Trong cuộc họp “Đổi mới cơ chế quản lý, xử lý tài sản hình thành từ việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước”, do Bộ KH&CN và Bộ Tài chính tổ chức vào ngày 24/12/2023, rất nhiều ý kiến được đưa ra từ rất nhiều góc nhìn khác nhau - nhà quản lý tài chính, nhà quản lý khoa học, chủ nhiệm các chương trình KH&CN cấp nhà nước, nhà khoa học, giảng viên các trường đại học… Mặc dù có những sai khác từ quan điểm của mình nhưng tựu trung lại, hầu như các ý kiến đều gặp nhau ở một điểm: cần phải sửa đổi để tháo dỡ những rào cản tồn tại trong vòng năm năm qua, vốn là nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng nghẽn mạch chuyển giao kết quả nghiên cứu và công nghệ từ phòng thí nghiệm ra đến thực tiễn.
Quan điểm của ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) như một xác quyết về mục tiêu sửa đổi, đó là cần kiểm soát được sản phẩm hay kết quả đầu ra của đề tài, nhiệm vụ KH&CN để phục vụ xã hội và quay lại phục vụ quản lý nhà nước, phát triển kinh tế xã hội chứ không thể “thả” một sản phẩm vào xã hội để rồi sản phẩm đó “muốn đi đâu thì đi được; phải có kiểm soát”. Theo ông, có hai yếu tố quan trọng để xem xét, cân nhắc là theo cơ chế thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng có một điểm chắc chắn “Nghị định không thể vượt qua được Luật Tài sản công”.
Quyết tâm ấy của các nhà quản lý có gặp mong muốn của các nhà khoa học?
Từ điểm xuất phát Hầu hết các từ khóa quan trọng trong ý kiến của các nhà khoa học nêu lên tại phiên họp ngày 23/12/2023 đều rất quen thuộc, từng xuất hiện trên các bàn hội nghị từ cấp Trung ương đến địa phương như “kết quả nghiên cứu, công nghệ”, “thương mại hóa công nghệ”, “chấp nhận rủi ro”, “nhà nước tài trợ”, “đổi mới cơ chế chính sách tài trợ”, “định giá công nghệ”, “tài sản tri thức”, “kinh tế tri thức” … Trong khi đó, các từ khóa từ ý kiến các nhà quản lý là “tài sản hình thành từ thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước”, “vốn nhà nước”, “tài sản công”, “cơ chế quản lý tài sản hình thành sau thực hiện đề tài KH&CN”, “rủi ro xử lý tài sản”, “thất thoát tài sản nhà nước”, “định giá tài sản”…
Dường như có một cảm nhận rằng, các nhà khoa học và các nhà quản lý đang hướng đến những chủ đề hoàn toàn khác nhau. Trên thực tế thì họ cùng đề cập đến cùng một chủ đề và hướng đến giải quyết cùng một vấn đề: chúng ta ứng xử như thế nào với những sản phẩm là kết quả của các đề tài KH&CN do nhà nước tài trợ kinh phí? Tuy nhiên, có thể thấy tồn tại sự khác biệt về cách tiếp cận của hai bên: nhà khoa học chỉ thấy nguyên vật liệu, vật tư hóa chất và sức lao động hình thành kết quả dạng bài báo hoặc sản phẩm mẫu thử còn nhà quản lý tài chính chỉ thấy đường đi của kinh phí từ ngân sách nhà nước đến nhà khoa học và cuối cùng kết lại ở tài sản công.
Do đó, nếu bên này là “kết quả nghiên cứu” thì bên kia là “tài sản hình thành từ thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước”; bên này là “tài sản tri thức” thì bên kia là “tài sản công”; bên này là “chấp nhận rủi ro” thì bên kia là “thất thoát tài sản nhà nước”; bên này mong muốn “đổi mới cơ chế chính sách tài trợ” thì bên kia lại muốn giữ vững “cơ chế quản lý tài sản hình thành sau thực hiện đề tài KH&CN” …
“Định giá là một việc khó và nhiều khi không thể định giá được bởi một số nguyên nhân: Thứ nhất, các kết quả nghiên cứu hình thành sau khi thực hiện đề tài KH&CN đều có nhiều know-how, kể cả kết quả nghiên cứu khoa học bị đánh giá không đạt vẫn cung cấp được cơ sở để cho những đề tài nghiên cứu khác kế thừa, sử dụng; thứ hai kết quả đó có những giá trị theo hai mức độ: 1) tác động trực tiếp vào sản xuất; 2) phục vụ cho các đề xuất giải pháp mang tính chiến lược và quy hoạch, dự báo lâu dài; thứ ba là nó có những giá trị khác biệt, đầu tư cho KH&CN không thể đánh đồng với đầu tư khác và việc làm tăng giá trị KH&CN cho nông nghiệp phải mất thời gian từ 20 đến 30 năm”. GS. Nguyễn Đình Hòa, Viện trưởng Viện KH&CN Thủy lợi Việt Nam
|
Do có sự khác biệt trong cách nhìn cùng một vấn đề nên việc cùng nhau sửa đổi một văn bản quy phạm pháp luật quy định các quy tắc ứng xử đối với một thứ sản phẩm quan trọng, liên quan đến các bên là nhà nước, nhà khoa học/viện nghiên cứu, doanh nghiệp, thật không dễ dàng. Không riêng gì cấp Trung ương mà ở địa phương cũng xảy ra câu chuyện tương tự. Trong cuộc họp mới đây ở Bộ KH&CN, đại diện Sở KH&CN Quảng Ngãi cũng thẳng thắn chia sẻ về vấn đề xử lý tài sản hình thành sau nhiệm vụ KH&CN ở địa phương: khi kết thúc quá trình triển khai các đề tài, dự án KH&CN đều có kết quả nhưng không phải cứ kết quả nghiên cứu đều là tài sản và định giá được, do vậy cần phân biệt rạch ròi hai khái niệm này. Theo ông, việc chúng ta coi mọi kết quả của đề tài KH&CN từ kinh phí nhà nước là “tài sản công” khiến việc chuyển giao nó cho doanh nghiệp ở địa phương trở nên “vướng mắc và rủi ro” cho Sở.
Việc coi các kết quả nghiên cứu và công nghệ từ nhiệm vụ KH&CN là tài sản công còn dẫn đến một vấn đề quan trọng khác, đó là việc vô cùng khó định giá tài sản công. “Nếu công nghệ thuộc quyền sở hữu của nhà nước thì không ai dám bán cả. Nhà nước bỏ tiền ra, chủ sở hữu là nhà nước, ông nào dám bán cho doanh nghiệp? ông không bán tài sản công được”, một nhà quản lý khoa học kỳ cựu nhận xét. Thêm một điểm khó ở đây là “để bán được thì bán cái giá nào? Nếu anh muốn bán, anh phải định giá. Nếu định giá công nghệ quá cao thì không ai mua còn nếu định giá quá thấp thì có nguy cơ làm thất thoát tài sản nhà nước”, ông phân tích.
Trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội cũng trích dẫn ý kiến của Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy tại cuộc làm việc vào tháng 7/2022 với Tổ công tác Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”: việc xác định giá trị của tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN rất khó khăn. Bởi lẽ, nếu xác định giá trị tài sản dựa trên kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ KH&CN thì giá trị tài sản đã không đúng giá trị thực vì khi đó tài sản đã được bổ sung “tài sản tri thức”, “know-how”… Mặt khác, từ kết quả nghiên cứu ra đến công nghệ phải trải qua rất nhiều bước khác nhau, nhiều công đoạn phát triển khác nhau nên nhiều trường hợp thật khó định rõ được đầu tư bao nhiêu là đủ để có thể dẫn đến kết quả cuối cùng.
Do có sự khác biệt trong cách nhìn cùng một vấn đề của các nhà quản lý và nhà khoa học trong việc xử lý tài sản hình thành sau đề tài nhà nước tài trợ nên việc cùng nhau sửa đổi một văn bản quy phạm pháp luật quy định các quy tắc ứng xử đối với một thứ sản phẩm quan trọng, liên quan đến các bên là nhà nước, nhà khoa học/viện nghiên cứu, doanh nghiệp, thật không dễ dàng.
|
Không chỉ các nhà quản lý cảm thấy bối rối mà từ góc độ nhà khoa học, PGS.TS. Trần Quốc Bình, Hiệu phó trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) cũng nhận định “Khó định giá tài sản KH&CN, ở đây tôi muốn nói đến tài sản hình thành sau dự án. Nó là cái mới, vậy là cái mới thì nó định giá như thế nào? Có định giá được không? vì nếu định giá được thì nó không còn là cái mới nữa. Chúng ta so sánh nó với cái gì để định giá?”.
Sự ấn định khái niệm tài sản công cho các kết quả nghiên cứu KH&CN trở thành điểm xoáy cuốn các nhà quản lý và nhà khoa học luẩn quẩn ở một chỗ, không vượt thoát ra được. PGS.TS Phí Quyết Tiến, Viện phó Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) chia sẻ câu chuyện của viện: các tài sản được định giá theo Thông tư 10/2019/TT-BTC (thông tư hướng dẫn việc xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước, có thể toàn bộ hoặc một phần ngân sách, nhằm thực hiện giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản) là theo hướng cộng dồn, nghĩa là coi quy mọi khoản kinh phí chúng ta được đầu tư cho đề tài, bao gồm khoản chi cho nguyên vật liệu, nhân công, vật tư hóa chất, là giá trị của sản phẩm rồi cộng nó vào tổng tài sản công của đơn vị thực hiện. Đó là lý do mà anh cho rằng, “chúng tôi thấy vướng mắc là tài sản công hình thành tăng lên nhanh, nếu theo cơ chế hiện nay”. Thật không khó để thấy “giả sử có đề tài 10 tỷ, thậm chí có hai đề tài là 20 tỉ, thì năm sau tài sản công của đơn vị tăng lên rất nhiều. Tất nhiên đây là phương án an toàn nhưng trên thực tế nó khiến cho tổng tài sản công của một đơn vị nghiên cứu trở nên lớn, đặc biệt quá lớn đối với những đơn vị quy mô nhỏ”, anh phân tích.
Để tránh việc coi kết quả là tài sản công, nhà khoa học phải tìm cách lách. PGS.TS Phí Quyết Tiến ví von việc làm đề tài KH&CN có tiềm năng hình thành công nghệ giống như nghiên cứu về con lợn, các nhà khoa học buộc phải lách bằng việc đề xuất nhà nước tài trợ thức ăn chăn nuôi và coi đó là vật tư tiêu hao, còn mình mua con giống để dễ bề xử lý kết quả cuối cùng bởi theo thời gian, con lợn lớn lên cũng trở thành một dạng tài sản.
Với các trường, viện, việc coi kết quả nghiên cứu là tài sản công và cộng dồn vào tài sản của đơn vị chủ trì đề tài KH&CN còn liên quan đến Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Giáo sư Huỳnh Trung Hải, Hiệu trưởng Trường Vật liệu (ĐH Bách khoa HN) nhận xét “Nếu dựa trên cơ sở định giá và trở thành tài sản của cơ quan chủ trì thì chắc là tài sản của các đơn vị trên địa bàn thủ đô Hà Nội rất lớn vì có nhiều đề tài đầu tư từ ngân sách nhà nước, năm nào cũng cộng vô. Có cách nào đó khi chưa chuyển giao được thì chưa là tài sản, nó nằm ở cái ô nào đó chứ còn định giá như vậy thì như ĐH Bách khoa sẽ có rất nhiều tiền mà thực tế không phải như vậy”.
Vì vậy, để giải quyết khúc mắc, nếu đại diện Sở KH&CN Quảng Ngãi đề xuất nên tách bạch và rạch ròi kết quả với tài sản thì PGS. TS Phí Quyết Tiến cho rằng “khi chưa chuyển giao, kết quả nghiên cứu ấy mới chỉ là sản phẩm có tiềm năng thôi, còn khi chuyển giao, qua bước định giá, thương thảo thì nó mới trở thành tài sản được”.
Sự khác biệt từ góc nhìn đối với các khái niệm cơ bản của Nghị định 70 khiến cho câu chuyện trở nên vô cùng khó giải quyết. PGS.TS Trần Quốc Bình cho rằng, “tôi không nắm được tổng giá trị chuyển giao từ các đề tài cấp nhà nước trên phạm vi cả nước là bao nhiêu nhưng dưới góc độ của nhà trường – dù là một nơi thiên về khoa học cơ bản, vấn đề xử lý tài sản hình thành sau nhiệm vụ KH&CN không nhiều và thường xuyên như những đơn vị khác nhưng cũng có vướng mắc - tôi cảm thấy hiện nay chúng ta đang rất vướng mắc ở hai từ khóa ‘thất thoát’ và ‘định giá’ tài sản công. Hai từ khóa này nó bị ràng buộc lấy nhau và trói nhau. Câu chuyện nó cứ xoay vòng theo định giá rồi thất thoát và cuối cùng thì thất thoát nhiều hơn là được”.
Làm gì để tháo gỡ? Những vướng mắc từ việc thi hành Nghị định 70 khiến nhiều diễn đàn, hội thảo có liên quan đề chuyển giao công nghệ đều sôi lên sùng sục với nhiều ý kiến phản ánh và đề xuất giải quyết. Nhưng cách nào hợp lý? Cách nào để “các nhà” có thể xử lý thấu đáo vấn đề tồn tại mà không tạo ra một khúc mắc mới?
Đây là những câu hỏi đầy thách thức. Bởi lẽ, khó có thể có được giải pháp nào dung hòa được mọi yếu tố, một giải pháp đúng cho tất cả (one size fits all). Nếu sửa đổi Nghị định 70 theo thông lệ quốc tế như mong muốn của các nhà khoa học thì liệu văn bản pháp lý mới có tương thích với các quy định hiện hành ở Việt Nam không? Nếu sửa đổi Nghị định theo hướng “ăn chắc mặc bền”, kiểm soát một cách chặt chẽ như quan điểm của các nhà quản lý thì có không gian để cho khoa học đổi mới sáng tạo không? Sự lựa chọn nào cũng dẫn đến những “mất mát” mới, hay nói đúng hơn là không thể dung hòa được các mâu thuẫn lợi ích của các bên liên quan. Ở vị trí một nhà quản lý giàu kinh nghiệm, ông Nguyễn Phú Bình, Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng Chương trình Quốc gia (Bộ KH&CN) nêu “Tôi rất chia sẻ với mọi người về Nghị định này, nó rất luẩn quẩn bởi xử lý tài sản luôn là vấn đề rất khó khăn. Không phải người làm ra luật kém đến mức tạo ra các quy định không triển khai được mà ở đây là vướng luật, thứ nhất là Luật Quản lý tài sản công, thứ hai là Luật Ngân sách, thứ ba Luật Kiểm toán, thứ tư là Luật KH&CN. Làm gì thì làm, thông tư nghị định phải theo luật. Cái này chưa gỡ được bởi nếu tất cả chúng ta muốn thay đổi cả hệ thống luật thì sẽ phải chờ rất lâu”.
“Khi định giá chuyển giao, chúng tôi căn cứ vào Thông tư 10/2019/TT-BTC với bốn điều hướng dẫn bốn phương pháp xác định giá là điều 7 (phương pháp xác định giá trị tài sản dựa trên kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ KH&CN), điều 8 (các phương pháp xác định giá trị tài sản theo cách tiếp cận từ chi phí), điều 9 (các phương pháp xác định giá trị tài sản theo cách tiếp cận từ thị trường) và điều 10 (các phương pháp xác định giá trị tài sản theo cách tiếp cận từ thu nhập), nghĩa là từng cách tiếp cận khác nhau để ra giá nhưng rất vướng. Ví dụ điều 7 tưởng là đơn giản nhất nhưng lại không phản ánh được giá trị tài sản, điều 8 hay điều 9 cũng thế. Chúng ta chưa có thị trường KH&CN đầy đủ nên chưa thể giải quyết được bài toán định giá”. PGS. TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện VKIST (Bộ KH&CN)
|
Sự vướng luật trong việc áp dụng Nghị định 70 là điều mà các nhà khoa học cảm thấy ngấm nhất. PGS. TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện VKIST (Bộ KH&CN) thử đề xuất giải pháp “Tôi muốn chúng ta định nghĩa sản phẩm công nghệ là hàng hóa và nếu xây dựng được giá cơ sở thì chúng ta có thể chuyển giao. Có thể có đề tài chúng ta đầu tư 1 tỉ nhưng sau công nghệ có thể chỉ có giá 200 triệu đồng thôi, người ta vẫn chấp nhận vì tồn tại tính rủi ro của công nghệ trong đó”.
Tuy nhiên, do vướng luật nên ông cũng nhận thấy không thể giải quyết được triệt để điều khúc mắc. “Tôi có xem qua một số vấn đề mà tôi thấy tương đối vướng. Với việc xác định giá thì chúng ta phải căn cứ theo luật nào? Nếu xác định tài sản hình thành theo hướng công nghệ là hàng hóa chứ không phải tài sản công thì chịu điều chỉnh theo luật nào?”. Đặt câu hỏi như vậy, ông dẫn giải vấn đề khi đặt việc xác định giá theo những khung pháp lý khác nhau như Luật Thương mại (điều 3 khoản 1), Bộ Luật dân sự (điều 431) và Luật Giá (điều 3 khoản 2) “Hiện nay, tôi đang nhìn nhận là giá hàng hóa, dưới góc độ pháp lý thì có Luật Thương mại nhưng ở đây nội dung hướng dẫn về các loại sản phẩm hàng hóa lại không liên quan đến tài sản vô hình. Nếu chúng ta xác định sản phẩm là hàng hóa thì lúc đó căn cứ theo Luật Giá thì lúc đó rất dễ định giá”.
Trong lúc các nhà quản lý còn đang vật lộn với các vấn đề cần sửa đổi của Nghị định 70 thì nỗi đau khổ của các nhà khoa học vẫn tiếp tục. “Cách đây hơn một tháng, tôi có tham gia một hội đồng thẩm định một loạt đề tài cấp bộ mà 70% thời gian là để trao đổi, thảo luận làm thế nào né được cái chuyện thẩm tra tài sản hình thành sau khi hoàn thành đề tài chứ không phải trao đổi về mặt chuyên môn”, PGS.TS. Trần Quốc Bình nói.
Không lẽ mọi việc sẽ vẫn ở thế bế tắc? Thực tế cho thấy vẫn có “ánh sáng cuối đường hầm”, khi các nhà khoa học nêu các đề xuất và giải pháp đã được áp dụng thành công ở nhiều nền KH&CN lớn.
(Còn tiếp)