Gia tốc đổi mới sáng tạo trong quốc phòng cho Khối Bắc đại Tây Dương (DIANA) là chương trình nghiên cứu mới của NATO nhằm kết hợp ngành công nghiệp với các công ty khởi nghiệp, và giới nghiên cứu để tạo ra bước chuyển biến lớn trong nghiên cứu các công nghệ lưỡng dụng mới có thể giải quyết được cả vấn đề xã hội và các vấn đề an ninh quốc gia.

Trong giai đoạn hoạt động đầu của mình, DIANA sẽ vận hành một mạng lưới gồm hơn 10 địa điểm gia tốc công nghệ và hơn 50 trung tâm thử nghiệm trong các trung tâm đỏi mới sáng tạo khắp các quốc gia liên minh NATO. Mục tiêu là trao cho các nhà đổi mới sáng tạo các cơ hội có thể mang công nghệ lưỡng dụng ra thị trường.

Một trung tâm tăng tốc đổi mới sáng tạo sẽ được đặt ở Viện Nghiên cứu Niels Bohr tại ĐH Copenhagen. Nguồn: Niels Bohr Institute

Tuy ngân sách cho chương trình này chưa được loan báo nhưng các hoạt động thử nghiệm ban đầu sẽ khởi động sớm vào mùa hè năm 2023, với mục tiêu trang bị đầy đủ thiết bị và vận hành vào năm 2025, nhưng đã có cam kết một khoản đầu tư mạo hiểm một tỉ euro cho các startup giai đoạn đầu.

Sự nổi trội của công nghệ

Chín công nghệ mà NATO muốn thúc đẩy là AI, dữ liệu và tính toán, tự động hóa, công nghệ tăng cường lượng tử, công nghệ sinh học, công nghệ siêu thanh, vật liệu mới và sản xuất, năng lượng và lực đẩy, không gian. Đó là những công nghệ mang tính chiến lược cho NATO, nếu nó làm duy trì sự nổi trội về mặt công nghệ. Nỗi e ngại mất khả năng dẫn đầu về công nghệ là một trong những nguyên nhân dân đến sự ra đời của DIANA, Tomas Jermalavičius, người phụ trách bộ phận nghiên cứu của một think tank có trụ sở ở Estonia, Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và an ninh quốc tế (ICDS) nói.

Việc chuẩn bị cho sự nổi trội về công nghệ trước những quốc gia như Trung Quốc, Nga đang định hướng mục tiêu cho DIANA chu trình phát triển công nghệ “mềm” mang tính lưỡng dụng, đặc biệt là các phần mềm máy tính, AI và lượng tử. “Đó là một chân trời mới nhưng năng lực để thực hiện được nó không đến sau một đêm”, Jermalavičius nhận xét.

Kế hoạch này là để DIANA có thể mở ra các cuộc kêu gọi nộp hồ sơ cho các công ty khởi nghiệp với đầy đủ sự hỗ trợ về mặt tư vấn, dịch vụ thử nghiệm công nghệ và các cơ hội ký kết hợp đồng tiềm năng... Tất cả những ưu đãi này sẽ sẵn sàng thông qua mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo khắp các quốc gia liên minh. Một trong số các địa điểm này là Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn cho Xã hội thông minh (GATE) đặt tại Bulgaria. Một quan chức tại GATE cho biết công việc tại Viện nghiên cứu này ở chương trình DIANA sẽ tập trung vào sức khỏe số, các truyền thông nội bộ của chính phủ và sử dụng dữ liệu trong ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng đô thị. Một trong số này cũng là tập trung vào nghiên cứu tin giả, tin sai lệch.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý DIANA cũng mới ở giai đoạn đầu. Hiện mới có các cuộc trao đổi với NATO để xác định chính xác cách hợp tác giữa các trung tâm nghiên cứu, các chính phủ… Về cơ bản, các điều lệ về hoạt động của chương trình đã được chấp thuận ở một số chi tiết, tuy nhiên một số khác vẫn cần được thảo luận tiếp, ví dụ như các trung tâm của mạng lưới này và các bộ phận phụ trách kết nối… Có thể tới tháng sáu tới thì mọi việc mới chính thức được các định

Các viện giữ trọng trách chủ trì

Tuần vừa qua, Anh và Estonia đã loan báo được trao quyền là một phần của chương trình DIANA ở châu Âu. Trung tâm gia tốc đổi mới sáng tạo của Estonia được đặt tại Tallinn còn trường Imperial College London sẽ là trụ sở tại Anh của Trung tâm Chuyển đổi và đổi mới sáng tạo, trong đó Viện nghiên cứu KH&CN an ninh sẽ dẫn dắt công việc của chương trình DIANA.

Các trung tâm gia tốc đổi mới sáng tạo ở Anh và Estonia đều hỗ trợ các startup về công nghệ lưỡng dụng với việc cấp kinh phí và chuyên môn. Các nhà nghiên cứu sẽ có khả năng sử dụng các cơ sở hạ tầng ở Phòng thí nghiệm quốc phòng (Defence BattleLab) ở Dorset, Anh – một trung tâm thử nghiệm hiện đại với một phạm vi rộng từ biển đến không gian cho các thiết bị quốc phòng. Một đại diện của DASA cho biết nghiên cứu tại trụ sở ở Anh có lẽ tập trung đầu tiên vào AI và tự động hóa. Theo thời gian, địa điểm ở Anh này có thể mở rộng và lấn sân sang vật liệu, công nghệ sinh học.

Dự kiến, chín trung tâm gia tốc đổi mới sáng tạo được đặt ở Bồ Đào Nha, Anh, Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Czech. Phần lớn các thành phần NATO ở châu Âu đều sẽ đảm trách một địa điểm trong tổng số 47 điểm, ngoại từ Pháp, Lithuania, năm nước bán đảo Balkan là Slovenia, Croatia, Albania, Montenegro và Bắc Macedonia.

Lượng tử ở Đan Mạch

Đan Mạch đang dẫn đầu vấn đề lượng tử của DIANA, với một trung tâm gia tốc ở Viện Nghiên cứu Niels Bohr tại ĐH Copenhagen. ĐH Kỹ thuật Đan Mạch, ĐH Aarhus và Viện Nghiên cứu Đo lường quốc gia Đan Mạch sẽ cung cấp các trung tâm thử nghiệm và cơ sở hạ tầng sản xuất.

Trong những tháng tới, Jan Westenkær Thomsen, người dẫn dắt Viện Niels Bohr và cộng sự sẽ thảo luận về những chi tiết của trung tâm này với NATO. Một trong những mục tiêu của trường là sử dụng know-how của trung tâm gia tốc công nghệ sinh học tại Công viên khoa học sinh học Copenhagen để củng cố trung tâm lượng tử. Thomsen hy vọng dự án DIANA này sẽ bắt đầu triển khai hiệu quả trong 5 đến 10 năm nữa, ông cũng đặt niềm tin về những tiềm năng của nó. “Tất nhiên là ở giai đoạn này thì khó có thể nói về triển vọng nhưng một ý tưởng lớn là thúc đẩy các nguồn lực từ liên minh NATO lại với nhau,” ông nói. “Tôi chắc chắn là nó sẽ thực sự dẫn đến thay đổi cho điều tốt đẹp hơn”.

Theo Jermalavičius, thành công trong sự thúc đẩy cho đổi mới sáng tạo của NATO sẽ phụ thuộc vào sự chấp nhận thất bại bởi cứ 10 công ty thì chỉ có một mới tạo ra được công nghệ đột phá. Về truyền thống thì đầu tư công không thích thất bại và NATO sẽ phải đảo ngược điều đó.