Việc chuyển từ mô hình Trường đại học lên Đại học hứa hẹn những tiến bộ gì về quản trị và liệu mô hình Đại học có hấp dẫn các trường đại học Việt Nam không? TS Phạm Hiệp - Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia - trao đổi với báo Khoa học & Phát triển xung quanh những câu hỏi này.
Sau Quyết định 1512/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 2/12 vừa qua, Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã trở thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhiều người cảm thấy mơ hồ về sự thay đổi đằng sau tên gọi mới vì sự khác biệt so với tên gọi cũ không đáng kể. Theo anh, bản chất của sự thay đổi này là gì?
TS Phạm Hiệp. Nguồn: NVCC
Tôi cho rằng, bản chất của câu chuyện này là một giải pháp của những người làm chính sách nhằm đưa ra một hướng chuyển đổi mô hình trường đại học đơn ngành theo mô hình trước kia, vốn chịu ảnh hưởng của mô hình Xô-viết, sang mô hình đa ngành, đa lĩnh vực theo tiếp cận hiện đại của phương Tây.
Trong mô hình Xô-viết trước đây, trường đại học chủ yếu tập trung vào đào tạo đơn ngành, đơn lĩnh vực và ít có hoạt động nghiên cứu.
Theo xu hướng hội nhập quốc tế, các trường đại học Việt Nam bắt đầu đào tạo đa ngành hơn, như Trường đại học Giao thông Vận tải có đào tạo về kinh tế, Trường đại học Ngoại ngữ (nay là Trường đại học Hà Nội) có đào tạo ngành công nghệ thông tin…
Đặc biệt, trong những năm 1990, chúng ta thành lập hai đại học quốc gia và ba đại học vùng theo hướng sáp nhập một số trường đại học vào với nhau thành một cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực - tất cả vẫn đang hoạt động cho đến ngày nay.
Cách tiếp cận này thực sự tạo ra được một vài đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Có lẽ những người làm chính sách muốn nhân rộng hoặc tạo ra mô hình gần giống với đại học quốc gia, đại học vùng và cách làm của họ là đưa ra một mô hình mới - mô hình đại học, được định chế bởi Luật Giáo dục đại học 2012 và sửa đổi 2018.
Việc chuyển đổi từ mô hình đơn ngành/lĩnh vực sang đa ngành/lĩnh vực có diễn ra tương tự trong các nền giáo dục đại học khác không?
Nói chung, chúng ta không thể tìm thấy một trường hợp hoàn toàn giống như chúng ta mà chỉ có thể tìm được những ví dụ gần gần giống ở chỗ này một chút, chỗ kia một chút.
Ví dụ, Việt Nam không phải là nước duy nhất có nền giáo dục đại học chịu ảnh hưởng của mô hình Xô-viết mà các nước Đông Âu hay Trung Quốc cũng gặp vấn đề này. Tại Trung Quốc, có Trường đại học Giao thông Thượng Hải, vốn là một trường đại học đơn ngành tương tự Trường đại học Giao thông – Vận tải ở Hà Nội. Thế rồi họ đã phát triển thành một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu của Trung Quốc và có tên trên bảng xếp hạng đại học thế giới, nhưng tên gọi của họ không hề thay đổi.
Malaysia hay Anh cũng có cách tiếp cận chuyển đổi mô hình, từ University College - tạm gọi là hơi giống cấp độ trường đại học của Việt Nam - sang mô hình University với số lượng ngành đào tạo đa dạng hơn, có mức độ tự chủ cao hơn, tương tự như Đại học ở Việt Nam. Một đối tác mà tôi đang làm việc cùng ở Malaysia là University College TAR vừa gửi thư mời tôi tham dự buổi lễ ra mắt tên gọi theo mô hình mới là TAR University of Management and Technology vào tháng Một tới đây. Câu chuyện khá là giống trường hợp Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nhưng việc chuyển đổi từ University College lên University ở Anh hay Malaysia có cái khác là trong khi ta chuyển đổi đại học từ cơ sở giáo dục đại học hai cấp thành ba cấp thì họ vẫn giữ nguyên hai cấp. Hai cấp nghĩa là bao gồm trường – khoa; còn ba cấp là đại học và trường đại học hoặc trường thành viên, xuống dưới mới là khoa.
Có một trường hợp chuyển đổi khác theo mô hình ba cấp cũng khá giống ở ta, đó là một số trường đại học ở Pháp được gom lại với nhau để thành một hệ thống đại học, với các trường thành viên được gọi là Pôle Universitaire.
Theo dư luận xã hội, cách chúng ta đặt tên na ná cho hai mô hình quản trị đại học khác hẳn nhau như hiện nay rất dễ gây lẫn lộn. Anh có thấy cần thiết đề xuất cách đặt tên khác cho tương lai không?
Tôi không rõ ở Malaysia người ta có nhầm lẫn University College với University hay ở Pháp người ta có nhầm Pôle Universitaire với Université không nhưng ở Việt Nam cách gọi Trường đại học và Đại học đúng là có gây ra sự bối rối, khó hiểu cho nhiều người, đặc biệt là những người không làm việc trong lĩnh vực giáo dục.
Trong những mô hình Đại học đã có từ mấy chục năm nay – gồm các đại học quốc gia và đại học vùng – ít ra chúng ta còn có chữ quốc gia hay tên vùng làm dấu hiệu để nhận biết về loại hình, còn trong trường hợp của Đại học Bách khoa Hà Nội không có tính từ gì đi kèm để phân biệt. Chính điều này đã khiến cho những thảo luận về việc chuyển đổi của Đại học Bách khoa Hà Nội thời gian vừa qua đi xa theo hướng tập trung vào cái bề ngoài, cái vỏ ngôn ngữ. Xã hội dường như quên mất rằng thay đổi về mô hình quản trị mới là cái lớn nhất của sự chuyển đổi.
Trong quá trình xây dựng Luật Giáo dục đại học từ những năm 2012-2018, nội bộ giới chuyên môn đã có ý kiến cho rằng không nên sử dụng cách đặt tên như vậy – họ đã nhìn thấy trước phản ứng của xã hội đối với cách gọi này chứ không phải là không. Và trong các tranh luận gần đây, đã có mấy đề xuất điều chỉnh cách gọi cho tương lai, chẳng hạn như cơ sở đào tạo ở cấp Đại học sẽ được gọi là Viện Đại học hoặc Hệ thống Đại học. Cá nhân tôi ủng hộ phương án Hệ thống Đại học vì thực ra Viện Đại học thì lại có thể gây nhầm lẫn với viện nghiên cứu thành viên hoặc Viện Hàn lâm.
Anh vừa nói thay đổi về mô hình quản trị mới là cái lớn nhất của sự chuyển đổi. Vậy cụ thể chúng ta có thể trông đợi những thay đổi gì về quản trị ở mô hình Đại học?
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là cơ sở đầu tiên chuyển lên mô hình Đại học. Nguồn: HUST
Hiện nay mới có một đại học đầu tiên ra đời theo mô hình này là Đại học Bách khoa Hà Nội. Chắc phải mất một thời gian nữa chúng ta mới có thể đánh giá được Đại học Bách khoa Hà Nội thì khác gì Trường đại học Bách khoa Hà Nội trên thực tế. Nhưng dù sao cách tiếp cận mới cũng đem lại hy vọng, thứ nhất là tăng cao quyền tự chủ của các trường thành viên. Lâu nay, khi nói đến tự chủ, chúng ta thường nói đến tự chủ ở cấp ban giám hiệu, cấp hội đồng trường mà ít nói đến tự chủ ở cấp đơn vị thành viên, thậm chí là cấp giảng viên. Thế nhưng mô hình Đại học thể hiện mức độ tự chủ khá cao ở các trường thành viên, trên các phương diện đào tạo, nghiên cứu, tài chính và nhân sự. Về nguyên tắc thì tự chủ sẽ giúp khai phóng năng lực sáng tạo, quyền tự quyết đường hướng phát triển của từng đơn vị, và điều này tốt hơn cho toàn bộ cơ sở đào tạo nói chung và từng cán bộ giảng viên nói riêng. Thứ hai, mô hình này giúp các Đại học dễ dàng mở rộng các ngành đào tạo, lĩnh vực đào tạo cũng như nghiên cứu, giống với các đại học trên thế giới.
Với những hứa hẹn như vậy, liệu việc chuyển đổi lên Đại học có hấp dẫn các Trường đại học không?
Những trường đơn ngành có quy mô lớn và kết quả hoạt động tốt về đào tạo và nghiên cứu có những bức bối nhất định với thiết chế – thiết kế trường đại học cũ. Thực tế, một số trường như Trường đại học Công nghiệp, Trường đại học Kinh tế Quốc dân, Trường đại học Kinh tế TPHCM đều đã công khai kế hoạch phát triển thành Đại học.
Bên cạnh đó, theo tôi được biết, một số trường đại học tư thục cùng chung chủ sở hữu cũng có nhu cầu ghép lại với nhau trong một hệ thống đa ngành đa lĩnh vực bởi họ nhận thấy lợi thế của mô hình này.
Ở những trường đơn ngành hoặc có ít ngành đào tạo sẽ sinh ra một số giảng viên chỉ biết dạy, vì chuyên môn của họ không có ngành đào tạo, cấp bằng tương ứng. Trong mô hình đa ngành, các giảng viên được sinh hoạt, giảng dạy cho các ngành khác và cho chính ngành chuyên môn của mình, điều này có lợi cho phát triển chuyên môn của họ hơn, cả về giảng dạy lẫn nghiên cứu. Đấy là cái lợi thứ nhất. Thứ hai là tận dụng được nguồn lực dùng chung, rồi thúc đẩy hoạt động nghiên cứu chung giữa các trường. Ngoài ra còn có thể cấp bằng kép, chuyển đổi tín chỉ, và có những đơn vị dịch vụ hỗ trợ được nhiều trường thành viên cùng một lúc. Những lợi thế này đều có thể thấy rõ qua mô hình đại học quốc gia và đại học vùng.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
Điều kiện để chuyển từ Trường đại học thành Đại học:
- Trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp;
- Có ít nhất 3 trường thuộc Trường đại học được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người;
- Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với Trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với Trường đại học tư thục, Trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
(Theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học) |