Kể từ khi Cơ quan Giám sát Năng lượng Toàn cầu (GEM) bắt đầu theo dõi vào năm 2015, công suất các dự án điện than đang phát triển trên toàn cầu liên tục giảm, trải qua một lần tăng duy nhất vào năm 2020 và năm 2021 đã giảm trở lại.
Công suất các dự án điện than đang phát triển trên toàn cầu năm 2021 giảm 13% từ 525 gigawatt xuống còn 457 gigawatt - mức thấp kỷ lục, theo
khảo sát hàng năm của GEM.
“Việc phát triển các dự án điện than đang bị thu hẹp, nhưng thực tế là không còn ngân sách carbon để xây dựng các dự án điện than mới,” nhà phân tích Flora Champenois của GEM cho biết. “Báo cáo IPCC đã chỉ ra rất rõ ràng - ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới và cho các nhà máy hiện có ở các nước phát triển ngừng hoạt động vào năm 2030, và sau đó đến các nhà máy điện than ở các quốc gia còn lại.”
Ảnh minh họa. Nguồn: euroactiv.com.
Tháng 1/2021, có 41 quốc gia xem xét phát triển các dự án điện than mới. Đến cuối năm 2021, con số này giảm còn 34. Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều cam kết ngừng hỗ trợ công cho các nhà máy điện than mới ở nước ngoài, tất cả các nước G20 đều đã có các cam kết tương tự. Với những cam kết này, về cơ bản không còn nước nào sử dụng tài chính công để hỗ trợ xây dựng các nhà máy điện than mới ở nước khác.
Tuy nhiên Trung Quốc vẫn tiếp tục là nước dẫn đầu trong việc xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy điện than mới trong nước. Hơn một nửa (56%) trong tổng số 45 gigawatt (GW) công suất điện than mới đưa vào vận hành là ở Trung Quốc. Công suất điện than mới đưa vào vận hành ở Trung Quốc (25,2 GW) gần như bù lại cho các nhà máy điện than đã bị ngừng hoạt động ở phần còn lại của thế giới (25,6 GW).
Năm 2021 Mỹ cho ngừng hoạt động khoảng 6,4 đến 9 GW công suất nhà máy điện than, mức công suất ngừng hoạt động này thấp hơn các năm 2019 và 2020.
27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu đã cho ngừng hoạt động 12,9 GW điện than vào năm 2021 - mức kỷ lục. Trong đó số công suất điện than bị ngừng hoạt động nhiều nhất ở Đức (5,8 GW), Tây Ban Nha (1,7 GW) và Bồ Đào Nha (1,9 GW). Bồ Đào Nha trở thành quốc gia không có điện than vào tháng 11 năm 2021, sớm hơn chín năm so với mục tiêu loại bỏ điện than vào năm 2030 của họ.
Global Energy Monitor là tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, chuyên cung cấp thông tin liên quan tới các dự án nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới.
Ngoài GEM, các đồng tác giả của báo cáo gồm Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, E3G, Sierra Club, Giải pháp cho Khí hậu của Chúng ta, Mạng lưới Kiko, Mạng lưới Hành động vì Khí hậu Châu Âu, Sáng kiến Pháp lý về Rừng và Môi trường, Nhóm Công tác tại Bangladesh về Nợ nước ngoài, Bangladesh Poribesh Andolon, và Waterkeepers Bangladesh. |
Nguồn:
Xuân Thu tổng hợp