Ở bất kể lĩnh vực ngành nghề nào, yêu cầu đối với việc đứng tên cho các kết quả, sản phẩm nghiên cứu đều có quy cách cơ bản giống nhau. Vấn đề nằm ở chỗ, quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân tác giả đã được ý thức và thực hiện một cách triệt để hay chưa mà thôi.



Đối với bất kể kết quả nghiên cứu của ngành nào, quyền tác giả không thể bị tước bỏ vì bất kỳ lý do gì, trừ trường hợp chính tác giả yêu cầu hoặc giữ bí mật. Ngay cả khi tác giả mất khả năng nhận thức hoặc qua đời trong quá trình nghiên cứu, tác giả vẫn có quyền đứng tên cho sản phẩm khoa học của mình.

Không ai - bao gồm cả các đơn vị sở hữu hệ thống công cụ, phương tiện và các đơn vị hỗ trợ khoa học và công nghệ (như kinh phí, thiết bị thí nghiệm đặc thù hoặc tài liệu khó truy xuất công khai),… mà nhà nghiên cứu hợp tác - có thể ép buộc nhà nghiên cứu chuyển giao quyền đứng tên. Chỉ những người đã nhận tài trợ nghiên cứu và thực sự tham gia vào quá trình thu thập các dữ liệu nghiên cứu liên quan; hoặc cung cấp điều kiện thí nghiệm, tài liệu phục vụ trực tiếp cho việc triển khai nghiên cứu; hoặc quản lý và giám sát chung nhóm nghiên cứu mới được thừa hưởng quyền hợp pháp về sở hữu trí tuệ (đồng tác giả) đối với sản phẩm khoa học. Những người không được nêu danh tính, không được hưởng bản quyền hoặc quyền tác giả.

Việc đứng tên của nhà khoa học trong các công trình/ nhiệm vụ tập thể (bao gồm cả kỷ yếu hội thảo và sản phẩm đề tài nghiên cứu) đều cần dựa trên các nguyên tắc căn bản: trách nhiệm, tư cách, trật tự đứng tên (tùy theo đóng góp thực tế để xác định ai là người đứng tên trước hay sau),…

Tuy thế, việc đứng tên cũng tiềm ẩn một số rủi ro không đáng có về uy tín học thuật, uy tín xã hội và cả tài chính, do đó nhà khoa học cần thận trọng trong việc nhận lời hợp tác hay đứng tên chung. Nếu tác giả không thể chứng minh đóng góp thực chất của mình cho một công trình/bài viết thì ngay cả khi công trình/bài viết đó được công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế, uy tín cá nhân của nhà nghiên cứu chẳng những không tăng mà trái lại, mức độ khả tín của công trình/bài viết và sự trung thực của đồng tác giả cùng đứng tên cũng sẽ bị nghi vấn.

Để thể hiện rõ ràng hơn sự đóng góp và trách nhiệm của tác giả, ngày càng có nhiều tạp chí yêu cầu tác giả của bài báo điền và ký tên vào cam kết “Đóng góp của tác giả”. Hiện tại, tuyên bố được công nhận rộng rãi nhất là tuyên bố của tác giả về CRediT (Phân loại vai trò của người đóng góp ) do Đại học Harvard và Wellcome Foundation đề xuất.

Do vậy, tổ chức học thuật/người đứng đầu tổ chức học thuật nếu không trực tiếp tham gia vào việc hình thành ý tưởng, triển khai nội dung nghiên cứu, nhưng lại đứng tên chủ trì nhiệm vụ khoa học, nhất là đứng tên trên sản phẩm khoa học, đặc biệt là kỷ yếu hội thảo khoa học như đã được nhắc đến ở bài viết Sự chìm lấp tên của cá nhân nhà khoa học (Phạm Phương Chi, báo Khoa học & Phát triển số 23/2024), trên một phương diện nhất định là biểu hiện của sự chiếm dụng quyền sở hữu trí tuệ.

Liêm chính khoa học là một yếu tố quan trọng bảo đảm hiệu quả sử dụng kinh phí nghiên cứu và chất lượng sản phẩm nghiên cứu. Ảnh minh họa: INT
Liêm chính khoa học là một yếu tố quan trọng bảo đảm hiệu quả sử dụng kinh phí nghiên cứu và chất lượng sản phẩm nghiên cứu. Ảnh minh họa: INT

Để ngăn chặn hiện tượng cán bộ, lãnh đạo, cấp trên đứng tên “ảo” hoặc chiếm dụng thành quả nghiên cứu của người khác, vào cuối năm 2020, tổ lãnh đạo công tác nhân tài Tỉnh ủy Sơn Tây (Trung Quốc)1 đã ban hành văn bản “Một số biện pháp cốt yếu nhằm tăng cường xây dựng thành tín khoa học của cán bộ lãnh đạo tỉnh Sơn Tây”.

Theo đó, tỉnh Sơn Tây đề xuất thiết lập hệ thống danh mục trách nhiệm liêm chính trong nghiên cứu khoa học dành cho đối tượng là cán bộ lãnh đạo, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức công và tổ chức xã hội tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. Văn bản này cũng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo trong việc nâng cao hiệu quả của hệ thống quản lý khoa học và hoàn thiện cơ chế học thuật dân chủ.

Ngoài danh mục trách nhiệm đối với lãnh đạo tham gia các hoạt động nghiên cứu, văn bản còn đề xuất thiết lập Danh mục dấu hiệu tiêu cực hoặc tác động xấu tới liêm chính học thuật, nhất là đối với các nhà nghiên cứu giữ chức danh lãnh đạo. Tỉnh Sơn Tây nhấn mạnh sẽ không tha thứ cho bất kỳ cán bộ lãnh đạo nào bị phát hiện có hành vi nhân danh hoặc xâm phạm các dự án hay thành quả nghiên cứu của người khác; giải ngân bất hợp pháp hoặc che đậy, tạo điều kiện cho các hành vi trục lợi các quỹ nghiên cứu khoa học; can thiệp hoặc can thiệp bất hợp pháp vào các hoạt động đánh giá và có những vi phạm nghiêm trọng khác về tính liêm chính, đạo đức nghiên cứu, chuẩn mực hay phong cách học thuật.

Văn bản của tỉnh Sơn Tây cũng đề xuất các biện pháp liên quan, trong đó nhấn mạnh mức độ cần thiết của việc các viên chức giữ chức danh lãnh đạo ký cam kết liêm chính khi tham gia các hoạt động liên quan đến nghiên cứu khoa học.

Thêm vào đó, văn bản này còn yêu cầu thiết lập cơ chế giám sát chung đối với tính liêm chính trong nghiên cứu khoa học của cán bộ lãnh đạo, cụ thể là các cơ quan và tổ chức liên quan cần tăng cường chia sẻ thông tin bổ nhiệm, giám sát và quản lý cán bộ; nâng cao vai trò của Hệ thống quản trị khoa học và chia sẻ dữ liệu học thuật (gồm báo cáo kết quả nghiên cứu, bài báo khoa học,...) trực tuyến.

Gần đây hơn, ngày 14/9/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc và 22 bộ, ngành liên quan đã công bố “Quy tắc điều tra, xử lý hành vi thất tín trong nghiên cứu khoa học”. Cùng với việc ban hành Quy tắc này, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã đưa Hệ thống thông tin quản lý liêm chính học thuật vào vận hành trên phạm vi toàn quốc, thực hiện triệt để số hóa công tác báo cáo, thẩm định và chia sẻ thông tin học thuật. Bộ này cũng huy động lực lượng các nhà nghiên cứu xây dựng Hệ thống dữ liệu và động thái tạp chí khoa học toàn cầu nhằm thực hiện chế độ giám sát đối với các tạp chí có mức độ cảnh báo cao (tạp chí có uy tín thấp, hoặc tạp chí săn mồi,...) qua đó thực hiện cơ chế giám sát, xử lý chủ động đối với các vấn đề phi liêm chính học thuật. Kết quả, tính đến cuối năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã ban hành 21 công văn thông báo xử lý các hành vi gian dối hoặc vi phạm đạo đức học thuật trong công bố đối với 1.422 tác giả.

Như thế, có thể thấy, Trung Quốc đang không ngừng tăng cường xây dựng và hoàn thiện quy tắc liêm chính cũng như tác phong trong nghiên cứu khoa học; thúc đẩy lập pháp về liêm chính trong nghiên cứu khoa học; hình thành hệ thống công cụ số hóa quản lý, giám sát hoạt động nghiên cứu khoa học; xây dựng hệ thống chia sẻ dữ liệu và thông tin khoa học thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Qua đó, Trung Quốc đã bước đầu kiến tạo cộng đồng khoa học thực chất, liêm chính và dân chủ.

Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện tượng “treo tên”, “khống tên” trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam còn tồn tại khá phổ biến và có nhiều bất cập trong công tác quản lý, một số quy tắc ứng xử và giải pháp cụ thể nêu trên có thể là bài học kinh nghiệm hữu ích mà chúng ta nên tham khảo nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí nghiên cứu, chất lượng sản phẩm nghiên cứu, và quan trọng hơn, trả nhà khoa học về vị trí mà họ thực sự xứng đáng.

----

[1] Tổ lãnh đạo công tác nhân tài là tổ chức chuyên trách thuộc Tỉnh ủy các tỉnh, đảm nhiệm công tác phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Chức năng chính của tổ chức này bao gồm: xây dựng và thực hiện chính sách thu hút nhân tài, đào tạo nhân tài, phục vụ nhân tài, hợp tác và giao lưu,...

Bài đăng số 1296 (số 24/2024) KH&PT