Lần này, những nước giàu đã tìm ra các biện pháp phong tỏa ít tốn kém nhất về mặt kinh tế.

Không ít cửa hàng vẫn mở trong đợt phong tỏa mới| Ảnh minh họa: Getty Image
Không ít cửa hàng vẫn mở trong đợt phong tỏa mới| Ảnh minh họa: Getty Image

Những cuộc phong tỏa vào mùa xuân năm ngoái mà đỉnh điểm gồm hơn một nửa dân số thế giới, đã gây ra suy thoái kinh tế mạnh mẽ. Tháng 4/2020, sản lượng kinh tế toàn cầu giảm hơn 20% so với nếu không có dịch bệnh.

Khi số ca nhiễm coronavirus tăng trở lại, các nước giàu buộc phải đóng cửa một lần nữa. Pháp bị “giam lỏng” vào tháng 11, trong khi Ý ra lệnh phong tỏa chặt chẽ trong dịp Giáng sinh, còn Anh đã phong tỏa toàn quốc từ ngày 6/1/2021 đến giữa tháng 2. Đây là lần phong tỏa thứ ba của Anh. Nhiều khu vực ở Nhật Bản cũng được đặt trong tình trạng khẩn cấp.

Tình hình ở Mỹ phức tạp hơn bởi không phải chính quyền liên bang mà chính quyền tiểu bang và địa phương chịu trách nhiệm chính về ban bố các lệnh cấm túc tại gia, tuy nhiên mức giới hạn đi lại ở Mỹ hiện chặt chẽ như hồi mùa xuân.

Đợt phong tỏa mới chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế nhưng có lẽ không quá khắc nghiệt như trước. Các nhà phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs lập luận rằng trong trường hợp của Anh,"mức độ nhạy cảm của hoạt động kinh tế đối với các lệnh hạn chế do Covid-19 đã giảm đáng kể từ sau lần phong tỏa đầu tiên".

Trong khi đó, nghiên cứu được công bố vào ngày 8/1/2021 của ngân hàng HSBC nhấn mạnh sản lượng công nghiệp của Đức "đã làm tăng quá trình phục hồi trong tháng 11 và khiến nó không bị suy thoái bởi đợt phong tỏa mới".

Báo cáo việc làm tháng 12/2020 của Mỹ chỉ ra, lần đầu tiên kể từ tháng 4, việc làm đã giảm nhưng các thước đo kinh tế thường xuyên khác như chỉ số tiêu dùng đang ở tình trạng tốt hơn so với hồi mùa xuân.

Sẽ phải mất một thời gian nữa trước khi số liệu GDP chính thức xác nhận khả năng chống chịu ngoan cường hơn của các nước giàu trước đợt phong tỏa mới. Tuy nhiên, trong một bài báo gần đây, chuyên gia tư vấn Nicolas Woloszko của OECD đã dùng dữ liệu tìm kiếm của Google để xây dựng ước tính hằng tuần về GDP cho các nền kinh tế lớn. Theo ông, vào tháng 4/2020, nền kinh tế của các nước giàu hoạt động khoảng 80% công suất; bây giờ họ đang chạy ở mức 90% (xem biểu đồ).

Ước tính GDP hàng tuần,% thay đổi so với một năm trước đó.| Nguồn: The Economist
Ước tính GDP hằng tuần,% thay đổi so với một năm trước đó.| Nguồn: The Economist

Có ba yếu tố chính giải thích cho tình hình kinh tế được cải thiện, đó là công chúng ít sợ hãi hơn, chính sách của các chính phủ được hiệu chỉnh tốt hơn, và các doanh nghiệp đã thích nghi tốt hơn.

Chẳng hạn, vào tháng 3-4/2020, coronavirus là một thứ không xác định được. Nhiều người đã phản ứng bằng cách giam mình trong nhà. Phân tích khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường YouGov cho thấy, vào tháng 4/2020, hơn 60% số người được hỏi ở các nước giàu lo lắng về việc nhiễm virus.

Tuy nhiên, nhờ hiểu rõ cần làm gì để tránh nhiễm bệnh và có lẽ cả sự mệt mỏi khi bị phong tỏa, giờ đây nhiều người sẵn sàng bước ra ngoài hơn. Tỷ lệ người bày tỏ lo lắng mắc phải Covid-19 giảm xuống còn 50% trong tháng 11/2020.

Dữ liệu từ Google cho thấy ở nhiều quốc gia, người dân đi lại ở nơi công cộng nhiều hơn so với khi đại dịch bắt đầu. Tình trạng này đã khiến một số quan chức y tế cộng đồng phải vò đầu bứt tóc. Một bài thuyết trình từ các nhà khoa học ở Ontario, Canada, vào tháng 12/2020 nói rằng: "Việc phong tỏa hiện nay gần như không ảnh hưởng nhiều đến khả năng di chuyển (và tiếp xúc) như hồi tháng 3".

Các tờ báo của Anh và Mỹ đã nhắc đến cụm từ “tụ tập bất hợp pháp” nhiều gấp 5 lần so với hồi mùa xuân. Việc coi thường các mệnh lệnh của chính phủ có lẽ càng làm trầm trọng thêm sự lây lan virus, bất kể lợi ích kinh tế mà nó thu lại.

Nhưng yếu tố thứ hai giải thích cho khả năng phục hồi của các nền kinh tế trong thời gian này có vẻ ít mang tính đánh đổi hơn. Đó là việc điều chỉnh chính sách của chính quyền. Các nhà quản lý đã dần tìm ra biện pháp phong tỏa ít tốn kém nhất về mặt kinh tế.

Vì vậy hiện nay sẽ có ít các quyết định nghiêng về việc đóng cửa trường học và thêm nhiều chỉ thị nghiêng về đeo khẩu trang và xét nghiệm khách quốc tế. Cả hai hướng này đều không tạo nhiều rắc rối cho bất cứ ai.

Nhiều quốc gia đã noi gương Đức khi nước này cho phép nhiều công trường xây dựng hoạt động trong làn sóng Covid đầu tiên. Hiện Pháp vẫn tiếp tục sản xuất, với sản lượng chế biến, chế tạo hầu như không giảm trong tháng 11 và tăng vào tháng 12/2020.

Lý do thứ ba giải thích khả năng phục hồi liên quan đến sự thích ứng của các doanh nghiệp. Việc đột ngột chuyển sang làm việc từ xa là một cú sốc đối với nhiều người vốn làm trong văn phòng với máy tính cũ kỹ.

Kể từ lúc đại dịch lan rộng, các công ty đã đầu tư để tăng năng suất. Từ tháng 3 đến tháng 10/2020, Anh đã nhập khẩu 4,7 tỷ bảng Anh (khoảng 6 tỷ USD) máy tính xách tay, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019.

Một bài nghiên cứu gần đây của giáo sư kinh tế Nick Bloom và các đồng nghiệp ở Đại học Stanford đã phân tích lượng đơn xin cấp bằng sáng chế của Mỹ và phát hiện đại dịch "đã chuyển hướng đổi mới sáng tạo sang những công nghệ mới hỗ trợ việc tổ chức hội thảo thông qua video, liên lạc và tương tác từ xa."

Các doanh nghiệp tuyến đầu trực tiếp gặp gỡ người tiêu dùng thậm chí còn phải thích nghi nhiều hơn. Những câu lạc bộ jazz hay nhất tại New York hiện cung cấp dịch vụ phát livestream đến tận phòng khách của khách hàng.

Ngồi ở một trang trại tại miền đông nước Anh, người ta có thể đặt món của một nhà hàng Ấn Độ cách London 92km mới cung cấp dịch vụ giao hàng toàn quốc. Đây là điều mà nhiều nhà hàng khác ở Anh đang bắt đầu làm. Đến cuối năm, tỷ lệ công ty mở cửa kinh doanh ở Anh không thấp hơn so với hồi hè khi lệnh hạn chế đi chưa bị siết chặt.

Mặc dù việc kinh doanh không được như Anh nhưng ở Mỹ, tỷ lệ doanh nghiệp mở cửa vào cuối năm vẫn lớn hơn so với hồi đầu xuân năm ngoái.

Các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm thích nghi hơn trong đợt đóng cửa mới | Ảnh minh họa: Getty Image
Các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm thích nghi hơn | Ảnh minh họa: Getty Image

Sức chống chọi của các nền kinh tế trước làn sóng phong tỏa mới cho ta một số gợi ý. Khi virus lây lan lần đầu, các chính phủ có ý định đóng băng nền kinh tế, nhưng theo thời gian, rõ ràng các hoạt động kinh tế đã dần thích nghi với cú sốc của đại dịch. Điều này ngụ ý rằng các chính phủ có thể giảm hỗ trợ tài khóa, mà thực tế, đây chính xác là kế hoạch của họ trong năm 2021.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Morgan Stanley dự đoán GDP của Mỹ sẽ quay trở lại xu hướng trước đại dịch vào cuối năm 2021. Vẫn còn nhiều yếu tố có thể ngăn cản dự tính đó. Tuy vậy, dù bất kì điều gì xảy ra, nền kinh tế sau đại dịch cũng sẽ rất khác so với trước đó.

Nguồn: