Để giải quyết những vấn đề đang đặt ra với Tây Bắc, từ những đề tài tưởng chừng “đơn lẻ” cho tới những vấn đề xuyên suốt như bộ cơ sở dữ liệu chung toàn vùng, đều cần phải có tính liên kết mở và đa ngành. Đó là một trong những bài học rút ra từ Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc (Chương trình Tây Bắc) sau 7 năm thực hiện.
Địa phương đặt hàng, đánh giá và sử dụng kết quả
Chương trình Tây Bắc (do Thủ tướng Chính phủ chuẩn y, Bộ KH&CN giao ĐHQGHN thực hiện) đặt ra mục tiêu đánh giá các nguồn lực của vùng để đưa ra mô hình phát triển kinh tế xã hội phù hợp, nghiên cứu và chuyển giao các giải pháp khoa học để phát huy các nguồn lực riêng có ở “vùng trũng” có điều kiện khó khăn, đặc thù đa dạng tộc người cao, luôn có tỉ lệ nghèo đói cao nhất cả nước và vẫn lúng túng với câu hỏi “có tiềm năng gì để phát triển” trong suốt nhiều năm qua. Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã nhận xét tại Hội nghị Tổng kết Chương trình Tây Bắc do ĐHQGHN phối hợp cùng với Bộ KH&CN tổ chức ngày 24/7: “Đây là các chương trình mang tính chất tổng hợp, liên ngành bao gồm các lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa học tự nhiên và Khoa học công nghệ nhằm xác định rõ các giá trị cơ bản cho phát triển bền vững cho ba vùng địa - chính trị đặc biệt này trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước sau 30 năm đổi mới. Quan điểm tổng hợp, hệ thống, đa ngành, liên ngành được thể hiện trong sự kết hợp, lồng ghép giữa khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ dựa trên cơ sở phương pháp tiếp cận cơ bản, có tính xuyên suốt, đó là đưa KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng”.
Do đó, từng nghiên cứu trong chương trình Tây Bắc đã thể hiện tính liên kết giữa nhiều ngành khoa học khác nhau. “Chương trình đã điều phối và thu hút 40 tổ chức và tổng số 600 nhà khoa học đăng ký tham gia chủ trì thực hiện đề tài đến từ nhiều tổ chức KHCN trong cả nước. Có 200 tổ chức khoa học lớn tham gia phối hợp thực hiện, trong đó có 12 sở ngành thuộc các tỉnh vùng Tây Bắc. Toàn bộ 58 đề tài, dự án thuộc chương trình được tiến hành dựa trên cơ sở dữ liệu (CSDL) có độ tin cậy cao, các phương pháp nghiên cứu, triển khai, cách tiếp cận phong phú, đa dạng, hiện đại, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của từng nhiệm vụ”, GS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQGHN, phát biểu tại hội nghị.
Các nghiên cứu của Chương trình không hình thành trên “bàn giấy” theo định hướng từ trên xuống mà đều “có sự tham gia tích cực ngay từ đầu của chính quyền các địa phương, các đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nhà khoa học trong vùng vừa với tư cách là cộng tác viên, là người đặt hàng, người đánh giá (định kỳ, nghiệm thu) và vừa là người trực tiếp sử dụng kết quả của Chương trình”, GS.TS Nguyễn Kim Sơn nói. Nhờ cách xác định đề tài chặt chẽ như vậy nên các nghiên cứu ứng dụng thuộc Chương trình đều giải quyết triệt để những vấn đề tồn đọng nhiều năm nay như tăng năng suất cây trồng chủ lực, nghiên cứu hoạt chất, chế biến các loại cây trồng đặc sản ở địa phương, nghiên cứu các giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên của vùng... Có thể nhìn thấy rõ điều đó trong cách triển khai của từng đề tài thuộc Chương trình Tây Bắc. Một trong số đó là sử dụng nano kim loại để góp phần tăng năng suất cây ngô – một đề tài của nhóm nghiên cứu do PGS. Hoàng Anh Sơn ở Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) dẫn dắt, không chỉ sử dụng những hiểu biết nền tảng về công nghệ nano mà còn áp dụng những hiểu biết về nông hóa thổ nhưỡng, sinh học… để tìm hiểu về tác động của nano kim loại tới giống cây trồng, qua đó làm tăng năng suất ngô lên tới 20%. Tương tự với đề tài nghiên cứu bột chùm ngây và táo mèo do Viện Máy và Dụng cụ nông nghiệp thực hiện. Xuất phát từ một thực tế của các địa phương vùng Tây Bắc là nhiều năm nay chưa thể thương mại hóa, đưa các loại cây đặc sản đi sang các vùng khác hoặc xuất khẩu mà chỉ “loanh quanh” nội vùng, Viện Máy và dụng cụ nông nghiệp đã nghiên cứu và chế tạo hệ thống thiết bị sấy hồng ngoại cho táo mèo, chùm ngây đảm bảo chỉ tiêu chất lượng xuất khẩu và chuyển giao lại cho công ty sản xuất ở địa phương, ông Trần Ngọc Hưng, Phó giám đốc Viện Máy và Dụng cụ nông nghiệp cho biết tại Hội nghị.
Nhờ những nỗ lực đó, nhìn về tổng thể, Chương trình Tây Bắc đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhưng giá trị không chỉ nằm ở từng giải pháp công nghệ trả lời cho những vấn đề bức thiết của địa phương sau bảy năm thực hiện mà quan trọng không kém là tạo ra những mô hình thực hiện đề tài có tính liên kết mở. Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đánh giá. “Nhiều kết quả từ các nhiệm vụ nghiên cứu đã và đang được chuyển giao/bàn giao cho các ban, bộ, ngành, địa phương. Tiêu biểu là các kết quả về: Bộ cơ sở dữ liệu liên ngành, các luận cứ khoa học, các khuyến nghị,… phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh; Các mô hình, tiêu chí và bản đồ quy hoạch phát triển bền vững vùng; Các mô hình về sinh kế, nuôi trồng, chế biến, sản xuất kinh doanh, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…”.
Đại diện các địa phương – những “người đưa ra đơn đặt hàng” để nghiên cứu đều hào hứng trước các kết quả nghiên cứu được báo cáo hoặc mô hình, giải pháp KH&CN đã bước đầu được triển khai thử nghiệm. Tại hội nghị, Giám đốc sở KH&CN tỉnh Hà Giang Phan Đăng Đông cho biết, đã triển khai 7 dự án từ kết quả của 13 nhiệm vụ nghiên cứu mà tỉnh đặt hàng. Hầu hết các dự án như vậy đều rất thiết thực với đời sống của người dân của một tỉnh có điều kiện khó khăn nhất của khu vực miền núi phía Bắc, như hệ thống lọc nước, dự báo thời tiết tiểu vùng và phòng cháy rừng, bầu ươm cây tự hủy, di thực và bảo tồn một số loài dược liệu quý…
Không chỉ với những tỉnh đã có nhiều ứng dụng trên thực tế như Hà Giang mà ở những nơi mới thụ hưởng số ít thành quả từ các nhiệm vụ như Phú Thọ cũng cùng chung nhận xét này. Hiện tỉnh trung du này mới tham gia một nhiệm vụ về xây dựng cơ sở dữ liệu y tế nhưng đã nhận thấy hiệu quả là bộ dữ liệu này đã “hỗ trợ rất đắc lực trong công việc chăm sóc sức khỏe của hệ thống y tế ở Phú Thọ”. Do đó, vào cuối năm 2019 vừa qua Phú Thọ đã “đăng ký tiếp thu 22 kết quả nghiên cứu của chương trình”, ông Phan Trọng Tấn, Phó Chủ tịch UNBD tỉnh Phú Thọ, cho biết.
Vẫn cần khoa học dẫn đường
Tuy nhiên, những nghiên cứu này mới chỉ là cơ sở khoa học ban đầu để đánh giá xác định tiềm năng của các nguồn lực ở vùng. PGS.TS Trương Vũ Bằng Giang, Thư ký Chương trình cho biết, “các mô hình và triển khai tại vùng chưa có đủ thời gian để phát huy hết các giá trị. Nhiều đề tài đã cung cấp luận cứ khoa học cho phát triển bền vững của vùng nhưng chưa đủ thời gian và nguồn lực tài chính để triển khai xây dụng các dự án chuyển giao có sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp theo hướng vùng và liên kết vùng. Nhiều đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp, phát triển dược liệu, mô hình thí điểm,… cần thêm thời gian triển khai thử nghiệm (2-3 vụ trồng) để xác định tính hiệu quả trước khi chuyển giao và nhân rộng cho người dân và địa phương”. Nhu cầu đặt hàng, đề xuất nghiên cứu vẫn còn rất lớn, ban chủ nhiệm Chương trình cho biết các địa phương trong toàn vùng đã đưa ra tới khoảng 2000 đề xuất trong khi số lượng được triển khai còn khiêm tốn - mới chỉ dừng lại ở 58 nhiệm vụ. Vì vậy Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn Chính phủ, Bộ KH&CN xem xét quyết định tiếp tục triển khai “Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc (giai đoạn 2021-2025)”. Các nhiệm vụ được triển khai trong giai đoạn 2013-2020 sẽ là cơ sở triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm và mở rộng quy mô và nghiên cứu chiều sâu trong giai đoạn 2021-2025.
Mặt khác, giai đoạn hai cũng là lúc các địa phương tiếp tục đặt câu hỏi, trong nhiều lĩnh vực có tiềm năng như vậy, đâu là điểm nhấn cần tập trung để tạo đột phá trong phát triển. Từ phía mình, các địa phương cũng đưa ra “đơn hàng” trong thời gian tới ngay tại Hội nghị. Ông Phan Trọng Tấn cho biết tỉnh cần các nhà khoa học nghiên cứu xác định thế mạnh của địa phương mình. Bởi vì hiện nay “chúng tôi tự thấy mình có nhiều thế mạnh, về vị trí địa lý gần Hà Nội và dễ dàng kết nối với nhiều địa phương khác, có diện tích lớn, nguồn nhân lực cho sản xuất đông… Chúng tôi có thể phát triển nhiều lĩnh vực, nhưng lấy gì làm đột phá thì chúng tôi rất cần các nhà khoa học xác định cùng”, ông Tấn nói. Một ví dụ cụ thể có thể dễ dàng nhìn thấy là Phú Thọ có vùng sản xuất chè lớn nhưng “thương hiệu chè chưa có, chưa xác định được chè Phú Thọ ở đâu trong chuỗi giá trị chè”, và bản thân tỉnh “khó khăn trong việc xác định điều đó” và ông mong là trong giai đoạn hai Phú Thọ sẽ tham gia để tìm câu trả lời.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đánh giá cao những kết quả đạt được của Chương trình KH&CN Tây Bắc, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ KH&CN để quản lý điều hành chương trình. Theo đó, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định tiếp tục triển khai Chương trình KH&CN Tây Bắc giai đoạn 2021-2025. Các nhiệm vụ được triển khai trong giai đoạn 2013-2020 sẽ là cơ sở triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm và mở rộng quy mô trong giai đoạn 2021-2025. Bộ KH&CN cùng Bộ Tài chính cần lưu ý đầu tư kinh phí cho Chương trình giai đoạn 2021-2025, nhất là cho các đề tài, dự án triển khai ứng dụng, nhân rộng mô hình chuyển giao cho các sản phẩm KHCN vào sản xuất, đời sống của đồng bào các dân tộc và các cơ quan, doanh nghiệp vùng Tây Bắc. Trong quá trình thực hiện cần huy động tốt các nguồn lực địa phương, doanh nghiệp, các nguồn lực quốc tế. Cần xác định rõ cơ chế phối hợp để lồng ghép các đề tài, dự án của Chương trình KH&CN Tây Bắc với các chương trình kinh tế -xã hội khác.
Mặc dù Chương trình có sự đầu tư khá tốt cho nghiên cứu nhưng một số nghiên cứu vẫn hàn lâm, hiểu biết về vùng chưa sâu sắc, các mô hình được xây dựng chưa đủ thời gian để phát huy giá trị, chưa đủ thời gian và tài chính để chuyển giao có sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp theo hướng vùng, liên kết vùng. Những nhiệm vụ, đề tài trong lĩnh vực nông lâm nghiệp đã và đang triển khai cần có thêm thời gian để tiếp tục phát triển và mở rộng.
Kết quả nghiên cứu của Chương trình cho thấy Tây Bắc là vùng có nhiều vấn đề: Ô nhiễm môi trường do khai thác không hiệu quả tài nguyên; suy thoái tài nguyên; tỉ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, chất lượng nhân lực thấp, tệ nạn xã hội, buôn bán trẻ em, buôn lậu gia tăng nhanh, địa bàn ẩn chứa nguy cơ kỳ thị chia rẽ xung đột để thế lực thù địch lợi dụng chống phá chế độ và an ninh quốc gia. Điều này cho thấy việc tiếp tục triển khai nghiên cứu là xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn của vùng.
Lược trích phát biểu của Trưởng ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị. |
Một số kết quả nổi bật của Chương trình Tây Bắc 55 đề tài, 3 dự án sản xuất thử nghiệm. Trong đó 31 đề tài có sự tham gia của doanh nghiệp và địa phương;
21 sản phẩm đăng ký sở hữu trí tuệ; 11 sản phẩm được công nhận độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích và tiến bộ kỹ thuật; 5 sản phẩm được thương mại hoá;
Hơn 20,000 đơn vị sản phẩm thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng được sản xuất thử nghiệm theo quy chuẩn;
42 mô hình thử nghiệm, mô hình trình diễn phục vụ sinh kế, mô hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
56 quy trình công nghệ trong lĩnh vực y dược; chế biến thực phẩm; quy trình kỹ thuật trong trồng trọt; chăn nuôi; xử lý ô nhiễm môi trường; phát triển năng lượng mới; hồ sơ thiết kế hệ thống máy móc và dây chuyền sản xuất trong nông nghiệp.
22 hệ thống bản đồ trong các lĩnh vực quy hoạch phát triển bền vững; không gian văn hóa lịch sử, dân tộc; định hướng phát triển sinh kế bền vững, du lịch sinh thái gắn với di sản tự nhiên...
39 sổ tay, cẩm nang hướng dẫn các quy trình sản xuất và thực thi giải pháp, kỹ năng hoạt động; các bộ công cụ, bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực phát triển; bộ cơ sở dữ liệu liên ngành 14 lĩnh vực hoạt động vùng Tây Bắc... |