Việc cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ diễn ra từ tháng 7 đến hết tháng 12 năm nay nhằm thúc đẩy các biện pháp kích thích kinh tế để hỗ trợ tiêu dùng và kinh doanh.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng khi ban hành Nghị quyết số 43, Quốc hội cân nhắc và loại trừ nhiều lĩnh vực không thật sự cần thiết ra khỏi diện giảm thuế VAT. Ảnh: Dân Việt
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng khi ban hành Nghị quyết số 43, Quốc hội cân nhắc và loại trừ nhiều lĩnh vực không thật sự cần thiết ra khỏi diện giảm thuế VAT. Ảnh: Dân Việt

Đòn bẩy chính sách

Tuần trước, Quốc hội Việt Nam đã thông qua dự luật giảm 2% thuế giá trị gia tăng (thuế VAT), áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu mức thuế suất 10%. Việc điều chỉnh này không phải vĩnh viễn. Chúng có hiệu lực trong khoảng thời gian giới hạn, từ tháng Bảy đến hết tháng 12/2023.

Một số sản phẩm, dịch vụ đã bị loại trừ khỏi dự luật, bao gồm viễn thông, công nghệ thông tin, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, kim loại, than và dầu mỏ tinh chế. Các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng không nằm trong diện được giảm này.

Việc cắt giảm VAT là một trong những vấn đề chính được cơ quan lập pháp thảo luận trong hai tháng qua. Hồi tháng Tư, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Lê Minh Khai đã ký vào một đề xuất của Bộ Tài chính về việc giảm thuế VAT nhắm vào tất cả các sản phẩm và dịch vụ đang chịu thuế 10%.

Tuy nhiên, trong các cuộc thảo luận tại kỳ họp XIII vừa qua, một số đại biểu Quốc hội đề xuất rằng việc cắt giảm thuế VAT nên được áp dụng cho tất cả các mặt hàng, vì nhiều lĩnh vực đã gặp khó khăn sau đại dịch COVID. Một số khác cho rằng mức giảm nên lên tới năm điểm phần trăm và kéo dài đến hết năm 2024. Cuối cùng, các nhà lập pháp đã đồng ý cắt giảm hai điểm phần trăm cho nửa cuối năm 2023.

Việc giảm thuế nhiều hơn – dù mở rộng phạm vi dịch vụ, hàng hóa chịu ảnh hưởng hay không – cũng sẽ gây bất lợi cho thu ngân sách năm 2023, theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường.

Bộ Tài chính ước tính, biện pháp này sẽ làm giảm doanh thu thuế năm của Việt Nam 24.000 tỷ đồng (1,02 tỷ USD). Phần giảm thu không được dự kiến trong gói chính sách NQ 43/2022/QH15 cũng như trong dự toán ngân sách năm mà Quốc hội đã thông qua trước đó.

"Chính phủ chỉ muốn tăng cường sức chi tiêu trong ngắn hạn để giải quyết những khó khăn kinh tế hiện nay thông qua việc giảm thuế VAT", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải thích trong một báo cáo trước Quốc hội vào tháng trước.

Năm ngoái, Việt Nam cũng tạm thời giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% trong suốt thời gian từ tháng hai đến tháng 12. Các nhà kinh tế đánh giá rằng điều này đã giúp ích cho đất nước ngay tại thời điểm bị ảnh hưởng sâu sắc vì đại dịch COVID-19.

Việc cắt giảm thuế mới diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế đang suy yếu. Hồi năm 2022, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Việt Nam đã tăng 8,02% so với năm trước đó, một trong những mức tăng nhanh nhất trong khu vực. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP quý I năm nay đang chậm lại còn 3,32% giảm so với mức 5,9% trong quý IV năm ngoái.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết ngành xây dựng đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh 65% về đơn đặt hàng, trong khi các ngành dệt may, da giày đã giảm đáng kể 40-50%. Hơn nữa, lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm thường duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số trong 20 năm qua cũng gặp phải sự chậm lại, với mức tăng trưởng giảm xuống dưới 10% trong những tháng đầu năm nay.

Tình trạng này khiến trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải cắt giảm lãi suất bốn lần ở mức 150 - 200 điểm cơ bản để thúc đẩy nền kinh tế. Lần gần đây nhất, ngân hàng trung ương này đã cắt giảm lãi suất tái cấp vốn xuống còn 4,5%, lãi suất chiết khấu xuống còn 3,0% và lãi suất liên ngân hàng điện tử xuống còn 5,0% vào ngày 19/6.

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho biết việc cắt giảm thuế VAT năm 2023 dự kiến sẽ hỗ trợ các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cũng như thúc đẩy tiêu dùng vốn đã chậm lại kể từ đầu năm. Tuy nhiên, ông nghĩ rằng hiệu quả của việc cắt giảm thuế VAT có thể bị hạn chế, vì nó sẽ hết hạn sau sáu tháng.

Quốc hội thông báo rằng việc cắt giảm thuế VAT năm ngoái đã khiến doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng hàng năm tăng 19,8%. Trên thực tế, doanh thu của Chính phủ từ thuế VAT năm ngoái không những không giảm mà đã tăng 10%, cho thấy các tác động kích cầu của chính sách.

Năm nay, các ngành công nghiệp chính của Việt Nam – bao gồm dệt may, da giày và bất động sản - đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do xuất khẩu lao dốc và tiêu dùng nội địa chậm lại. Việc cắt giảm thuế VAT dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước để bù đắp cho sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu.

Ai được hưởng lợi?

Theo Chính phủ, người dân được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Năm ngoái, khi Chính phủ đưa ra đề nghị giảm thuế tiêu dùng tương tự, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP. HCM, nhận xét rằng việc giảm VAT đồng loạt trong bối cảnh nền kinh tế mắc kẹt là một giải pháp nhanh và hiệu quả nhất. Với VAT, không phải đẻ ra thêm bộ máy mới hay thủ tục mới. Cơ quan thực thi chỉ cần căn cứ theo đúng hồ sơ như thường lệ để cắt giảm thuế cho cơ sở kinh doanh.

Mặc dù việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng hay được nhắc đến như một biện pháp cứu trợ nền kinh tế nhưng nhược điểm của chính sách này là những doanh nghiệp gặp khó khăn thường làm ăn thua lỗ, do vậy họ không phát sinh nghĩa vụ thuế và sẽ không được hưởng bất kỳ lợi ích nào từ chính sách. Với việc giảm VAT, dù doanh nghiệp thua lỗ hay có lãi đều được hưởng một phần lợi ích.

TS. Bùi Trinh, Viện Quản Trị và Công nghệ của Đại học FPT, lý giải vì VAT là thuế gián thu nên việc giảm thuế VAT sẽ tốt hơn là bơm tiền ra. Khác với các loại thuế trực thu (như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp), những loại thuế gián thu như VAT sẽ đi vào sản xuất.

Với đơn vị sản xuất kinh doanh, khi các đầu vào như xăng, điện, nước, nguyên nhiên vật liệu, v.v được giảm thuế VAT 2% sẽ tạo tác động làm giảm chỉ số giá sản xuất (PPI), kéo theo chu kỳ sản xuất sau có chi phí thấp hơn, qua đó làm tăng giá trị tăng thêm cho sản xuất của doanh nghiệp.

Do GDP của nền kinh tế là tổng của giá trị tăng thêm trong tất cả các ngành công nghiệp nên TS. Bùi Trinh khẳng định những biện pháp giảm thuế VAT sẽ góp phần làm cho GDP tăng một cách “lành mạnh”.

Những chuyên gia khác nói rằng với VAT, gánh nặng thuế được chia sẻ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, vì vậy khi giảm VAT thì cả người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi vì phải bỏ ra ít tiền hơn cho một sản phẩm.

Việc giảm thuế VAT để kích thích tiêu dùng về cơ bản có thể tạo ra hai hiệu ứng. Thứ nhất là hiệu ứng thu nhập. Bằng cách giảm hóa đơn mua hàng, phần thuế VAT giảm đi sẽ trở thành “thu nhập” trong túi người tiêu dùng.

Chẳng hạn, với mỗi hóa đơn siêu thị từ 1 - 2 triệu đồng, như trước đây phải đóng thuế VAT từ 100.000 - 200.000 đồng (mức thuế 10%) thì giờ chỉ đóng 80.000 - 160.000 đồng (mức thuế 8%).

Mỗi tháng đi siêu thị vài lần thì cũng tiết kiệm được kha khá tiền để mua những vật dụng khác. Tất nhiên, người tiêu dùng cũng có thể tiết kiệm khoản tiền này hoặc dùng nó để trả nợ.

Thứ hai là hiệu ứng thay thế. Các hộ gia đình sẽ có động lực để mua sớm hơn những mặt hàng mà họ có kế hoạch từ lâu nhằm tận dụng giá thấp của việc cắt giảm VAT tạm thời. Hiệu ứng này sẽ đặc biệt lớn đối với chi tiêu cho những hàng hóa lâu bền có giá trị cao như xe máy hoặc các hàng hóa không dễ hỏng khác có thể dự trữ lâu dài.

Tùy theo quy mô lan tỏa, cả hai tác động này đều có khả năng làm tăng sản lượng hàng hóa được tiêu thụ. Khi một bộ phận hoặc phần lớn người dân mua hàng nhiều hơn trong thời gian cắt giảm thuế VAT sẽ dẫn đến nhiều đơn hàng hơn cho những người sản xuất, khiến tình hình việc làm và thu nhập của người lao động trong lĩnh vực được cải thiện, từ đó quay vòng thúc đẩy chi tiêu của họ. Điều này sẽ đặc biệt có giá trị vào thời điểm tỷ lệ thất nghiệp tương đối cao và phần lớn lực lượng lao động vẫn đang nghỉ việc.

Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại về việc thuế VAT giảm nhưng giá các mặt hàng không giảm theo. “Chỉ có những thứ phát hành hoá đơn thì nhìn thấy giảm, còn những thứ mua bán không hóa đơn ở chợ thì dân vẫn chịu mức giá cũ”, chị Hạnh Phạm (quận Hà Đông, Hà Nội) băn khoăn.

Chị cũng chia sẻ năm ngoái đã từng nhầm lẫn vì nghe nói hàng hóa giảm 2% nhưng lại thấy có cái giảm, cái không. Hóa ra, không phải tất cả mặt hàng quen thuộc như TV, tủ lạnh, máy giặt, máy tính đều được tiết kiệm.


(Tham khảo: Nikkei Asia, The Institute for Fiscal Studies)