Trong bối cảnh Covid-19 xu hướng chuyển đổi số đang chi phối cấu trúc và hoạt động của nhiều doanh nghiệp, và cách triển khai những công nghệ này trên một số khía cạnh chủ chốt sẽ quyết định xem ai là kẻ về đích và khi nào.
Đầu tiên, số hóa (digitization) sẽ giúp các nhà quản lý phân bổ nguồn lực (vốn, nhân sự,…) theo thời gian thực tốt hơn. Những công ty hoạt động hiệu quả thường sẽ liên tục rà soát và cải tiến hoạt động theo ít nhất ba cách: hợp lý hóa quy trình hiện tại; du nhập các phương pháp tốt nhất từ bên ngoài; xác định cách thức sử dụng nguồn lực tối ưu. Lấy ví dụ: nhiều công ty kinh doanh rạp phim đã và đang áp dụng chính sách nguồn nhân lực dựa trên nhu cầu theo thời gian thực. Như tại Mỹ, thông tin về doanh số bán vé và những review trên mạng xã hội sau khi phim được phát hành ở bờ Đông sẽ định hình quyết định nhân sự ở bờ Tây. Cách tiếp cận tương tự cũng đang được triển khai trong một loạt các lĩnh vực nhằm thúc đẩy năng suất và hiệu quả vận hành.
Bên cạnh lời hứa hẹn hỗ trợ các nhà quản lý, sự bùng nổ của những kho dữ liệu cũng có nguy cơ khiến bức tranh chung trở nên “rối rắm”. May mắn thay, số hóa có thể giúp chúng ta sắp xếp và đối chiếu dữ liệu để cải thiện hiệu quả ra quyết định. Đó là khía cạnh then chốt thứ hai.
Theo truyền thống, các nhóm quản lý thường làm việc dựa trên khá ít thông tin và doanh nghiệp chỉ chịu sự ràng buộc bởi một vài địa hạt pháp lý (jurisprudence). Những người ra quyết định khi ấy sẽ lắng nghe quan điểm từ một nhóm nhỏ các stakeholders, chẳng hạn cổ đông tại những cuộc họp, sự kiện thường niên, hay nhân viên thông qua các khảo sát nội bộ. Doanh nghiệp ngày nay đang bị nhiều địa hạt pháp lý chi phối cũng như nhận được nhiều phản hồi hơn từ những stakeholders, bao gồm khách hàng và cả cộng đồng, nhất là qua kênh truyền thông xã hội. Áp lực dư luận đã buộc doanh nghiệp phải tiết lộ nhiều hơn về nguồn gốc sản phẩm, điều kiện làm việc, mức thu nhập trung bình và các chỉ tiêu môi trường như hệ số sử dụng nước, lượng phát thải CO2,… Khi người lao động được thoải mái bày tỏ sự bất bình trên vô số diễn đàn như Glassdoor, Blind, TheLayoff.com,… doanh nghiệp khó còn có thể che giấu bất cứ điều gì.
Trong bối cảnh như vậy, nhà quản lý cần phải có khả năng quản lý và diễn dịch chính xác tài nguyên dữ liệu của mình, xác định đúng những xu hướng chuyển dịch kinh tế – chính trị – xã hội lớn, đồng thời biết tận dụng tri thức tích lũy được để nhanh chóng điều chỉnh chiến lược. Điều này chỉ có thể đạt được nhờ khai thác hiệu quả sự tham gia của tất cả các stakeholders – cùng dữ liệu do họ cung cấp – lẫn sức mạnh của công nghệ kỹ thuật số để loại bỏ tận gốc sự thiếu hiệu quả, tính dư thừa và đơn giản hóa nhiều quy trình phức tạp.
Khía cạnh thứ ba mà tổ chức nên lưu ý khi áp dụng số hóa là cần tăng cường tính linh hoạt trong việc đón nhận cơ hội và ứng phó với mối đe dọa từ bên ngoài. Có thể lấy ví dụ từ những biểu hiện của xu hướng phi toàn cầu hóa như chính sách bảo hộ, kiểm soát nguồn vốn xuyên biên giới hay việc siết chặt quy định nhập cư,… thứ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường của các doanh nghiệp và cách họ bán sản phẩm, bên cạnh chiến lược huy động vốn, đầu tư, tuyển dụng nhân tài, xây dựng chuỗi cung ứng tin cậy.
Căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và phương Tây đang làm dấy lên bóng ma của sự phân chia giữa các hệ thống thương mại, tiền tệ và công nghệ. Một ví dụ tiêu biểu là splinternet – thuật ngữ chỉ môi trường mạng internet toàn cầu bị thống trị hay dẫn dắt bởi các giao thức (protocol) hoặc tiêu chuẩn do Mỹ và Trung Quốc xây dựng. Điều này sẽ đặt ra thách thức nghiêm trọng cho nhiều doanh nghiệp – vốn được thành lập để hoạt động trong một môi trường kinh doanh tập trung và toàn cầu hóa – đòi hỏi họ phải thích ứng tốt hơn. Công nghệ kỹ thuật số chính là chìa khóa, liên quan đến việc cắt giảm chi phí (nhất là chi phí gián tiếp phát sinh từ giao dịch) và rủi ro hoạt động, cho phép doanh nghiệp phản ứng kịp thời và hiệu quả trong các hệ thống phân nhánh hoặc phân cực.
Số hóa cũng giúp doanh nghiệp điều chỉnh dịch vụ – và cả giá cả – theo hướng cá nhân hóa để phục vụ khách hàng tốt hơn. Đây là khía cạnh thứ tư cần được ưu tiên. Các hãng bảo hiểm từ lâu đã xây dựng những gói sản phẩm dựa trên dữ liệu cá nhân, liên quan tới tình trạng sức khỏe, lối sống, thu nhập,… của khách hàng. Khi việc thu thập và phân tích dữ liệu người tiêu dùng trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn, doanh nghiệp hoàn toàn có thể áp dụng cách tiếp cận theo hướng cá nhân hóa tương tự để xác định giá cả, chẳng hạn đối với một số sản phẩm tài chính như thế chấp, cho vay mua ô-tô,… Ngày nay, mỗi nhóm khách hàng với một số đặc điểm chung cốt lõi thường sẽ được tính mức lãi suất giống nhau, và từng cá nhân lại được áp mức [lãi suất] riêng phù hợp với hồ sơ rủi ro của họ – dựa trên một loạt biến số từ tài sản cá nhân cho đến tuổi thọ.
Nếu biết thiết kế và áp dụng hiệu quả chiến lược số hóa bám sát bốn khía cạnh trên, doanh nghiệp hoàn toàn có thể vừa đạt tăng trưởng doanh thu (đưa nhiều hàng hóa, dịch vụ tới tay khách hàng và trong thời gian sớm hơn) vừa giảm thiểu chi phí (nhờ hợp lý hóa các quy trình sản xuất, hậu cần, tuyển dụng,…)
Ưu tiên thứ năm là cần tư duy lại cách thức phân phối lợi nhuận gia tăng nhờ số hóa – có thể thông qua những khoản giảm nợ, tái đầu tư, thanh toán cổ tức, mua lại cổ phiếu, hoặc tích trữ vốn cho các mục tiêu chiến lược trong dài hạn. Khi sức mạnh cổ đông (shareholders) phải nhường chỗ cho sức ép bởi những stakeholders (người lao động, cộng đồng,...), kỳ vọng sẽ không chỉ dừng lại ở lợi nhuận. Vai trò ngày càng lớn của doanh nghiệp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, phát triển cơ sở hạ tầng,… cùng với cơ cấu thất nghiệp tất yếu do số hóa và tự động hóa, chắc chắn sẽ củng cố thêm xu thế này.
Chú thích: (*) Tác giả Dambisa Moyo là nhà kinh tế, tác giả của bốn cuốn bestseller do New York Times bình chọn, trong đó có Edge of Chaos: Why Democracy Is Failing to Deliver Economic Growth – and How to Fix It (tạm dịch: Thời hỗn loạn: Tại sao nền dân chủ thất bại trong việc phân phối tăng trưởng kinh tế? Làm sao khắc phục?)