Theo mô hình Liên Xô, cho đến đầu những năm 1990, các trường đại học Việt Nam vẫn không có truyền thống làm nghiên cứu mà tập trung chủ yếu vào giảng dạy. Nhưng 20 năm qua (1999-2019), Chính phủ Việt Nam đã tạo ra nhiều chính sách về cơ cấu tổ chức và nhân sự để phát triển nghiên cứu trong trường đại học.
Khẳng định nghiên cứu là nhiệm vụ của các tổ chức giáo dục
Xét về bối cảnh lịch sử, các trường đại học Việt Nam đã không có các điều kiện thuận lợi để phát triển nghiên cứu. Theo mô hình Liên Xô, cho đến đầu những năm 1990, các trường đại học Việt Nam vẫn không có truyền thống làm nghiên cứu mà tập trung chủ yếu vào giảng dạy. Các trường đại học và doanh nghiệp chỉ quản lý khoảng 4,85% (150/3.088) các viện nghiên cứu.
Tuy nhiên, trong 20 năm qua (1999-2019), chính phủ Việt Nam đã tạo ra nhiều chính sách về cơ cấu tổ chức và nhân sự để phát triển nghiên cứu trong trường đại học.
Chính sách sớm nhất và quan trọng nhất có lẽ là Quyết định số 324-CT năm 1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng Chính phủ hiện nay). Trong Quyết định này, Chính phủ bày tỏ mong muốn các trường đại học ‘thực hiện tất cả các loại hình nghiên cứu từ cơ bản đến ứng dụng, thực nghiệm và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào đời sống và sản xuất’.
Trong tất cả các quy định của Chính phủ liên quan đến giáo dục đại học (GDĐH) tiếp sau đó như Nghị quyết về đổi mới cơ bản va toàn diện GDĐH giai đoạn 2006 - 2020, Luật GDĐH (2012, 2018), Luật Giáo dục 2019, Quyết định số 69/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025…, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của các trường đại học liên tục được tái khẳng định. Ví dụ, Luật Giáo dục 2019 khẳng định, ‘Hoạt động nghiên cứu và phát triển là nhiệm vụ và trách nhiệm của các tổ chức giáo dục’.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, cùng với sự ra đời của các bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới và ‘phong trào’ xây dựng trường đại học ‘đẳng cấp quốc tế’ diễn ra ở nhiều nước, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc nâng cao năng lực nghiên cứu và xếp hạng đại học. Năm 2007, chính phủ đặt mục tiêu có một trường đại học được xếp hạng trong 200 trường đại học hàng đầu thế giới vào năm 2020. Mặc dù mục tiêu này không đạt được nhưng, ít nhất về mặt lý thuyết, nó thể hiện mong muốn của chính phủ Việt Nam nhằm hội nhập hệ thống GDĐH quốc gia với giáo dục đại học thế giới. Năm 2019, chính phủ đã kỳ vọng có ‘ít nhất 4 trường đại học được xếp hạng trong 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới, 2 trường trong top 100 và 10 trường trong 400 trường hàng đầu châu Á’. Mục tiêu này có vẻ khả thi hơn.
Áp dụng cơ chế cạnh tranh dựa trên năng suất nghiên cứu
Cùng với việc ban hành các chính sách ở tầm vĩ mô, Chính phủ cũng bắt đầu áp dụng một số cơ chế cạnh tranh dựa trên năng suất nghiên cứu (thay vì kế hoạch) để phân bổ tài trợ nghiên cứu.
Năm 2003, Chính phủ thành lập Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED). Không giống như các chương trình phân bổ ngân sách khác do Nhà nước tài trợ, NAFOSTED áp dụng cơ chế tài trợ cạnh tranh dựa trên hiệu quả hoạt động của các nhà nghiên cứu. Để một nhà nghiên cứu được NAFOSTED tài trợ, điều kiện tiên quyết là phải có ít nhất một công bố quốc tế được bình duyệt. Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2008, có thể nói việc NAFOSTED ra đời và hoạt động là một ‘cuộc cách mạng’ trong quản lý nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn trong tổng ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu, nhưng có thể nói NAFOSTED đã góp phần đáng kể trong việc tạo ra văn hóa nghiên cứu khoa học tiệm cận chuẩn mực quốc tế trong hệ thống nghiên cứu khoa học ở cấp quốc gia của Việt Nam. Các dự án do NAFOSTED tài trợ tạo ra 20-25% số lượng các xuất bản ISI trên toàn quốc và 50% số ấn phẩm có chỉ số ISI do nhà nước tài trợ.
Ngoài ra, Việt Nam cũng bắt đầu sử dụng xuất bản quốc tế được bình duyệt trong công tác đào tạo Tiến sĩ và xét duyệt hồ sơ Giáo sư, Phó Giáo sư. Từ chỗ ít coi trọng các công bố quốc tế, ngày nay, công bố quốc tế đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm đối với nghiên cứu sinh tại Việt Nam.
Kể từ năm 2017, một trong những điều kiện để nghiên cứu sinh được đăng ký đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn là đã công bố tối thiểu 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus hoặc đã công bố tối thiểu 2 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện. Còn để trở thành người hướng dẫn nghiên cứu sinh, các giảng viên cũng bắt buộc phải có các công bố quốc tế. Đồng thời, từ năm 2018 trở đi, người được công nhận Giáo sư, Phó giáo sư phải có công bố trên tạp chí quốc tế ISI. Đây là những chính sách quan trọng nhằm giúp nền học thuật Việt Nam hội nhập gần hơn với các chuẩn mực và thông lệ học thuật quốc tế.
Trước đó, năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2014 / NĐ-CP, nêu rõ các quy định và hướng dẫn về cách thức đầu tư và phát huy tiềm năng nghiên cứu trong các cơ sở GDĐH. Nghị định này xác định các lĩnh vực đầu tư (ví dụ: nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và kinh phí); loại hình cơ sở GDĐH nên được hưởng đầu tư (ví dụ như các trường đại học trọng điểm) và tiêu chí để được nhận đầu tư (ví dụ phải có 25% giảng viên có trình độ Tiến sĩ). Nghị định cũng đưa ra một danh sách các chính sách quản lý nguồn nhân lực được đề xuất cho phát triển nghiên cứu như: thưởng tài chính cho các công bố quốc tế, lợi ích về thuế đối với thu nhập từ hoạt động R&D, tài trợ thành lập nhóm nghiên cứu mạnh và tham dự các hội nghị quốc tế. Với chính sách này, các trường đại học được phép thưởng cho một giảng viên đến 30 lần mức lương cơ bản nếu họ có bài đăng trên các tạp chí thuộc chỉ mục ISI, SCI, SCIE. Ví dụ, Đại học Kinh tế TPHCM thưởng tới 200 triệu (tương đương 8.500 USD) cho những giảng viên có công bố trên tạp chí Q1 thuộc danh mục ISI/Scopus. Trong hoàn cảnh hiện tại, khi các giảng viên đại học còn phải làm thêm để tăng thu nhập, chính sách khen thưởng này đã tạo động lực tốt cho họ đầu tư thời gian làm nghiên cứu và công bố kết quả.
Ba đề án quan trọng: 322, 911 và 89
Để phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học quốc gia, Chính phủ đã phát triển/thực hiện ba đề án quan trọng: 322, 911 và 89, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc phát triển lực lượng lao động học thuật quốc gia.
Cụ thể, Đề án 322 có mục tiêu chính của là ‘Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu và phát triển trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học ở nước ngoài hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước’. Bất kỳ sinh viên, học giả và nhà nghiên cứu nào đang làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu và trung tâm công nghệ tiên tiến đều có thể đăng ký để trở thành ứng viên của Đề án.
Trong khi đó, Đề án 911 tập trung vào đào tạo ít nhất 20.000 tân tiến sĩ cho các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, giai đoạn 2010 – 2020, với 10.000 người được đào tạo ở nước ngoài, 10.000 người được đào tạo ở Việt Nam và 3.000 người được kết hợp đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và trường đại học nước ngoài.
Còn Đề án 89 là đề án mới nhất với bốn nhiệm vụ cho giai đoạn 2019 - 2030: (1) nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường đại học Việt Nam; (2) thu hút người có bằng tiến sĩ về làm việc cho các trường đại học Việt Nam; (3) nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý trường đại học; và (4) nâng cao khả năng giảng dạy, nghiên cứu và kết nối xã hội của đội ngũ hiện có. Đề án muốn đào tạo trình độ Tiến sĩ cho 10% tổng số giảng viên đại học, trong đó 70% được đào tạo ở nước ngoài, và 30% được đào tạo ở Việt Nam; đồng thời thu hút ít nhất 1.500 người có bằng Tiến sĩ trong nước và quốc tế từ bên ngoài lĩnh vực GDĐH tham gia vào lực lượng lao động học thuật.
Sau 10 năm, Đề án 322 đã đào tạo được 4.590 lượt cán bộ với gần 3.000 trong số đó được đào tạo ở nước ngoài, và hơn 1.000 là tiến sĩ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu sinh tốt nghiệp Tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài từ Dự án 322 đã phải trải qua những thách thức lớn khi trở về. Đa số họ có mức lương không đủ để duy trì cuộc sống của tầng lớp trung lưu. Một số trở lại vị trí làm việc cũ nhưng lại không có các điều kiện thích hợp để làm nghiên cứu.
Đề án 911 cũng không đạt được mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ. Trong giai đoạn 2012-2016, chỉ có 800 người tốt nghiệp Tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài và 4 người tốt nghiệp Tiến sĩ theo mô hình liên kết (giữa một trường đại học Việt Nam và một trường đại học nước ngoài). Một rào cản chính trong việc thực hiện Đề án này là trình độ tiếng Anh còn hạn chế của các ứng viên nghiên cứu sinh.
Đề án 89 có vẻ là một gói đề án toàn diện nhất cho tới nay nhằm xây dựng nguồn nhân lực cho các trường đại học. Hy vọng đề án mới này sẽ giải quyết được những hạn chế của Đề án 322 và 911 để các trường đại học không chỉ gửi cán bộ đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài mà còn có khả năng sử dụng năng lực nghiên cứu của các nghiên cứu sinh sau khi họ trở về.
Kỳ 2: Kết quả ban đầu và những điểm yếu cần khắc phục
Chú thích:
Bài viết được rút gọn từ chương “A Review of University Research Development in Vietnam from 1986 to 2019” của chính tác giả, trong cuốn sách “Higher Education in Market-Oriented Socialist Vietnam: New Players, Discourses, and Practices” do GS.TS Phan Lê Hà và TS Đoàn Bá Ngọc chủ biên, Palgrave Macmillan xuất bản tháng 9/2020. Các thông tin trong bài viết có nguồn trích dẫn đầy đủ trong bản gốc tiếng Anh.