Đây là lần thứ Ba Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) được sửa đổi với mục tiêu hài hòa với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia gần đây, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong quá trình xác lập, khai thác và thực thi quyền SHTT.

Việc trao quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý cho cộng đồng sẽ tạo điều kiện phát triển các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, đặc biệt là những chỉ dẫn địa lý nổi tiếng đã được bảo hộ tại nước ngoài như vải thiều Lục Ngạn. Nguồn: VBSP
Việc trao quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý cho cộng đồng sẽ tạo điều kiện phát triển các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, đặc biệt là những chỉ dẫn địa lý nổi tiếng đã được bảo hộ tại nước ngoài như vải thiều Lục Ngạn. Nguồn: VBSP

Nhu cầu sửa đổi trong bối cảnh mới

Bạn đang lên mạng, thấy một bài hát hay và nhấn “chia sẻ” với bạn bè, phần lớn trong số chúng ta thấy điều này hoàn toàn bình thường và hợp pháp. Tuy nhiên, đó chỉ là điều xảy ra trước khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA bởi theo quy định mới trong các hiệp định này, việc chia sẻ các tác phẩm trên internet là hành vi xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm khi chưa được sự cho phép của tác giả. Đây là điều “chúng ta dễ dàng vi phạm nếu không biết, đặc biệt trong môi trường số hiện nay, tất cả smartphone trong tay chúng ta đều có thể thực hiện điều này”, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch) nhận xét trong hội thảo “Tham vấn về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT” do Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 12/1.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều những thay đổi về SHTT mà các hiệp định mới mang lại. Mỗi hiệp định đều có một chương riêng về SHTT với nội dung phủ rộng tới mọi đối tượng từ sáng chế, nhãn hiệu, quyền tác giả, giống cây trồng,… Việc tuân thủ các quy định này là điều bắt buộc để chúng ta có thể hưởng lợi từ các hiệp định trên. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là những quy định về SHTT trong các hiệp định có phần “khắt khe” hơn và nhiều khác biệt so với các quy định hiện có của Việt Nam. Chẳng hạn, từ trước đến nay, chúng ta chỉ bảo hộ nhãn hiệu dưới dạng hình ảnh (nhìn thấy bằng mắt), tuy nhiên, hiệp định mới yêu cầu phải bổ sung thêm nhãn hiệu ở dạng âm thanh.

“Độ chênh” giữa các quy định về SHTT của Việt Nam với quốc tế, kết hợp với những tồn tại trong quá trình xác lập, bảo hộ và thực thi quyền SHTT ở Việt Nam hiện nay đã dẫn đến việc sửa đổi Luật SHTT lần thứ ba - cũng là lần sửa đổi lớn nhất kể từ khi ban hành năm 2005. “Lần này chúng ta sửa rất lớn, làm bài bản hơn. Mục tiêu thứ nhất là tạo điều kiện cho chúng ta tham gia các sân chơi chung trên thế giới với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, thứ hai là phát triển sức sáng tạo của quốc gia, tạo ra động lực phát triển cho xã hội”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đánh giá về dự án sửa đổi Luật SHTT trong hội thảo.


Sự khác biệt giữa các quy định về SHTT của Việt Nam với quốc tế, kết hợp với những tồn tại trong quá trình xác lập, bảo hộ và thực thi quyền SHTT ở Việt Nam hiện nay đã dẫn đến việc sửa đổi Luật SHTT lần thứ ba - cũng là lần sửa đổi lớn nhất kể từ khi ban hành năm 2005, với mục tiêu tạo điều kiện cho chúng ta tham gia các sân chơi chung trên thế giới với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP và phát triển sức sáng tạo của quốc gia, tạo ra động lực phát triển cho xã hội.

Ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN


Trao quyền nhiều hơn cho cộng đồng

Nhiều người lo ngại về việc thực hiện các cam kết về SHTT trong các hiệp định sẽ tạo rào cản cho các doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng Việt Nam, vốn đã quen với các quy định “thả lỏng” hơn. Tuy nhiên, việc cân bằng giữa các yêu cầu của hiệp định và lợi ích của các chủ thể quyền SHTT là điều đầu tiên mà ban soạn thảo tính đến. Do đó, dự thảo Luật SHTT lần này tập trung vào ba đối tượng chính của quyền SHTT: sở hữu công nghiệp (sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cạnh tranh không lành mạnh, thiết kế bố trí mạch tích hợp); quyền tác giả và quyền liên quan; quyền đối với giống cây trồng. Tuy nhiên, điểm khác biệt của lần sửa đổi được coi là “toàn diện nhất” là “chúng ta đã thể hiện tư duy rõ ràng hơn trong lần sửa đổi này, cụ thể là ngoài sửa đổi để tuân thủ cam kết quốc tế, sửa đổi lần này có khuynh hướng hướng tới nỗ lực tìm điểm cân bằng rõ ràng hơn trước giữa quyền độc quyền sở hữu trí tuệ với quyền tự do kinh doanh, quyền tiếp cận thông tin cũng như đảm bảo phù hợp với với đất nước chúng ta vốn vẫn là một nước đang phát triển”, theo luật sư Lê Quang Vinh ở Công ty sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự. Điều này đã thể hiện rõ qua bảy nhóm chính sách mà ban dự thảo đã đề cập đến trong hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật SHTT trình Quốc hội và đã được chấp thuận vào năm ngoái, trong đó có nhóm chính sách “đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng”. “Chúng ta vẫn thực hiện cam kết quốc tế nhưng cũng phải dần dần, nếu bảo hộ quá mạnh thì cũng không phải là điều thuận lợi cho sự phát triển của đất nước, làm sao để cân bằng ở cả trong nước và quốc tế, lợi ích của chủ sở hữu quyền và xã hội phải hài hòa với nhau”, ông Phạm Trọng Nghĩa ở Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội nhận xét. Trên cơ sở nguyên tắc này, dự thảo đã sửa đổi theo hướng bổ sung các quy định mới để đáp ứng với các hiệp định quốc tế, đồng thời làm rõ những tồn tại vướng mắc để tạo thuận lợi trong quá trình xác lập, bảo hộ và khai thác quyền SHTT.

Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất là nhà nước trao quyền nhiều hơn cho các chủ thể, giúp họ chủ động hơn trong việc khai thác tài sản trí tuệ. Chẳng hạn như theo dự thảo sửa đổi, chỉ dẫn địa lý sẽ thuộc về sở hữu cộng đồng. Trước đây, nhà nước sở hữu chỉ dẫn địa lý, giao cho tổ chức đại diện cho người có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý ở địa phương đó đứng ra đăng ký bảo hộ và quản lý. Tuy nhiên, điều này dẫn đến tình trạng “thụ động” trong việc xây dựng và sử dụng chỉ dẫn địa lý ở nhiều địa phương, thậm chí có nơi được cấp chỉ dẫn địa lý nhưng bỏ không sử dụng. “Xét về bản chất theo luật dân sự, tài sản chỉ dẫn địa lý hình thành nên bởi những người sản xuất và kinh doanh sản phẩm qua bao đời ở vùng địa lý đó nên hướng của luật sửa đổi là trả về sở hữu cộng đồng”, ông Nguyễn Văn Bảy, trưởng phòng Pháp chế và chính sách (Cục SHTT) cho biết. Kinh nghiệm cho thấy, những quốc gia có nhiều chỉ dẫn địa lý lâu đời, mang lại hiệu quả kinh tế cao như Pháp đều đi theo hướng này.

Tương tự với sáng chế xuất phát từ đề tài nghiên cứu do nhà nước cấp vốn, “trước đây cơ quan cấp vốn của nhà nước sẽ đứng ra đăng ký, điều này không tạo động lực cho cơ quan chủ trì như các viện nghiên cứu, trường đại học đăng ký bảo hộ để thuận tiện trong quá trình khai thác các tài sản trí tuệ này”, ông Nguyễn Văn Bảy nhận xét. Đây là một trong những vướng mắc phổ biến nhất trong quá trình thương mại hóa công nghệ của các viện trường. Để giải quyết vấn đề này, dự thảo sửa đổi cho phép đơn vị chủ trì nghiên cứu có quyền đứng ra đăng ký bảo hộ, nếu không thực hiện thì nhà nước sẽ giao cho người khác đăng ký. Tuy nhiên, đây vẫn là tài sản của nhà nước nên nếu chuyển nhượng thì phải xin phép cơ quan có thẩm quyền (cơ quan cấp vốn đầu tư nghiên cứu tạo ra sáng chế).

Giống cây trinh nữ hoàng cung của công ty Thiên Dược từng bị nhiều bên xâm phạm bản quyền. Nguồn: Thienduoc
Giống cây trinh nữ hoàng cung của công ty Thiên Dược từng bị nhiều bên xâm phạm bản quyền. Nguồn: Thienduoc

Việc sửa đổi luật theo các quy định về SHTT trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới liệu có “siết chặt” và gây khó khăn cho Việt Nam? Thực chất, chúng ta vẫn có thể tìm được “điểm cân bằng” giữa việc đáp ứng yêu cầu quốc tế và đảm bảo lợi ích cho các chủ thể quyền ở Việt Nam. Chẳng hạn, dự thảo luật sửa đổi bổ sung thêm đối tượng bảo hộ mới của giống cây trồng là “sản phẩm chế biến từ vật liệu thu hoạch của giống cây trồng”, bên cạnh hai đối tượng cũ là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch. Việc bổ sung quy định này không chỉ đáp ứng yêu cầu của hiệp định EVFTA mà còn giải quyết vấn đề bức xúc của nhiều công ty dược liệu Việt Nam hiện nay, “họ yêu cầu rất nhiều về vấn đề này”, ông Nguyễn Thanh Minh, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), thành viên ban soạn thảo cho biết. “Quy định này có thể hạn chế các hành vi nhân giống trái phép, sử dụng vật liệu ăn cắp để chế biến các sản phẩm, kể cả ở ngoài biên giới. Ví dụ như trường hợp của công ty Thiên Dược bảo hộ giống cây trinh nữ hoàng cung ở Việt Nam, để tránh vi phạm, các đối tượng thường mang sang nước khác sản xuất, chế biến xong mang thuốc về, nếu như trước đây, tác giả giống cây trồng sẽ không thể đòi được”.

“Điểm cân bằng” cũng thể hiện qua quy định về nhân giống cây trồng trong dự thảo. Ở Việt Nam, nông dân thường thu hoạch và tự nhân giống cho vụ mùa sau. Mặc dù điều này trái với công ước UPOV về bảo vệ quyền tác giả đối với giống cây trồng mà Việt Nam đã tham gia từ năm 2006 song nếu cấm triệt để sẽ gây khó khăn cho người nông dân, họ sẽ phải tốn một khoản chi phí đáng kể để mua hạt giống. Do vậy, trong lần sửa đổi Luật SHTT này, ban soạn thảo đã đề xuất “sửa đổi theo hướng vừa đảm bảo quyền của chủ sở hữu giống cây trồng, vừa đảm bảo lợi ích cho xã hội. Người dân có thể sử dụng sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng được bảo hộ để tự nhân giống và gieo trồng cho vụ sau trên diện tích đất của mình trong giới hạn hợp lý, áp dụng với cây được nhân giống từ hạt, với các cây trồng có khả năng nhân giống vô tính hoặc nấm thì không được phép”, bà Trần Thị Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt giải thích.

Cải thiện điểm yếu trong hệ thống luật SHTT

Những quy định về xác lập, bảo hộ và khai thác quyền SHTT chỉ có ý nghĩa khi đi kèm các biện pháp thực thi quyền SHTT hiệu quả. Tuy nhiên, đây cũng là điểm yếu trong hệ thống luật SHTT của Việt Nam từ nhiều năm nay. Các chuyên gia trong hội thảo cũng chỉ ra nguyên nhân là do phần lớn các trường hợp xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam được xử lý bằng biện pháp hành chính, mặc dù thủ tục đơn giản nhanh gọn song mức phạt không cao, dẫn đến kém hiệu quả trong trường hợp giá trị hàng hóa bị xâm phạm lớn. “Thực tế cho thấy tình trạng thiên về áp dụng biện pháp hành chính trong bảo vệ quyền SHTT là không phù hợp vì xâm phạm quyền SHTT là xâm phạm quyền dân sự. Việc lạm dụng biện pháp thực thi hành chính đã tạo ra gánh nặng không cần thiết cho ngân sách nhà nước do chi phí cho việc xử lý chủ yếu do nhà nước chịu, từ chi phí bộ máy, nhân lực, vật lực để tiến hành xử lý vi phạm cho đến chi phí vận chuyển, lưu giữ và tiêu hủy hàng hóa xâm phạm. Trong khi đó, nếu áp dụng biện pháp dân sự thì hầu hết các chi phí này do các bên tranh chấp phải chịu. Mặt khác, việc xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính không tạo ra vị thế cân bằng giữa nguyên đơn và bị đơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình như trong thủ tục tố tụng dân sự. Mặc dù pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã có những quy định bổ sung cơ hội giải trình của bên bị nghi ngờ xâm phạm nhưng họ vẫn chịu thiệt thòi hơn so với biện pháp dân sự”, theo phân tích trong dự thảo.

Trước thực tế này, dự thảo sửa đổi đã giới hạn số lượng hành vi xâm phạm quyền SHTT có thể áp dụng biện pháp hành chính ít hơn, nhằm chuyển hướng áp dụng biện pháp dân sự. “Các nước trên thế giới chủ yếu áp dụng biện pháp dân sự và hình sự để xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam mới tham gia gần đây cũng yêu cầu cam kết về hai biện pháp thực thi quyền này”, ông Nguyễn Văn Bảy cho biết.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi này là một quãng đường dài. Nhiều người e ngại rằng hệ thống tòa án chưa đủ năng lực để thực thi biện pháp dân sự trong xử phạt xâm phạm quyền SHTT song theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT, đây là điều bắt buộc phải làm vì “nếu không tất cả sẽ chỉ mong đợi vào hệ thống thực thi hành chính. Chúng ta sẽ không làm gì quá đột ngột nhưng định hướng của chúng ta là phát triển hệ thống tư pháp, điều này cũng phù hợp với chiến lược SHTT. Khi hệ thống tư pháp phát triển, chúng ta không chỉ giải quyết được vấn đề thực thi hành chính mà còn rất nhiều vấn đề khác liên quan đến quyền SHTT cũng có thể giải quyết được”.