Qua khảo sát 3.000 người dân Mỹ cho thấy, mặc dù trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump đã có nhiều quyết sách ảnh hưởng tới khoa học, nhưng không phá vỡ được niềm tin của người dân đối với khoa học.

Tổng thống Donald Trump và người mà ông vẫn chỉ trích: Anthony Fauci (bìa trái), người đứng đầu Viện Y tế Quốc gia Mỹ trong một sự kiện năm 2020. Ảnh: Getty
Tổng thống Donald Trump và người mà ông vẫn chỉ trích: Anthony Fauci (bìa trái), người đứng đầu Viện Y tế Quốc gia Mỹ trong một sự kiện năm 2020. Ảnh: Getty

Một nghiên cứu mới đây, phân tích thái độ của công chúng đối với khoa học và công nghệ ở Mỹ, cho thấy, niềm tin với chuyên môn khoa học và công nghệ ở nước này tương đối ổn định trong sáu thập kỷ qua. Tuy nhiên, niềm tin đó đã bị phân cực dưới nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump.

Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Donald Trump nhiều lần phát ngôn, đưa ra các quyết định và chính sách gây tổn hại cho khoa học và sức khỏe cộng đồng, như coi thường các hành động về biến đổi khí hậu, coi thường và quyết định thiếu căn cứ khoa học trong ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng như nhiều lần yêu cầu cắt giảm ngân sách cho khoa học. Chẳng hạn, trong thời kỳ dịch COVID - 19 đang hoành hành gây hậu quả nghiêm trọng tại Mỹ, Donald Trump và chính quyền của ông đã liên tục tấn công và tìm cách làm suy yếu niềm tin của công chúng vào các tổ chức khoa học và y tế Mỹ, tiêu biểu là Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).

Nhà khoa học chính trị Jon Miller của Đại học Michigan, tác giả chính của bài báo, đăng trên tờ Science and Public Policy, cho biết ông đã thu thập câu trả lời của gần 3000 người ở Mỹ được vào cuối năm 2016, ngay trước khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức và một lần nữa vào cuối năm 2020, gần một năm sau đại dịch COVID-19, khi nhiệm kỳ của Donald Trump sắp kết thúc. Qua đó phát hiện ra rằng tỷ lệ người dân không có quan điểm chắc chắn về việc liệu có tin vào thông tin từ các nhà khoa học và cơ quan khoa học hay không, đã giảm mạnh từ mức 75% vào năm 2016 xuống còn 29% vào năm 2020. Như vậy, những người có thái độ và niềm tin không rõ ràng về khoa học đã chuyển hẳn sang thái độ tin hoặc không tin, một cách dứt khoát hơn.

Điều đáng mừng là, sau nhiệm kỳ của ông Trump, sự ủng hộ của công chúng đối với khoa học tăng lên. Vào lần khảo sát lại năm 2020, tỉ lệ người trả lời cho biết họ đánh giá cao hoặc rất cao về khoa học đã tăng từ 22% lên 57%. Trong khi đó, tỉ lệ người trả lời rằng mình có sự tin tưởng ở mức thấp hoặc rất thấp vào chuyên môn khoa học có tăng, từ 2% lên 13%, nhưng vẫn ở mức thấp so với hai nhóm còn lại.

Sự thay đổi thái độ và niềm tin với khoa học có ở bất kể người trả lời thuộc đảng phái chính trị nào. Quan điểm của những người trả lời thuộc Đảng Cộng hòa bảo thủ đã bị phân cực rõ ràng hơn: mức độ thiếu tin cậy vào khoa học tăng lên nhiều, với 24% người trả lời tin cậy (tăng 20 điểm so với trước); nhưng ngược lại, tỉ lệ người trả lời bày tỏ sự tin tưởng ở mức cao và rất cao vào khoa học cũng tăng lên 37% (tăng 21 điểm so với trước).

Những người trả lời thuộc Đảng Dân chủ tự do cho thấy sự tin cậy vào khoa học nhiều hơn sau bốn năm. Năm 2016, chỉ 42% những người được khảo sát bày tỏ niềm tin cao hoặc rất cao vào khoa học, nhưng đến cuối năm 2020, khi nhiệm kỳ của Trump kết thúc, con số này đã tăng lên gần 87%. Vẫn còn có những người bày tỏ sự tin tưởng ở mức thấp và rất thấp, nhưng tỷ lệ này chỉ nhích rất nhẹ, từ 2% lên 3%.

Đồng tác giả của nghiên cứu này, Glenn Branch, ở Trung tâm Giáo dục Khoa học Quốc gia, cơ quan giám sát những hoạt động phá hoại việc giảng dạy về tiến hóa và biến đổi khí hậu ở các trường học ở Mỹ, cảm thấy được động viên vì những phát hiện này. “Chính quyền của Tổng thống Trump đã bẻ cong nhưng không phá vỡ niềm tin của người Mỹ vào khoa học,” Branch nói.

Việc những người trả lời tin tưởng vào khoa học tăng lên rất có ý nghĩa, và điều đó đặc biệt đúng đối với những người thuộc phe bảo thủ, Jennifer Hochschild, nhà khoa học chính trị tại Đại học Harvard bình luận. Ngay cả khi Tổng thống đang nghi ngờ, phản bác các quyết định dựa trên căn cứ khoa học, tấn công khoa học, thì người dân “vẫn cần chú ý đến những sự thật có thể trái ngược lại với quan điểm đó, vì mạng sống của họ và con cái họ đang bị đe dọa theo đúng nghĩa đen”.

Còn đối với những người theo chủ nghĩa tự do, bà đánh giá rằng, họ đã có thời gian tiếp nhận thông tin về COVID-19 mà hầu hết các nhà khoa học và các nhà quản lý y tế công cộng đang cung cấp bởi vì các thông điệp này đã nhất quán với quan điểm tích cực của họ về khoa học và về các nhà khoa học.

Việc thực hiện một nghiên cứu nhằm thu thập ý kiến đánh giá, thái độ của công chúng đối với khoa học không hề dễ dàng, ngay cả ở những quốc gia có nền khoa học và công nghệ tiên tiến, đầu tư hào phóng vào khoa học và công nghệ như ở Mỹ. Sau khi thực hiện các cuộc khảo sát của công chúng về khoa học và các nhà khoa học, Miller cho biết việc thăm dò ý kiến của người dân ở Mỹ về quan điểm của họ về khoa học là một thách thức vì hầu hết công chúng không chú ý nhiều đến chủ đề này. Ông lưu ý: “Họ có thể chưa bao giờ gặp một nhà khoa học hoặc chưa bao giờ hiểu những gì các nhà khoa học làm”. Khi bị hỏi dồn, mọi người có thể đề cập đến một nhân vật lịch sử có tính biểu tượng như Albert Einstein hơn là một nhà khoa học cụ thể nào khác.

Miller cho biết, sự thiếu chú ý, thiếu hiểu biết về khoa học có thể dẫn đến những câu trả lời mơ hồ, không thực sự đo lường được niềm tin của công chúng đối với khoa học và điều đó sẽ ảnh hưởng tới tính chính xác của khảo sát. Để khắc phục điều này, các cuộc khảo sát của ông đi sâu hơn, hỏi thêm một loạt câu hỏi chi tiết cụ thể hơn, chẳng hạn, về tần suất tìm kiếm thông tin khoa học về một chủ đề cụ thể trong năm qua, họ đã sử dụng những nguồn nào và mức độ tin cậy của những nguồn đó...

Nghiên cứu này cũng xem xét các yếu tố hình thành thái độ và niềm tin của công chúng đối với khoa học. Nghiên cứu phát hiện ra rằng việc biết nhiều hơn về chủ đề này - một thước đo gọi là hiểu biết khoa học công dân - là dấu hiệu mạnh nhất về thái độ tích cực. Kiến thức đó liên quan với việc tham gia các khóa học khoa học ở trường đại học và chú ý đến các vấn đề khoa học. Ngược lại, những người có niềm tin tôn giáo thường có mức độ tin tưởng (vào khoa học) thấp hơn.

Nguồn: science.org