trang, kiểm sát hoặc tòa án.

Theo TS. Nguyễn Linh Giang (Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện hàn lâm KHXH Việt Nam), thành viên nhóm nghiên cứu, những tiêu chí này hoặc bất hợp lý hoặc chưa được giải trình một cách minh bạch. Bà dẫn chứng, các trường đại học Sân khấu - Điện ảnh thường đưa ra nhiều tiêu chí trong quy chế tuyển sinh liên quan đến ngoại hình, chiều cao, cân nặng, hay độ tuổi và giọng nói. Thế nhưng, liệu có phải mọi vai diễn đều cần những diễn viên xinh đẹp, dáng dấp cân đối hay với trường đại học này, tiêu chí năng khiếu nên đặt lên hàng đầu - bà Giang nêu câu hỏi. “Với trường múa thì tiêu chí về thể chất và hình thể là phù hợp, nhưng sân khấu điện ảnh thì có nhất thiết không?”

Một số trường trong khối lực lượng vũ trang không chỉ đưa ra tiêu chí về chiều cao, cân nặng, lý lịch rõ ràng, không vi phạm pháp luật hình sự, mà còn đặt ra giới hạn về số lượng thí sinh nữ được tuyển, nhưng con số 10 - 20% chỉ tiêu tuyển sinh dành cho nữ giới không được các trường này giải thích rõ ràng dựa trên căn cứ hay văn bản nào. Một số trường khác, dù không trực tiếp đặt ra giới hạn như vậy nhưng việc lấy điểm chuẩn đầu vào của nữ giới cao hơn so với nam giới cũng là một hình thức loại bỏ bớt các thí sinh nữ.

Đặc biệt, khi so sánh một số tiêu chí của các trường cùng ngành với nhau, vấn đề bất hợp lý của các tiêu chí loại trừ càng lộ rõ. Chẳng hạn, cùng thuộc khối nội chính, các trường Đại học Luật Hà Nội và TPHCM không hề nêu yêu cầu về ngoại hình; trong khi đó, Đại học Kiểm sát và Học viện Tòa án lại có những quy định về mặt này - bà Giang nói. Bà còn dẫn ra trường hợp một thí sinh khuyết tật khi sơ tuyển ở Nhạc viện TPHCM thì không đủ điều kiện, nhưng khi đến Nhạc viện Hà Nội thì lại qua!

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, không chỉ tiêu chí loại trừ, mà ngay cả tiêu chí ưu tiên – được nhóm nghiên cứu đánh giá là tích cực và cần thiết, cũng cần có những cân nhắc điều chỉnh, để việc “ưu tiên người này không lấy mất cơ hội của người khác”. TS. Nguyễn Linh Giang nêu ví dụ, do toàn bộ thí sinh ở tỉnh Lâm Đồng được cộng điểm ưu tiên nên thí sinh ở TP Đà Lạt cũng thuộc diện được hưởng, dù Đà Lạt là một thành phố phát triển. Điều này vô hình trung có thể gây ra bất công cho các thí sinh đến từ các địa phương khác có điều kiện phát triển tương tự Đà Lạt.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: tienphong.vn
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: tienphong.vn

Bên cạnh khảo sát quy chế tuyển sinh của 58 trường đại học tại Việt Nam ở cả 3 miền trong khoảng thời gian từ năm 2015-2019, nghiên cứu “Công bằng trong tuyển sinh đại học ở Việt Nam: Từ nguyên tắc đến thực hành” của CEPEW còn khảo sát gần 500 người từng tham gia tuyển sinh đại học trong vòng 5 năm trở lại đây về đánh giá của họ đối với tính công bằng trong tuyển sinh.

Kết quả cho thấy, 35% số người tham gia khảo sát cho biết đã trải nghiệm hoặc chứng kiến bất công nhưng chỉ có 4,5% gửi đơn khiếu nại. Điều đáng chú ý là, nhận thức của họ về công bằng trong tuyển sinh liên quan đến gian lận thi cử nhiều hơn là tiêu chí tuyển sinh, vì vậy cũng hầu như chưa có khiếu nại về tiêu chí tuyển sinh. Trong khi đó, công tác thanh tra của các trường và của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có nội dung về phân biệt đối xử.

Độ vênh với các văn bản luật và chuẩn mực quốc tế

Nghiên cứu của CEPEW sử dụng khung tiếp cận dựa trên quyền, “lấy các nguyên tắc, chuẩn mực, giá trị về quyền con người làm điều kiện, khuôn khổ cho quá trình phát triển để đạt được kết quả mong đợi nhằm đảm bảo công bằng, không phân biệt đối xử cho các nhóm đối tượng khác trong xã hội” - TS. Nguyễn Thị Thanh Hải, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, một thành viên khác của nhóm nghiên cứu, cho biết.

Dựa trên khung tiếp cận này, nhóm nghiên cứu đánh giá, các tiêu chí loại trừ trong quy chế tuyển sinh của các trường đại học khá đa dạng và rõ ràng có sự mâu thuẫn với với các chuẩn mực quốc tế như Khuôn khổ hành động Dakar, Tuyên ngôn về giáo dục đại học trong thế kỷ 21: tầm nhìn và hành động và một số công ước khác.

Đơn cử, trong khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết 1325 về việc kêu gọi các quốc gia tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, thì chính sách tuyển sinh của các trường thuộc khối lực lượng vũ trang ở Việt Nam vẫn giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh đối với nữ giới - TS. Nguyễn Thị Thanh Hải dẫn ra ví dụ.

Ở Việt Nam, nguyên tắc công bằng và không phân biệt đối xử cũng đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 hay Luật Giáo dục, Luật Người khuyết tật, và Luật Bình đẳng giới. Trong đó, nhóm nghiên cứu đặc biệt đánh giá cao Luật Giáo dục 2019 ở điểm, lần đầu tiên bộ luật này khẳng định mọi công dân đều bình đẳng về cơ hội học tập, không phân biệt giới tính (trước đó chỉ quy định không phân biệt nam, nữ) và đặc điểm cá nhân. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, cần sớm có văn bản hướng dẫn, làm rõ nội hàm của cụm từ “đặc điểm cá nhân” được đề cập ở đây.

Trong bối cảnh như vậy, để cải thiện công bằng trong tuyển sinh đại học, nhóm nghiên cứu khuyến nghị rà soát lại các tiêu chí loại trừ trong chính sách và quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như của các trường, bởi theo thời gian, có thể nhiều tiêu chí không còn phù hợp nhưng vì nó “nằm trong quy chế lâu quá rồi nên người ta mặc nhiên nghĩ rằng nó hợp lý” - TS. Giang nói. Nhóm nghiên cứu cũng hết sức kỳ vọng, sau khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ tháng 7 năm nay, những tiêu chí loại trừ bất hợp lý sẽ dần vắng mặt trong quy chế tuyển sinh của các trường.

Đối với các trường đặt ra các chỉ tiêu nhằm hạn chế thí sinh nữ, như các trường thuộc khối lực lượng vũ trang, nhóm nghiên cứu đề xuất cần nâng dần chỉ tiêu lên và tiến tới bãi bỏ giới hạn. Theo TS. Giang, ngay cả khi không hạn chế tuyển sinh đối với nữ giới thì số lượng thí sinh nữ chưa chắc đã tăng đột biến đến mức các trường phải lo ngại. Trên thực tế, các trường đại học Bách khoa, Xây dựng… - được cho là phù hợp hơn với nam giới, tương tự như các trường thuộc khối lực lượng vũ trang - dù mong muốn tuyển thêm nữ nhưng hằng năm tỉ lệ nữ thí sinh nộp hồ sơ không cao, TS Giang phân tích. Đó là chưa kể, các ngành Công an, Quân đội hiện nay đều đang cần bổ sung nhân lực là nữ giới để làm việc với các nhóm nạn nhân của bạo lực gia đình hay nạn buôn bán trẻ em và phụ nữ.

Từ kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới, nhóm nghiên cứu đề xuất các trường đại học cần có một chính sách tuyển sinh cụ thể về đa dạng và công bằng. Theo TS. Hải, rất nhiều trường đại học trên thế giới đều coi đa dạng và công bằng trong tuyển sinh là một chính sách cơ bản trong hoạt động của mình. Bà cũng chỉ ra những kết quả tích cực tại các nước có các chính sách và sáng kiến hướng đến sự đa dạng trong tuyển sinh. Chẳng hạn, sau khi New Zealand có chính sách tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận cơ hội giáo dục đại học, tỉ lệ sinh viên khuyết tật học đại học ở nước này đã tăng gần 6 lần - từ 1,1% trong năm học 1998 -1999 lên 6,2% trong năm 2017-2018.

“Thông điệp chúng tôi muốn truyền tải là các tiêu chí loại trừ có thật sự cần thiết hay không và xã hội có nhu cầu về việc thay đổi hay không”, TS. Hải kết luận. “Nếu chúng ta không đưa ra thông điệp thay đổi thì những tiêu chí này sẽ vẫn nằm ở đó mãi”.