Các kỹ năng 'mềm' được các nhà tuyển dụng quan tâm hơn các kỹ năng ‘cứng’ - theo kết quả phân tích dữ liệu của mạng xã hội LinkedIn.
Nhưng cũng có dấu hiệu việc tuyển dụng bắt đầu phục hồi ở một số thị trường. Cuối tháng 6/2020, LinkedIn cho biết sinh viên mới tốt nghiệp có thể nhắm tới hơn 1,5 triệu việc làm ở cấp độ khởi điểm và 65.000 công việc thực tập ở Mỹ. Mạng xã hội này đã phân tích dữ liệu để xác định những kỹ năng mà nhà tuyển dụng mong muốn nhất. Theo đó, kỹ năng “mềm” được đánh giá cao hơn so với những kỹ năng "cứng" như lập trình.
Dưới đây là 5 kỹ năng đang được các nhà tuyển dụng yêu cầu nhiều nhất:
1. Khả năng giao tiếp bằng "ngôn ngữ kỹ thuật số"
Rất tuyệt nếu một người có thể lập trình, nhưng họ cũng cần có khả năng thể hiện bản thân. Như hướng dẫn của trang tư vấn việc làm Career Contessa chỉ ra: “Anh chị đã bao giờ gặp một người quản lý từ chối lắng nghe mình chưa? Anh chị đã bao giờ làm việc với một người không biết nắm bắt tín hiệu xã hội? Anh chị đã bao giờ phải làm việc với một người dùng rất nhiều thuật ngữ chuyên môn nhưng dường như chẳng nói ra được vấn đề gì?”
Đó là những vấn đề mà thị trường lao động đang tìm kiếm. Vì COVID-19 khiến việc sử dụng phần mềm làm việc từ xa tăng lên, nhu cầu về giọng điệu giao tiếp phù hợp cũng tăng theo, không chỉ đối với nhân viên mà còn cả với người sử dụng lao động. LinkedIn cho biết nhà tuyển dụng không chỉ tìm kiếm những người có thể giao tiếp bằng lời nói mà còn bằng cả “ngôn ngữ kỹ thuật số”, tức giọng điệu mà ta dùng trong email và tin nhắn.
2. Kỹ năng giải quyết vấn đề
Hãy quên các bài tập xây dựng đội nhóm (team-building) như dùng cốc giấy và dây để xây cầu như trước kia để minh họa kỹ năng giải quyết vấn đề. Giờ đây, giải quyết vấn đề đòi hỏi nhiều hơn thế. Theo Viện Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW), một tổ chức chứng nhận bằng cấp kế toán chuyên nghiệp quốc tế, nó là cả quá trình từ xác định nhiệm vụ, chia nhỏ chúng thành các phần và giải quyết chúng. Điều này đòi hỏi nhiều năng lực như kiên trì với nhiệm vụ và nghiên cứu sâu các khía cạnh liên quan.
Có rất nhiều ví dụ về việc các doanh nghiệp phải suy nghĩ khác đi trong đại dịch Covid-19. Cuộc khủng hoảng đã buộc mọi người phải thay đổi mọi thứ - từ phương thức quản lý đến mô hình kinh doanh. Chẳng hạn, các công ty nông nghiệp và trang trại phải sử dụng nền tảng mới để chia sẻ và học hỏi về quản lý dinh dưỡng và sức khỏe gia súc, cập nhật chương trình trợ cấp của chính phủ và buôn bán gia súc. Nhiều công ty phải tìm hiểu về tác động của thị trường, khách hàng, sản phẩm và con người một cách nhanh nhất và chuẩn bị các kịch bản ứng phó, kể cả kịch bản khi thị trường bị sụp đổ.
3. Kỹ năng phân tích
Đây là thời điểm quan trọng để suy nghĩ kỹ lưỡng. Hành động của chúng ta dựa trên những dạng câu hỏi mà ta tự đặt cho bản thân và cho mọi người mỗi ngày,” nhà lãnh đạo sáng tạo và huấn luyện viên điều hành Joshua Miller nói. Các doanh nghiệp ở khắp nơi đang phải đối mặt và đưa ra những lựa chọn khó khăn, từ lập ngân sách đến thay đổi số lượng nhân viên. Theo ông, việc tập trung suy nghĩ có thể giúp ích cho tổ chức ở mọi cấp độ.
4. Chăm sóc khách hàng
Bất kể nhắm tới ngành gì, bạn cũng cần tạo ra trải nghiệm tích cực cho những người trả tiền cho mình, không chỉ các ông chủ mà còn cả khách hàng.
Các nhà bán lẻ đã đáp ứng được rất tốt nhu cầu này trong thời gian phong tỏa. Họ đã mở rộng lĩnh vực online hoặc chuyển hướng sang kinh doanh trực tuyến để phục vụ những khách hàng bị mắc kẹt tại nhà và tạo ra những kết quả mang tính thay đổi.
5. Kỹ năng lãnh đạo
Kỹ năng lãnh đạo có phải chỉ áp dụng cho các nhà quản lý cấp điều hành trong công ty? Vị cố vấn điều hành của công ty tư vấn toàn cầu Gartner cho biết, có những bài học lãnh đạo hữu ích cho bất kỳ ai, ở bất kỳ cấp độ nào. Chúng bao gồm việc lập được những danh sách ưu tiên rõ ràng, theo thứ tự và không suy nghĩ kiểu nhị phân, cho rằng chỉ có hai lựa chọn trong một tình huống khó khăn.
Thêm vào đó, giáo sư Bill George của Trường Kinh doanh Harvard cho rằng, những người ở vai trò lãnh đạo cần mang mọi người đến với nhau bằng niềm đam mê, chung chí hướng để làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Nguồn: