Đến đây, hẳn bạn đọc sẽ biện luận rằng chúng ta thiếu gì các tuyển tập văn mẫu đang bày đầy trên kệ. Tuy vậy, đó thực chất chỉ là
nhà kho chứa các bài văn được cho là đáng để bắt chước. Một tuyển tập thực thụ có nhiệm vụ sống còn nhất là đưa ra các tiêu chí/tiêu chuẩn tường minh để người đọc tham khảo. Để làm được nhiệm vụ đó, tuyển tập ít nhất phải chứa một số yếu tố ngoài văn bản sau:
• Tiêu chí nào để tổ chức và tập hợp các bài văn
• Cơ quan/hội đồng nào đủ thẩm quyền để đánh giá các tiêu chí trên là hợp lý
• Từng bài văn đã đạt được tiêu chí hay chưa
• Các bài văn được tập hợp một cách đa dạng nhất có thể, đặc biệt hữu ích cho việc so sánh (về mặt lịch sử, văn hóa, kỹ thuật, chủ đề nội dung, kinh điển/đương đại…)
• Đảm bảo tiện dụng cho tra cứu để đối sánh giữa các văn bản (tra ngang theo niên đại, tra dọc theo chủ đề, tra liên văn bản qua từ khóa)
• Phân tích trực tiếp điểm tiêu biểu trong các bài để chứng minh nó xứng đáng để người học mô phỏng
• Có câu hỏi gợi ý/mở rộng để người đọc có đường hướng cải tiến bài mẫu thành bài của riêng mình
Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng các tuyển tập sẵn có trên thị trường, trừ một vài tổng tập lớn mà Nhà nước thực hiện để phục vụ nghiên cứu chuyên ngành (như Tổng tập Văn học Việt Nam 42 tập) đáp ứng hãn hữu các tiêu chí trên, chúng ta chưa có một bộ tuyển tập nào thực sự phục vụ cho giáo dục.
Hay nói một cách đơn giản, chúng ta vẫn chưa có một tuyển tập chứa 4-5 bài văn tả bà ngoại từ kinh điển (của tác gia lớn, có phân tích các yếu tố văn hóa, lịch sử đặc thù) đến bà nội đương đại (của học sinh được hội đồng tuyển chọn đánh giá cao và phân tích rõ ưu nhược điểm).
Còn thiếu tuyển tập như vậy, việc học theo văn mẫu mãi dừng ở mức học vẹt (bắt chước), chứ không đến được mức mô phỏng, bởi người dạy và người học không có đa dạng văn mẫu để so sánh, lựa chọn và kết hợp.
Với việc giảng dạy văn học Anh – Mỹ, không thiếu các tuyển tập dày hơn nghìn trang, tuyển khoảng hơn 80 tác phẩm đa dạng đi kèm phân tích trực tiếp vào tác phẩm để minh họa cho các lý thuyết về kỹ năng đọc-viết (ví dụ
Holt elements of literature. Introductory course [grade 6], 2008, NXB Orlando).
Công việc đồ sộ và phức tạp trên chỉ có thể được thực hiện bởi các trung tâm học liệu lớn (trực thuộc nhà xuất bản lâu đời, uy tín). Với công nghệ số hiện nay, hệ thống ngữ liệu được số hóa để người dạy và học có thể truy cập thêm lượng văn bản mới cập nhật hoặc thêm phương tiện (media) để bài đọc (và thao tác với bài đọc) trực quan, sinh động, hấp dẫn hơn.
Mô phỏng và chuyển hóa kiến thứcKhi đã có tuyển tập như trên, vai trò của người giáo viên sẽ được phát huy tối đa. Sau khi giao cho tập thể lớp các bài đọc đa dạng kèm tiêu chí phân tích kỹ lưỡng, giáo viên sẽ theo sát từng học sinh để hỗ trợ các em phân tích ưu/nhược điểm từ các bài mẫu, dần hình thành nên tiêu chí đọc – viết của chính học sinh. Đây là cơ sở quan trọng nhất để học sinh bắt tay vào tự sáng tạo, kết quả cuối cùng của quá trình đọc – viết có chọn lọc.
Thách thức cho kết quả đáng mong ước trên là giáo viên sẽ phải xử lý khối lượng công việc lớn gấp nhiều lần (thay vì một học sinh đọc một bài mẫu và bắt chước, giờ là một học sinh đọc bốn - năm bài mẫu và cần giáo viên hỗ trợ đồng phân tích và thực hành mô phỏng có hệ thống) cũng như không thể tạo ra đáp án đóng (một phương án đúng sai) để thuận tiện cho thời gian kiểm tra đánh giá. Điều này càng trở nên thách thức đối với trường công, nơi một lớp thường đông đến 45-50 học sinh.
Vì vậy, giải pháp kỹ thuật trước mắt vẫn là xây dựng các tuyển tập chất lượng cao, đa dạng ngữ liệu, chi tiết trong phân tích, có phiên bản điện tử để hấp dẫn người đọc,… Từ đó hỗ trợ và tăng cường năng lực tự học ở học sinh, cũng như giúp giáo viên nhanh chóng làm quen với cách giảng dạy mới.