Những nỗ lực rời rạcKhi nhắc đến bạo lực dựa trên cơ sở giới (hay bạo lực giới), chúng ta thường hình dung đến hình ảnh người chồng đang “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ của mình. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu khi những câu chuyện về bạo lực gia đình vẫn thường xuyên xuất hiện trên báo và là tình trạng phổ biến trong đời sống xung quanh ta.
Tuy nhiên, khái niệm “bạo lực giới” thực chất có phạm vi rộng hơn so với bạo lực gia đình và thể hiện ở nhiều hình thức, như bạo lực tình dục, cưỡng hiếp, buôn bán phụ nữ, quấy rối tình dục tại trường học và nơi làm việc, hay tư tưởng trọng nam khinh nữ thể hiện qua các thực hành phá thai nhằm lựa chọn giới tính thai nhi. Mặc dù cả đàn ông và trẻ em trai cũng bị ảnh hưởng, nhưng phụ nữ và trẻ em gái thường phải chịu tác động nặng nề hơn do bạo lực giới gây ra.
Cùng với những cam kết quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới (2006), sau đó là Luật Phòng chống Bạo lực gia đình vào năm 2007 - đánh dấu những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng khung pháp lý giải quyết vấn đề bạo lực giới tại Việt Nam. Tuy nhiên, tính chất của bạo lực giới rất phức tạp và chồng chéo nhiều hình thức bạo lực khác nhau, nhưng nhìn chung khung luật pháp và chính sách liên quan “có xu hướng bỏ qua mối liên hệ giữa các hình thức bạo lực giới và xem xét từng hình thức này một cách độc lập, trong đó các chương trình và can thiệp chỉ tập trung giải quyết một hình thức bạo lực nào đó và các bộ, ngành khác nhau được giao nhiệm vụ giải quyết các hình thức bạo lực khác nhau”, theo
tài liệu thảo luận của Liên Hợp Quốc “Từ bạo lực gia đình đến bạo lực giới tại Việt Nam: Mối liên hệ giữa các hình thức bạo lực”. Chẳng hạn, vấn đề bạo lực gia đình thuộc trách nhiệm của Bộ VHTT&DL, buôn bán người thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, tảo hôn thuộc trách nhiệm của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, còn bình đẳng giới hay các hành vi bạo lực giới thuộc trách nhiệm của Bộ LĐTB&XH.
Trong trường hợp có nhiều bên liên quan cùng xử lý một vấn đề, các bên đáng lẽ nên có sự phối hợp để cùng xử lý các trường hợp bạo lực giới. Song theo
ấn phẩm “Tóm tắt khuyến nghị chính sách: các đề xuất sửa đổi Luật Bình đẳng giới từ góc độ bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại” vừa được Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) công bố vào tháng 3/2024, cơ chế phối hợp liên ngành còn yếu, “các hình thức bạo lực giới khác nhau được ghi nhận, tiếp cận và xử lý một cách rời rạc, làm hạn chế cách tiếp cận toàn diện trong công tác phòng ngừa bạo lực giới”.
Các
Báo cáo rà soát 10 năm và 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới do cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới là Bộ LĐTB&XH thực hiện thậm chí cũng thừa nhận có sự chồng chéo trong vấn đề quản lý, khi cả Bộ LĐTB&XH và Bộ VHTT&DL đều được giao trách nhiệm liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Sự chồng chéo này có thể dẫn đến bất cập trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực. Mặc dù Bộ VHTT&DL được giao trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về bạo lực gia đình, nhưng các tổ chức xã hội cho biết hầu hết các cá nhân, người dân được hưởng quyền coi Bộ LĐTB&XH là cơ quan chịu trách nhiệm.
Đây là điều cần phải khắc phục trước mắt, bởi các các sáng kiến phòng chống bạo lực giới đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan. UNFPA cho rằng một cách tiếp cận nhất quán, có sự phối hợp của các bên trong việc báo cáo dữ liệu thống kê, xây dựng cơ chế chuyển gửi, hướng dẫn, xây dựng chính sách nhằm thay đổi chuẩn mực xã hội sẽ nâng cao hiệu quả phòng, chống bạo lực giới cũng như hiệu quả thực hiện các biện pháp và dịch vụ bảo vệ người bị bạo lực và các biện pháp ứng phó với người gây bạo lực. Điều này sẽ không bao giờ thực hiện được nếu các đơn vị không bắt tay nhau cùng thực hiện.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về bạo lực giớiMột hệ quả có thể nhìn thấy trước mắt trong bối cảnh các nỗ lực phòng chống bạo lực giới tại Việt Nam vẫn còn phân mảnh, đó là hiện tại Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia toàn diện về bạo lực giới tập hợp dữ liệu thống kê tập trung từ các bộ - bao gồm dữ liệu về bạo lực gia đình từ Bộ VHTT&DL, dữ liệu bạo lực giới từ Bộ LĐTB&XH, dữ liệu hình sự từ cơ quan công an (Bộ Công an) và thông tin từ Bộ Y tế. Tại Việt Nam, có gần 50 cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho những người bị bạo lực giới, tuy nhiên dữ liệu thống kê về các vụ việc vẫn chưa hoàn thiện.
Hệ thống báo cáo và thống kê liên cơ quan sẽ đóng vai trò quan trọng đối với cả nỗ lực phòng ngừa và bảo vệ. Các số liệu thống kê chính xác và được cập nhật thường xuyên là cơ sở quan trọng hỗ trợ quá trình ra quyết định dựa trên bằng chứng.
Điều này đã được nhấn mạnh trong Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) - mà Việt Nam hiện là quốc gia thành viên. Khuyến nghị chung số 35 của CEDAW khuyến nghị các quốc gia thành viên, “thiết lập một hệ thống thường xuyên thu thập, phân tích và công bố dữ liệu thống kê về số lượng khiếu nại về tất cả các hình thức bạo lực giới đối với phụ nữ, bao gồm cả bạo lực được hỗ trợ bởi công nghệ, số lượng và các loại biện pháp bảo vệ được ban hành, tỷ lệ bác bỏ, rút đơn khiếu nại, truy tố, kết án và thời gian giải quyết vụ án.” Trong quá trình xây dựng một hệ thống như vậy, tất cả các dữ liệu cần được phân tách theo hình thức bạo lực, giới tính của người bị bạo lực, mối quan hệ giữa người bị bạo lực và người gây bạo lực, và các đặc điểm nhân khẩu xã hội liên quan khác, bao gồm cả độ tuổi của người bị bạo lực. Dữ liệu này sẽ cho phép chính phủ xây dựng các chính sách và dịch vụ để phòng ngừa và bảo vệ.
Đó là điều mà Canada đã làm được từ năm 2017, trong quá trình xây dựng Chiến lược ứng phó bạo lực giới. Để thực hiện chiến lược này, Trung tâm kiến thức về bạo lực giới đã triển khai một nền tảng trực tuyến - nơi tập hợp các bằng chứng và nguồn lực nghiên cứu như dữ liệu, bằng chứng và các sáng kiến liên bang hiện có liên quan đến bạo lực giới, nhằm tạo điều kiện để triển khai các phương án ứng phó dựa trên bằng chứng.
Với Việt Nam, trong quá trình sửa đổi Luật Bình đẳng giới sắp tới, các chuyên gia UNFPA khuyến nghị rằng các nhà hoạch định chính sách cần phân công trách nhiệm để đảm bảo bảo mật dữ liệu về các trường hợp bạo lực giới và các thực hành có hại cụ thể sẽ được tích hợp vào hệ thống thống kê liên cơ quan đã được chuẩn hóa. Hệ thống thống kê này có thể được Tổng cục Thống kê điều phối theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Mắt xích kết nối các bênSự phối hợp rời rạc giữa các đơn vị không chỉ liên quan đến vấn đề dữ liệu thống kê, mà còn khiến các nạn nhân của bạo lực giới hoang mang khi cần tìm kiếm sự giúp đỡ. Một người phụ nữ bị chồng bạo hành sẽ không biết nên đến công an xã, đến ủy ban nhân dân xã hay trạm y tế để trình báo. Và bản thân các cán bộ tiếp xúc đầu tiên với nạn nhân - nếu chưa được đào tạo bài bản về vấn đề bạo lực giới - cũng sẽ mất thời gian để liên hệ với những đầu mối để có các phương án hỗ trợ. Liệu có một phương án nào khả dĩ giúp kết nối các bên liên quan không?
Năm 2022, chị Nguyễn Thị H. ở huyện Đông Sơn bị chồng siết cổ, phải chạy ra đường cầu cứu, và chị quyết định gọi điện đến tổng đài Ngôi nhà Ánh Dương để được hỗ trợ. Ngay sau đó, các nhân viên công tác xã hội tại Ngôi nhà Ánh Dương đã gọi điện đến công an xã can thiệp giúp chị và các con thoát khỏi hành vi bạo lực của chồng. Kế đó, họ tiếp tục kết nối tới hội phụ nữ và các đoàn thể có liên quan can thiệp bố trí nơi ở an toàn cho mẹ con chị. Về lâu dài, mẹ con chị H. đã được hướng dẫn lên Ngôi nhà Ánh Dương tạm lánh, tại đây đã bố trí vật dụng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và ăn uống, hỗ trợ tư vấn ổn định tâm lý, thăm khám sức khỏe ban đầu cho ba mẹ con chị1.
Ngôi nhà Ánh Dương trong câu chuyện trên là một mô hình thí điểm thuộc dự án phối hợp giữa Chính phủ Việt Nam với UNFPA và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) nhằm hỗ trợ những người bị bạo lực giới. Bên cạnh các nhiệm vụ cung cấp dịch vụ tư vấn và truyền thông, cung cấp dịch vụ chăm sóc khẩn cấp và nơi tạm lánh cho nạn nhân bị bạo lực giới, nơi đây có thể xem là một mắt xích ở giữa, giúp kết nối các cơ quan công an, tư pháp, y tế, Bộ LĐTB&XH hoặc cán bộ cấp tỉnh, huyện và xã để hỗ trợ nạn nhân.
Những dự án thí điểm giúp phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới như Ngôi nhà Ánh Dương sẽ giúp chuyển gửi người bị bạo lực tới các đơn vị cung cấp dịch vụ công an, y tế, xã hội và tư pháp. Mô hình này hiện đã được triển khai tại Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng và TP.HCM.
Tuy nhiên, cần lưu ý mô hình này sẽ là bước khởi đầu để các cơ quan phụ trách về bạo lực giới tại Việt Nam cùng tham gia hỗ trợ người bị hại thông qua một đầu mối cụ thể, chứ không phải là phương án vạn năng giúp phối hợp các bên. Thời gian tới, Việt Nam sẽ cần xác định cơ chế phối hợp liên cơ quan để xây dựng các chính sách và quy trình phối hợp nhằm phòng ngừa, bảo vệ đối với bạo lực giới và các thực hành có hại cũng như ứng phó với người gây bạo lực. Theo UNFPA, cơ chế này cần được giám sát bởi một cơ quan, chẳng hạn như Bộ LĐTB&XH.
Cũng thông qua Ngôi nhà Ánh Dương, các chuyên gia có thể nhận thấy những nhược điểm có thể khắc phục, để về sau những mô hình hỗ trợ khác sẽ tiếp tục được triển khai. Trong quá trình thí điểm mô hình này, các chuyên gia UNFPA cho biết họ nhận thấy các cán bộ phụ trách hoặc tiếp xúc với người bị bạo lực giới vẫn chưa được tập huấn đầy đủ để nâng cao năng lực về tính nhạy cảm giới, và nhạy cảm với người bị bạo lực. Chẳng hạn, công an, nhân viên trợ giúp pháp lý, y tế và cán bộ công tác xã hội cần được tập huấn chuyên môn để có thể giảm áp lực, căng thẳng cho người bị bạo lực và chuẩn bị các kế hoạch phòng ngừa vì sự an toàn và an ninh của họ.
Đây là điều quan trọng, khi sắp tới UNFPA dự định sẽ mở thêm bốn Ngôi nhà Ánh Dương nữa tại Việt Nam. “Tôi vừa có chuyến công tác tại Trung tâm dịch vụ một cửa ở tỉnh Thanh Hóa và cùng với Bộ LĐTB&XH đi tìm hiểu khả năng mở thêm Ngôi nhà Ánh Dương [...] Tôi được biết nhu cầu mong muốn được hỗ trợ là rất cao”, ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, chia sẻ trong một hội nghị. “Mọi người đều có quyền sống một cuộc sống được tôn trọng và không có bạo lực, và với mọi nỗ lực chung tay của chúng ta, chúng ta có thể biến điều này thành hiện thực”.
-----
(1) http://baovanhoa.vn/gia-%C4%91inh/artmid/424/articleid/54922/tinh-nguoi-trong-ngoi-nha-anh-duong