Đề thi văn THPT năm nay nhàm chán, cũ kỹ là nhận định chung của nhiều người. Liệu nguyên nhân có phải do ban ra đề không đủ năng lực soạn những đề thi chất lượng hơn?
Nhận xét của TS. Nguyễn Ngọc Chu và GS. Trần Đình Sử mà tôi chép lại dưới đây có lẽ phản ánh tâm tư chung:
“Nhưng nội dung của đoạn trích làm chủ đề nghị luận chính lại nói về “đóng thuế” “phá kho thóc”… những chuyện của một quá khứ cũ xưa, ảm đạm. Đoạn trích đó không nên là chủ đề nghị luận cho một triệu thanh niên 18 tuổi đang háo hức bước vào đời để ganh đua toàn cầu, trong một thế giới chuyển động bởi những phát minh công nghệ không lồ. Đề thi Văn không đủ nhân văn, không thôi thúc khát khao, không đồng điệu với thời đại. Sẽ không có những bài văn hay, sẽ không thấy tầm hiểu biết từ những đề thi Văn như thế này.” (TS. Nguyễn Ngọc Chu).
“Về mặt sư phạm không có gì sai, về cấu trúc đề cũng vậy. Nhưng tinh thần của đề là hỏng. Tôi rất tán thành bình luận của tiến sĩ toán lí Nguyễn Ngọc Chu. Cái hỏng của đề, theo tôi, là thiếu ý thức về giá trị tinh thần hiện đại. Làm tốt được cả bài, coi như thí sinh có được một số tri thức ngữ văn, xét về mặt dạy chữ. Còn dạy người là gì, thì rất cũ. Vùng lên làm cách mạng để tự cứu mình là vấn đề đã cũ rồi.” (GS. Trần Đình Sử).
Như vậy, cả TS. Chu lẫn GS. Sử đều đề cập đến việc thiếu chữ “đại” trong đề thi năm nay (TS. Chu dùng chữ “thời đại”, GS. Sử dùng chữ “hiện đại”). Và thế nào là một đề thi đáp ứng chữ “đại” này, thì trong bài “Những đề văn xa lạ” của tác giả Lang Minh, đăng trên mục Góc nhìn của báo VNExpress ngày 28/6/2023 đã nói hết rồi.
Nhưng tôi không cho rằng ban ra đề không đủ năng lực soạn những đề thi chất lượng hơn, “đồng điệu hơn” với hơi thở “thời đại” – như mong muốn của TS. Chu hay GS. Sử. Bởi chỉ nhìn vào đề thi văn vài năm trước, chúng ta đã thấy điều đó.
Tôi thử làm một cái thống kê nho nhỏ về các tác phẩm được sử dụng trong đề thi văn THPT trong giai đoạn 2015-2023 (xem hình). Có thể nói có những tác phẩm thực sự mới như Thiện, Ác và Smartphone – Đặng Hoàng Giang (2017) hay Con đường của những vì sao – Nguyễn Trọng Tạo (2008), hay Bí mật của nước – Masaru Emoto (2006). Một số tác phẩm khác, dù được công bố khá lâu, nhưng tính “thời đại” của nó chưa bao giờ vơi trong những năm qua, ví dụ như Tiếng Việt – Lưu Quang Vũ (1985), Đánh thức tiềm lực – Nguyễn Duy (1987) hay Trước biển – Vũ Quần Phương (1970)…
Cũng ngày này năm ngoái, năm kia, năm kìa… chúng ta đã từng có những cuộc tranh biện về đề văn, theo hướng ngược lại (mới quá, lạ quá, hay quá)… mà dường như chúng ta hôm nay đã quên mất. Thật may đã có Google nhớ hộ, chúng ta chỉ cần gõ “đề văn THPT + năm (tương ứng)” là ra ngay.
Vậy câu hỏi là tại sao ban ra đề thi năm nay không tiếp tục phát huy tinh thần từ các năm trước?
Để trả lời câu hỏi này, chắc cần nhìn vào bản chất của giáo dục. Giáo dục đâu chỉ có mỗi kỳ thi. Giáo dục còn là: nội dung, chương trình, tài liệu, phương pháp sư phạm, đảm bảo chất lượng, triết lý… Và bản chất của giáo dục, dù là theo cách tiếp cận nào, lý thuyết nào, trường phái nào thì cũng sẽ có một nguyên lý cơ bản “học gì, thi nấy”. Cần nhớ, lứa học sinh đi thi hôm nay, vẫn học theo sách giáo khoa được làm từ đầu những năm 2000, và phương pháp, tiếp cận thì có lẽ từ rất lâu trước đó.
Nếu ra đề mới quá, lạ quá… thậm chí là giống như thi Tú tài của Pháp, hay Cao khảo của Trung Quốc như nhiều người đâu đó chia sẻ trên mạng mới đây thì chúng ta sẽ có thể gặp phản ứng ngược từ phía học sinh: “Em có được học như thế đâu mà lại bắt em thi như thế?”
Những người có trách nhiệm không phải là không nhìn thấy điều này. Một cuộc cải cách toàn diện giáo dục đào tạo trong cả nước, ở mọi cấp bậc đã được đề ra từ 2013 cùng với việc ra đời Nghị quyết 29/TW. Theo đó, với giáo dục phổ thông, một số nội dung cốt yếu nhất bao gồm:
(i) Đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học;
(ii) Chuyển từ mô hình một bộ sách giáo khoa, không có chương trình xuyên suốt (giữa các môn, giữa các bậc) sang mô hình có một chương trình tổng thể với nhiều bộ sách giáo khoa nhằm đổi mới toàn diện nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng.
Theo lộ trình cải cách, từ 2020, học sinh lớp 1 (sinh năm 2014) bắt đầu học theo chương trình, sách giáo khoa mới; từ 2021, học sinh lớp 6 (sinh năm 2009) bắt đầu học theo chương trình, sách giáo khoa mới và từ 2022, học sinh lớp 10 (sinh năm 2007) bắt đầu học theo chương trình, sách giáo khoa mới.
Như vậy:
(i) Phải đến năm 2025, chúng ta mới có một lứa học sinh đầu tiên học hoàn toàn theo chương trình, sách giáo khoa mới trọn vẹn 3 năm THPT;
(ii) Phải đến năm 2027, chúng ta mới có một lứa học sinh đầu tiên học hoàn toàn theo chương trình, sách giáo khoa mới trọn vẹn 4 năm THCS và 3 năm THPT.
(iii) Phải đến năm 2032, chúng ta mới có một lứa học sinh đầu tiên học hoàn toàn theo chương trình, sách giáo khoa mới trọn vẹn 12 năm phổ thông.
Điều đó có nghĩa là về mặt nguyên tắc, phải đến năm 2025 thì ban ra đề thi văn THPT mới “bắt đầu” phải ra đề theo hướng “đồng điệu hơn” với hơi thở “thời đại”; và phải đến 2032, thì nhiệm vụ này mới trở thành “bắt buộc”.
So với mấy năm trước, cách ra đề của năm nay dường như khá “an toàn”. Thật tiếc, bước đi “an toàn” này hóa ra lại không “an toàn” khi nhiều người - kể cả những người vốn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa và hiểu rất rõ về lộ trình cải cách đã được Nghị quyết 29/TW đề ra - dường như không chịu hiểu cho, thông cảm cho cái khó của ban ra đề.
Nguồn tham khảo: