Một trong những nhà tài trợ khoa học phi chính phủ lớn nhất thế giới, Quỹ Wellcome (Wellcome Trust), đang mở rộng trọng tâm đầu tư của mình sang nghiên cứu ứng dụng, thay vì chủ yếu là nghiên cứu cơ bản như trước đây.

Tổ chức này có trụ sở tại London và chi hơn 1 tỷ bảng Anh (gần 1,3 tỷ USD) mỗi năm để tài trợ cho khoa học. Mới đây Wellcome cho biết họ sẽ tăng cường tài trợ cho nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe của sự nóng lên toàn cầu, và sức khỏe tâm thần.

"Đây là một sự thay đổi lớn," Jeremy Farrar, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, người đứng đầu Quỹ Wellcome, cho biết. "Không chỉ là khám phá khoa học mà còn là đảm bảo rằng những thay đổi sẽ đến với cuộc sống của mọi người."

Quỹ Wellcome với tổng tài sản hơn 36 tỷ USD sẽ chuyển trọng tâm sang đầu tư nghiên cứu ứng dụng, cụ thể là các bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe của sự nóng lên toàn cầu, và sức khỏe tâm thần.

Quỹ Wellcome vốn đã hỗ trợ nghiên cứu đáng kể về bệnh truyền nhiễm. Nhưng các đợt bùng phát đang "trở nên lớn hơn, thường xuyên hơn và phức tạp hơn", do đó Quỹ sẽ chi nhiều tiền hơn để nghiên cứu các bệnh nhiệt đới bị bỏ quên và thúc đẩy "các thử nghiệm lâm sàng với người tham gia đa dạng hơn" - người phát ngôn của Quỹ Wellcome cho biết.

Quỹ cũng hy vọng tạo ra ảnh hưởng trong các lĩnh vực mới. Người phát ngôn của Quỹ lập luận rằng, trong 30 năm qua có "rất ít tiến bộ khoa học" về sức khỏe tâm thần hoặc về tác động sức khỏe của sự nóng lên toàn cầu, bao gồm sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, bệnh tật liên quan đến nhiệt và tỷ lệ tử vong.

Bổ sung sức khỏe tâm thần vào danh mục tài trợ là một bước tiến đặc biệt lớn, theo Devi Sridhar, chuyên gia sức khỏe toàn cầu tại Đại học Edinburgh, người đã nhận một số khoản tài trợ từ Quỹ Wellcome và được Quỹ tham khảo ý kiến về chiến lược mới. "Chúng tôi chưa thực sự thấy một tổ chức từ thiện nào tham gia vào sức khỏe tâm thần."

Quỹ Wellcome, với tổng tài sản trị giá hơn 36 tỷ USD (nhiều hơn 22,6 tỷ USD của Viện Y tế Howard Hughes và ít hơn 50 tỷ USD của Quỹ Gates), cũng có kế hoạch dành phần lớn chi tiêu bên ngoài Vương quốc Anh. Theo Farrar, Quỹ muốn thúc đẩy hợp tác quốc tế như một đối trọng với chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy.

Farrar thừa nhận rằng chiến lược mới là bước ngoặt so với việc tập trung đầu tư vào nghiên cứu cơ bản dựa trên sự tò mò như trước đây.

Chiến lược mới của Quỹ Wellcome có khả năng tác động đến các nhà tài trợ khác vì Wellcome Trust có ảnh hưởng rất lớn trong hệ thống nghiên cứu ở Vương quốc Anh.

Tuy nhiên, Farrar nhấn mạnh, nghiên cứu cơ bản sẽ vẫn là đối tượng được hưởng lợi chính trong vòng 3 đến 5 năm tới, một phần do Quỹ Wellcome cần phát triển chuyên môn trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu; một phần do sự giàu có ngày càng tăng của Quỹ bảo đảm mức chi tiêu hiện tại không bị ảnh hưởng trong khi chi tiêu trong các lĩnh vực mới tăng lên.

Helga Nowotny, cựu chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Châu Âu (ERC), tổ chức tài trợ cho nghiên cứu cơ bản của EU, nói, việc Quỹ Wellcome thay đổi chiến lược là một tin tốt. Khi đại dịch Covid và biến đổi khí hậu gây áp lực lên xã hội, nghiên cứu cơ bản phải nhường chỗ cho những nghiên cứu tập trung vào các vấn đề cấp bách. Trong một thỏa thuận hồi tháng 7 năm nay, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đề xuất cắt giảm ngân sách cho ERC để có lợi cho các nghiên cứu ứng dụng hơn. "Xu hướng ưu tiên nghiên cứu định hướng ngắn hạn hơn nghiên cứu khám phá gần đây đã trở lại," Nowotny nói.

Nguồn: