Sự nhập nhằng giữa uy tín khoa học và uy tín quản lý có thể hạn chế sự nhiệt huyết làm việc và cống hiến của nhà khoa học chuyên tâm vào chuyên môn, cũng như chất lượng và liêm chính học thuật của các công trình nghiên cứu và các hoạt động khoa học.

Bài viết không dựa vào việc tìm hiểu một dự thảo chính sách hay điều luật nào ở Việt Nam về vấn đề mối quan hệ giữa nhà khoa học và hệ thống hành chính, hay hệ thống quản lí khoa học. Trái lại, bài viết miêu tả những quan sát và trải nghiệm đối với những thói quen, những quy ước trong các hoạt động khoa học (tổ chức các sự kiện khoa học, công bố các sản phẩm khoa học, và thực hiện đề tài tại các cơ quan học thuật như viện nghiên cứu và trường đại học), ở Việt Nam và một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, và CHLB Đức.

Những hiện diện đương nhiên và những vắng mặt tất yếu


Qua trao đổi với những người đã tham gia tổ chức hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, tổ chức biên tập sách, tổ chức cụm chuyên đề cho tạp chí chuyên ngành, xây dựng hồ sơ khoa học để đấu thầu và xin tài trợ, và qua sự va chạm thực tế với các hoạt động khoa học, chúng tôi nhận thấy quyền sở hữu cá nhân – hay sự ghi nhận của tổ chức học thuật đối với cá nhân nhà khoa học đề xuất, khởi xướng và tham gia – đối với hoạt động khoa học và kết quả khoa học đó chưa được chú trọng.

Ví dụ, ở mục ghi ban tổ chức trong các tài liệu về sự kiện khoa học hay mục ghi tác giả, biên tập các sản phẩm khoa học chủ yếu diễn ra theo hướng người đứng đầu về mặt hành chính (chính quyền) của cơ quan hay các ban ngành của cơ quan thường là người đứng đầu, nắm giữ vị trí như là chủ tịch hay chủ biên. Những người thực sự đề xuất, viết đề cương, sửa chữa, xin tài trợ (tức là cũng phải làm đề cương khoa học, nêu ra các lập luận khoa học) lại là những cái tên sau cùng hoặc là không có tên. Việc lựa chọn nhà khoa học vào các hội đồng khoa học – sự đề cử từ cộng đồng và sự chỉ định của cơ quan chức năng – chủ yếu dựa trên tiêu chuẩn vị trí mà nhà khoa học đó nắm giữ trong một cơ quan thuộc bộ máy nhà nước hơn là vai trò của họ đối với một hướng nghiên cứu hay một luận điểm khoa học.

Một ví dụ khác liên quan đến việc tổ chức một số chuyên đề hay một cụm bài trong tạp chí chuyên ngành. Người đề xuất số chuyên đề không có tên với tư cách là người biên tập của số đó dù họ là người viết đề cương để thuyết phục tạp chí về sự cần thiết và các luận điểm khoa học của số chuyên đề đó, đồng thời là người biên tập góp ý sửa chữa từng bài cho số chuyên đề. Những hoạt động này đều là các công việc khoa học và là sản phẩm trí tuệ của người biên tập. Tuy nhiên, trong các tạp chí ở Việt Nam, không có lệ cho mục ghi tên biên tập khách mời (guest editor) và cũng không có phần giới thiệu của họ về luận điểm chính và ý nghĩa của số chuyện đề hay cụm bài mà họ tổ chức. Hiện diện trên cuốn tạp chí vẫn chỉ có tên của hội đồng khoa học và của ban biên tập, như số nào cũng vậy. Sự vắng mặt này cho thấy tri thức khoa học của một cá nhân bị choán mất bởi một tập thể, một bộ máy. Xu hướng chìm lấp tên của nhà khoa học trực tiếp đề xuất, thực hiện công việc khoa học thể hiện ở việc các tạp chí đã cố định một bộ khung, một format trong đó có thông tin cố định về ban biên tập và hội đồng khoa học (cho dù họ có làm việc về luận điểm khoa học hay biên tập số chuyên đề hay không).

Sự vắng mặt này đặc biệt xảy ra khá rõ đối với các nhà khoa học không nắm giữ vị trí trong bộ máy lãnh đạo của cơ quan học thuật, và đối với nhà khoa học bị coi là trẻ. Trong khi đó, tên của nhà khoa học có vị trí trong hệ thống hành chính hay các nhà khoa học được coi là lão thành (và hầu như là nam giới) được mặc nhiên ghi tên/ghi nhận như là người đứng đầu của các hoạt động và sản phẩm khoa học, bất kể chúng có thuộc chuyên ngành mà họ thực sự là chuyên gia hay không.

Những luận điểm khoa học (dù ở dạng ý tưởng hay là dưới dạng chi tiết) của một cá nhân hay một nhóm người làm khoa học vì thế trở thành tài sản của một cơ quan với sự hiện diện tên của ban lãnh đạo hay/và những người ở vị trí quản lí, hay/và là người có thâm niên hơn, có học hàm, học vị cao hơn cho dù họ có tham gia “thực việc” vào quá trình làm nên sản phẩm khoa học hay hoạt động khoa học đó không. Trong khi nhà khoa học khởi xướng và trực tiếp lăn lộn với nó lại bị chìm lấp xuống (gần) cuối cùng, hoặc thậm chí hoàn toàn vắng mặt.

Sự nhập nhằng giữa uy tín khoa học và uy tín quản lý có thể hạn chế chất lượng và liêm chính học thuật của các hoạt động khoa học. Ảnh minh họa: CC
Sự nhập nhằng giữa uy tín khoa học và uy tín quản lý có thể hạn chế chất lượng và liêm chính học thuật của các hoạt động khoa học. Ảnh minh họa: CC

Sự hiện diện đương nhiên của bộ máy hành chính hay là việc nhất nhất tuân theo cái format kết cấu nhân sự dựa vào vị trí trong bộ máy hành chính của nhà khoa học đối với một sản phẩm khoa học hay một hoạt động khoa học là một biểu hiện của việc hành chính hóa hoạt động khoa học. Luận điểm khoa học hay ý tưởng khoa học chưa được coi là vấn đề trung tâm của các hoạt động khoa học; kèm theo đó là những nỗ lực và sự say mê chuyên môn của nhà khoa học chưa được tôn trọng và ghi nhận đúng và xứng đáng.

Đó là do chưa có sự phân định rõ ràng giữa vị trí hành chính trong cơ quan học thuật với vị trí người làm chuyên môn. Hai lĩnh vực – vị trí lãnh đạo trong bộ máy hành chính và vị trí là một nhà khoa học – là hai vấn đề tách biệt tương đối. Người đứng đầu một bộ máy chính quyền không nhất thiết phải là người đứng đầu của tất cả các vấn đề hay hướng nghiên cứu của một ngành, thậm chí không nhất thiết phải là một chuyên gia học thuật, nếu có thì chỉ là chuyên gia ở một lĩnh vực cụ thể mà người đó theo đuổi. Vì thế, họ không nên là người đứng tên trên danh nghĩa các sự kiện học thuật hay các sản phẩm khoa học do các nhà khoa học – nhân viên – đề xuất, phát triển, và hoàn thành.

Luận điểm khoa học, tư tưởng khoa học - những đóng góp làm nên bản sắc khoa học hay bản sắc tri thức của người làm nghiên cứu - cần được tôn trọng và ghi nhận. Lãnh đạo các cơ quan khoa học nên là người hỗ trợ và bảo trợ về mặt hành chính, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các ý tưởng khoa học được triển khai thuận lợi và đảm bảo ghi nhận cũng như bảo vệ quyền sở hữu hay ít nhất là định danh của nhà khoa học đó đối với hoạt động khoa học mà họ đề xuất.

Đối với một trí thức, đặc biết đối với nhà khoa học, TÊN là một động lực quan trọng trong sự theo đuổi công việc. Vấn đề bản sắc cá nhân và mong muốn được cộng đồng ghi nhận cá nhân là một động lực của hoạt động trí tuệ, vì thế nó cần được tôn trọng hay được đối xử một cách thận trọng trong một hệ thống xã hội, bất kể vị trí, tuổi tác, hay giới tính của cá nhân. Đến lượt nó, sự thành công của cá nhân chắc chắn sẽ quay trở lại làm nên hoặc là đại diện cho sự thành công của một tập thể.


Kỳ 2: Để ngăn chặn hiện tượng đứng tên “ảo” (TS Ngô Viết Hoàn)