Linda Smith cho rằng các thực hành trong nghiên cứu và tri thức phương Tây về người bản địa “không thể không gắn với chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân châu Âu” và đang phá hủy, bóp méo các tổ chức và chủ thể văn hóa, kinh tế, xã hội bản địa.

Nhà nhân chủng và giáo dục Linda Tuhiwai Te Rina Smith (1950)
Nhà nhân chủng và giáo dục Linda Tuhiwai Te Rina Smith (1950)

Trong cuốn “Giải thực dân các phương pháp: Nghiên cứu và Các dân tộc bản địa” (Decolonizing Methodologies: Research and Indigenous Peoples), Linda Smith đã đưa ra các cách thức để qua đó, những nhà nghiên cứu bản địa có thể lấy lại và phát triển những truyền thống và chủ thể bị mất cho cộng đồng của họ.

Vạch ra hai mươi lăm phương pháp nghiên cứu vừa khoa học vừa mang tính tưởng tượng, vừa mang tính thời sự vừa mang tính tạm thời mà nhà nghiên cứu bản địa có thể vận dụng để thoát khỏi vị trí là người bị/được nghiên cứu và trở thành nhà nghiên cứu, Smith đặc biệt nhấn mạnh vào phương pháp để các nhà nghiên cứu làm cho tri thức của họ trở thành một phần của cộng đồng được nghiên cứu.

Các nhà nghiên cứu chia sẻ những tìm tòi của họ với cộng đồng mà họ đang khảo sát và coi những ý kiến của cộng đồng đó như là tri thức – cái tri thức như tác giả xác định, không đơn giản chỉ là những thông tin bề mặt mà còn là những “lí thuyết và những phân tích, những thứ cấu thành cái cách thức hình thành và được thể hiện của tri thức và thông tin (tr.16). Bằng cách “thông báo lại” (“reporting back”) và chia sẻ tri thức, các nhà nghiên cứu bản địa làm cho cộng đồng của họ hiện diện trong một thế giới rộng lớn hơn, bên trong và bên ngoài học thuật. Hiển nhiên, cuốn sách của tác giả người Maori chủ yếu mô phỏng các dự án giáo dục mà bà đang làm để phát triển tri thức cho cộng đồng thiểu số này ở New Zealand.

Việc Smith dùng các nguồn tài liệu thứ nhất là các những sự kiện, ứng xử, hành vi và nghi lễ văn hóa, học thuật và chính trị của người bản địa mà tác giả tận mắt quan sát được trong quá trình làm nghiên cứu chính là một cách để giải thực dân các phương pháp nghiên cứu. Những phản ứng cá nhân của tác giả trong quá trình nghiên cứu cũng trở thành nguồn tài liệu tham khảo thứ nhất, được coi như cơ sở để tác giả dựa vào khi đưa ra các luận điểm của mình.

Ví dụ, ở chương “Miêu tả các giai đoạn nghiên cứu người bản địa”, tác giả kể về những chuyển biến tâm lí của mình khi thăm lại đối tượng nghiên cứu lâu năm – một người mẹ của cộng đồng Maori. Đầu tiên, tác giả miêu tả niềm tin mình là “một phần của cộng đồng (nhóm những người mẹ và trẻ em Maori)… là một người bên trong như là một người mẹ Maori và một người cống hiến cho sự hồi sinh của ngôn ngữ” (tr.138). Sau đó, lễ tiếp đón mang tính nghi thức của người mẹ Maori khiến cho Smith nhận ra rằng bà không phải là thành viên của gia đình đó nữa. Ở đây, các nghi lễ và vật thể của ngôi nhà đóng vai trò quan trọng như những tài liệu thứ nhất để tác giả đi đến luận điểm về sự dao động và chuyển đổi của cái vị trí là người bên trong hay bên ngoài của người làm nghiên cứu thực địa. Việc căn nhà được làm sạch trong khi bình thường lại bụi bẩn; việc thức ăn được chuẩn bị và việc bọn trẻ được tắm rửa và cho lên giường trước 7 giờ 30 phút tối trong khi cộng đồng này thường rất tầm phào về giờ giấc đi ngủ khiến cho tác giả nhận thấy mình là kẻ bên ngoài cộng đồng. Tập trung vào các dấu hiệu của thái độ như là nguồn nghiên cứu giúp tác giả đi đến kết luận về tính chấp chới của vị trí bên trong, bên ngoài của nhà nghiên cứu và, quan trọng hơn, nhà nghiên cứu phải là một phần của cộng đồng được nghiên cứu. Họ cần trở nên khiêm tốn như là họ thuộc về cộng đồng; cư xử như một thành viên của cộng đồng với sự đa dạng về vai, về các mối quan hệ và về vị trí. Việc xem những thứ tầm phào, dễ bị lờ đi là nguồn tài liệu nghiên cứu đặc biệt trở nên quyền năng trong việc giải thực dân hóa các phương pháp nghiên cứu: nó có thể khám phá những phương diện thường không/ít được biết tới và không bị chi phối bởi những ảnh hưởng mang tính thực dân.

Các tài liệu tham khảo của cuốn sách này, hầu hết từ học thuật phương Tây, thoạt nhìn dường như phản lại luận điểm về sự phá bỏ ưu thế của tri thức phương Tây đối với người bản địa. Mối nghi ngờ này lại càng có lí khi vào phần mở đầu, tác giả khẳng định: “ngôn ngữ và việc dẫn các văn bản thường là những dấu hiệu rõ rệt về cái truyền thống lí thuyết của một tác giả” (tr.14). Tuy nhiên, hóa ra là, phần lớn các nguồn tài liệu từ phương Tây lại hòa hợp với luận điểm của tác giả rằng “chúng ta”… “những người bản địa… có một sự hiện diện trong sự tưởng tượng của người phương Tây, trong từng cấu trúc và tế bào của nó, trong cái nhận thức của nó về bản thân nó và trong các ngôn ngữ của nó” (tr.14). Việc chấp nhận một thực tế là tri thức phương Tây đã định hình bản sắc của người bản địa ở đây nằm trong chiến lược giải thực dân hóa các phương pháp nghiên cứu của tác giả: các nhà nghiên cứu bản địa thảo luận các kiến thức phương Tây với cộng đồng của họ và điều này giúp cho việc nhìn lịch sử học thuật phương Tây từ góc nhìn của người bản địa.

Mặc dù cuốn sách là một nghiên cứu áp dụng cho các nhà nghiên cứu bản địa, nhiều chiến thuật như: trở thành nhà nghiên cứu khiêm tốn, báo cáo và chia sẻ tri thức trở lại với đối tượng được nghiên cứu là những điều hữu ích cho tất cả các nhà nghiên cứu thực địa và lịch sử ở các nước đang phát triển.