Học sinh chăm học nhưng không chăm đọc là một tình trạng đáng suy nghĩ hiện nay.

Sau gia đình, trường học có vai trò to lớn trong việc hình thành thói quen đọc sách và năng lực đọc ở học sinh. Thư viện trường, câu lạc bộ đọc sách, phong trào/hoạt động khuyến đọc do thầy và trò tiến hành sẽ giúp củng cố thói quen đọc sách ở học sinh. Hơn nữa, chính ở nơi đây, những người có chuyên môn về giáo dục và văn hóa đọc như thủ thư, giáo viên sẽ giúp học sinh đọc sách có hệ thống và phát triển tối đa năng lực của mình.

Học sinh Trường THCS Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình đọc sách tại thư viện trường. Nguồn: thaibinhtv.vn

Ở những nước tiên tiến, thư viện trường học nghiễm nhiên đóng vai trò vô cùng to lớn trong giáo dục. Có những nước như Nhật Bản có hẳn bộ luật riêng về thư viện trường học, nơi thư viện được ví như “trái tim” và những hoạt động quan trọng của ngôi trường đều lấy thư viện làm cơ sở. Cụ thể, trong Luật Thư viện trường học (có hiệu lực lần đầu 1/4/1953, sửa đổi lần cuối ngày 24/6/2016) ở điều 1 ghi rõ “thư viện trường học là công trình cơ bản không thể thiếu trong giáo dục trường học và nó có mục đích hướng tới sự phát triển lành mạnh, làm phong phú giáo dục trường học”. Ở Điều 3 của bộ luật này khi quy định về “nghĩa vụ xây dựng” cũng ghi rõ “Trường học phải có thư viện”.

Thư viện trường học thể hiện vai trò ở hai chức năng chủ yếu: vừa là “trung tâm đọc sách” vừa là “trung tâm thông tin-học tập” của học sinh. Nhân viên hoạt động ở thư viện trường học Nhật Bản được phân làm hai loại - “thủ thư trường học” và “thủ thư giáo viên”. “Thủ thư giáo viên” là những giáo viên làm công tác giảng dạy bình thường nhưng có học nghiệp vụ thư viện và được cấp chứng chỉ hành nghề thư viện. Đây là những người sẽ hợp tác với “thủ thư trường học” đưa ra những hướng dẫn chi tiết, cụ thể cho học sinh trong việc chọn sách để đọc phục vụ học tập và giải trí. Họ cũng giúp học sinh tiến hành các dự án học tập hay các nghiên cứu tự do.

Ở Việt Nam mới chỉ có Luật Thư viện chứ chưa có Luật Thư viện trường học. Nhiều trường phổ thông còn chưa có cả thư viện hoặc thư viện chỉ hiện diện như kho chứa sách (phần lớn là sách giáo khoa và sách bài tập, tham khảo) chứ không có các hoạt động khuyến đọc và trợ giúp học sinh đọc và học hiệu quả. Học sinh không đến thư viện đọc sách và cũng không được mượn sách về nhà.

Không đọc, học sinh dễ sa vào học gạo

Trong những lý do mà nhiều giáo viên đưa ra để giải thích tình trạng “học sinh và giáo viên không đọc sách” thường có lý do “việc dạy và học quá bận”. Việc các giáo viên và học sinh luôn phải dồn sức chạy cho kịp chương trình và các kỳ thi là một thực tế rõ ràng. Tuy nhiên, nghĩ cho kỹ thì đây là lý do vô cùng kì lạ. Tại sao việc “học” và “đọc” lại phải tách rời nhau mà không là một hoặc gắn bó chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau. Trong bối cảnh hiện nay, trường học không phải là nơi truyền đạt kiến thức cho học sinh theo một chiều và nhồi nhét. Giáo dục hiện đại phải tạo ra được những con người chủ động, sáng tạo, có tư duy phê phán, có năng lực lựa chọn và xử lý thông tin.

Chính vì vậy, cho dù học môn học nào, giáo viên đương nhiên phải hướng dẫn học sinh đọc không chỉ sách giáo khoa mà cả các cuốn sách khác để hiểu rõ hơn nội dung học tập và giải quyết được các nhiệm vụ học tập. Giáo viên cũng cần tiến hành công việc “nghiên cứu giáo tài” để tự mình sưu tầm, biên soạn các tài liệu được gia công sư phạm công phu để in và phát cho học sinh đọc trong và ngoài giờ học.

Học sinh chăm học nhưng không chăm đọc là một tình trạng đáng suy nghĩ. Các em đã và đang học văn mà chỉ đọc các đoạn trích trong sách giáo khoa, không hề đọc toàn bộ tác phẩm, không đọc các tác phẩm khác của của cùng tác giả, cũng không đọc về cuộc đời tác giả. Tình trạng này cũng có thể thấy ở bất kì môn học nào khác. Cách đó còn gọi là “học gạo”, chỉ phục vụ thi cử. Nó không tạo ra được những người có học vấn thực sự. Việc khuyến đọc trong trường học sẽ có hiệu quả nhanh và thiết thực khi giáo viên đưa “khuyến đọc” vào chính nội dung môn học mình phụ trách. Vào dịp đầu năm hay ở từng thời điểm như bắt đầu mỗi chương, mỗi bài, giáo viên có thể đưa ra cho học sinh danh mục những cuốn sách cần đọc cùng hướng dẫn về nơi tìm được cuốn sách và cách thức đọc, ghi chép… Trước mỗi kì nghỉ dài như nghỉ Tết, nghỉ hè, giáo viên cũng nên công bố danh mục các cuốn sách “phải đọc” (bắt buộc) và “nên đọc” (khuyến khích) đồng thời có biện pháp hỗ trợ thường xuyên.

Kinh nghiệm Nhật Bản

Để hoạt động khuyến đọc phát huy hiệu quả cao nhất, nhà trường, thủ thư thư viện và giáo viên cần phối hợp tiến hành các hoạt động ngoại khóa liên quan đến đọc sách. Đó có thể là các hoạt động của thư viện như “thi điểm sách”, “thi viết cảm nhận về sách”, “triển lãm sách theo chủ đề” hoặc các hoạt động khuyến đọc ở ngoài trường như thi “Đại sứ văn hóa đọc”.


Trường tiểu học Ryusui, tỉnh Kagoshima, Nhật Bản, nơi khởi phát phong trào 20 phút “Cha mẹ đọc sách cùng con”, được đặt bia ghi nhận. Nguồn: washimo-web.jp

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cách thức hiệu quả nhất là nhà trường, thư viện, giáo viên tổ chức nên các câu lạc bộ đọc sách hoặc các câu lạc bộ lấy hoạt động đọc sách làm nền tảng như “câu lạc bộ hùng biện”, “câu lạc bộ viết sáng tạo”, “câu lạc bộ đọc và viết”, “câu lạc bộ phóng viên”… để tập hợp các học sinh yêu sách và lấy đó làm nền tảng để cuốn hút đông đảo các học sinh khác. Các câu lạc bộ này sẽ do học sinh sáng lập, điều hành. Giáo viên, thủ thư trường học và nhà trường chỉ là người đỡ đầu, cố vấn, tài trợ, giúp đỡ. Hoạt động trong câu lạc bộ có thể là đọc sách; xuất bản và phát hành nội san của câu lạc bộ, trường, lớp; bình luận, viết cảm nhận về sách; tổ chức triển lãm sách ở trong và ngoài trường; bình chọn các cuốn sách hay định kì theo tuần, tháng, năm…

Các nhà trường cũng có thể học tập Nhật Bản trong việc tiến hành các phong trào như “Cha mẹ đọc sách cùng con”, “Đọc sách buổi sáng”, “Đọc sách đồng loạt”. Những phong trào này xuất hiện ở nước Nhật quãng những năm 1950. Hoạt động trung tâm của phong trào là mỗi buổi sáng, toàn bộ giáo viên, học sinh dành 10-15 phút đầu giờ cho hoạt động đọc sách. Đó có thể là một giáo viên, một học sinh đọc sách cho toàn trường nghe hoặc mỗi người tự đọc cuốn sách mình yêu thích trong im lặng. Bắt đầu từ một vài ngôi trường, giờ đây phong trào đã lan ra toàn quốc và ở cấp tiểu học đã có gần 98% các trường tham gia. Hiệu quả của nó trong việc hình thành ở học sinh thói quen đọc sách cũng như niềm vui khi đọc sách được thực tế chứng minh rất rõ. Những ngôi trường là nơi khởi phát các phong trào này đã được đặt bia ghi nhận như địa điểm lịch sử. Các trường học Việt Nam đang rất cần một phong trào khuyến đọc đảm bảo được cả bề rộng lẫn bề sâu để cuốn hút giáo viên và học sinh như vậy.

Cuối cùng, để văn hóa đọc có đất phát triển trong trường học, đời sống học đường cần được cải thiện để ngôi trường không biến thành trung tâm luyện thi và học sinh đến trường chỉ để giải bài tập và... luyện đề cương.