Đại dịch Covid-19 trong những năm vừa qua đã và đang gây ra những hậu quả vô cùng to lớn đến gần như mọi mặt kinh tế - xã hội của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, không vì thế mà con người ngừng đổi mới sáng tạo và thích nghi với bối cảnh mới, đặc biệt là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Trong một báo cáo ngày 10/2/2022, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho biết số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế được nộp thông qua Hiệp ước Hợp tác về Sáng chế (PCT) đã tăng 0,9% vào năm 2021 để đạt 277.500 đơn đăng ký - mức cao nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, số lượng đơn đăng ký qua hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế (Madrid) và hệ thống đăng ký kiểu dáng công nghiệp quốc tế (La Hay) cũng tăng trưởng hai con số .
Với những con số biết nói nêu trên đã cho thấy sức sáng tạo mạnh mẽ của con người bất chấp hoàn cảnh khó khăn. Và khi nói đến sự sáng tạo, chúng ta không thể không nhắc đến thế hệ trẻ (Thế hệ Z) với nguồn năng lượng, bộ óc đổi mới, năng động, sáng tạo hứa hẹn sẽ đóng vai trò trọng tâm trong việc tận dụng những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đương đầu với các thách thức mang tính toàn cầu và kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn.Vì thế nên càng ý nghĩa hơn nữa khi chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2022 là “Sở hữu trí tuệ và Thế hệ trẻ: Đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn” hướng tới việc tôn vinh những đổi mới sáng tạo do thế hệ trẻ dẫn dắt và tiên phong.
Thế hệ Z: những nhà sáng tạo của tương lai
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thế hệ Z là lực lượng quan trọng, mang trong mình sự nhiệt huyết luôn muốn thay đổi thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, khác với các thế hệ trước, Thế hệ Z được sinh ra và lớn lên trong một thời đại hoàn toàn mới, nơi mà ranh giới giữa thế giới vật lý và thế giới kỹ thuật số dường như bị xóa nhòa, vô hình chung tạo nên trong họ một tư duy đổi mới sáng tạo không biên giới. Hơn thế nữa, sự phát triển của hệ thống bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ giúp các sản phẩm từ hoạt động đổi mới sáng tạo được tạo ra dù ở bất kỳ lĩnh vực nào trong đời sống xã hội sẽ có điều kiện được khai thác và phát triển mạnh mẽ.
Tính đến thời điểm cuối năm 2021, SRI-B, trung tâm R&D lớn nhất của Samsung bên ngoài Hàn Quốc, đã nộp hơn 7.500 đơn đăng ký sáng chế trên toàn cầu và 3.500 đơn đăng ký sáng chế ở Ấn Độ. Trong đó, gần 50% sáng chế đến từ những nhà sáng chế lần đầu và khoảng 27% đến từ những nhà sáng chế có ít hơn năm năm kinh nghiệm. SRI-B đã đào tạo và xây dựng thành công một đội quân những nhà sáng chế Thế hệ Zvà Thế hệ thiên niên kỷ, những người luôn tràn ngập những ý tưởng đổi mới sáng tạo .
Theo một nghiên cứu về chủ đề: Thế hệ Z Insights: Brands and Counterfeit Productscủa Hiệp hội Nhãn hiệu quốc tế (INTA) vào năm 2018 với sự tham gia của hơn 4.500 bạn trẻ ở độ tuổi 18 đến 23 tại 10 quốc gia: Argentina, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Mexico, Nigeria, Nga và Hoa Kỳ thì đã cho kết quả: trung bình 85% Thế hệ Z của 10 quốc gia này đã từng biết về các quyền sở hữu trí tuệ, 93% bạn trẻ rất tôn trọng các ý tưởng sáng tạo của người khác. Ngoài ra, các đại diện của Thế hệ Z ở Nhật Bản, Nigeria và Ý có xu hướng phản đối việc mua hàng giả vì lý do đạo đức .
Kết quả khảo sát trên cũng nêu lên vấn đề quan trọng rằng các doanh nghiệp cần phải nỗ lực không ngừng để cung cấp các sản phẩm mới có chất lượng tốt với giá cả phải chăng để không những đáp ứng nhu cầu của xã hội mà còn thúc đẩy văn hóa sở hữu trí tuệ trong thế hệ trẻ.
Không đứng ngoài dòng chảy đổi mới sáng tạo của Thế hệ Z thế giới, Thế hệ Z Việt Nam cũng đang từng bước cho thấy sức sáng tạo và nhiệt huyết cống hiến vì một tương lai tốt đẹp hơn của mình. Thời gian gần đây, Việt Nam vô cùng tự hào khi vào ngày 29/11/2021, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới đã trao danh hiệu Đại sứ trẻ sở hữu trí tuệ cho nhóm các nhà sáng chế trẻ của Việt Nam vì đã sáng tạo ra "mũ chống dịch Vihelm". Và đây cũng là 3 học sinh đầu tiên ở khu vực châu Á Thái Bình Dương được WIPO trao tặng danh hiệu này .
Vì một tương lai thật sự tốt đẹp hơn
“Chúng em muốn làm một điều gì đó có thể giúp thế giới đối phó được với đại dịch COVID-19 và chúng em hy vọng rằng VIHELM có thể được những người cần nó sử dụng vì những lợi ích to lớn hơn.” (Đỗ Minh Trọng Đức - trưởng nhóm sáng tạo ra "mũ chống dịch Vihelm") .
Ngày nay, sở hữu trí tuệ chính là một trong ba trụ cột của thương mại quốc tế hiện đại. Vì vậy, việc nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thế hệ trẻ hiện nay sẽ thúc đẩy tư duy không ngừng đổi mới, sáng tạo cống hiến hết mình nhằm tạo ra những tài sản trí tuệ thực sự chất lượng. Hơn thế nữa, điều này sẽ tạo một làn sóng vô cùng mạnh mẽ giúp Việt Nam nâng cao được vị thế của mình trong trường quốc tế, nhất là khi Việt Nam là một trong những thành viên của tổ chức Thương mại thế giới WTO.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang quan tâm nhiều hơn đến việc khuyến khích các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo cho giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025". Tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của Học sinh - Sinh viên lần thứ 4 vào 26/3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Chúng ta phải thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ngành giáo dục nói chung, nhất là hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng nói riêng. Nhà trường và các thầy, cô giáo phải là người truyền cảm hứng, truyền lửa để học sinh, sinh viên xác định rõ mục đích của việc học tập, có tinh thần học tập, thay đổi tâm thế khi ra trường. Đồng thời, khuyến khích sinh viên có những sáng kiến, đổi mới sáng tạo, tạo ra những mô hình kinh doanh mới, có những đề tài nghiên cứu ứng dụng có thể thương mại hóa hoặc áp dụng vào thực tế, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra giá trị cho cộng đồng và cho toàn xã hội" .
Như vậy, về mặt khách quan, Thế hệ Z Việt Nam dù đang trải qua một giai đoạn đầy thách thức, khó khăn với những vấn đề toàn cầu do Covid-19 mang lại nhưng vẫn có những tiền đề, điều kiện thuận lợi để phát huy năng lực sáng tạo của bản thân như thế giới mở cùng nền tri thức hiện đại dựa trên nền tảng kỹ thuật số, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội cùng với sự hỗ trợ đắc lực của các công cụsở hữu trí tuệ. Nhà văn Jonathan Swift đã từng nói: “Sáng tạo là tài năng của tuổi trẻ, cũng như phán đoán là tài năng của tuổi già”, vì vậy, chúng ta hy vọng thế hệ trẻ sẽ khai thác hết được nguồn năng lượng vô tận đó để mỗi ngày qua đi sẽ thực sự là những ngày có ý nghĩa, đồng thời không ngừng hoàn thiện bản thân hướng tới mục tiêu trở thành một “công dân toàn cầu”, kiến tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn.