Luật Bình đẳng giới được ban hành năm 2006 đã tạo điều kiện cho Việt Nam thúc đẩy bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, đến nay Luật vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng về nhiều thuật ngữ quan trọng.

Ảnh: giadinh.net.vn.
Ảnh: giadinh.net.vn.

“Mới đây tôi có dịp gặp chị Mai*, một giáo viên đã về hưu và là nạn nhân của bạo lực gia đình. Tại một trong những Trung tâm Dịch vụ Một cửa do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) hỗ trợ tại Việt Nam, chị đã chia sẻ với tôi cuộc đời của chị. Chị Mai đã phải chịu bao đau đớn trong nhiều năm liên tiếp do bạo lực của chồng và chị bị mọi người đổ mọi tội lỗi - rằng chị là nguyên nhân của mọi hành vi bạo lực.”

Câu chuyện mà ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, chia sẻ nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 vừa qua không xa lạ với hầu hết chúng ta. Bất chấp những nỗ lực ngăn chặn, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn là một trong những vi phạm quyền con người phổ biến nhất. Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy cứ ba phụ nữ thì gần hai người đã từng phải chịu ít nhất một loại hình thức bạo lực do chồng hay bạn tình gây ra trong đời. Tuy nhiên, hầu hết trong số đó (90,4%) không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền, và một nửa trong số đó chưa từng kể với ai về tình trạng bị bạo lực của mình.

Họ e ngại những lời phê phán, đổ lỗi cho nạn nhân, rằng “người phụ nữ đó phải làm gì thì mới bị đánh” - như cách mà chị Mai đã phải hứng chịu. Không chỉ vậy, nhiều người cho rằng bạo lực chỉ xảy ra khi một người bị đánh đập tàn nhẫn đến mức để lại các vết thương trên cơ thể, còn những tổn thương về tinh thần không đáng được nhắc đến.

Trên thực tế, theo ấn phẩm “Tóm tắt khuyến nghị chính sách: các đề xuất sửa đổi Luật Bình đẳng giới từ góc độ bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại” vừa được UNFPA công bố vào tháng 3/2024, bạo lực giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, “tồn tại dưới nhiều hình thức, bao gồm bạo lực về thể chất, tình dục, tinh thần và kinh tế, và hiện diện trên toàn quốc”. Có thể kể đến “hành vi buôn bán người, quấy rối tình dục hoặc quấy rối trên cơ sở giới tại nơi làm việc và tổ chức, hay bạo lực qua các công nghệ kỹ thuật số (ví dụ hành vi quấy rối được hỗ trợ bởi công nghệ), bạo lực gây ra bởi bạn tình bao gồm các hành vi kiểm soát, bên cạnh một số hình thức bạo lực và thực hành có hại đối với trẻ em dựa trên cơ sở giới.”


Trên tiến trình sửa đổi Luật Bình đẳng giới sắp tới, các chuyên gia sẽ cần phải lưu ý những khoảng trống về chính sách trong các khái niệm liên quan đến “giới”, “bạo lực giới”, cũng như làm rõ thế nào là thực hành có hại nếu muốn hướng đến bình đẳng, chấm dứt tình trạng phân biệt và bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam.


Bản thân Luật Bình đẳng giới được ban hành năm 2006 cũng chưa có định nghĩa rõ ràng về bạo lực giới và các thực hành có hại, và cũng chưa có quy định các biện pháp ứng phó của chính phủ đối với những hành vi phân biệt đối xử trên cơ sở giới này. Trong Điều 10, Luật coi bạo lực giới là một hành vi bị nghiêm cấm nhưng lại không định nghĩa bạo lực giới trong Điều 5 (Giải thích từ ngữ) hoặc ở các điều khác trong Luật. Các báo cáo rà soát 10 năm và 15 năm thi hành Luật do cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) thực hiện cũng đã thừa nhận những hạn chế trên.

Việc thiếu định nghĩa thế nào là bạo lực giới và các hành vi bạo lực chỉ là một phần vấn đề. Trên thực tế, định nghĩa về “Giới” trong Luật cũng còn giới hạn (“Giới: Chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội.”). Quan điểm cho rằng giới và giới tính khi sinh không phải là hai khái niệm giống nhau đang ngày càng phổ biến, trong đó bản dạng giới của một cá nhân là một cấu phần không thể thiếu của giới. Bản dạng giới, hay còn được gọi là nhân dạng giới là sự nhận thức của một người về giới tính của bản thân họ. Bản dạng giới của một người có thể đồng nhất hoặc không đồng nhất với giới tính sinh học của họ.

Theo UNFPA, các lý thuyết về giới và phân tích quốc tế về quyền con người hiện nay có xu hướng định nghĩa Giới một cách rộng hơn, không chỉ bó hẹp với giới tính khi sinh hay xem giới là một khái niệm chỉ mang tính nhị nguyên (nam và nữ).

Như vậy, bạo lực giới không chỉ gói gọn trong hành vi bạo lực giữa người nam và người nữ, mà được hình thành dựa trên các định kiến giới dung túng cho bạo lực đối với phụ nữ và các cá nhân khác bởi bản dạng giới và xu hướng tính dục của họ - chẳng hạn như các thành viên của cộng đồng người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, liên giới tính (LGBTI), trong không gian công cộng và riêng tư, ở Việt Nam và trên toàn thế giới.

Phụ nữ dân tộc Mông ở huyện Võ Nhai tham gia Liên hoan các mô hình truyền thông xóa bỏ định kiến giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ và trẻ em. Ảnh: Báo Thái Nguyên
Phụ nữ dân tộc Mông ở huyện Võ Nhai tham gia Liên hoan các mô hình truyền thông xóa bỏ định kiến giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ và trẻ em. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Một khảo sát do Bộ LĐTBXH thực hiện vào tháng 9/2022 trên 1.337 người trong cộng đồng LGBTI cho thấy 44,4% người được hỏi trả lời rằng có tồn tại sự phân biệt đối xử, bao gồm cả bị đe dọa gây bạo lực đối với họ do xu hướng tính dục và bản dạng giới của họ. Các hình thức phân biệt đối xử phổ biến nhất là sỉ nhục bằng lời nói (74,3% người được khảo sát); bắt nạt bằng lời nói hoặc tạo áp lực tinh thần (76,4%); đe dọa bị bạo lực/ tấn công tình dục (67,6%); bị tấn công bạo lực một cách trực diện (64,1%), tấn công tình dục (62,7%); và bị theo dõi (58,6%).
Trên tiến trình sửa đổi Luật Bình đẳng giới sắp tới, các chuyên gia sẽ cần phải lưu ý những khoảng trống về chính sách trong các khái niệm liên quan đến “giới”, “bạo lực giới”, cũng như làm rõ thế nào là thực hành có hại nếu muốn hướng đến bình đẳng, chấm dứt tình trạng phân biệt và bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam.

Các tiêu chuẩn quốc tế

Một trong những cách thức mà Việt Nam có thể áp dụng trong quá trình sửa đổi Luật đó là tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người. Theo UNFPA, đây là điều khả thi bởi Việt Nam hiện là quốc gia thành viên của Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) và các cơ chế khác về quyền con người, cũng như là thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc giai đoạn 2023-2025, “do đó các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người đảm bảo phù hợp với các quy định của Chính phủ Việt Nam”.

Nhìn chung, các tiêu chuẩn quốc tế cho rằng hành vi bạo lực được coi là dựa trên cơ sở giới khi hành vi này nhắm đến một cá nhân do giới của họ hoặc thành kiến và định kiến của người gây bạo lực đối với giới đó. Khuyến nghị chung số 19 của CEDAW khẳng định bạo lực giới bao gồm “các hành động gây ra những tổn hại về thể chất, tâm lý và tình dục, những đe dọa dẫn đến những hành động trên, sự ép buộc và những hình thức khác nhằm tước bỏ tự do của người đó.” Khuyến nghị chung số 35 tiếp tục mở rộng chi tiết hơn về các hình thức bạo lực bao gồm “tất cả các hình thức bạo lực”, trong đó bao gồm bạo lực được gây ra trên môi trường trực tuyến (bạo lực giới được hỗ trợ bởi công nghệ).

Bạo lực có thể diễn ra tại nhà, trường học, tại nơi làm việc hoặc ở bất cứ địa điểm công cộng hay riêng tư nào. Người gây bạo lực có thể là một chủ thể thuộc nhà nước, thuộc tổ chức liên chính phủ hoặc phi nhà nước, bao gồm các cá nhân hoặc nhóm vũ trang.

Một trong những định nghĩa phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế trong thực tiễn đó là định nghĩa được nêu ra trong luật của Cộng hòa Malta. Đạo luật Bạo lực giới và Bạo lực gia đình (2018) sử dụng một định nghĩa rộng về giới và bạo lực giới, mà không đề cập đến một giới cụ thể nào. Đạo luật định nghĩa “bạo lực giới” là: “tất cả các hành động hoặc hành vi nhằm chống lại một người vì giới của họ, dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến những tổn hại hoặc chịu đựng về mặt thể chất, tình dục, tâm lý hoặc kinh tế, bao gồm cả việc đe dọa thực hiện những hành vi đó, cưỡng ép hay tước đoạt tự do một cách tùy tiện, dù xảy ra ở nơi công cộng hay trong đời sống riêng tư.” Cũng lưu ý rằng Đạo luật này áp dụng trong cả thời bình hay trong bối cảnh xung đột vũ trang và chính phủ phải đảm bảo cung cấp các biện pháp bảo vệ không phân biệt đối xử dựa trên nhiều cơ sở.

Dựa trên định nghĩa của các nước và bối cảnh Việt Nam, các chuyên gia UNFPA đề xuất Việt Nam có thể định nghĩa “bạo lực giới” trong Luật là “hành vi bạo lực về thể chất, kinh tế, tinh thần hoặc tình dục xảy ra trong bất kỳ khía cạnh nào của đời sống, bao gồm cả bạo lực giới được hỗ trợ bởi công nghệ, nhằm vào một người trên cơ sở giới của họ”. Ngoài ra, họ cũng đề xuất định nghĩa về các thực hành có hại là “các thực hành gây kéo dài tình trạng bất bình đẳng giới và gây tổn hại hoặc hậu quả tiêu cực (về xã hội, kinh tế, tâm lý hoặc thể chất) đến các cá nhân thuộc giới bị ảnh hưởng”. Những thực hành có hại tại Việt Nam có thể kể đến tâm lý ưa thích con trai, kết hôn sớm hoặc cưỡng ép kết hôn.

Trong lúc chờ đợi những sửa đổi, một trong những phương án mà Việt Nam có thể tiến hành, theo UNFPA, là xây dựng dịch vụ bảo vệ người bị bạo lực, chẳng hạn như thiết lập đường dây nóng quốc gia về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới và hệ thống chuyển gửi liên ngành. Nhu cầu liên hệ đến đường dây nóng hiện rất lớn. Tính đến cuối năm 2023, chỉ riêng Văn phòng của Đường dây nóng hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 20.000 cuộc gọi. Những người gọi đến tổng đài gồm có phụ nữ và trẻ em gái nông thôn bị bạo lực, cũng như những người mong muốn được cung cấp kiến thức và thông tin quan trọng để ứng phó với bạo lực giới.

Bên cạnh đó, chúng ta cần mở rộng những trung tâm cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, các dịch vụ xã hội, nơi tạm lánh khẩn cấp, bảo vệ của công an, các dịch vụ pháp lý và tư pháp v.v. cho các nạn nhân bị bạo lực giới. Mức độ hiệu quả của những mô hình này có thể nhìn thấy qua câu chuyện của chị Mai. Sau quãng thời gian chịu đựng bạo lực từ người chồng, chị đã đến Trung tâm Dịch vụ Một cửa do UNFPA hỗ trợ tại Việt Nam - thường được biết đến với tên gọi Ngôi nhà Ánh Dương. “Với sự hỗ trợ tâm lý và tư vấn của những người cung cấp dịch vụ công tác xã hội, chị Mai giờ đã có cuộc sống tốt hơn nhiều: chị sống độc lập, có kiến thức và tự tin về tương lai của mình. Và chị luôn mong muốn nhiều phụ nữ khác cùng cảnh ngộ như chị sẽ có cuộc sống tốt đẹp như chị hiện tại”, ông Matt Jackson chia sẻ.
-----
*tên của nhân vật đã được thay đổi

Bài đăng số 1286 (số 14/2024) KH&PT