Việc liên kết đa trường, đa ngành sẽ giúp sinh viên, giảng viên, các nhà khoa học bù đắp những điểm yếu của nhau, từ đó tham gia giải quyết những vấn đề thiết yếu của xã hội.

Thiếu tính đa dạng

Nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với dự án khởi nghiệp Brick One - Hệ sinh thái giáo dục STEM được trưng bày tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020. Đầu năm ngoái, dự án đã nhận được đầu tư từ CTCP Haybike. Ảnh: hanoimoi

Một cách trùng hợp, tại Hội thảo “Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo liên kết với thị trường trong các trường đại học tại Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức vào ngày 24/3 vừa qua, cả GS.TS Nguyễn Thị Lan (Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam), PGS.TS Phạm Hồng Chương (Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân), PGS.TS Nguyễn Vũ Việt (Phó Giám đốc Học viện Tài chính) đều lựa chọn từ khóa “kết nối” để nói về yếu tố then chốt làm nên một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở. Theo quan điểm của họ, đó không chỉ là sự kết nối giữa trường đại học với chính phủ, giữa đại học với doanh nghiệp, mà còn là chính sự kết nối giữa các trường đại học với nhau.

Vì sao các trường lại cần phải hợp tác với nhau khi mỗi trường đã có rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực mà họ phụ trách đào tạo, nghiên cứu? Thứ nhất, trong bối cảnh thế giới ngày một phát triển, kéo theo sự xuất hiện của những xu hướng công nghệ mới giao thoa nhiều lĩnh vực như EdTech (công nghệ giáo dục), MedTech (công nghệ y tế), HRTech (công nghệ nhân sự), PropTech (công nghệ bất động sản) v.v.; sẽ rất khó nếu các startup, nhóm khoa học chỉ gồm những người nghiên cứu thuần về công nghệ, tài chính, hay văn hoá - xã hội. Nếu muốn thực sự giải quyết các vấn đề trong đời sống, cần có sự kết hợp đa ngành, đa lĩnh vực.

Thứ hai, hiện tại, với cách tiếp cận đổi mới sáng tạo mở, doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, chính phủ/địa phương sẽ trở thành người đặt đầu bài, tìm kiếm các phương thức mới giải quyết bài toán của mình từ những startup, nhà khoa học, nhóm nghiên cứu ở bên ngoài đơn vị - thay vì chỉ đơn độc dựa vào nguồn lực sẵn có của mình để nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, ​​chia sẻ với Báo Khoa học và Phát triển, anh Phạm Tuấn Hiệp (Giám đốc vườn ươm BK Holdings, Giám đốc quản lý Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo - BK Fund, thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, hệ sinh thái mới hiện vẫn chưa có nhiều hạt giống tốt để ươm tạo, nuôi dưỡng, giới thiệu cho các tập đoàn công nghệ hay vườn ươm khởi nghiệp. Vì vậy, việc hình thành những cụm liên kết đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy hệ sinh thái, tăng năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho các trường.

Sự hợp tác tích cực giữa các trường sẽ là yếu tố quan trọng “làm nên sự đa dạng, bù đắp cho những khoảng trống của nhau trong quá trình xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo”, theo TS. Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc BK-Holdings (Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội).

Trên thực tế, các trường đại học tại Việt Nam thường tập trung vào một vài nhóm ngành cụ thể, ví dụ như các trường chuyên về Kỹ thuật (ĐH Bách khoa, ĐH Công nghệ), các trường về Kinh tế (ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân), hay về Y khoa (ĐH Y, ĐH Dược). Đa số các phong trào khởi nghiệp của sinh viên hiện nay chỉ phát triển tại chính trường đại học mà sinh viên đó theo học, và điều này “làm giảm đi sự kết nối giữa sinh viên các khối ngành khác nhau, từ đó thiếu đi những mắt xích quan trọng trong việc phát triển mô hình, dự án khởi nghiệp”, như chia sẻ của một sinh viên tại buổi lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV diễn ra vào tuần trước.

Một trong những phương án gia tăng sự kết nối, theo PGS.TS Phạm Hồng Chương là các trường có thể công nhận tín chỉ trong một số học phần nhất định của nhau. Chẳng hạn, sinh viên khối ngành kỹ thuật có thể sang một trường kinh tế học những môn liên quan đến tài chính khởi nghiệp, hoặc sang một trường nhân văn để học các môn cơ bản nếu muốn phát triển một dự án về công nghệ trình chiếu trong bảo tàng. Điều này không chỉ giúp các sinh viên thu nhặt được những kiến thức có ích, mà có góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa các giảng viên, gợi mở những ý tưởng mới trong giảng dạy, từ đó mở ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo liên ngành, liên trường.

Những hợp tác ban đầu

Trên thực tế, sự hợp tác đã bắt đầu manh nha từ những ‘cú bắt tay’ tự phát giữa sinh viên các trường khi thành lập startup tham dự các cuộc thi như SV_STARTUP, CiC, Startup Wheel. Điểm nhấn khuyến khích mối liên kết này có thể kể đến sự kiện “Founder Matching Event” do BK Holdings phối hợp với Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (CSIE) tổ chức vào năm 2018. Tại sự kiện này, các sinh viên Đại học Bách khoa đã trình bày các dự án khởi nghiệp được xây dựng ở cấp độ sơ khai của mình, còn các sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân thì thảo luận về tính khả thi của dự án, đối tượng sử dụng, so sánh ưu điểm đề án so với các giải pháp công nghệ hoặc sản phẩm khác đã có mặt trên thị trường, sự tương xứng giữa chi phí và lợi ích mang lại… Quá trình thuyết trình và thảo luận giúp các sinh viên chuyên về kỹ thuật tìm kiếm những người đồng hành có thể bù đắp điểm yếu về lập kế hoạch tài chính của mình.

Giai đoạn sau đó, vào năm 2020, để hình thành sự liên kết vững chắc và lâu dài, giúp tận dụng hợp lý những nguồn lực hữu hạn như nguồn vốn, mentor, khu làm việc chung… giữa các trường, ĐH Bách khoa Hà Nội đã phát triển trung tâm chuyển giao công nghệ (BK TTO) trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo không chỉ phục vụ cho riêng trường Bách khoa mà còn tạo điều kiện kết nối các trường Đại học khác, dẫn dắt tạo nên sự đa dạng.

Thông qua Chương trình Lab2market, BK Holdings cũng hỗ trợ ươm tạo, huấn luyện, kết nối đầu tư, chuyển giao công nghệ hoặc spin off cho 12 kết quá nghiên cứu của hơn 10 trường đại học như ĐHQGHN, ĐH Phenikaa, ĐH Dược Hà Nội. “Thực tế cho thấy, nếu chỉ đầu tư ươm tạo các nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp spin off trong khuôn khổ ĐH Bách khoa Hà Nội thì không đủ. Có nhiều vấn đề của xã hội mà một nhóm từ trường Bách khoa Hà Nội chưa đủ mạnh để giải quyết nên cần liên kết thêm với các trường khác như ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Dược…”, anh Phạm Tuấn Hiệp lý giải vì sao trường quyết định biến hệ sinh thái khởi nghiệp của ĐH Bách khoa trở thành một hệ sinh thái ‘mở’.

Nhìn chung, các trường dù đã chủ động có những hợp tác nhất định, nhưng vẫn còn khá đơn lẻ và sơ khởi, chưa thực sự hình thành được một mạng lưới liên kết chặt chẽ và rộng khắp - điều này có thể lý giải một phần do thiếu tác động cụ thể để hình thành mạng lưới liên kết hợp tác giữa các trường. Hiện tại, một trong những điểm sáng hiếm hoi đó là Bộ GD-ĐT với Đề án 1665 hỗ trợ Học sinh sinh viên khởi nghiệp đang manh nha hình thành ba trung tâm đổi mới sáng tạo ở ba miền Bắc - Trung - Nam. Tâm điểm của mỗi trung tâm chính là liên kết hợp tác giữa các trường đại học.

Trong lúc chờ đợi các chính sách cụ thể được ban hành, bản thân các trường đang ấp ủ những ý tưởng hợp tác mới để đồng hành cùng nhau. “Trong vài tháng tới, tôi mong muốn trường ĐH Kinh tế Quốc dân và ĐH Bách Khoa Hà Nội sẽ đạt được thỏa thuận công nhận tín chỉ chung một số ngành nhất định, để sinh viên trường chúng tôi có thể thuận lợi sang trường Bách khoa học và ngược lại”, PGS.TS Phạm Hồng Chương chia sẻ. Theo ông, trong tương lai không xa, những ngày công nghiệp mới đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế và công nghệ sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn rất nhiều so với những ngành công nghiệp truyền thống, “vì vậy những liên kết khởi đầu như thế này biết đâu sẽ còn gợi mở ra nhiều kết nối hơn nữa, từ đó giúp các sinh viên sớm chuẩn bị cho tương lai?”